Bài viết hoặc đoạn này cần người am hiểu về chủ đề này trợ giúp biên tập mở rộng hoặc cải thiện. Bạn có thể giúp cải thiện trang này nếu có thể. Xem trang thảo luận để biết thêm chi tiết.(tháng 2/2022)
Tây Du Ký (phồn thể: 西遊記; giản thể: 西游记; bính âm: Xī Yóu Jì; Wade-Giles: Hsi Yu Chi), là một trong những tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Hoa. Được xuất bản với tác giả giấu tên trong những năm 1590 và không có bằng chứng trực tiếp còn tồn tại để biết tác giả của nó, nhưng tác phẩm này thường được cho là của tác giả Ngô Thừa Ân. Tiểu thuyết thuật lại chuyến đi đến Ấn Độ của nhà sư Huyền Trang (Đường Tam Tạng) đi lấy kinh.
Những chương đầu thuật lại những kì công của Tôn Ngộ Không, từ khi ra đời từ một hòn đá ở biển Hoa Đông, xưng vương ở Hoa Quả Sơn, tìm sư học đạo, đại náo thiên cung, sau đó bị Phật Tổ Như Lai bắt nhốt trong Ngũ Hành Sơn 500 năm. Truyện kể lại Huyền Trang trở thành một nhà sư ra sao và được hoàng đế nhà Đường gửi đi thỉnh kinh sau khi hoàng đế thoát chết.[cần dẫn nguồn]
Phần tiếp của câu chuyện kể về các hiểm nguy mà thầy trò Đường Tam Tạng phải đối đầu, trong đó nhiều yêu quái là đồ đệ của các vị Tiên, Phật. Một số yêu tinh muốn ăn thịt Huyền Trang, một số khác muốn cám dỗ họ bằng cách biến thành những mỹ nhân. Tôn Ngộ Không phải sử dụng phép thuật và quan hệ của mình với thế giới yêu quái và Tiên, Phật để đánh bại các kẻ thù nhiều mánh khóe, như Ngưu Ma Vương hay Thiết Phiến Công chúa,...
Cuối cùng khi đã đến cửa Phật, thầy trò họ lại phải đổi Bát vàng của Hoàng đế Đường Thái Tông tặng để nhận được kinh thật. Đây cũng được tính là một khổ nạn cho bốn thầy trò. Khi qua sông Thông Thiên, Tam Tạng gặp lại Lão Rùa năm xưa chở ông qua sông. Khi đang chở Tam Tạng qua giữa sông, Lão Rùa hỏi Tam Tạng rằng ông có hỏi Phật Tổ giúp lão rằng bao giờ lão tu đắc chính quả không, vì Tam Tạng quên hỏi nên bị Lão Rùa hất cả bốn thầy trò lẫn kinh văn xuống sông. Kinh văn bị ướt, sau khi phơi khô một số bị rách. Vì thế mà kinh về đến Trung thổ không được toàn vẹn.
Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận khác cho rằng hình ảnh kết hợp của thầy trò Tam Tạng lại ẩn giấu một khái niệm sâu sắc hơn nhiều, đó là về "tâm" (bản chất con người). Từ Đường Tam Tạng đến con ngựa đều biểu trưng cho một đặc tính thường thấy của "tâm", 5 thầy trò chính là 5 yếu tố cấu thành bản chất con người:
Bạch Long Mã: Ngựa tượng trưng cho xác thân. Ngựa thần là xác thân cương kiện. Con người đi tìm Chân lý, tìm Đạo, cần có xác thân vững vàng, khoẻ mạnh. Không có ngựa tốt thì Đường tăng không tới được Lôi Âm. Người mà thể xác bệnh hoạn, tinh thần ươn hèn thì không thể chiến đấu để đạt tới Chân lý, đạt Đạo. Bạch Long Mã là một người quân tử, khôi ngô tuấn tú song vì quá mê tửu sắc nên khi bị người tình phản bội đã nông nổi đập nát báu vật mà Ngọc Hoàng Thượng đế ban cho, chi tiết này tượng trưng cho những hành vi sai lầm mà con người gây ra và trả giá thông qua xác thân của mình.
Sa Tăng: là tính cần cù, nhẫn nại. Sa Tăng phải nhọc nhằn gánh hành lý là lẽ ấy. Tề Thiên mấy bận giận Thầy, mấy phen đào nhiệm quay về Thủy Liêm động quê xưa; Bát Giới đã trăm lần ngàn lượt đòi chia của, rồi mạnh ai đường nấy. Chỉ riêng có Sa Tăng suốt cuộc hành trình vẫn một lòng một dạ quảy hành trang tiến tới. Không một lời thoái lui, không một lòng biến đổi. Sa Tăng là hình ảnh của tinh tiến, trì thủ, tâm bất thoái chuyển. Dù khó khăn đến đâu, đã quyết rồi thì cứ đi tới. Khí giới của Sa tăng vì thế là bảo trượng có đầu dẹp và bén nhọn, để mà dễ dàng ghim chặt vào mục tiêu. Chí đã định rồi thì không biến đổi, lòng đã quyết rồi thì chẳng chuyển lay. Pháp danh của Sa Tăng vì thế là Ngộ Tịnh: tịnh để mà khắc chế cái động, cái chưa thanh tịnh; tịnh để mà kham nhẫn, chịu đựng.
Trư Bát Giới: là tính tham và dục, những tâm tính bản năng. Tham ăn, tham ngủ, tham của, tham sắc và tham nịnh nọt cho được lợi về mình. Khí giới của họ Trư vì thế phải bắt buộc là đinh ba, là cào cỏ, để mà vơ vào cho nhiều, cho vừa lòng tham dục. Bát Giới là sự tập hợp những bản năng rất vật dục và tầm thường nơi con người. Vì thế, mà pháp danh của Bát Giới là Ngộ Năng.
Tôn Ngộ Không: tượng trưng cho trí tuệ, lý trí. Lý trí phải dẫn dắt, phải soi đường cho hành động. Thế nên, trong phim luôn luôn là Tề Thiên đi trước, dẫn đầu mấy thầy trò. Lý trí ưa nổi loạn, ngang tàng phách lối, chẳng chịu thua kém ai. Cho nên Tề thiên coi mình to ngang với Trời (Tề Thiên: bằng Trời), và muốn lên trời xuống biển, quậy phá mọi nơi, không chút đắn đo ngần ngại. Đối với Trời vẫn tự xưng "Lão Tôn" là tính kiêu căng. Trước mặt Trời vẫn nghênh ngang không chịu quỳ, ăn nói bất kể tôn ti lễ phép. Đó là tượng trưng cho đầu óc duy lý của những người muốn chống lại trật tự xã hội. Lý trí có những "thuộc tính" như thế nên cần phải được uốn nắn luôn luôn cho hợp với kỷ cương, khuôn phép. Tề Thiên bởi vậy mà phải đội vòng kim cô. Khi về tới chùa Lôi Âm, thành Phật rồi, không cần cởi, vòng kim cô tự lúc nào đã biến mất. Cái trí con người khi đã thuần dưỡng thì không cần kỷ luật nó vẫn vận động đúng. Giống như trẻ con mới tập viết phải có giấy kẻ hàng, khi lớn lên viết giỏi rồi, giấy chẳng vạch hàng kẻ ô vẫn dễ dàng viết ngay ngắn.
Đường Tăng: tượng trưng cho những tình cảm con người: lòng từ bi, nhân hậu, bao dung, có quyết tâm tu hành vượt qua muôn vàn cám dỗ. Nhưng giàu tình cảm thì cũng đi liền với sự u mê, nhu nhược, ba phải. Một trăm lần Tề Thiên cản: "Yêu ma đấy, chớ có cứu". Và đủ một trăm lần Đường tăng cứ cứu, để rồi mắc nạn vương tai. Đó là vì sự nhận thức của cảm tính không biết nghe theo tiếng gọi sáng suốt của lý trí. Đường Tăng cứ lặp đi lặp lại những sai lầm của mình và không có sai lầm nào giống sai lầm nào. Con người cũng thế, cứ đi từ sai lầm này đến sai lầm khác mà thôi, nếu không nghe theo lý trí mà chỉ biết chiều theo tâm lý, tình cảm nhất thời.
Ngoài ra có những chi tiết mang ẩn ý sâu xa, nếu không am hiểu kĩ thì dễ gây hiểu nhầm. Ví dụ, chi tiết A Nan và Ca Diếp đòi Đường tăng phải dâng bát vàng mới truyền kinh thư. Đọc lơ mơ, nhiều người hiểu thô thiển rằng A Nan và Ca Diếp đòi hối lộ. Thực ra, làm gì có chuyện vòi vĩnh của đút lót ở cửa Phật. Trong mười đại đệ tử của Phật, Ca Diếp đứng hạng ba, A Nan đứng thứ mười, đều đắc quả A-la-hán, dứt bỏ hết các lậu hoặc (nhất thiết lậu tận), họ không còn vướng lụy vào những của cải châu báu trên thế gian. Chiếc bình bát bằng vàng nguyên là của vua Đường tặng cho Đường Tăng. Vì thế, trong tình huống này, nó là tượng trưng cho của cải và danh vọng ở thế gian. Để lãnh kinh báu của Phật, dâng nạp bình bát là ngụ ý: muốn thọ lãnh đạo giải thoát của Phật, con người phải chịu lìa bỏ danh vọng và của cải thế tục. Hành động đòi bát của Đường Tăng ở đây là ẩn dụ, có tính biểu tượng về Phật pháp.
Cũng nên chú ý đến lời nói của A Nan và Ca Diếp: "Hai vị tôn giả cười nói: Hà Hà! Tay trắng trao kinh truyền đời, người sau đến chết đói mất." Đạo pháp cao thâm thì không thể truyền thụ dễ dàng (đạo pháp bất khinh truyền), cho nên kẻ học đạo, muốn thụ pháp thì phải biết đánh đổi. Dâng bát vàng chính là mang ý nghĩa đánh đổi. Nếu dễ dàng truyền đạo pháp cho người không xứng đáng, không muốn từ bỏ danh lợi thế tục, chẳng những kẻ ấy không thể hoằng dương được chính pháp mà còn khiến cho đạo pháp suy tàn, bế tắc. Như thế, đời sau sẽ không còn hưởng được pháp thực nữa, nghĩa là tâm linh con người sẽ "đói". Ý nghĩa sâu xa trong câu nói của A Nan - Ca Diếp là như vậy.
Ngoài ra còn một ý nghĩa khi phải để lại bát vàng (Bát Chánh Đạo) lúc đã tới được cảnh giới Chân Như, gặp được Phật Như Lai, đó là: cái bát vàng tượng trưng cho sự khất thực, truyền Pháp, hóa Duyên... nay phải bỏ lại vì công quả đã viên mãn, vượt qua được các kiếp nạn. Tức là đã tu đắc Đạo, tu hành chứng quả vị Phật. Bát vàng tượng trưng cho công cụ giúp hành giả vượt qua biển khổ, chướng ngại, khi đã tới được bến Giác thì cũng không còn cần thiết nữa.
Tôn Ngộ Không, một con khỉ đá thành tinh có phép thuật mà biết quy y cửa Phật, ngày nay đã trở thành một trong những nhân vật được yêu mến nhất trong văn học Trung Hoa. Đây là một nhân vật quen thuộc đối với nhiều người ở châu Á, và được so sánh với chuột Mickey ở phương Tây. Có nhiều giả thiết cho rằng nhân vật Tôn Ngộ Không bắt nguồn từ truyền thuyết của Hanuman, một anh hùng khỉ Ấn Độ từ thiên sử thiRamayana.[1] Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện ra một nguồn gốc khác của Tôn Ngộ Không từ những bức bích họa có niên đại hơn 1.000 năm, tìm thấy trong Động Thiên Phật, cách huyện Tây An, tỉnh Cam Túc khoảng 90 km. Các bức hình có cảnh một vị hòa thượng và "Hầu hình nhân" (người hình khỉ) đang trang nghiêm chắp tay hành lễ, hướng mặt về phía Phật Bà Quan Âm trên đài Kim Cương bảo thạch. Theo giáo sư Hà Văn Kiệt, trưởng nhóm nghiên cứu, Tôn Ngộ Không thực chất là một người đàn ông có thật, tên là Thạch Bàn Đà, quê tại thành Tiên Dương, người dân tộc Hồ. Ông có ngoại hình xấu xí, thô kệch, kỳ quái, nên có biệt danh là "Hầu hình nhân". Tuy nhiên, người dân trong vùng ai cũng yêu quý Thạch Bàn Đà, bởi ông tính tình thực thà, thông minh nhanh nhẹn, võ nghệ cao cường, thường hay cứu mạng dân lành, diệt trừ thú dữ. Vào năm 629, khi Đường Tăng dừng chân tại vùng Tiên Dương, biết tin Huyền Trang đang giảng kinh, người đàn ông xấu xí này liền tìm tới nghe, rồi bị cảm hóa, thấm dần tư tưởng nhà Phật. Ông một người một ngựa, tự nguyện tháp tùng Đường Tăng tới Tây Thiên, cùng sư phụ vượt mọi gian nan, hiểm trở trên đường lấy kinh.[2]
Đường Tam Tạng, họ Trần tên Huyền Trang, lúc nhỏ tên Giang Lưu, kiếp trước là Kim Thiền Tử, đệ tử của Phật Tổ Như Lai, do ngủ gật trong giờ giảng kinh và vô tình đá đổ một hạt gạo nên bị phạt đày xuống trần gian tu 10 kiếp và phải trải qua 81 kiếp nạn mới được trở lại Linh Sơn.
Trư Bát Giới, còn được gọi là Trư Ngộ Năng do Quan Thế Âm Bồ Tát đặt cho, nghĩa là: "con lợn (tái sinh) nhận ra, ngộ ra khả năng của mình" để ám chỉ việc Bát Giới luôn tự đánh giá mình quá cao mà quên mất mình mang một hình hài kinh khủng.
Sa Tăng, còn được Bồ Tát đặt cho cái tên Sa Ngộ Tịnh, có nghĩa là giác ngộ được tâm thanh tịnh trong đạo Phật. Có tài liệu phiên âm tên này là Sa Ngộ Tĩnh, nhưng so với chữ Hán trong nguyên bản (沙悟淨) thì chữ 淨 chỉ có một âm đọc là "tịnh", như trong "thanh tịnh" (清淨). Tên này luôn được Đường Tăng gọi. Còn danh tự Sa Tăng là do Tôn Ngộ Không đặt khi ông chịu phò giá Đường Tăng, vì thấy cách chào của Sa Tăng giống hoà thượng. Ngộ Không và Bát Giới luôn gọi Sa Tăng là "Sa sư đệ" hoặc "tam sư đệ" mặc dù nếu tính đúng thì Ngộ Tịnh là đệ tử thứ tư của Đường tăng.
Bạch Long Mã (chữ Hán: 白龍馬) hay Tiểu Bạch Long là con của Tây Hải Long Vương (em Đông Hải Long Vương) là đồ đệ thứ hai của Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh. Được Đường Tăng thu phục ngay sau khi thu phục Ngộ Không nhưng cả ba đồ đệ khác của Đường Tăng đều gọi Bát Giới là "nhị sư huynh/đệ" và gọi Sa Tăng là "tam sư đệ".
Dưới đây là một số yêu quái tiêu biểu trong Tây Du Ký:
Bạch Cốt Tinh - là một bộ xương tu luyện thành tinh, 3 lần lừa Đường Tăng nhưng đều thất bại. Bị Tôn Ngộ Không đánh chết sau lần thứ 3
Ngưu Ma Vương - Bình Thiên Đại Thánh, là huynh đệ kết nghĩa của Tôn Ngộ Không, bản thể là một con trâu thành tinh. Sức mạnh ngang với Tôn Ngộ Không.
Hồng Hài Nhi - Thánh Anh Đại Vương, là con trai của Ngưu Ma Vương và Thiết Phiến Công Chúa, có tài phun lửa Tam Muội Chân Hỏa, đã từng thiêu Tôn Ngộ Không trọng thương, và sau đó bị Quan Âm Bồ Tát thu phục làm Thiện Tài Đồng Tử.
Kim Quan Trăm Mắt - có 7 vị sư muội ở động Bàn Tơ, là yêu quái rết nhiều mắt. Ở Hoàng Hoa Quán, dùng trà táo đỏ để đầu độc Đường Tăng.
Con sư tử của Văn Thù Bồ Tát (Sư Vương) và Con voi của Phổ Hiền Bồ Tát (Tượng Vương) lẻn xuống trần gian kết huynh đệ với Đại bàng Kim Sí Điểu ở Sư Đà Lĩnh (500 năm trước có kết giao với Tề Thiên, xưng là Sư Đà Vương).
Cửu Đầu Trùng - một loại trùng 9 đầu, có cánh, là phò mã đầm Bích Ba, chồng của Vạn Thánh Công Chúa, sai hai con ngư yêu là Bôn Ba Nhi Bá và Bá Ba Nhi Bôn ăn trộm ngọc Xá Lợi để làm lễ vật.
Hoàng Bào Quái - là Khuê Mộc Lang trong Nhị Thập Bát Tú, xuống trần xưng vương động Ba Tuyệt, nước Bảo Tượng, bắt cóc công chúa Bách Hoa Tu làm vợ.
Hoàng Mi Lão Phật - nguyên là tiểu đồng lông mày vàng giữ chiếc chụp vàng của Phật Di Lặc. Lập chùa Lôi Âm giả để lừa Đường tăng vào chùa bái lạy thì bắt giữ.
Kim Giác và Ngân Giác - là 2 Đồng tử của Thái Thượng Lão Quân, trộm các bảo bối Hồng Hồ Lô, Tịnh Bình, Dây Thừng Vàng, Thất Tình Kiếm, quạt Ba Tiêu xuống xưng vương tại núi Bình Đỉnh, động Liên Hoa.
Hoàng Phong Quái - là con chuột có phép Tam Muội Chân Phong, từng ăn trộm dầu lưu ly của Phật Tổ, đã làm Tôn Ngộ Không bị hỏng mắt, sau bị Linh Cát Bồ Tát thu phục.
Thiết Phiến Công Chúa - là vợ chính của Ngưu Ma Vương và là mẹ ruột của Hồng Hài Nhi.
Là quạt gió tiên của Thiết Phiến công chúa còn gọi là Bà La Sát. Thái Thượng Lão Quân cũng có một cái là quạt lửa. Quạt Ba Tiêu sanh tại núi Côn Luân, từ thuở khai thiên lập địa. Quạt có thể quạt một cái thì lửa tắt, quạt hai cái thì sanh gió, quạt ba cái thì mưa xuống. Khi quạt nhằm con người bay tới năm mươi bốn ngàn dặm mới ngừng. Có thể biến to thu nhỏ. Tôn Ngộ Không đã dùng Định Phong Đơn do Linh Cát Bồ Tát ban cho để khắc chế Quạt Ba Tiêu.
Kim Cang Trát còn có tên Kim Cang sào. Kim Cang Trát là một chiếc vòng hộ thân của Thái Thượng Lão Quân. Có chức năng không kị ngũ hành, có thể thâu mọi bảo vật. Khi Tôn Ngộ Không đang đánh với Nhị Lang thần Dương Tiễn, Thái Thượng Lão Quân đã ném Kim Cang Trát trúng đầu của Ngộ Không làm cho con Khỉ té nhào chết giấc nên mới bị bắt. Con Thanh ngưu của Thái Thượng Lão Quân đã đánh cắp Kim Cang Trát xuống trần hóa làm yêu tinh Độc Giác Tỉ. Nó đã dùng chiếc vòng này để thâu gậy Như Ý của Ngộ Không, vũ khí của thiên binh thiên tướng, lửa của Hỏa Đức tinh quân, nước của Thủy Đức tinh quân, hột kim đơn sa của Phật. Tuy thần thông là vậy nhưng Kim Cang Trát kị quạt Ba Tiêu. Thái Thượng Lão Quân đã dùng quạt Ba Tiêu để thâu lại Kim Cang Trát.
Hồ lô Tử Kim & Bình Ngọc Tịnh là hai món bảo bối được Thái Thượng Lão Quân lấy ở núi Côn Lôn. Hai món bảo bối này có thể hút và đựng cả vạn người. Các món này được dùng để đựng tiên đơn và đựng nước. Ngân Giác Đại Vương và Kim Giác Đại Vương đã lấy trộm nó xuống trần làm yêu quái.
Dây thừng Hoàng Kim là thắt lưng của Thái Thượng Lão Quân, có thể tự động thắt lại nhưng muốn tháo ra phải có thần chú, do đó khi Ngân Giác Đại Vương và Kim Giác Đại Vương đem nó xuống trần gian đã có lợi ích khi bắt Tôn Ngộ Không.
Chụp Vàng là bảo bối của Phật Di Lặc, nó bị đệ tử của ngài là Hoàng Mi mang xuống trần gian làm bảo vật, nó có thể nhốt người và làm tan chảy trong vài canh giờ. Tôn Ngộ Không đã rất khó khăn để thoát khỏi cái chụp này.
Túi Nhân Chủng cũng là một bảo vật của Phật Di Lặc, bị đệ tử của ngài là Hoàng Mi mang xuống trần gian làm bảo vật, nó có thể hút rất nhiều người. Nhị Thập Bát Tú đã từng bị bắt.
"Nhất tâm đồng thể" (Một lòng, cùng mình) - Chuyện Tây Du Ký, chương 32 (第032回) có viết: "Thoại thuyết Đường tăng phức đắc liễu tôn hành giả, sư đồ môn nhất tâm đồng thể, cộng nghệ Tây phương = Chuyện nói về thầy tu Đường tìm được người đi cùng với Tôn Ngộ Không, và những học trò đi đến Tây phương chung, nhất tâm đồng thể (话说唐僧复得了孙行者、师徒们一心同体)".
Ở Việt Nam đã có nhiều người dịch Tây du ký ra tiếng Việt. Hai bản dịch thành công nhất là:
Bản dịch của Thụy Đình do Chu Thiên hiệu đính, Nhà xuất bản Phổ thông Hà Nội, 1960; Nhà xuất bản Văn học tái bản năm 1997.
Bản dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, do Lương Duy Thứ giới thiệu, chia thành 10 tập, Nhà xuất bản Văn học in từ năm 1982 đến 1988. Năm 2007 được tái bản thành 2 tập, kèm theo 204 hình minh họa theo bản tiếng Trung. Năm 2015 được Đông A phát hành thành 3 tập.[4]