Nguyễn Khánh

Nguyễn Khánh
Trung tướng Nguyễn Khánh năm 1964

Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Việt Nam Cộng hòa
Nhiệm kỳ
24 tháng 10 năm 1964 – 21 tháng 2 năm 1965
(120 ngày)
Tiền nhiệmPhan Khắc Sửu
(Trên cương vị Chủ tịch Thượng Hội đồng Quốc gia)
Kế nhiệmChức vụ bãi bỏ

Chủ tịch Hội đồng Quân lực Việt Nam Cộng hoà
Nhiệm kỳ
8 tháng 10 năm 1964 – 21 tháng 2 năm 1965
(136 ngày)
Tiền nhiệmTrần Thiện Khiêm
Kế nhiệmTrần Văn Minh

Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa
Thành viên Ủy ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc gia và Quân lực Việt Nam Cộng hòa
(Tam đầu chế)
Nhiệm kỳ
27 tháng 8 năm 1964 – 3 tháng 9 năm 1964
(7 ngày)
Quốc trưởngDương Văn Minh
Tổng tư lệnh quân độiTrần Thiện Khiêm
Kế nhiệmTrần Văn Hương

Quốc trưởng Việt Nam Cộng hòa
Nhiệm kỳ
16 tháng 8 năm 1964 – 27 tháng 8 năm 1964
(11 ngày)
Tiền nhiệmDương Văn Minh
Kế nhiệmDương Văn Minh

Chủ tịch Hội đồng Quân đội Việt Nam Cộng hòa
Nhiệm kỳ
21 tháng 3 năm 1964 – 24 tháng 10 năm 1964
(217 ngày)
Tiền nhiệmChức vụ thành lập
Kế nhiệmChức vụ bãi bỏ

Chủ tịch Ban chỉ đạo
Hội đồng Quân đội Cách mạng
Nhiệm kỳ
22 tháng 3 năm 1964 – 16 tháng 8 năm 1964
(147 ngày)

Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa
Nhiệm kỳ
7 tháng 2 năm 1964 – 26 tháng 10 năm 1964
(262 ngày)
Tiền nhiệmNguyễn Ngọc Thơ
Kế nhiệmTrần Văn Hương

Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng
Nhiệm kỳ
31 tháng 1 năm 1964 – 21 tháng 3 năm 1964
(50 ngày)
Tiền nhiệmDương Văn Minh
Kế nhiệmChức vụ bãi bỏ
Các chức vụ khác

Tư lệnh Quân đoàn I
Nhiệm kỳ
11 tháng 12 năm 1963 – 30 tháng 1 năm 1964
Tiền nhiệmĐỗ Cao Trí
Kế nhiệmTôn Thất Xứng

Tư lệnh Quân đoàn II
Nhiệm kỳ
17 tháng 12 năm 1962 – 11 tháng 12 năm 1963
Tiền nhiệmTôn Thất Đính
Kế nhiệmĐỗ Cao Trí

Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu
Nhiệm kỳ
Tháng 9 năm 1960 – Tháng 11 năm 1962
Tiền nhiệmPhạm Xuân Chiểu
Kế nhiệmTrần Thiện Khiêm

Tư lệnh Đệ ngũ Quân khu
(tiền thân của Vùng 4 chiến thuật)
Nhiệm kỳ
Tháng 1 năm 1960 – Tháng 9 năm 1960

Quốc trưởng lâm thời Chính phủ Việt Nam tự do
Nhiệm kỳ
2005–2013
Tiền nhiệmNguyễn Hữu Chánh
Kế nhiệmKhông
Đã bị giải tán
Thông tin cá nhân
Sinh(1927-11-08)8 tháng 11 năm 1927
Trà Vinh, Liên bang Đông Dương
Mất11 tháng 1 năm 2013(2013-01-11) (85 tuổi)
San Jose, California, Hoa Kỳ
Nguyên nhân mấtTuổi già
Đảng chính trịĐảng Dân tộc
Người thânNguyễn Bửu (cha)
Phạm Lệ Trân (mẹ)
Phùng Há (mẹ kế)
Alma mater
  • Trường Trung học chương trình Pháp tại Cần Thơ
  • Trường Võ bị Liên quân Viễn Đông Đà Lạt
  • Học viện Quân sự Coetquidan và Võ bị Saint Cyr, Pháp
  • Trung tâm Huấn luyện Nhảy dù Pau, Pháp
  • Trường Tham mưu Trung cấp Paris, Pháp
  • Học viện Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ
Nghề nghiệp
  • Quân nhân
    Chính trị gia
Phục vụ trong quân đội
Thuộc Quân đội Liên hiệp Pháp
Quốc gia Việt Nam
Việt Nam Cộng hòa
Phục vụ Quân đội Quốc gia Việt Nam
 Lục quân Việt Nam Cộng hòa
Năm tại ngũ1946–1965
Cấp bậc Đại tướng
Chỉ huy Binh chủng Nhảy dù
Quân chủng Bộ binh
Bộ Tổng tham mưu
Quân đoàn II và QK 2
Quân đoàn I và QK 1
Tham chiếnĐảo chính năm 1960
Đảo chính năm 1963

Nguyễn Khánh (8 tháng 11 năm 1927 – 11 tháng 1 năm 2013) là một chính khách Việt Nam Cộng Hoà, ông từng giữ chức vụ Nguyên thủ quốc gia (Quốc trưởng) và Thủ tướng của Việt Nam Cộng hòa và kiêm luôn các chức Tổng tư lệnhTổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn 1964 – 1965. Tại thời điểm này, quyền lực của ông lên đến tột đỉnh, nhưng chỉ ít lâu thì chính ông bị các tướng khác đảo chính hạ bệ. Ông nguyên là một cựu tướng lĩnh gốc Binh chủng Nhảy dù của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Đại tướng. Ông xuất thân từ khóa đầu tiên ở trường Võ bị Liên quân Viễn Đông do Quân đội Thuộc địa Pháp mở ra tại Cao nguyên Trung phần Việt Nam. Ra trường ông được phục vụ ở một đơn vị Vệ binh, sau ông được chuyển sang Binh chủng Nhảy dù. Ông đã tuần tự đảm trách từ chức vụ chỉ huy cấp Trung đội dần lên đến chỉ huy cấp Sư đoàn, rồi Quân đoàn. Sau khi bị các tướng lĩnh đảo chính hạ bệ, theo lệnh của Đại tướng Maxwell D. Taylor (người soạn thảo kế hoạch chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam trong thời kỳ này), Nguyễn Khánh phải rời khỏi Việt Nam để lưu vong ở nước ngoài.

Tiểu sử và binh nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Khánh sinh ngày 8 tháng 11 năm 1927 tại Trà Vinh, miền Tây Nam phần Việt Nam, trong một gia đình điền chủ giàu có. Thời niên thiếu, do gia đình có điều kiện nên ông được học hành đầy đủ. Năm 1944, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại Cần Thơ với văn bằng Tú tài bán phần (Part I). Năm 1945, sau khi Cách mạng tháng 8 nổ ra, đang học lớp Đệ nhất (lớp 12 bây giờ), ông bỏ học tham gia phong trào Việt Minh tại địa phương một thời gian ngắn.

Giữa tháng 7 năm 1946, sau khi người Pháp tái chiếm Đông Dương, ông bỏ Việt Minh và nhập ngũ vào Quân đội Pháp. Do có trình độ Tú tài, ông được theo học khóa 1 Nguyễn Văn Thinh tại trường Võ bị Liên quân Viễn Đông Đà Lạt, khai giảng ngày 15 tháng 7 năm 1946. Ngày 1 tháng 7 năm 1947 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy[1] và được điều đi phục vụ ở Tiểu đoàn 2 Vệ binh Nam Việt giữ chức vụ Trung đội trưởng.

Quân đội Liên hiệp Pháp

[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu năm 1948, chuyển biên chế sang Quân đội Liên hiệp Pháp, ông được cử đi du học và tốt nghiệp khóa Đông Dương tại Học viện Quân sự Coetquidan và Võ bị Saint Cyr, Pháp. Thời kỳ này ông lấy tên là "Raymond Khánh". Sau khi mãn khóa học, về lại đơn vị và ngày 1 tháng 7 cùng năm ông được thăng cấp Trung úy. Tháng 12 cuối năm, ông là sĩ quan duy nhất được cử đi du học lớp huấn luyện Nhảy dù tại trường Nhảy dù Pau (Pháp), thụ huấn bằng dù T.7 và Phi cơ Ju.52. Ngày 1 tháng 6 năm 1949, ông được cử làm sĩ quan tùy viên cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân.

Đầu năm 1950, ông được thăng cấp Đại úy và được cử làm Đại đội trưởng Đại đội 1 Nhảy dù Biệt lập (một trong các Trung đội trưởng dưới quyền của ông lúc bấy giờ là Trung úy Đỗ Cao Trí). Ngày 1 tháng 5 năm 1951, Tiểu đoàn 1 Nhảy dù[2] được thành lập. Ngày 21 tháng 1 năm 1952, ông được cử giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 thay thế Đại úy Albert Lê Quang Triệu.[3] Ban đầu, Tiểu đoàn đóng tại Chí Hòa (Sài Gòn), cuối năm chuyển ra Bắc, tham gia chiến dịch tại Hòa Bình trong thời gian ngắn. Một tháng sau, ông nhận lệnh bàn giao chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Nhảy dù lại cho sĩ quan người Pháp.

Quân đội Quốc gia Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 3 năm 1952, khi chính thức chuyển sang phục vụ Quân đội Quốc gia, ông được cử làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 22 Việt Nam (22e BVN). Tháng 8 cùng năm, ông được thăng cấp Thiếu tá và chuyển đi làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 13 Việt Nam (13e BVN), đồn trú tại Cần Thơ. Đầu năm 1953, ông được cử giữ chức Tiểu khu trưởng Biệt khu Cần thơ. Cuối năm này, ông được thăng cấp Trung tá kiêm chức vụ Chỉ huy trưởng Liên đoàn Lưu động số 11 tân lập tại Cần Thơ.

Tháng 4 năm 1954, ông được điều về Bộ Tổng tham mưu giữ chức vụ Trưởng phòng 6. Giữa tháng 9, bàn giao chức vụ Trưởng phòng 6 lại cho Trung tá Trần Đình Lan. Tháng 11, ông được cử đi học lớp tham mưu tại Trường Tham mưu Trung cấp Paris, Pháp.

Đầu tháng 3 năm 1955, sau khi mãn khóa học từ Pháp về nước, ông được chỉ định làm Chỉ huy trưởng Phân khu Cần Thơ kiêm Tỉnh trưởng Cần Thơ. Ngày 10 tháng 3 năm 1955, ông chủ toạ buổi lễ hợp tác của Thiếu tá Nguyễn Thành Đầy[4] thuộc Lực lượng Hòa Hảo Dân xã, đem 1.500 quân thuộc quyền về quy thuận Chính phủ Quốc gia tại Cần Thơ. Cuối tháng 3, ông được cử giữ chức vụ Thanh tra trưởng của Lực lượng Nhảy dù. Giữa tháng 6, ông được chuyển về Trung ương giữ chức vụ Tham mưu phó tại Bộ Tổng tham mưu. Ngày 1 tháng 7, ông được cử làm Phụ tá Tổng tham mưu trưởng đặc trách Không quân. Ngày 20 tháng 8, bàn giao chức vụ Phụ tá Không quân lại cho Thiếu tá Trần Văn Hổ.[5] Trung tuần tháng 9, ông được cử làm Chỉ huy phó Chiến dịch Hoàng Diệu, dưới quyền Chỉ huy trưởng là Đại tá Dương Văn Minh.

Dưới nền Đệ nhất Cộng hòa

[sửa | sửa mã nguồn]

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi Chính thể Đệ nhất Cộng hòa được thành lập vào hạ tuần tháng 10 năm 1955, ông được thăng cấp Đại tá. Đầu năm 1956, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 1 Dã chiến thay thế Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm. Giữa năm 1957, nhận lệnh bàn giao Sư đoàn 1 Dã chiến lại cho Đại tá Tôn Thất Đính, 2 tháng sau ông được cử đi du học lớp Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Học viện Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth thuộc Tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ (thời gian thụ huấn 16 tuần). Sau đó được du học tiếp lớp Tham mưu và Phối hợp Đồng minh tại Nhật Bản. Tháng 9 năm 1958 từ Nhật về nước, ông được cử giữ chức vụ Tư lệnh Miền Hậu Giang.[6]

Ngày 18 tháng 8 năm 1959, ông được bổ nhiệm làm quyền Tổng thư ký Thường trực Quốc phòng thuộc Phủ Tổng thống. Ngày 21 tháng 1 năm 1960, ông được thăng cấp Thiếu tướng và được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Đệ ngũ Quân khu.[7] Giữa tháng 9 cùng năm, ông được chuyển về Bộ Tổng tham mưu giữ chức vụ Tham mưu trưởng thay thế Thiếu tướng Phạm Xuân Chiểu được chỉ định làm Chỉ huy trưởng Trường Đại học Quân sự (tiền thân của Trường Chỉ huy Tham mưu). Ông giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức phản công dẫn đến sự thất bại của vụ Đảo chính ngày 11/11/1960 do Đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu. Năm 1961, ông được cử làm Trưởng đoàn hướng dẫn Phái đoàn công du thăm viếng Đài Loan.

Ngày 17 tháng 12 năm 1962, bàn giao chức vụ Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu lại cho Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm để đi nhận chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II và Vùng 2 Chiến thuật thay thế Thiếu tướng Tôn Thất Đính. Khi cuộc Đảo chính ngày 1/11/1963 nổ ra, ông đã án binh bất động và không tỏ rõ thái độ. Ngày 2 tháng 11, cuộc đảo chính thành công, ông tuyên bố ủng hộ Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Do đó, ông được Hội đồng Quân nhân Cách mạng thăng cấp Trung tướng. Ngày 11 tháng 12 năm 1963, hoán chuyển nhiệm vụ với Trung tướng Đỗ Cao Trí giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I, ngược lại tướng Trí thay ông Tư lệnh Quân đoàn II.

Đỉnh cao quyền lực

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhưng chỉ sau đó 3 tháng, nửa đêm về sáng ngày 30 tháng 1 năm 1964 được sự ủng hộ của Mỹ và "nhóm các tướng trẻ", ông đã cầm đầu cuộc "Chỉnh lý", cướp quyền và truất phế các tướng lĩnh chủ chốt cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 là Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn và Mai Hữu Xuân.

Bộ chỉ huy cầm đầu cuộc Chỉnh lý đặt trong Tòa Hành chính tỉnh Gia Định do Đại tá Huỳnh Văn Tồn[8] làm Tỉnh trưởng, được sự bảo vệ của Tiểu đoàn 2 Thủy quân lục chiến do Thiếu tá Cổ Tấn Tinh Châu[9] làm Tiểu đoàn trưởng

Ngay sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng thay thế Trung tướng Dương Văn Minh đồng thời cử Thiếu tướng Tôn Thất Xứng thay ông làm Tư lệnh Quân đoàn I. Ngày 7/2/1964, ông được Hội đồng Quân nhân Cách mạng cử làm Thủ tướng thay thế ông Nguyễn Ngọc Thơ. Ngày 21/3/1964 cải danh Hội đồng Quân nhân Cách mạng thành Hội đồng Quân đội Cách mạng. Ngày 22/3/1964, được các tướng lãnh trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng bầu làm Chủ tịch Ban Chỉ đạo Hội đồng Quân đội Cách mạng.

Ngày 16 tháng 8, ông được Đại Hội đồng Quân đội Cách mạng bầu làm Quốc trưởng Việt Nam Cộng hòa. Sau đó với tư cách Quốc trưởng, ông ban hành Hiến chương Vũng Tàu thay thế Hiến pháp của nền Đệ nhất Cộng hòa. Tuy nhiên, ông vấp phải sự phản đối quyết liệt của các đảng phái và quần chúng.

Ngày 26/8/1964, Hội đồng Quân đội tuyên cáo thu hồi Hiến chương Vũng Tàu, đồng thời Hội đồng này gồm 53 thành viên tướng lãnh thành lập Ủy ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc gia và Quân lực và bầu ra Cơ chế Lãnh đạo "Tam đầu chế", nhân sự được ủy nhiệm như sau:

Tuy nhiên, đến ngày 3/9/1964 "Tam đầu chế" tự giải thể. Sau đó, thành phần trong Nội các Chính phủ do ông làm Thủ tướng lần lượt từ chức. Ngày 8/10/1964, ông tự kiêm nhiệm Tổng tư lệnh Quân đội tháy thế Đại tướng Trần Thiện Khiêm. Ngày 24 tháng 10, "Thượng Hội đồng Quốc gia" được triệu tập và bầu Kỹ sư Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng. Ngày 24/10/1964, ông từ chức Thủ tướng, chỉ còn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc gia và Quân lực kiêm Tổng tư lệnh Quân đội. Ngay sau đó tân Quốc trưởng Phan Khắc Sửu cử Giáo sư Trần Văn Hương làm Thủ tướng và thành lập Nội các Chính phủ.

Ngày 27/11/1964, ông được Quốc trưởng Phan Khắc Sửu thăng lên cấp Đại tướng (trước đó, ngày 24/11 Trung tướng Dương Văn Minh đã được Quốc trưởng thăng cấp Đại tướng). Ngày 16 tháng 2 năm 1965, ông thừa ủy nhiệm Hội đồng Quốc gia và Quân lực bổ nhiệm Bác sĩ Phan Huy Quát làm Thủ tướng thay thế Giáo sư Trần Văn Hương.

Tình hình miền Nam dưới sự quản lý của ông ngày càng loạn lạc: giai đoạn ông nắm quyền là giai đoạn nổ ra nhiều cuộc đảo chính nhất. Ngày 13 tháng 9 năm 1964, các tướng Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát kéo quân về Sài Gòn thị uy. Ngày 19 tháng 2 năm 1965, cuộc đảo chính do tướng Lâm Văn Phát và Đại tá Phạm Ngọc Thảo cầm đầu, suýt bắt được ông. Nhờ sự ủng hộ của nhóm các tướng trẻ, ông mới giữ được tình hình.

Do chủ trương đưa quân Mỹ vào tham chiến ở Việt Nam và lời tuyên bố "Quân đội là cha quốc gia!",[10] [11] uy tín của ông càng lúc càng xuống thấp và ngày càng mất lòng dân. Nhóm các tướng trẻ, do đó, thống nhất truất phế ông. Ngày 21 tháng 2 năm 1965, ông bị thu hồi tất cả các chức vụ đã đảm nhiệm và ngày 22/2/1965 ông phải nhận chức đại sứ lưu động ở nước ngoài.[12] Trước khi đi, ngày 25 tháng 2, ông còn nắm theo một miếng đất và tuyên bố: "Tôi có mang theo nắm đất quê hương, một ngày nào đó nhất định sẽ trở về". Tuy nhiên, lời tuyên bố này cho đến khi qua đời ông vẫn không thể thực hiện được.

Huy chương

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Bảo quốc Huân chương đệ nhị đẳng (ân thưởng)
  • Nhiều huy chương quân sự, dân sự của Việt Nam Cộng hòa và Đồng minh

Cuộc sống lưu vong

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong phim tài liệu Heart & Mind của đạo diễn Peter Davis do đài BBC Anh quốc sản xuất năm 1974 và đoạt giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất năm 1975, Nguyễn Khánh cho biết chính Đại tướng Maxwell D. Taylor của Mỹ đã đích thân ra lệnh cho ông ta phải rời khỏi Việt Nam. Thậm chí, Nguyễn Khánh còn lén ghi âm lại lệnh "lưu đày không chính thức" này của Taylor.

Sau khi rời Việt Nam, Nguyễn Khánh ở Hoa Kỳ một thời gian ngắn. Từ năm 1966, ông sang Pháp bằng trợ cấp dành cho những người từng phục vụ quân đội Pháp ở Đông Dương. Sau năm 1975, ông định cư tại Mỹ, sinh sống bằng nghề kinh doanh xăng dầu và sửa chữa ôtô.[13]

Ngày 2 tháng 1 năm 2005, tại Đại hội quốc dân lần 2 (California, Mỹ), ông được bầu làm Quốc trưởng của "Chính phủ Lâm thời Việt Nam Tự do" ở tuổi gần 80.

Trong cuộc họp báo ngày 17 tháng 8 năm 2008 tại thành phố Garden Grove (Nam California, Mỹ), với danh nghĩa Quốc trưởng "Chính phủ Lâm thời Việt Nam Tự do", Nguyễn Khánh tuyên bố "sẽ tự giải tán Chính phủ ngay khi một Liên Minh Dân tộc, với sứ mạng bảo vệ chủ quyền đất nước, giành lại tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam được thành lập".[14]

Nguyễn Khánh mất ngày 11 tháng 1 năm 2013 tại San Jose, California, Hoa Kỳ.

Đời tư

[sửa | sửa mã nguồn]
Ông Nguyễn Khánh năm 2000

Về đời tư, Nguyễn Khánh được xem là người con có hiếu nghĩa. Do mẹ ruột mất sớm, ông được sự chăm sóc bởi người mẹ kế là nghệ sĩ Phùng Há và chịu nhiều ảnh hưởng của bà. Sau năm 1975, ông ba lần đến cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Mỹ để xin về Việt Nam (vào các năm 1989, 1997, 1998) để phụng dưỡng bà nhưng đều bị từ chối.[13]

Ông có cha là Nguyễn Bửu và mẹ là Phạm Lệ Trân. Vợ ông là Nguyên Lê Trần và cả hai có tổng cộng 7 người con.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Khóa 1 Võ bị Liên quân Viễn Đông tốt nghiệp với tổng số 16 khóa sinh, chỉ có ba người được mang cấp Thiếu úy, số còn lại mang cấp Chuẩn úy. Tướng Khánh là một trong ba Thiếu úy, hai người còn lại là Lâm Văn PhátTrần Ngọc Tám (Cả hai về sau đều là Trung tướng).
  2. ^ Tiểu đoàn 1 Nhảy dù được thành lập ngày 1/5/1951 bởi quyết định 1547/EMIFT/1 (Etat Major Interarmees et des Foces Terrestres), ban đầu do các sĩ quan người Pháp chỉ huy. Ngày 7/9/1952, Đại úy Lê Quang Triệu là sĩ quan người Việt đầu tiên được chỉ định làm Tiểu đoàn trưởng đến ngày 20/1/1952, kế tiếp là Đại úy Nguyễn Khánh chỉ huy đến ngày 22/2/1952. Sau đó, kể từ ngày 23/2/1952 đến 1/8/1954, Tiểu đoàn do các sĩ quan người Pháp chỉ huy.
    Từ ngày 1/8/1954, Tiểu đoàn 1 Nhảy dù chính thức được người Pháp bàn giao sang Quân đội Quốc gia, tính đến ngày 30/4/1975 lần lượt trải qua các Tiểu đoàn trưởng sau đây:
    -Đại úy Vũ Quang Tài (Sinh năm 1920 tại Móng Cái, tốt nghiệp trường Võ bị Địa Phương Vũng Tàu. Sau cùng là Đại tá Cục trưởng Cục Xã Hội), chỉ huy từ 1/8/1954 đến 31/8/1955.
    -Đại úy Trần Văn Đô (Tốt nghiệp trường Võ bị Đà Lạt K4. Về sau là Đại tá Tỉnh trưởng Long Khánh) chỉ huy từ 1/9/1955 đến 15/2/1959.
    -Đại úy Dư Quốc Đống, chỉ huy từ 16/2/1959 đến 15/11/1961.
    -Thiếu tá Bùi Kim Kha (Sinh năm 1932 tại Nam Định, tốt nghiệp trường Võ bị Đà Lạt K8. Sau cùng là Đại tá Tham mưu trưởng Sư đoàn Nhảy dù), chỉ huy từ 16/11/1961 đến 4/2/1964.
    -Đại úy Đoàn Văn Nu (Sinh năm 1932 tại Thừa Thiên, tốt nghiệp trường Võ bị Đà Lạt K9. Sau cùng là Đại tá Giám đốc Nha Kỹ thuật Bộ Tổng tham mưu), chỉ huy từ 5/2/1964 đến 10/8/1965.
    -Thiếu tá Lê Văn Đặng (Sinh năm 1915 tại Cần Thơ, tốt nghiệp trường Sĩ quan Pháp. Chức vụ sau cùng Chỉ huy phó trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu, giải ngũ ở cấp Đại tá), chỉ huy từ 11/8/1965 đến 24/11/1966.
    -Thiếu tá Nguyễn Thu Lương (Sinh năm 1934 tại Hà Đông, tốt nghiệp trường Võ khoa Thủ Đức K4. Sau cùng là Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2 Nhảy dù), chỉ huy từ 25/11/1966 đến 2/4/1968.
    -Thiếu tá Phạm Hy Mai (Sinh năm 1933 tại Hà Nội, tốt nghiệp trường Võ khoa Thủ Đức K4. Sau cùng là Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Nhảy dù), chỉ huy từ 3/4/1968 đến 14/6/1970.
    -Thiếu tá Nguyễn Xuân Phan (Tốt nghiệp trường Võ bị Đà Lạt K19. Cuối tháng 3 năm 1971 tử trận tại mặt trận Hạ Lào (Lam Sơn 719), được truy thăng Trung tá), chỉ huy từ 15/6/1970 đến 31/3/1971.
    -Thiếu tá La Trịnh Tường (Tốt nghiệp trường Võ khoa Thủ Đức, cấp bậc sau cùng là Trung tá), chỉ huy từ 1/4/1971 đến 6/6/1972.
    -Thiếu tá Lê Hồng (Tốt nghiệp khóa 4 Sĩ quan Hiện dịch Đặc Biệt trường Hạ sĩ quan Đồng Đế. Sau cùng là Trung tá Lữ đoàn phó Lữ đoàn 1 Nhảy dù), chỉ huy từ 7/6/1972 đến 15/8/1974.
    -Thiếu tá Ngô Tùng Châu (Tốt nghiệp trường Võ bị Đà Lạt K18), chỉ huy từ 16/8/1974 đến 30/4/1975.
  3. ^ Đại úy Lê Quang Triệu sinh năm 1925 tại Thừa Thiên, tốt nghiệp trường Sĩ quan Pháp, năm 1954 chính thức chuyển sang Quân đội Quốc gia được thăng cấp Thiếu tá. Trong vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963, ông bị phe đảo chính sát hại cùng với người anh cả là Đại tá Lê Quang Tung
  4. ^ Thiếu tá Nguyễn Thành Đầy về sau giải ngũ ở cấp Trung tá.
  5. ^ Thiếu tá Trần Văn Hổ (tên quốc tịch Pháp là Paul), sinh năm 1928 tại Chợ Lớn. Tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia Huế K2. Về sau giải ngũ ở cấp Đại tá.
  6. ^ Miền Hậu Giang vào thời điểm này còn thuộc về Vùng 3 Chiến thuật. Về sau là Vùng 4 Chiến thuật.
  7. ^ Đệ ngũ Quân khu được thành lập từ lãnh thổ của Miền Hậu Giang trước đó.
  8. ^ Đại tá Huỳnh Văn Tồn, tốt nghiệp khóa 3 Võ bị Đà Lạt, sau cùng là Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh, giải ngũ năm 1965
  9. ^ Thiếu tá Cổ Tấn Tinh Châu sinh năm 1931 tại Sài Gòn, tốt nghiệp khóa 5 Võ bị Đà Lạt, sau cùng là Đại tá Chỉ huy trưởng Đặc khu Rừng Sác
  10. ^ Hoành Linh Đỗ Mậu, Việt Nam máu lửa quê hương tôi. Chương XVIII: Ba năm xáo trộn. "Ngày 22-10 [năm 1964], Thủ tướng Nguyễn Khánh tuyên bố tại Pleiku "Quân đội là cha quốc gia"".
  11. ^ Đặng Văn Nhâm, Bí Mật Hậu Trường Chính trị Miền Nam 1954-1975. Quyển 3 (2001)
  12. ^ Chức vụ Đại sứ Lưu động ngoài nước dành cho tướng Nguyễn Khánh thực chất chỉ là một hư vị không có nhiệm sở, thực tế ông là một chính khách lưu vong
  13. ^ a b [1]
  14. ^ "Chính phủ Việt Nam Tự Do sẽ tự giải tán để vận động Liên Minh Dân tộc cứu nguy Đất Nước" - Dantoc.net

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trang 99-103.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Những điều cần biết về nguyên tố thảo - Genshin Impact
Những điều cần biết về nguyên tố thảo - Genshin Impact
Trước hết, hệ Thảo sẽ không tương tác trực tiếp với Băng, Nham và Phong. Nhưng chỉ cần 3 nguyên tố là Thủy, Hỏa, Lôi
Tổng hợp các thông tin về ReVanced
Tổng hợp các thông tin về ReVanced
ReVanced là team sẽ tiếp nối dự án của team Vanced - hỗ trợ tạo ra bản mod YouTube không quảng cáo cho mọi người
Vì sao Ryomen Sukuna là kẻ mạnh nhất trong Jujutsu Kaisen
Vì sao Ryomen Sukuna là kẻ mạnh nhất trong Jujutsu Kaisen
Con người tụ tập với nhau. Lời nguyền tụ tập với nhau. So sánh bản thân với nhau, khiến chúng trở nên yếu đuối và không phát triển
Vài trò của Hajime Kashimo sau Tử diệt hồi du
Vài trò của Hajime Kashimo sau Tử diệt hồi du
Hajime Kashimo là một chú thuật sư từ 400 năm trước, với sức mạnh phi thường của mình, ông cảm thấy nhàm chán