Đào hoa nguyên ký (chữ Hán: 桃花源記) hay Đào hoa nguyên (桃花源), là một trong những sáng tác nổi tiếng của Đào Tiềm, một danh sĩ trong lịch sửvăn học cổ điển Trung Quốc.
Bài ký này vốn là của Đào Tiềm, sáng tác vào năm Vĩnh Sơ thứ 2 (421) thời Tây Tấn. Văn chương miêu tả một xã hội không có chiến loạn, không có áp bách, tự cấp tự túc, mỗi người tự đắc, đối lập hẳn với tình hình xã hội lúc bấy giờ của nhà Tấn. Ý tưởng của tác giả muốn vẽ nên một khung cảnh xã hội lý tưởng, cũng lấy ý phản kháng hiện thực xã hội.
...Như bài Quy khứ lai từ (Lời từ biệt khi về), ở Đào hoa nguyên ký, ông cũng đã dựng lên một hình ảnh một xã hội tươi đẹp. Đây chỉ là xã hội không tưởng của người sản xuất nhỏ in dấu ấn khá đậm của quan niệm " nước nhỏ dân ít" của Lão Tử. Tuy vậy, cũng thể hiện sự phủ định mạnh mẽ của Đào Uyên Minh đối với hiện thực đen tối và phản ảnh phần nào nguyện vọng của nhân dân đương thời...[1]
Sách Văn học Trung Quốc (tập 1):
Chính vì đã từng tự cày cấy mà ăn, từng chia sẻ nỗi buồn với nhà nông, mà Đào Tiềm mới tạo ra cái thế giới không tưởng Suối hoa đào.
Phân tích Đào hoa nguyên ký thì thấy thế giới ấy chẳng khác gì một xã hội thời nguyên thủy: không có giai cấp, không có triều đại nào cả... nên ở đó, không phải nạp thuế, không bị bốc lột, mọi người đều vui sướng cày bừa nuôi thân.
Mô tả như vậy, tức là Đào Tiềm đã dùng những hình ảnh sinh động, mạnh dạn phủ nhận sự tồn tại của vua chúa, của giới quý tộc, phê phán chế độ xã hội đương thời, mơ ước một xã hội thuần phác, yên vui, ai nấy đều lao động và được hưởng thành quả lao động của mình.
Bài ký này cùng với nhiều bài thơ khác như Quy viên điền cư, Ẩm tửu... tác giả đã ca tụng cảnh sống ẩn cư trong lao động, nhàn hạ và cách biệt với đời. Điều này có nghĩa ít nhiều, chúng đều ảnh hưởng tư tưởng của LãoTrang.[2]
Đào hoa nguyên ký, gọi tắt là Đào Nguyên còn là một điển tích văn học để chỉ nơi tiên cảnh. Vì Đào hoa nguyên có thể hiểu là suối hoa đào, hay động đào, động bích, động nguyên bích...
Điển cố Đào Nguyên được nhắc đến trong nhiều sáng tác văn chương cổ điển, chẳng hạn như:
Rước mừng, đón hỏi, dò la
Đào Nguyên lạc lối đâu mà đến đây?
(Truyện Kiều, câu 191, 192. Kiều mơ thấy Đạm Tiên)