Tháng 11 năm 2001 – phiên bản BKAV 2002 chạy trực tiếp trên nền Microsoft Windows được ra đời.
Năm 2005 – BKAV tách mảng ra thành 5 phiên bản gồm có BKAV Home, BKAV Pro, BKAV Mobile, BKAV Enterprise, BKAV Gateway Scan.
Ngày 26 tháng 5 năm 2015 – BKAV chính thức giới thiệu chiếc điện thoại thông minh Bphone đầu tiên và được tích hợp sẵn ứng dụng BKAV Mobile Security bản quyền.
BKAV là một phần mềm diệt virus. Ngoài ra, đây còn là sản phẩm đầu tiên của công ty. Hiện tại, phần mềm đang được phát hành với các phiên bản khác nhau: BKAV Home, BKAV Pro, BMS và BKAV MacOS.
Bài viết này cần được cập nhật do có chứa các thông tin có thể đã lỗi thời hay không còn chính xác nữa. Bạn có thể giúp Wikipedia bằng cách cập nhật cho bài viết này.
BKIS là tiêu điểm của tranh luận [2] trong việc công bố phát hiện nguồn gốc[3] vụ tấn công website của Mỹ, Hàn Quốc vào tháng 7 năm 2009[4]. Theo đó vào ngày 28 tháng 7, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã kết luận cả BKIS và VNCERT đều thiếu sót[5][6].
Sáng 2 tháng 2 năm 2012, tin tặc đã upload vào hệ thống website của Công ty an ninh mạng BKAV, để lại một file có nội dung "hacked:))" trên trang WebScan.vn, một nhánh con của website bkav.com.vn. Hành động của tin tặc này không gây nguy hại cho BKAV và dường như tin tặc chỉ muốn cảnh báo cho BKIS. Tuy nhiên việc làm của anh ta đã vi phạm pháp luật.[7] Sáng ngày 3 tháng 2 năm 2012, Công ty BKAV đã trao thưởng cho thành viên kataro92 trên diễn đàn BKAV Forum, người đầu tiên phát hiện và thông báo cho BKAV về sự việc.[8]
Ngày 13 tháng 2 năm 2012, một nhóm tin tặc tự nhận là "LulzSec Việt Nam" đã tấn công máy chủ của BKAV và đã lấy đi cơ sở dữ liệu quan trọng và đăng tải công khai cả cơ sở dữ liệu. tin tặc sau khi tấn công đã để lại lý do tấn công BKAV "vì mục đích đòi lại sự công bằng cho một tin tặc sau khi đã bị họ bắt giữ" [9].
Ngày 24 tháng 2 năm 2012, tin tặc công bố hàng loạt 8 lỗi bảo mật trong hệ thống website của công ty này, đồng thời yêu cầu BKAV phải "cư xử đẹp" hơn. Đây cho thấy sự yếu kém của BKIS trong việc bảo mật chính server của mình.[10], nhưng sau đó không lâu, Cục phó Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) đã lên tiếng cho rằng lỗi bảo mật của BKAV là hoàn toàn bịa đặt[11].
Ngày 8 tháng 3 năm 2012, tin tặc tiếp tục công bố các gói dữ liệu đã lấy được. Tất cả các dữ liệu đều rất nhạy cảm như thông tin về kế hoạch kinh doanh bẩn của công ty, các email và mật khẩu đã bị mã hóa MD5 của người đăng ký diễn đàn BKAV Forum (chứ không phải thông tin khách hàng BKAV như một số nguồn tin), các dự án chưa được công bố của BKAV. Đến ngày 11 tháng 3 vẫn không có bình luận nào từ phía BKAV được đưa ra. Các trang diễn đàn post bài đều đã bị tác động mạnh từ Bộ Công an khiến ngay sau đó bị xóa.[12]
Ngày 24 tháng 9 năm 2012, BKAV bị tố gian dối sử dụng logo VB100.[13]
Ngay sau đó, BKAV đã phản hồi lại thông tin này. BKAV đã ký hợp đồng VB100 vào giữa tháng 8/2011, đến tháng 9/2012 mới hết hạn sử dụng logo VB100. Việc BKAV dùng các giải thưởng/chứng chỉ đã từng đạt để quảng bá sản phẩm là hợp lệ vì đến thời điểm tháng 9/2012 BKAV vẫn sử dụng logo VB100 trên sản phẩm và trên website của mình.[13]
Ngày 11 tháng 11 năm 2012, Báo Pháp lý cho đăng một bài viết trong đó đặt nghi vấn về việc ông Lê Thanh Nam làm Giám đốc – đại diện trước pháp luật của công ty Cổ phần BKAV và Công ty VMG Việt Nam.[14]
Ngày 24 tháng 11 năm 2012, Báo Pháp Luật và Xã Hội đưa tin: ông Lê Thanh Nam thừa nhận, có là giám đốc 2 pháp nhân. Ông Nam cho hay, thời điểm thành lập Công ty BKAV và Công ty VMG, luật chưa quy định vấn đề này.[15]
Nhiều người dùng đã phản ánh Bphone tự gửi tin nhắn SMS về máy chủ mà không rõ lý do, đồng thời tự xoá tin nhắn đã gửi khiến khách hàng bị trừ tiền oan.[16][17] Phía BKAV giải thích các tin nhắn này phát sinh từ phần mềm bảo vệ điện thoại BKAV Mobile Security của Bphone.[18] BKAV cho biết rằng việc gửi tin nhắn này nhằm giúp BKAV có thể phục vụ tính năng chống trộm trên điện thoại.
Ngày 4 tháng 8, mã nguồn các sản phẩm của BKAV bị rao bán. Ngày 6 tháng 8 BKAV xác nhận vụ việc nhưng cho biết đó "là mã nguồn cũ nên việc này không gây ảnh hưởng tới khách hàng" và xuất phát từ nhân viên cũ.[19]
Tối 8 tháng 8, tin tặc đăng ảnh được cho là cuộc hội thoại nội bộ của các quản lí BKAV, khẳng định mình không là nhân viên cũ của BKAV và dữ liệu của mình là mới.[20] Chiều 15 tháng 8, tin tặc đăng video quá trình tấn công vào hệ thống BKAV.[21] Trong video này cho thấy các sản phẩm, thông tin nội bộ có thể bị đánh cắp và các nội dung này là các nội dung mới nhất. Việc tấn công này thông qua một lỗ hổng bảo mật nằm ở phần mở rộng mà BKAV viết thêm cho hệ thống VPN nội bộ của mình. Tin tặc cho rằng phần viết thêm này thể hiện yếu kém trong việc kiểm soát và triển khai các sản phẩm an ninh mạng.
Cuối tháng 9, nghi vấn một trang web của BKAV làm lộ thông tin bệnh nhân mắc COVID-19.[22]
Tháng 5 năm 2022, BKAV Electronics - một thành viên của tập đoàn BKAV và là nhà sản xuất của dòng điện thoại Bphone giải thể. Tuy nhiên, đại diện của BKAV cho rằng công ty chỉ làm thủ tục sáp nhập BKAV Electronics với công ty mẹ và vẫn tiếp tục sản xuất dòng điện thoại Bphone.[23]
Đầu năm 2024, Đã có 3 người lao động từng làm việc tại Công ty Điện tử BHS - người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Tử Quảng - gửi đơn khởi kiện đến Toà án Nhân dân quận Cầu Giấy, TP Hà Nội về việc bị công ty này nợ lương.[24][25][26][27]
Đơn khởi kiện của anh Trần Xuân Hòa nêu rõ, anh và Công ty Cổ phần Điện tử BHS có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn 3 năm, từ ngày 16.12.2022 - 15.12.2025. Đến ngày 15.7.2023, hai bên có thoả thuận chấm dứt hợp đồng. Hiện công ty vẫn chưa thanh toán tiền lương tháng 6 và tháng 7.2023 với số tiền 29.439.000 đồng cho anh Hòa.[28]
Bà Trần Thị Nhàn và Công ty Cổ phần Điện tử BHS cũng có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn 3 năm, từ ngày 12.1.2023 - 11.1.2026. Đến ngày 20.7.2023, hai bên có thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Hiện nay, công ty này vẫn chưa thanh toán tiền lương tháng 6, 7, 8.2023 cho bà Nhàn, tổng số tiền hơn 74 triệu đồng.[24]
Anh Đức từng làm việc tại Công ty Bkav từ năm 2019, sau đó chuyển sang Công ty BHS. Khi chuyển sang công ty con của Bkav, anh Đức bị giảm lương từ 20 triệu đồng/tháng xuống còn 14 triệu đồng/tháng. Công ty động viên nhân viên đồng hành vượt qua thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, đến tháng 6.2023, công ty bắt đầu có biểu hiện chậm lương, ví dụ lương của tháng trước thì tháng sau mới nhận được. Tháng 7.2023, công ty thông báo chưa có kế hoạch chi trả lương tháng 7. Hiện tại, Công ty BHS còn nợ anh Đức số tiền lương hơn 47 triệu đồng.[29]
Anh Trịnh Công Sơn (SN 1997) bắt đầu làm việc tại Công ty Cổ phần Bkav từ năm 2018. Sau khi Công ty Cổ phần Điện tử BHS được thành lập, anh Sơn chuyển sang làm việc tại công ty này với vị trí quản lý. Tháng 6.2023, thấy công ty có dấu hiệu chậm trả lương cho người lao động, anh Sơn quyết định xin thôi việc chính thức từ ngày 16.7.2023. Anh Sơn đã cố gắng liên hệ với các nhân sự liên quan đến vấn đề trả lương của BHS và Bkav nhưng công ty mới trả thêm cho anh lần gần nhất là 1 triệu đồng, vẫn còn nợ của anh gần 20 triệu đồng.[30]
Anh Phan Thanh Hải (SN 1995) phỏng vấn xin việc ở Công ty BHS với vị trí thiết kế vào tháng 3.2023. Mức lương cơ bản anh Hải được nhận khoảng 12 triệu đồng/tháng. Tháng 11.2023, anh Hải quyết định xin nghỉ việc. Trong thời gian công ty chậm, nợ lương của người lao động, ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bkav - đã nhiều lần đến công ty con là Công ty Cổ phần Điện tử BHS để động viên người lao động. Tuy nhiên, cho đến khi công ty nợ anh hơn 2 tháng lương, anh đã quyết định nghỉ việc, không còn hy vọng gì để tiếp tục gắn bó".[30]
Ông Nguyễn Quang Hồng - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy, TP Hà Nội - cho biết người lao động và công ty đã có nhiều buổi hoà giải. Công ty đang trả theo tiến độ trong quý I/2024 và có văn bản cam kết. Hiện Công ty Cổ phần Điện tử BHS cũng đang nợ lương nhiều nhân viên.[26][31]
Trước thông tin nợ lương nhân viên, ông Nguyễn Tử Quảng phản ứng đòi phê bình phóng viên: "Tôi phê bình các bạn, một vấn đề rất lớn của doanh nghiệp mà không gặp trực tiếp doanh nghiệp, tôi sẽ kiện vụ này"[29][32]
Công ty BHS và công ty mẹ BKAV đều trong danh sách nợ bảo hiểm xã hội
Ngoài nợ lương người lao động, Công ty Cổ phần điện tử BHS còn nằm trong danh sách chậm đóng bảo hiểm cho lao động. Theo danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 1 tháng trở lên trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng 1.2024, Công ty Cổ phần BKAV (địa chỉ tại tầng 2 tòa nhà HH1, Khu đô thị Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) bị nêu tên với số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là 326.008.251 đồng. Đồng thời, công ty con của Công ty Cổ phần BKAV là Công ty Cổ phần Phần mềm diệt virus BKAV (BKAV Pro - địa chỉ tại tầng 3, tòa nhà HH1, Khu đô thị Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cũng được nêu tên trong danh sách của cơ quan bảo hiểm với số tiền chậm đóng là 241.687.309 đồng.[33]
BKAV Pro ghi nhận khoản nợ khó đòi hơn 31 tỷ đồng tại VNDIRECT
Tài liệu từ Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho thấy, doanh nghiệp có khoản phải thu khó đòi 31,5 tỉ đồng đối với Công ty CP Phần mềm Diệt virus BKAV. Đến thời điểm 31.12 năm ngoái, VNDIRECT đã phải trích lập dự phòng hơn 22 tỉ đồng đối với khoản nợ này từ BKAV Pro. Trước đó, Công ty này phải huy động 170 tỉ đồng trái phiếu để làm ăn. Tài sản đảm bảo gồm 5.443.000 cổ phần BKAV Pro thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần BKAV và 4.900.000 cổ phần BKAV Pro thuộc sở hữu của ông Nguyễn Tử Quảng. Mục đích phát hành của BKAV Pro là để tăng quy mô vốn hoạt động phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của tổ chức phát hành và các mục đích được phép khác theo quy định của pháp luật.[34][35]
Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp của ông Nguyễn Tử Quảng chỉ có lợi nhuận vỏn vẹn 4,4 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 207 tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 521 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 315 tỷ đồng.[36][37]
Ngày 26.5.2021, BKAV Pro huy động 170 tỉ đồng trái phiếu. Lô trái phiếu có mã BKPCB2124001. Lãi suất phát hành thực tế: Trong 12 tháng đầu tiên, lãi suất cố định là 10,5%/năm. Lãi suất trái phiếu từ tháng 12 đến ngày đáo hạn là lãi suất thả nổi và không thấp hơn 10,5%/năm. Rà soát tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, lần gần nhất BKAV Pro công bố thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu là vào ngày 25.8.2023 qua công văn số 39-2508/CV-BPRO2023. Đến ngày 30/6/2023, công ty đã thanh toán hơn 10 tỉ đồng tiền lãi trái phiếu. Tuy nhiên, kết quả thanh toán gốc để trống mặc dù lô trái phiếu 170 tỉ đồng đã đến hạn phải thanh toán. Cũng trong giai đoạn 6 tháng đầu 2023, BKAV Pro ghi nhận doanh thu giảm 28,1%. Doanh thu kênh phân phối/đại lý giảm 53,8% so với cùng kỳ xuống 12 tỉ đồng. Cũng trong giai đoạn này, biên lợi nhuận gộp kỳ giảm 7,8% so với cùng kỳ xuống 64%; EBITDA giảm 31% so với cùng kỳ xuống 30,5 tỉ đồng; tỉ lệ EBITDA/doanh thu là 58,1%. Tỉ lệ vốn chủ sở hữu/nguồn vốn là 39%. Tỉ trọng nợ vay ngắn hạn (phải trả trong vòng 1 năm) tăng 33% so với cùng kỳ lên 44% do các khoản nợ dài hạn đến hạn.[38][39][40]