Phạm Phú Quốc

Phạm Phú Quốc
Chức vụ

Tư lệnh Không đoàn 23 chiến thuật
Chỉ huy trưởng Căn cứ KQ Biên hòa
Nhiệm kỳ1/1965 – 4/1965
Cấp bậc-Trung tá (1/1965)
-Đại tá (4/1965)
(truy thăng)
Tư lệnh KQ-Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ
Vị tríBiệt khu Thủ đô

Chỉ huy Phi đoàn 514 Khu trục cơ
(thuộc Không đoàn 23 chiến thuật)
Nhiệm kỳ2/1964 – 11/1964
Cấp bậc-Thiếu tá
Vị tríBiệt khu Thủ đô

Chỉ huy phó Phi đoàn 514
Nhiệm kỳ2/1964 – 11/1964
Cấp bậc-Thiếu tá (2/1964)
Vị tríBiệt khu Thủ đô

Trưởng phòng Hành quân Phi đoàn 514
Nhiệm kỳ10/1961 – 2/1962
Cấp bậc-Trung úy (10/1961)
Tư lệnh KQ-Đại tá Nguyễn Xuân Vinh
-Đại tá Huỳnh Hữu Hiền
Vị tríBiệt khu Thủ đô
Thông tin cá nhân
Quốc tịch Việt Nam Cộng hòa
Sinh20 tháng 10 năm 1935
Đà Nẵng, Liên bang Đông Dương
Mất19 tháng 4, 1966(1966-04-19) (30 tuổi)
Hà Tĩnh, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Nguyên nhân mấttử trận
Nghề nghiệpQuân nhân
Dân tộcKinh
ChaPhạm Phú Phò
Họ hàngPhạm Thị Xuân Cơ
Học vấnTú tài toàn phần
Alma mater-Trường Công lập Chasseloup Laubat
-Trường Huấn luyện KQ Marrakech, Maroc, Bắc Phi
Quê quánTrung Kỳ
Binh nghiệp
Thuộc Quân đội VNCH
Phục vụ Việt Nam Cộng hòa
Năm tại ngũ1954-1965
Cấp bậc Đại tá Không quân
Đơn vị Không đoàn 23 CT[1]
Chỉ huy Quân đội VNCH
Tham chiếnChiến tranh Việt Nam
Tặng thưởng Bảo quốc Huân chương đệ ngũ đẳng

Phạm Phú Quốc (1935-1965), là một sĩ quan cao cấp trong Quân chủng Không quân thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa, ông xuất thân từ những khóa đầu tiên tại Trường đào tạo Hoa tiêu Quan sát của Quân đội Pháp ở một Quốc gia thuộc miền cực bắc Châu Phi (thuộc địa của Pháp). Ông là một trong hai sĩ quan Phi công Khu trục cơ[2] đánh bom Dinh Tổng thống Việt Nam Cộng hòa trong vụ Đánh bom Dinh Độc Lập ngày 27 tháng 2 năm 1962 nhằm ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu.

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông sinh ngày 20 tháng 10 năm 1935 tại Đà Nẵng trong một gia đình khá giả. Nguyên quán của ông ở làng Đông Bàn, huyện Diên Phước (phủ Điện Bàn cũ), tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Đông Bàn, xã Điện Trung, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Theo gia phả, ông là hậu duệ của đại thần Phạm Phú Thứ thời vua Tự Đức.

Thuở nhỏ, ông học tiểu học tại Đà Nẵng. Khi lên trung học, ông được gia đình cho về Sài Gòn học ở Trường Công lập Chasseloup - Laubat. Tương truyền, ngay từ khi còn là học sinh, ông đã biểu lộ sở thích đam mê về máy bay. Tiền tiêu vặt gia đình chu cấp, ông đều dành để gởi mua tận bên Pháp các sách kỹ thuật dạy cách chế tạo các loại máy bay nhỏ (tạp chí Mécanique Populaire), lắp ráp đem ra thực dụng trên bầu trời thuộc Sân bay Tân Sơn Nhất bây giờ.

Năm 1954, ông tốt nghiệp trung học phổ thông với văn bằng Tú tài toàn phần (Part II). Sau đó, gia đình định cho ông sang Pháp để tiếp tục con đường học vấn nhưng vì quá ham thích máy bay nên ông xin cha mẹ cho ông được gia nhập quân đội.

Phục vụ trong không quân

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 15 tháng 6 năm 1954, ông tình nguyện nhập ngũ vào Không quân. Ông được cho đi thụ huấn tại trường Huấn luyện sĩ quan Không quân của Pháp tại Marrakech thuộc Vương quốc Maroc, miền bắc châu Phi. Đầu tháng 4 năm 1955, ông mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn úy phi công. Về nước ông phục vụ Quân đội Quốc gia và công vụ tại căn cứ không quân Biên Hòa trong Phi đoàn máy bay Khu trục.

Tháng 11 năm 1957, sau hơn một năm chuyển sang phục vụ Quân đội Việt Nam Cộng hòa (cải danh từ Quân đội Quốc gia Việt Nam), ông được thăng cấp Thiếu úy. Đầu năm 1961, ông được đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ, để tìm hiểu và lái các loại phi cơ thế hệ mới của Không lực Hoa Kỳ trong thời gian 6 tháng. Ngày Quốc khánh Đệ nhất Cộng hòa 26 tháng 10 năm 1961, ông được thăng cấp Trung úy và được cử làm Trưởng phòng Hành quân của Phi đoàn 514 Khu trục cơ, trực thuộc Căn cứ 2 Trợ lực Không quân ở Biên Hòa.[3]

Vụ đánh bom bất thành

[sửa | sửa mã nguồn]

Dưới chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm, vì bất đồng chính kiến, nên vào ngày 27 tháng 2 năm 1962, ông cùng với bạn đồng đội là Trung úy Nguyễn Văn Cử, nhân một chuyến hành quân nhưng không thi hành nhiệm vụ mà quay về Sài Gòn để oanh tạc dinh Độc Lập, đánh sập một góc dinh. Tuy nhiên, Tổng thống Diệm cùng gia đình đã may mắn thoát chết. Máy bay ông bị hỏa lực phòng không của Hải quân ở bến Bạch Đằng bắn trúng, ông phải đáp xuống sông Sài Gòn, gần một đồn bảo an vùng kho xăng Nhà Bè, ông bị bắt và bị giam cầm tại Đề lao Chí Hòa. Phi công Nguyễn Văn Cử thoát được sang Vương quốc Campuchia và tỵ nạn tại đây.

Phục hồi và tái ngũ trong không quân

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, cuộc Đảo chính quân sự nổ ra khiến chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Ông được quân đảo chính giải thoát khỏi nhà lao và được phục hồi quân ngũ với cấp bậc cũ. Đầu tháng 12 cuối năm, ông được thăng cấp Đại úy tại nhiệm. Sau đó, ông tiếp tục được đi du học về chuyên môn khóa Air Ground Operation School tại Okinawa, Nhật Bản cũng trong thời gian 6 tháng.

Đầu tháng 2 năm 1964, sau cuộc Chỉnh lý ngày 30/1/1964 của tướng Nguyễn Khánh, ông được thăng cấp Thiếu tá, giữ chức vụ Chỉ huy phó Phi đoàn 514 trực thuộc Không đoàn 23. Cuối năm ông được lên giữ chức vụ Phi đoàn trưởng Phi đoàn 514. Đầu năm 1965, ông được thăng cấp Trung tá và được bổ nhiệm làm Tư lệnh Không đoàn 23 Chiến thuật kiêm Chỉ huy trưởng Căn cứ Không quân Biên Hòa.

Nhiệm vụ cuối cùng

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 19 tháng 4 năm 1965, ông cùng đồng đội thực hiện phi vụ phối hợp với lực lượng không quân Mỹ đánh phá trục giao thông cách Vinh 10 cây số về phía nam. Sau khi hoàn tất phi vụ trên đường trở về, lúc đó là 15 giờ 04 phút, phi đội của ông đã gặp phải lực lượng phòng không của đối phương. Một phi cơ trúng đạn phía đuôi thiệt hại nhẹ, riêng phi cơ của ông bị trúng đạn bốc cháy và rơi ngay trên vùng trời Hà Tĩnh. Ông tử trận, hưởng dương 30 tuổi.

Lễ truy điệu cho ông được Bộ Tư lệnh Không quân và Bộ Tư lệnh Không đoàn 23 Chiến thuật đã tổ chức. Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (Thủ tướng) kiêm Tư lệnh Quân chủng Không quân, thay mặt Chính phủ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa truy thăng cho ông cấp bậc Đại tá, đồng thời truy tặng Huân chương Bảo quốc đệ ngũ đẳng kèm Anh dũng Bội tinh với nhành Dương liễu.

Di hài ông ban đầu được người dân cất táng tại địa phương. Mãi đến năm 1997, di hài ông mới được người chị ruột là bà Phạm Thị Xuân Cơ cải táng từ Hà Tĩnh đem về chôn tại khuôn viên chùa Phước Lâm ở thành phố Hội An, Quảng Nam.

Huy chương

[sửa | sửa mã nguồn]

-Đệ ngũ đẳng Bảo quốc Huân chương (truy tặng)
-Anh dũng Bội tinh với nhành Dương liễu (truy tặng)
-Anh dũng Bội tinh với ngôi sao vàng (1 lần)
-Anh dũng bội Tinh với ngôi sao bạc (5 lần)
-Anh dũng Bội tinh với ngôi sao đồng (2 lần)
-Phi dũng Bội tinh với cánh chim vàng
-Đệ nhị Không lực Huy chương
-Tuyên dương công trạng (12 lần) và nhiều lần khen thưởng khác.

Hình tượng trong thơ và nhạc

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhà văn Triệu Vũ từng viết một văn tế Phạm Phú Quốc. Cùng thời gian đó, nhạc sĩ Phạm Duy viết nhạc phẩm "Huyền sử ca một người mang tên Quốc" để tưởng nhớ ông.

Gia tộc và gia đình

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Thân phụ: Phạm Phú Phò, một thương gia thành đạt và nổi danh trên thương trường tại Đà Nẵng vào thập niên 1930 - 1940.
  • Bào tỷ: Phạm Thị Xuân Cơ
  • Phạm Phú Quốc có vợ và một con trai, ngày ông tử trận, vợ ông đang mang thai con trai đầu lòng được 3 tháng. Trước năm 1975 bà và con trai đã di tản sang Mỹ. Con trai ông, Phạm Phú Phi hiện nay là bác sĩ thẩm mỹ ở Hoa Kỳ.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Không đoàn 23 Chiến thuật đồn trú tại căn cứ Không quân Biên Hòa thuộc Quân khu 3. Năm 1970 cùng với Không đoàn 43 và 63 Chiến thuật trở thành Sư đoàn 3 Không quân, phối thuộc Bộ Tư lệnh Quân đoàn III và Quân khu 3.
  2. ^ Người thứ hai là Trung úy Nguyễn Văn Cử (1934-2013), sau là Trung tá Không quân phục vụ ở Phòng Kỹ thuật Điện toán tại Bộ Tư lệnh Không quân.
  3. ^ Vào thời điểm năm 1961 trở về trước, Không quân Việt Nam Cộng hòa mới chỉ có 2 Phi đoàn Trợ lực Không quân: Phi đoàn 514 ở Biên Hòa và Phi đoàn 516 ở Nha Trang.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.