Huy Đức (sinh 1962) là bút danh một nhà báo Việt Nam, có tên khai sinh là Trương Huy San. Ông đã nổi tiếng với blog bình luận chính trị - xã hội với cái tên Osin, hiện thời là trang Facebook Osin Huyduc.[1][2].
Huy Đức | |
---|---|
Sinh | Trương Huy San 1962 |
Quốc tịch | Việt Nam |
Dân tộc | Kinh |
Nghề nghiệp | Nhà báo |
Nổi tiếng vì | Blog Osin |
Tác phẩm nổi bật | Bên thắng cuộc |
Quê quán | Hà Tĩnh |
Ông là người gốc Hà Tĩnh, từng tham gia trong quân đội, ông đã có hơn 3 năm ở Campuchia trong giai đoạn chiến tranh giữa Việt Nam với chính quyền Khmer đỏ.
Trước khi tham gia vào lĩnh vực báo chí ông là một nhà văn, với các tác phẩm như Dòng sông cụt, Anh ấy sẽ trở về trên báo Văn nghệ Quân đội khi ông còn ở trong quân đội.
Ông bắt đầu làm việc ở báo Tuổi Trẻ, tiếp đó là các báo Thanh Niên, Diễn đàn doanh nghiệp, Nông thôn ngày nay, Sài Gòn tiếp thị.
Bút danh Huy Đức bắt đầu được công chúng biết đến trên báo Tuổi trẻ khi nhà báo này là phóng viên điều tra phanh phui vụ Đường Sơn Quán, một địa điểm ăn chơi nổi tiếng của nhiều cán bộ cấp cao ở Thành phố Hồ Chí Minh.[cần dẫn nguồn]
Sau khi sang làm việc tại Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, ông cũng có rất nhiều bài viết về các chính sách kinh tế của chính quyền, đặc biệt là loạt bài viết về các PMU và Bộ giao thông Vận tải mà kết cục đúng như phân tích, sau này sự kiện PMU 18 xảy ra.
Chuyển sang báo Sài Gòn Tiếp thị ông tiếp tục những bài viết phân tích về các chính sách của chính quyền, qua các bài viết và phỏng vấn như "Những chiếc ghế nóng", "Đất đai không phải là chiến lợi phẩm"... Cũng trong thời gian này, cùng với trào lưu viết Blog, ông cũng bắt đầu lập Blog của mình có tên là Osin và trở thành một blogger nổi tiếng, có số người truy cập và comment thuộc hạng cao trong các trang blog ở Việt Nam.[3] Vì những một số bài viết của ông, trong đó có bài "Biên giới tháng Hai" ghi lại những gì thu thập ở biên giới Việt-Trung nhân kỷ niêm 30 chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979,[4] ông bị báo Sài Gòn Tiếp thị sa thải vào tháng 8 năm 2009, đồng thời với việc thu hồi thẻ ký giả.[5]
Tháng 5 năm 2012, ông nhận học bổng một năm của chương trình Nieman trao cho một số phóng viên thành đạt và có nhiều triển vọng sang tu nghiệp và nghiên cứu tại Viện Đại học Harvard. Đề mục chính ông theo đuổi là chính sách công, văn chương Hoa Kỳ và lịch sử Việt Nam.[6]
Cuốn sách Bên thắng cuộc[7] do ông biên soạn và cho ra mắt cuối năm 2012 đã gây nhiều chú ý ở Việt Nam lẫn ở Mỹ vì soi xét vào những đề tài không được nhắc tới vì cho là "nhạy cảm chính trị". Ít nhất hai nhà xuất bản tại Việt Nam đã từ chối in tác phẩm này.[3]
Các bài viết trên Blog của ông được nhiều người đọc, đặc biệt là các đồng nghiệp tham gia rất nhiều bàn về các vấn đề lớn của đất nước như biển Đông, bauxite Tây Nguyên, hàng Trung Quốc.
Cũng một phần do blog, ngày 25/8/2009, ông đã phải chấp thuận thôi việc tại báo Sài Gòn Tiếp thị với lý do tổng biên tập đưa ra toà soạn không cùng quan điểm với bài viết Bức tường Berlin trên Blog của ông[8] sau khi có nhiều bài viết mang tính chất thử thách giới hạn của tự do ngôn luận ở Việt Nam (Hãng thông tấn AP)[9]
Qua 2 bài viết có tựa đề lần lượt là "Thanh hay Thăng" và "Tảng Băng Nổi," nhà báo Osin Huy Đức (Trương Huy San) cho là Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đứng đằng sau việc thất thoát hàng tỉ đô la không chỉ ở Tổng Công ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC) mà còn cả Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) nơi ông Thăng làm chủ tịch Hội Đồng Quản trị (HĐQT) từ 2006 đến 2011.[10]
Ngày 7 tháng 6 năm 2024, công an Việt Nam bắt tạm giam Trương Huy San và luật sư Trần Đình Triển với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" (theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015).[11][12]
Trong ngành báo chí Việt Nam, việc đánh giá lẫn nhau giữa các nhà báo là không nhiều, tuy nhiên sự kiện ông bị thôi việc tại báo Sài Gòn tiếp thị vì nguyên nhân "toà soạn không cùng quan điểm" được giới truyền thông quốc tế chú ý. Các hãng thông tấn lớn đều có nói tới sự kiện này như BBC, AP, VOA, RFA, RFI, Straitstimes...Trong đó đánh giá của hãng thông tấn AP "thử thách giới hạn của tự do ngôn luận ở Việt Nam, thường xuyên đưa các bài chỉ trích lãnh đạo và chính sách của chính phủ".[13]
Nhà văn Nguyễn Quang Lập:
“ | ...có trí lực để viết những bài báo như Huy Đức cũng không ít người, cũng không ít người có thể viết hay hơn, nhưng có cái tâm sáng trưng như thằng Huy Đức để nói thẳng, nói to những điều tâm huyết như nó thì quả là hiếm.... | ” |