Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ Federal Reserve hoạt động như thế nào?

Nền kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn mỏng manh nhất trong lịch sử hoạt động của mình. Chưa bao giờ chúng ta đang ở trong một giai đoạn mà bất ổn địa - chính trị lớn đến như thế này, cũng vì thế mà sự bất định trên thị trường toàn cầu đang ngày càng gia tăng theo thời gian, giống như một kho thuốc súng đang chờ đợi tia lửa đầu tiên của đời mình.
Nổi bật trong giai đoạn bất ổn kinh tế và chính trị như hiện nay là sự gia tăng quyền lực ngầm của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, mà người anh cả không ai khác chính là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ Federal Reserve (thường được gọi tắt là Fed). Lời nói của chủ tịch Fed có sức nặng tới mức có thể dịch chuyển thị trường toàn cầu, và dĩ nhiên ý định của Fed là thứ có thể tạo ra cũng như đập nát xu hướng dao động của cổ phiếu. Nếu ta xem thị trường tài chính toàn cầu là một giáo phái, thì giáo chủ không ai khác chính là chủ tịch của Fed, lời ông ta nói ra chính là kinh thánh.
Với quyền lực có thể tự tạo ra đồng tiền dự trữ trên thế giới (đồng đô la Hoa Kỳ là loại tiền tệ mặc định được dùng để mua bán giữa hai quốc gia), Fed nắm trong tay sức mạnh vô biên mà ít người thực sự hiểu được, khả năng tạo ra nguồn cung đồng tiền mà tất cả quốc gia trên thế giới đều có nhu cầu tích trữ. Nhưng quyền lực của Fed không chỉ giới hạn trong việc kiểm soát nguồn cung đồng tiền dự trữ của thế giới, sức mạnh thực sự của Fed nằm ở khả năng tạo ra ảnh hưởng lên toàn bộ nền kinh tế toàn cầu thông qua những chính sách tiền tệ của riêng mình. Nói một cách dễ hiểu nhất, khi Fed lên tiếng, tất cả mọi người trong giới tài chính đều phải lắng nghe.
(Series này sẽ được chia thành 2 phần. Phần 1 sẽ giải thích về cách Fed xử lý khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và những hệ quả từ chính sách tiền tệ nới lỏng, trong khi phần 2 tập trung giải thích về sự thay đổi trong cách Fed thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng của mình để giải quyết cơn khủng hoảng do đại dịch Covid gây ra).


Mục tiêu hoạt động

Bắt đầu từ năm 1977, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã được Quốc Hội trao quyền để quản lý "mục tiêu kép" cực kì quan trọng trong nền kinh tế - (1) bảo đảm lạm phát ổn định và (2) giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức tối thiểu. Đây thực tế là một công việc rất tồi tệ vì hai mục tiêu trên vốn dĩ đối nghịch nhau, để đạt được một mục tiêu thì mục tiêu còn lại sẽ phải bị đánh đổi
Khi lạm phát thấp có nghĩa là hoạt động nền kinh tế không được sôi nổi -> công ty không có thu nhập -> cắt giảm nhân sự để giảm chi phí hoặc không có nhu cầu tuyển thêm nhân viên -> thất nghiệp tăng cao. Lúc này để cải thiện nền kinh tế, phương pháp mà Fed hay dùng là hạ lãi suất, khi lãi suất đi xuống -> chi phí vay thấp -> người dân và doanh nghiệp đi vay tăng cao -> tiêu dùng cá nhân và đầu tư doanh nghiệp mở rộng -> gia tăng chi tiêu -> gia tăng thu nhập hiện tại -> nhu cầu việc làm tăng cao -> lạm phát tăng theo tương ứng.
Để bảo đảm tính hiệu quả và minh bạch của một trong những cơ quan quan trọng nhất của đất nước, Fed được cấp quyền hoạt động hoàn toàn độc lập với chính phủ và được toàn quyền đưa ra các quyết định mà cơ quan cho là tốt nhất cho lợi ích kinh tế của nước Mỹ mà không cần phải xin ý kiến bên thứ ba. Lý thuyết sách giáo khoa giảng dạy là thế, nhưng trong thực tế Fed chưa bao giờ là một thể chế độc lập tách biệt hoàn toàn khỏi vòng kiểm soát của chính phủ Hoa Kỳ, mà hai bên luôn hoạt động theo đường lối tương trợ lẫn nhau để cùng nhau thúc đẩy các chính sách kinh tế cụ thể. Hiểu một cách cơ bản, mặc dù Fed có thẩm quyền hoạt động độc lập trong công tác nhiệm vụ được chỉ định bởi Quốc Hội, nhưng chỉ ở một chừng mực nhất định nào đó chứ không hoàn toàn tách biệt khỏi sự ảnh hưởng của chính phủ như lý thuyết vẫn thường hay rao giảng. Điều này thể hiện rõ nét nhất trong cách mà Fed xử lý khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Để nền kinh tế có thể phát triển ổn định và bền vững, lạm pháp phải được kiểm soát chặt chẽ ở một con số thấp vừa phải. Lạm phát quá cao sẽ gây ra những vấn đề nguy hiểm có thể ảnh hưởng cực kì nghiêm trọng đến tính ổn định của một nền kinh tế, nếu lạm phát quá thấp (tệ hơn nữa là giảm phát) thì điều này có nghĩa là nền kinh tế đang quá yếu kém và tỷ lệ thất nghiệp đang ngày càng có nguy cơ tăng cao.
Một lưu ý nho nhỏ cho đọc giả là trong kinh tế học hiện nay có sự khác biệt cơ bản giữa 2 trường phái bao gồm "thị trường tự do - free market policy" và "can thiệp từ chính phủ - government's intervention policy". Trường phái thị trường tự do cho rằng sự can thiệp của chính phủ thường không mang lại kết quả tốt đẹp gì mà chỉ để lại những hậu quả tiềm tàng nguy hiểm có thể ảnh hưởng lớn đến tính ổn định lâu dài. Chính phủ có thể có thiện ý tốt, nhưng nền kinh tế là một cỗ máy phức tạp và những ý định cố tình thay đổi phương thức hoạt động "tự do" của thị trường sẽ phản tác dụng mạnh mẽ và có khả năng tạo ra những thay đổi hệ thống làm suy giảm tính hiệu quả của thị trường trong dài hạn, vì thế cách tốt nhất là cứ để cho thị trường hoạt động một cách tự do và mọi vấn đề đều sẽ được giải quyết một cách "tự do" và "hiệu quả" thông qua nguyên lý hoạt động đặc biệt của thị trường. Nhà kinh tế học nổi tiếng Milton Friedman là người luôn ủng hộ sự độc lập và tính toàn vẹn tự do của thị trường, và ông luôn cho rằng vai trò của chính phủ trong nền kinh tế nên được thu hẹp một cách tối đa.
Không đồng ý với sự ngây thơ của các nhà kinh tế tự do, nhà kinh tế học nổi tiếng John Maynard Keynes là người luôn ủng hộ sự can thiệp tức thời của chính phủ để ngăn cản khủng hoảng lan rộng có thể để lại những hậu quả kinh tế sâu sắc trong thị trường. Keynes cho rằng khi thị trường hoạt động hiệu quả thì cứ để thị trường hoạt động "tự do" như cách mà Milton Friedman vẫn luôn mong muốn, tuy nhiên, chính phủ cần phải có những biện pháp can thiệp kịp lúc khi nền kinh tế xuất hiện những dấu hiệu tiềm tàng cho một cơn đại suy thoái đang chuẩn bị xuất hiện; hoặc là can thiệp kịp thời để giảm thiểu hậu quả tới mức tối đa, hoặc không làm gì và chứng kiến con quái vật lớn dần theo thời gian và đập nát toàn bộ nền kinh tế. Keynes là người thực dụng, ông không thích ngồi yên đứng nhìn khi thảm họa đang chuẩn bị ập xuống đầu mình.
Người viết sẽ không đi sâu vào phần tranh luận này vì nó là một hố đen vô tận, nhưng có một sự thú vị là khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 là tác nhân đã làm cho chính sách thị trường tự do từ một đứa con tinh thần phổ biến trong giới nội các Hoa Kỳ đã phải nhường vị trí lại cho các chính sách mang tính can thiệp mạnh mẽ hơn từ chính phủ. Những ý tưởng của Milton Friedman đã từng nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong giới chính trị, nhưng khi cơn đại khủng hoảng 2008-2009 xuất hiện, những ý tưởng của Keynes đã bắt đầu quay trở lại và ngày càng phổ biến hơn. Milton Friedman đã từng thắng thế trong phần lớn thời gian của cuộc chiến, nhưng có vẻ như bây giờ là thời đại của John Maynard Keynes. Những ý tưởng của Keynes đã trở lại, và nó đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng người viết hơi luyên thuyên rồi, quay lại chủ đề chính nào.

Milton Friedman và John Maynard Keynes

Như bao ngân hàng trung ương khác, 2% là con số lạm phát mục tiêu mà Fed đã chọn, lý do tại sao lại là 2% thì đến nay vẫn là một ẩn số, chúng ta chỉ biết rằng 2% là con số thần kỳ mà Fed đã chọn làm đích ngắm. Để đưa lạm phát xoay quanh mốc 2%, công cụ chính mà Fed từ trước đến nay vẫn luôn dùng chính là kiểm soát lãi suất. Bằng cách kiểm soát chi phí vay mượn tiền, Fed cho rằng họ có thể ảnh hưởng đến cách doanh nghiệp và người dân tiêu dùng và vay mượn trong nền kinh tế.
Khi lạm phát đang quá cao, Fed hiểu rằng nền kinh tế đang phát triển quá nóng, và nhiệm vụ lúc này là phải làm nguội những cái đầu đang quá hưng phấn. Bằng cách tăng lãi suất, Fed đã trực tiếp tăng chi phí vay mượn mà các cá thể trong nền kinh tế có thể vay vượn và tiêu dùng -> giảm tổng cầu sử dụng tiền trong nền kinh tế vì lúc này chi phí đã tăng cao hơn trước -> giảm các hoạt động kinh tế -> giảm lạm phát. Điều ngược lại cũng chính xác khi nền kinh tế đang quá ảm đạm và lạm pháp đang thấp hơn mức mục tiêu 2%.
Tuy nhiên, khi một xu hướng kinh tế được xác lập, nó sẽ tạo thành một vòng lặp mang tính tự củng cố và trong rất nhiều trường hợp gây ra những tác dụng phụ ngoài mong muốn, và không ai khác ngoài Fed hiểu rõ nhất điều này. Nếu như nền kinh tế đang phát triển quá nóng và lạm phát đang ở mức cao hơn mục tiêu, Fed có thể đưa ra quyết định tăng lãi suất để kéo lạm phát về mức mục tiêu, điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực khi công ty không còn mặn mà với việc vay mượn để gia tăng đầu tư, mở rộng doanh nghiệp cũng như các cá nhân không còn hứng thú vay mượn để tiêu dùng, các công ty làm ăn không còn phát đạt như trước dẫn đến cắt giảm nhân sự để tối ưu hóa chi phí hoạt động. Nền kinh tế ảm đạm luôn tạo ra nhiều cá nhân thất nghiệp - vốn là điều mà Fed không bao giờ mong muốn. Vì vậy mỗi khi một chính sách được đưa ra, các quan chức Fed luôn phải tranh cãi rất nhiều vì họ sợ rằng nền kinh tế có thể phản ứng thái quá và tạo ra những hiệu ứng dây chuyền không thể lường trước.
Trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 diễn ra, kiểm soát lãi suất là công cụ phổ biến mà Fed đã dùng để quản lý tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, và nó đã hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, khi cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, bỗng nhiên công cụ này đột nhiên mất tác dụng rõ rệt khi nó không còn khả năng gây ra ảnh hưởng lên tổng cầu trong nền kinh tế. Fed đã phải hạ lãi suất đến mức gần 0% để kích cầu, và ngạc nhiên chưa không có gì xảy ra cả. Nỗi sợ của người dân lúc bấy giờ là quá lớn, và lãi suất gần 0% đơn giản là không thể xoa dịu nỗi bất an to lớn trong lòng kinh tế nước Mỹ. Fed buộc phải nghĩ ra công cụ khác để giải quyết cơn khủng hoảng tín dụng mà Phố Wall đã tạo ra, và như một câu nói đã trở thành biểu tượng bất hủ trong series phim Mission Impossible - "Tình huống tuyệt vọng yêu cầu những giải pháp tuyệt vọng" (Desperate times call for desperate measures).

Nếu như cả nền kinh tế đều đang khát tiền mặt và không biết phải kiếm ở đâu để chi tiêu, Fed sẽ người đóng vai đấng cứu thế và ban phát ân huệ cho họ. Khi công cụ kiểm soát lãi suất đã trở nên vô dụng, Fed phải nghĩ ra những phương thức khác để gây ảnh hưởng lên nền kinh tế đang bên bờ vực thẳm tăm tối. Phát huy trí tưởng tượng vô địch của mình, Fed bắt đầu thêm những công cụ mới vào hộp đồ nghề quản lý bao gồm nới lỏng định lượng (quantitative easing), hoặc định hướng chính sách tương lai (forward guidance). Tất cả nhằm mục đích kiểm soát cơn khủng hoảng tín dụng khổng lồ mà Wall Street đã cho vay một cách bừa bãi và vô lối.
Mặc dù là một phương thức được ra đời trong hoàn cảnh kinh tế tuyệt vọng, nới lỏng định lượng (Quantitative Easing) đã dần trở thành công cụ ưu thích của Fed để giải quyết khủng hoảng 2008-2009, di chứng mà nó để lại vẫn còn kéo dài trong lòng kinh tế trên toàn cầu cho tới tận khi đại dịch Covid xuất hiện, và một lần nữa Fed lại phải đau đầu cực độ trong công cuộc tìm ra lối thoát khỏi cơn khủng hoảng dai dẳng không có hồi kết.

Ai sẽ cứu lấy chúng ta?


Khi bong bóng phát nổ vào năm 2009, tất cả các tổ chức tài chính trên Wall Street lao vào khủng hoảng trầm trọng, 2 ngân hàng lớn của Wall Street là Bear Stern và Lehman Brother phá sản, các ngân hàng lớn khác thì ngấp nghé bên bờ vực. Tiêu dùng giảm mạnh, người dân hoang mang, tài khoản tiết kiệm của người dân bị quét sạch, thị trường chứng khoán lao dốc không phanh, từ đó tạo ra cơn khủng hoảng chưa từng thấy trong lịch sử. Con quái vật mang tên "tín dụng" mà Wall Street cho ăn hàng ngày cuối cùng cũng phát nổ ngay vào mặt. Cơn bão khủng hoảng lan từ Hoa Kỳ sang Châu Âu và Châu Á, tất cả bỗng nhiên trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của một trong những cơn khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong lịch sử tài chính của nhân loại.
Khi cơn khủng hoảng lên đến đỉnh điểm và lãi suất gần 0% của Fed không còn phát huy tác dụng, Fed phải giải cứu nền kinh tế bằng cách tự tạo ra khối lượng tiền khổng lồ và đưa vào nền kinh tế để giải quyết vấn đề thanh khoản của các ngân hàng được cho là quá-lớn-để-phá-sản. Fed đã mua lại hàng loạt tài sản nợ xấu của các ngân hàng lớn cũng như trái phiếu chính phủ, đóng vai trò là người cho vay cuối cùng đến hàng loạt các tổ chức đang rất khát tiền mặt, và qua đó gia tăng mức nợ công của Hoa Kỳ lên mức hàng ngàn tỷ đô la. Nới lỏng định lượng từ một công cụ mới toanh trong hộp đồ nghề quản lý của Fed đã trở thành điều bình thường mới của thế giới sau năm 2009. Tiền rẻ đã trở thành mặt hàng đại trà không chỉ ở Mỹ và còn ở các quốc gia Châu Âu, Nhật bản, và các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính.
Khi không còn ai có thể cứu vớt ngành công nghiệp tài chính tham lam, Fed sẽ là người giang tay, và chính người lao động sẽ là người phải trả cái giá đắt nhất trong cơn suy thoái tồi tệ mà họ chưa bao giờ gây ra. Lý luận của Fed dựa trên một học thuyết kinh tế khá phổ biến thời bấy giờ (nhưng đã được kiểm chứng là không hiệu quả sau này, nhưng lúc bấy giờ thì vẫn có rất nhiều sự ủng hộ dành cho nó) với tên gọi là kinh tế nhỏ giọt (trickle-down economics). Nói một cách đơn giản nhất, học thuyết kinh tế nhỏ giọt giả định rằng bằng cách làm cho người giàu trở nên giàu có hơn, thì sự giàu có này sẽ nhỏ giọt từ từ qua các tầng lớp khác nhau trong nền kinh tế, và lợi ích kinh tế cuối cùng cũng sẽ đến với tầng lớp lao động thấp nhất trong tháp kinh tế. Bằng cách làm cho tháp trên cùng trở nên giàu có hơn, sự giàu có sẽ được nhỏ giọt đến tất cả các tầng lớp khác nhau trong nền kinh tế thị trường.


Nếu ta chia nền kinh tế thành các tầng khác nhau dựa hoàn toàn vào thu nhập với tầng lớp tinh hoa ở trên cùng, và tầng lớp lao động thu nhập thấp ở tầng nền, học thuyết nền kinh tế nhỏ giọt cho rằng số tiền mà tầng lớp tinh hoa có được sẽ từ từ được đưa xuống dưới các tầng kinh tế thấp hơn thông qua sự gia tăng trong tổng mức tiêu dùng và đầu tư vào nền kinh tế, tầng thấp hơn do có thu nhập gia tăng cũng sẽ gia tăng mức độ tiêu dùng và đầu tư vào nền kinh tế và tiền thu nhập sẽ lại tăng cao cho các tầng thấp hơn nữa, vòng lặp tích cực cứ thế tiếp tục và dòng tiền từ từ nhỏ giọt cho đến tầng nền cuối cùng trong tháp kinh tế. Đọc giả có thể tưởng tượng đến tháp rượu trong các buổi tiệc cưới để hình dung về cách hoạt động của học thuyết này.
Học thuyết này không quá khó hiểu nhưng lúc bấy giờ vẫn chưa có cơ sở dữ liệu để kiểm chứng tính chính xác, Fed vẫn toàn tâm toàn ý sử dụng nới lỏng định lượng để giải quyết khủng hoảng với học thuyết nền kinh tế nhỏ giọt làm cơ sở lý luận cho hành động trên. Fed đã ngây thơ nghĩ rằng bằng cách làm cho những người vốn dĩ đã giàu ngày càng giàu hơn thông qua việc liên tục cấp tiền vào nền kinh tế vốn, bằng cách thần kỳ nào đó số tiền này sẽ được dịch chuyển xuống nền kinh tế thực (nền kinh tế tiêu dùng) và qua đó vực dậy nền kinh tế đang quá mong manh sau cơn khủng hoảng. Nới lỏng định lượng là công cụ làm giàu trực tiếp cho tầng lớp tinh hoa là vì Fed đưa số lượng tiền mới được in ra vào nền kinh tế thông qua việc mua lại tài sản và trái phiếu chính phủ, và bạn nghĩ ai là người nắm giữ những thứ đó nhiều nhất trong tay? Không ai khác là những cá nhân và tổ chức vốn dĩ đã giàu có. Những công nhân lao động thu nhập thấp không có cách nào tiếp cận nguồn tiền mới này vì họ không sở hữu bất kỳ loại tài sản nào, nhưng với lý luận của học thuyết nền kinh tế nhỏ giọt, Fed cho rằng không sớm thì muộn số tiền trên cũng sẽ tới tay của họ, và từ đó số tiền trên sẽ gia tăng tốc độ tiêu xài và đầu tư, từ đó kéo nền kinh tế đi lên vượt qua khủng hoảng.
Fed đã liên tục sử dụng Nới lỏng Định lượng trong một khoảng thời gian rất dài sau năm 2009 với niềm tin rằng đây là điều tốt nhất cho nền kinh tế đang quá yếu ớt sau cơn khủng hoảng. Điều mà Fed không ngờ là lạm phát thấp kéo dài trong suốt quãng thời gian trên (nền kinh tế vẫn quá yếu), thu nhập không thay đổi cho phần lớn lực lượng lao động, và nền kinh tế liên tục nằm trên phao cứu sinh mà chỉ cần Fed ngừng chi tiền, mọi thứ có thể nổ tung thành thảm họa trong nháy mắt. Điều duy nhất thay đổi là giá trị tăng cao của các loại tài sản khác nhau như bất động sản và cổ phiếu chứng khoán, những nhà đầu tư và tầng lớp tinh hoa là người hưởng lợi nhiều nhất trong công cuộc chinh phạt của Nới lỏng Định lượng, và những người không sở hữu bất cứ loại tài sản nào là những người đã bị tụt lại đằng sau, và sự bất bình đẳng ngày một phình to theo thời gian.
Fed có vẻ đã có đủ dữ liệu để tin rằng Nới lỏng Định lượng ngoài việc gia tăng giá trị tài sản cho người sở hữu thì nó có rất ít tác dụng, nếu không muốn nói là hoàn toàn vô dụng cho nền kinh tế thực; các thông tin về lạm phát và việc làm không thực sự khả quan lắm, nhưng Fed biết rằng mình không thể dừng lại. Fed đã tạo ra một môi trường kinh tế mà mọi người đã quá quen với việc có thể dễ dàng tiếp cận tiền rẻ, mà chỉ cần Fed ngừng cấp vốn là sẽ lại tạo ra một cơn khủng hoảng mới, vốn là thảm kịch mà Fed không thể để cho xảy ra một lần nữa. Vì thế mà Fed đã nhắm mắt làm ngơ và tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế một cách đều đặn từ năm 2009, và giữ cho lãi suất gần 0% trong suốt một khoảng thời gian dài, cho tới khi đại dịch Covid ập đến và tạo ra những thay đổi vĩnh viễn trên thị trường (nhưng đây là câu chuyện của phần 2).


Trong giai đoạn này, sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến một công cụ khác cũng được Fed sử dụng thường xuyên để ổn định thị trường - định hướng chính sách tương lai (forward guidance). Fed hiểu rất rõ là nhất cử nhất động của mình đều có thể gây ảnh hưởng dây chuyền lên nền kinh tế, vì thế với tư cách là ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, mọi người đều phải lắng nghe và đánh giá chính sách trong tương lai của Fed và phản ánh nhận định của họ lên thị trường. Thị trường luôn rất dễ dàng phản ứng thái quá đối với bất cứ sự thay đổi nào trong chính sách của Fed, đặc biệt là những thông tin mang tính bất ngờ. Nói một cách đơn giản, thị trường rất ghét bị Fed úp sọt, và luôn thận trọng nghe ngóng thông tin trước mỗi lần Fed chuẩn bị đưa ra thông báo chính thức. Để tăng tính ổn định cho thị trường, Fed sẽ tuồn thông tin về dự định của mình cho giới báo chí theo các mẩu tin đồn trước khi đưa ra các thông báo chính thức, và giới báo chí thì luôn thích những dạng thông tin như thế này vì đây chính xác là những gì mà giới đầu tư lùng sục. Mặc dù Fed luôn phủ nhận sự liên quan của mình tới các mẫu thông tin này, nhưng giới đầu tư hiểu rằng họ hoàn toàn có thể tin tưởng rằng Fed sẽ thực hiện đúng như những gì họ nói họ sẽ làm vì đây chính xác là điều mà Fed luôn hướng đến - sự ổn định.
Fed biết rằng thị trường luôn dễ dàng phản ứng như bầy đàn mất trí, và do đó sự ổn định chỉ có thể đến nếu mọi người đều tin là Fed sẽ thực hiện đúng như những gì mà Fed nói họ sẽ làm. Định hướng chính sách trong tương lai là công cụ mà Fed dùng để gia tăng tính ổn định trên thị trường, là cách mà Fed nói với giới đầu tư trên toàn thế giới rằng - "Các anh có thể tin tưởng là chúng tôi sẽ giữ lời". Không thứ gì gia tăng sự ổn định trên thị trường toàn cầu bằng niềm tin vào tính đồng nhất trong lời nói và hành động của cơ quan quyền lực nhất trong thế giới tài chính. Nếu Fed đã nói họ sẽ làm một việc gì đó, thì nhà đầu tư toàn cầu có thể tin tưởng rằng Fed chắc chắn sẽ làm điều đó, và nếu như Fed có bất ngờ thay đổi ý kiến, thì họ cũng tin tưởng rằng Fed sẽ báo cho toàn thế biết về sự thay đổi này.
Fed đã làm tất cả để cứu lấy nền kinh tế với những chính sách tiền tệ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, tuy nhiên, Fed cũng đã phải trả một cái giá rất đắt, hay nói đúng hơn là đa phần người dân Mỹ đã phải chịu hậu quả rất lớn - họ đứng yên trong khi tầng lớp tinh hoa ngày càng trở nên giàu có. Sự bất bình đẳng chưa bao giờ lớn đến như thế này trong lịch sử của đất nước Hoa Kỳ, và cả những mâu thuẫn giai cấp âm ỉ đang chờ ngày bùng phát như một quả bom nổ chậm.

Cái giá của tiền rẻ


Những chính sách tạo ra tiền từ không khí của Fed để đối phó với khủng hoảng đã để lại những di chứng nghiêm trọng trong nền kinh tế, nhưng hiệu quả thì vẫn là một dấu chấm hỏi to lớn. Fed đã tạo ra một môi trường mà "tiền rẻ" là một điều bình thường mới, vì thế không quá khó hiểu khi những người có thể dễ dàng tiếp cận chúng không hề coi trọng giá trị của đồng tiền mà chỉ đơn thuần xem chúng là những đồng chip dùng để cá cược trên sòng bạc lớn nhất thế giới. Số tiền mới được đưa vào thị trường chủ yếu được dùng để bơm thổi giá trị tài sản thông qua cơn say mua sắm điên cuồng bởi giới tinh hoa, họ ngày càng giàu lên bởi tiền miễn phí từ Fed trong khi tầng lớp không sở hữu tài sản ngày ngày càng phải chấp nhận những công việc thu nhập ít hơn cũng như tính ổn định trong công việc không còn được bảo đảm. Fed đã nhắm mắt làm ngơ thực tế rằng học thuyết kinh tế nhỏ giọt, thông qua hàng loạt dữ liệu từ thị trường, đã được chứng minh là không hiệu quả, nhưng Fed biết rằng mình không thể ngừng bơm tiền, vì chỉ có số tiền mới được bơm qua hàng năm thông qua các gói Nới lỏng Định lượng là thứ có thể cứu rỗi một nền kinh tế đang quá yếu ớt và không biết phải tìm kiếm động lực tăng trưởng từ đâu.
Mặc dù liên tục xác nhận với giới báo chí rằng tất cả những chính sách mà Fed đang theo đuổi đều nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại sau cơn suy thoái toàn cầu nghiêm trọng, điều nổi bật nhất trong những năm ròng rã bơm tiền vào thị trường là chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng theo thời gian, và đang ở mốc cao kỉ lục trong lịch sử. Thế giới chưa bao giờ giàu như thế này, nhưng chúng ta cũng là thế hệ nợ nần nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Toàn bộ sự giàu có mà thế giới đang hưởng thụ ngày nay đang được xây dựng trên một núi nợ khổng lồ, và chúng ta có quyền nghi ngờ rằng liệu điều này còn có thể tiếp diễn đến bao lâu mà không có hồi kết? Học thuyết Tiền Tệ Hiện đại cho rằng chúng ta không thật sự cần phải lo lắng về số tiền nợ công quốc gia, vì chính phủ luôn có thể in thêm tiền mới để trả nợ cũ. Người viết không phủ nhận cũng như đồng tình với nhận định trên, thực tế thì chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu tuyên bố trên có phải là chân lý của thế giới hay lại là một màn ảo tưởng mới của giới kinh tế học thuật. Thời gian sẽ trả lời tất cả.

Tiền mới được đưa vào nền kinh tế sẽ không thể vực dậy tăng trưởng nếu chúng không được chi tiêu và sử dụng trong nền kinh tế tiêu dùng. Trên thực tế, số tiền trên chủ yếu xoay vòng trong nền kinh tế vốn, vốn dĩ là sân chơi của giới tinh hoa trong việc mua bán tài sản. Fed không muốn tin rằng nếu họ thực sự nghiêm túc trong việc giải quyết bài toán tăng trưởng kinh tế, họ phải tìm cách đưa số tiền trên vào tay người dân để khuyến khích họ chi tiêu thay vì cứ liên tục làm giàu cho tầng lớp vốn dĩ cần số tiền đó ít nhất. Đại dịch Covid là điều đã buộc Fed phải thực hiện Nới lỏng Định lượng theo cách hoàn toàn mới, giờ đây số tiền mới được đưa vào nền kinh tế bằng cách chuyển thẳng tới tài khoản của người dân.
Người viết hiểu rằng chính sách chuyển tiền trực tiếp cho người dân là một giải pháp mang tính tạm thời để giải quyết cơn khủng hoảng bất ngờ mang tên Covid, và chúng ta không nên kỳ vọng rằng tiền miễn phí sẽ là một điều bình thường mới trong nền kinh tế. Tuy nhiên, điều mà người viết muốn nhấn mạnh ở đây là tính hiệu quả trong việc sử dụng Nới lỏng Định lượng. Trong suốt một khoảng thời gian dài, Fed đã chật vật tìm cách đưa số tiền mới được bơm vào nền kinh tế tới tay của tầng lớp trung lưu hoặc thu nhập thấp, vốn dĩ là những người có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn tầng lớp tinh hoa. Fed đã kì vọng là học thuyết kinh tế nhỏ giọt sẽ phát huy tác dụng, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Có lẽ bài học ở đây là câu trả lời đơn giản nhất hóa ra lại luôn là câu trả lời chính xác nhất (Dao cạo Occam), nếu mục tiêu tối thượng của Fed là kích cầu trong nền kinh tế và không quan tâm tới các mục tiêu chính trị khác, chuyển khoản trực tiếp đến người dân là cách xử lý tối ưu nhất thay vì dựa vào một học thuyết kinh tế nghe có vẻ hay ho nhưng thực tế lại chứng minh nó vẫn chỉ là "học thuyết".
Cơn đại dịch Covid diễn ra bất ngờ đã làm thay đổi hoàn toàn môi trường kinh tế mà Fed cũng như giới tài chính đã quá quen thuộc. Thời kỳ của tiền rẻ đã chấm dứt, và thời đại của lãi suất cao đã mở ra một chương mới trong kỷ nguyên điều hành của Fed. Fed đang phải vật lộn với thời gian để giải quyết những hậu quả ngoài ý muốn từ những can thiệp mạnh mẽ vào mộ hệ thống phức tạp mà ở đó những tương tác giữa các nút là hoàn toàn bất định. Fed đã buộc phải cấp tiền miễn phí cho người dân khi cỗ máy kinh tế thế giới phải dừng hoạt động, và cũng vì khao khát ngăn cản một cơn khủng hoảng tương tự như khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, Fed đã rất quyết liệt trong các chính sách tiền tệ nới lỏng, và giờ đây cũng chính Fed là người đang phải lau dọn mớ hỗn độn từ chính sách của mình đã gây ra.

Công việc kiểu gì mà làm gì cũng toàn bị ăn chửi

Lạm phát tăng quá cao so với mốc 2% buộc Fed phải có những động thái cứng rắn với thị trường để hạ nhiệt lạm phát, và điều này cũng có nghĩa là, một cách thầm kín, Fed đang tìm cách gia tăng số lượng người thất nghiệp. Sau nhiều năm cố gắng tìm cách tăng trưởng nền kinh tế trong vô vọng từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, giờ đây Fed đã nhận được nhiều hơn những gì mình mong đợi, thậm chí là trong cả giấc mơ điên rồ nhất của mình, và Fed hiểu rằng những điều chỉnh cần phải được đưa ra để đưa nền kinh tế về điểm cân bằng mục tiêu mà mình luôn hướng tới.
Theo một cách trớ trêu nhất, Fed một lần nữa lại phải cứu lấy nền kinh tế Hoa Kỳ, nhưng lần này là theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Chưa ai nói quản lý ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới là một công việc dễ dàng cả.
319 | 10/20/2023 10:40:21 AM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Register
Bài viết liên quan
Mình học được gì sau cú
Mình học được gì sau cú "big short" bay 6 tháng lương?
Nếu bạn hỏi: thị trường tài sản số có nhiều cơ hội hay không. Mình sẽ mạnh dạn trả lời có
FOMO - yếu tố khiến các Nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường
FOMO - yếu tố khiến các Nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường
Hãy tưởng tượng hôm nay là tối thứ 6 và bạn có 1 deadline cần hoàn thành ngay trong tối nay.
Các chỉ số chứng khoán thế giới nhà đầu tư cần biết
Các chỉ số chứng khoán thế giới nhà đầu tư cần biết
Khi tham gia đầu tư, ngoại trừ những biến động trong nước thì các chỉ số chứng khoán thế giới cũng là điều mà bạn cần quan tâm