Cái chết bí ẩn của thảo thần tiền nhiệm và sự kiện tại Sumeru

[lưu ý: Bài được viết ra trong khi chủ post còn mê man, đôi khi có chêm thêm những suy đoán hàm hồ, vô căn cứ, viết ra để đọc vui những ngày phong toả thôi. Bình thường thì mình thích dịch từ Reddit hơn cho đỡ bị ăn chửi, nhưng dạo này ít bài nào đủ dài để đọc quá nên mình tự viết vậy, đừng nói lời cay đắng nhoé ]

Như chúng ta đều biết, mỗi đất nước mà chúng ta đi qua đều sẽ diễn ra một sự kiện mà nòng cốt xoay quanh các vị thần, và Traveller sẽ là nhân tố vô cùng quan trọng giúp giải quyết mọi việc. Như ở Mondstadt với sự hiểu lầm của Phong Long Dvalin đối với người dân Mon và Phong Thần Barbatos. Đến với Liyue lại là “cái chết” của Nham Vương Đế Quân Morax cùng xung đột giữa thất tinh - tiên nhân. Gần đây nhất, tại Inazuma, sắc lệnh Săn Lùng Vision của Raiden Shogun, Lôi Thần Baal khiến Quân Kháng Chiến và tộc Sangonomiya nổi dậy phản kháng, cùng với sắc lệnh Bế Quan Toả Cảng khiến nhiều con dân lâm vào tình cảnh khốn đốn.

Vậy thì trước khi kết thúc arc Inazuma và hướng đến vùng đất của sa mạc và rừng mưa - Sumeru, cùng tổng hợp những thông tin về quốc gia của những học giả mà chúng ta đã biết nhé.

Trước hết, những sự kiện tại một quốc gia sẽ đến từ nhiều nguồn tin khác nhau. Dựa theo những điều mà ta đã nắm được qua 3 quốc gia Mondstadt, Liyue, Inazuma, ta có thể thấy được, nguồn tin hầu hết được cấp từ: những npc và nhân vật hoặc item liên quan, lời giới thiệu của Dainsleif và từ chính vị thần của đất nước trước đó.

NPC, NHỮNG NHÂN VẬT VÀ ITEM LIÊN QUAN

Lấy Atsuko là ví dụ điển hình nhất, cô đã cung cấp được tình hình Inazuma như một quốc gia bị gò bó bởi xung đột và chiến tranh, bởi không chịu đựng nổi sự ngột ngạt ấy, cô đã từ bỏ cố hương mà lưu lạc đến Liyue.

Sau đây mình sẽ liệt kê một vài npc đến từ Sumeru mà mình nghĩ câu chuyện của họ có giá trị với cốt truyện chính:

1. Alrani - Đảo Ritou

Alrani là một học viên tại Học Viện Sumeru, đang tìm đề tài để viết luận án hạn kì của cô. Cô đã từng viết về Tứ Phong Thủ Hộ tại Mondstadt nhưng lại nghe tin Dvalin tấn công thành, từng có ý định viết về mối quan hệ giữa Nham Vương Đế Quân và Cảng Liyue nhưng chưa kịp viết thì nghe tin Nham Vương qua đời, từng viết về việc sử dụng sức mạnh nguyên tố mà không cần Vision của Traveller. Nhưng hiển nhiên tất cả luận án của cô đều bị từ chối bởi học viện, vậy nên cô chuyển hướng về đề tài cuộc sống của người dân Inazuma dưới thời kì phong toả. Những dữ kiện trên có thể tìm thấy trong world quest “Nghiên Cứu Không Ngừng Nghỉ” tại Liyue và “Tha Hương” tại Inazuma.

2. Sayid - Thư Viện Đội Kỵ Sĩ Tây Phong

Nếu nói chuyện với npc này về Phong Long, anh ta sẽ bảo rằng đề tài này vô cùng thú vị và đáng nghiên cứu cho luận án tại học viện, đồng thời anh ta cũng có hoài nghi về lý do Lisa rời bỏ học viện Sumeru để làm thủ thư cho Đội Hiệp Sĩ Tây Phong.

3. Hamawaran - Trong cuốn “Chiến Ký Hamawaran”

Anh là một học giả trẻ tuổi đến từ đất nước rừng mưa Sumeru, vì lo sợ việc trì hoãn tốt nghiệp nên đã vượt sóng lớn biển động đến Inazuma để hoàn thành luận văn. Trên đường vượt biển, anh bắt gặp một cô gái “không sống cũng chưa chết”, tựa như thứ người ta thường gọi là “trấn linh” tại Sumeru. Anh cũng bảo rằng việc bảo vệ luận văn tốt nghiệp chẳng khác nào địa ngục trần gian.

Và các npc khác như Soraya (Nhà Trọ Vọng Thư) hay Hosseini (sự kiện Đĩa Dẫn Năng Lượng) hầu hết đều là học giả đến từ Học Viện Sumeru đang phải nghiên cứu cho luận án của họ (riêng Vahid thì chỉ là một ông bán phân).

Tiếp đến là về Lisa, cựu học viên thiên tài 200 năm có một của học viện, đã rời bỏ đất nước của tri thức để trở về làm một thủ thư nhàn rỗi tại Mondstadt. Lý do của việc này được nhắc đến rằng cô sợ hãi trước sự điên cuồng của các học giả tìm kiếm tri thức trong rừng mưa, hay chán nản bởi những nhà hiền triết trong hội đồng không được trọng dụng. Lisa đã tự nhủ lòng, rằng hậu quả của việc đón nhận tri thức không ngừng nghỉ, sự uyên bác không giới hạn liệu có thể khiến một con người trở nên như thế nào? Kể từ khi Lisa nhận thức được điều đó, cô tự hiểu trong mình một ý niệm:

“Trước khi đắm chìm ước nguyện những phép màu từ nơi thần linh, hãy cân nhắc liệu bản thân có thể đáp ứng cái giá mà các vị thần đưa ra hay không”.

Trong cuốn Phong Thổ Chí có mô tả:

“Ở đất nước rừng mưa nhiệt đới, các nhà thông thái vứt bỏ thế tục, vì đi tìm kiếm trí tuệ mà trở nên điên loạn”.

Từ tất cả những điều trên, ta thấy rằng mọi học viên từ Học Viên Sumeru đều phải điên đầu vào những luận án của họ, cùng với việc những giáo sư càng lúc càng gay gắt trong việc xem xét những luận án, cánh cửa tốt nghiệp khỏi học viện càng lúc càng đóng kín lại hơn. Những thông tin mà npc lẫn nhân vật cung cấp về Sumeru vẫn chỉ xoay quanh về “tìm đề tài luận án”. Việc khó khăn trắc trở duy nhất cũng chỉ hướng đến làm sao để có thể tốt nghiệp khỏi học viện.

Nhưng những tri thức mà các học giả mang về Học Viện Sumeru nhằm cho mục đích gì? Chỉ đơn thuần là để tạo dựng danh tiếng của vùng đất uyên thâm bậc nhất Teyvat sao? Chẳng lẽ mạng lưới “thu thập thông tin” cao cấp phủ sóng khắp lục địa chỉ để mang lại sự uy nghiêm cho học viện? Chính Lisa cũng từng hoài nghi về “cái giá phải trả cho thần linh”. Một khi tìm được chân tướng của “trí tuệ”, loài người phải đối mặt với việc thay đổi nhân cách, điên loạn mà tìm tòi những điều chưa biết.

Nhưng Học Viện Sumeru lại thật sự không “tệ” đến thế. Như việc vẫn đào tạo được những hiền giả và những npc mà ta từng gặp vẫn rất bình thường, chưa có dấu hiệu “điên cuồng”. Và trong lore của Lông Vũ Hiền Y (thuộc bộ thánh di vật Lửa Trắng Xám), Học Viện cũng đã từ chối kế hoạch thử nghiệm “cường hoá con người” của Dottore, gọi đó là “tà đạo” và trục xuất anh khỏi khu vườn của những người ham học hỏi.

Liệu chăng God of Wisdom đang toan tính điều gì với quốc gia của người?

Tuy những câu hỏi vẫn còn đang hiện hữu trước mắt, và hầu hết mọi câu chuyện về Sumeru đều chỉ xoay quanh Học Viện Sumeru, nhưng chúng ta dường như vẫn chưa biết được vị trí và vai trò của Thảo Thần tại đất nước này. Khác hẳn với người dân Inazuma hay Liyue, dù Sumeru cũng là một đất nước đồng hành cùng thần cho đến hiện tại, nhưng người dân Sumeru vẫn chưa hề nhắc đến thần của họ trong những cuộc hội thoại. Lần đầu tiên và cũng như duy nhất Thảo Thần được nhắc đến trong game là bởi Ganyu - một tiên nhân tại Liyue đã sống vài ngàn năm.

LỜI GIỚI THIỆU CỦA DAINSLEIF

Trong video PV, Dainsleif từng nói về quốc gia Sumeru cùng Thảo Thần:

“Trí tuệ chính là kẻ địch của Thần Trí Tuệ, và ốc đảo tri thức chính là mồi nhử trôi nổi trên biển cả vô tri. Trong thành phố học thuật, các học giả bắt đầu nảy sinh những ý tưởng điên rồ, nhưng trí tuệ của thần lại chọn cách im lặng.”

Những dòng miêu tả như trên thường là cốt truyện trong game sẽ diễn ra khi Traveller đặt chân đến đất nước đó. Và tương tự với 3 quốc gia trước đó, Sumeru arc sẽ xoay quanh những kế hoạch điên rồ của học giả và thái độ thờ ơ của God of Wisdom đối với con dân của mình. Nhưng nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, thì mình muốn biết “những kế hoạch điên rồ” ấy liên quan tới thứ gì. Ở đây, mình lại liên tưởng đến 2 khả năng.

1. Các học giả của Sumeru làm theo kế hoạch “cường hoá nhân loại”  Dottore đã từng bị học viện từ chối khi xưa. Trong truyện tranh của game, thì vào khoảng thời gian những năm gần đây, sự xuất hiện của Fatui tại Sumeru đã khiến nhiều trẻ em trở thành vật thí nghiệm, Collei là ví dụ điển hình nhất. Vì vậy, có thể bằng cách nào đó chưa rõ, Dottore cùng Fatui đã khiến các học giả tin rằng việc thí nghiệm lên cơ thể người này có thể khiến bài luận án của họ trở nên đặc sắc (đại loại thế).

2. Các học giả của Sumeru càng lúc càng uyên thâm hơn về lĩnh vực giả kim thuật, một dạng sức mạnh tạo ra sự sống đến từ một quốc gia đã bị tận diệt khi xưa - Khaenri’ah. Trong video hướng dẫn gameplay Albedo, Dainsleif từng nhắc đến Sumeru như một quốc gia tinh thông nhất về giả thuật kim trên Teyvat, chỉ đứng sau cội nguồn của nó. Có lẽ, vì muốn làm ra một luận án đặc sắc, các học giả bắt đầu tìm tòi đến sự thật về thần linh, mà thứ gần gũi và mật thiết nhất với bản chất của họ chính là Khaenri’ah. Dưới lòng tham vọng truy tìm tri thức vô hạn, họ muốn tận mắt chứng kiến thứ sức mạnh đã khiến thần linh phải phẫn nộ. Các nhà hiếu học đi sâu vào sự thật của giả thuật kim, và sự thật của thế giới, sự thật về ân điển của thần linh.

Cá nhân mình thích khả năng 2 hơn, cũng như Dainsleif đã từng cảnh báo trong video hướng dẫn gameplay Mona:

“Nhớ rằng hãy tỉnh táo, người học đạo trẻ tuổi. Muốn thấu hiểu bí mật và chân lý của thế giới vô tận, thì phải sẵn sàng hiến dâng tất cả những gì mình có. Liệu thuật sĩ chiêm tinh Mona có thể chịu đựng được cái giá phải trả ấy chứ?”

“Cái giá phải trả cho những vị thần” là điều mà Lisa đã luôn hoài nghi và e sợ:

“Dường như cái giá ấy quá đắt đỏ… Họ đã phải hy sinh đi bao nhiêu để đánh đổi lấy trí tuệ uyên thâm đến thế?”

Và khi những vị học giả tài ba của học viện Sumeru đạt đến cảnh giới của tri thức, họ sẽ phải đối diện với “trí tuệ” của Thần Trí Tuệ. Nếu suy nghĩ theo hướng như trên, ta có thể hiểu được câu nói:

“Trí tuệ là kẻ địch của Thần Trí Tuệ”.

Theo cách nói trên, trí tuệ ở đây ám chỉ trí tuệ của nhân loại, lòng khao khát kiến thức vô hạn của loài người luôn là mối đe doạ lớn đối với thần linh. Vì vậy, Thần Trí Tuệ chính là hiện thân để “kìm hãm” sự phát triển vượt bậc ấy. Điều này sẽ khá hợp lý khi bám sát với những giả thuyết phổ biến về việc The Seven được tạo ra để khống chế sự phát triển của nhân loại.

Nhưng chẳng thể nào múa rìu qua mắt thợ. Thần Trí Tuệ “không lên tiếng” và đang trông đợi những phát minh táo bạo của những học giả, quan sát họ có đủ tri thức và sức mạnh để có thể tạo nên kì tích hay không. Như ta đã biết, Celestia là một nơi mà The Seven luôn phải e dè khi nhắc đến. Tựa như Phong Thần Barbatos lảng tránh câu hỏi của Vennessa khi được hỏi về đảo Thiên Không, hay Nham Thần Morax đã lập nên khế ước giữ kín bí mật về sự kiện Huỷ Diệt Khaenri’ah, và Băng Thần Tsaritsa công khai thành lập lực lượng quân sự để phất cờ chống đối Thiên Lý. Thì với một vị thần trẻ tuổi, Thảo Thần - God of Wisdom chắc hẳn cũng đang có nhiều hoài nghi về những động cơ của Celestia, đặc biệt khi anh lên ngôi ngay sau sự kiện Khaenri’ah, cùng với cái chết của Thảo Thần tiền nhiệm.

Liệu nhân loại, có thể đạt đến trí tuệ của Teyvat? Đến cuối cùng, thần thánh sẽ đưa cho họ cái giá là gì?

Theo cá nhân mình nghĩ, Sumeru arc sẽ đưa chúng ta hiểu rõ một phần về chân lý của Teyvat, sự thật của thần và một phần về sự kiện tàn lụi của một đế chế đã từng vĩ đại - Khaenri’ah. Và chúng ta sẽ biết được, đằng sau ân điển của thần linh (hay còn được gọi hoa mĩ là Vision), là cái giá quá đắt hay thứ gì còn khủng khiếp hơn nữa.

CÁI CHẾT BÍ ẨN CỦA THẢO THẦN TIỀN NHIỆM - THẦN RỪNG

Trong lore Thời Gian Của Thợ Săn của bộ thánh di vật Bóng Hình Màu Xanh. Chúng ta chỉ đơn thuần biết rằng Thần Rừng đã chết sau sự kiện Đại Thảm Hoạ khởi nguồn từ Khaenri’ah:

“… Tương truyền rằng khi tai ương cổ đại ập đến, cỏ cây chẳng bao giờ cất lời thêm lần nào nữa. Bởi vị Thần Rừng đã chết trong cuộc Đại Thảm Hoạ…”

Nhưng nguyên căn về cái chết của Thần Rừng thì vẫn chìm trong vùng tối mập mờ. Nếu như hiểu rằng Thảo Thần tiền nhiệm chính là một trong The Seven ban đầu, những Ma Thần hùng mạnh đã hạ sát không biết bao nhiêu sinh vật để giành lấy chiến thắng, một trong 7 chiếc ghế tại Celestia để cai quản một trong 7 đất nước của Teyvat. Thì cái chết của Thần Rừng có đơn giản là do bị những ma vật từ Khaenri’ah gây nên?

Tuy mình chưa dám khẳng định điều gì, nhưng nếu một vị thần trong The Seven có thể bị hạ sát dễ dàng đến thế bởi ma vật, thì quyền uy của The Seven chắc hẳn đã bị lung lay không ít.

Khi xưa, một ma vật hùng mạnh như Durin, cũng là một đứa trẻ hiền hoà, chào đợi tại thế giới này như một đứa con từ giả kim thuật. Ta có thể nghe thấy, tiếng nói của Durin trong lore của vũ khí Răng Nanh Rỉ Sét:

Nỗi nhớ này, là một kí ức mà đứa trẻ tên Durin hằng nhớ về mẹ:

“Cảm ơn mẹ.

Người đã cho con đôi cánh rộng để phất cao lẫn một thể xác khoẻ mạnh.

Mẹ nghe con nói, con muốn bay đến một vùng đất với những bài du ca dịu êm.

Con sẽ kể cho họ nghe về mẹ, và thêm cả những người khác.

Sẽ cho họ biết nơi con sinh ra đẹp nhường nào.”

Nhưng vào lúc đó, Durin đến thành Mondstadt tựa như một hiểm họa. Barbatos thức tỉnh, triệu hồi Phong Long Dvalin cùng nhau đánh bại Durin, rồi trấn áp thân xác và sức mạnh của nó dưới màn tuyết mịt mù của Long Tích Tuyết Sơn. Cho đến ngày nay, trái tim của con rồng đen vẫn còn theo nhịp đập, toả ra hơi ấm đỏ rực dù bị cái lạnh che phủ bao nhiêu năm.

Vậy thì Khaenri’ah đã có thể dùng giả kim thuật để tạo ra loại ma vật kinh khủng đến mức nào mới có thể giết chết Thảo Thần tiền nhiệm? Và với sức mạnh như thế thì liệu Khaenri’ah thực sự đã mưu tính điều gì trước khi bị các vị thần tận diệt?

Những lời sau đây chỉ là cảm tính. Chắc có lẽ, Khaenri’ah đã ngấm ngầm ý định kết thúc đế chế thống trị của The Seven lẫn các vị thần, đưa loài người trở thành sinh vật thống trị duy nhất. Đi theo lối kế hoạch ấy, Khaenri’ah bắt đầu sử dụng các công nghệ máy móc như các “Cỗ Máy Di Tích” để xâm lược các quốc gia tại Teyvat. Đồng thời sử dụng giả kim thuật để tạo ra các sinh vật hùng mạnh đủ khả năng có thể cân sức với các vị thần. Tuy ý định tạo phản đã bất thành, nhưng hậu quả mà đế chế vô thần để lại đã khiến 7 quốc gia trên cả lục địa Teyvat phải khốn đốn cùng cực, và cái chết của Thần Rừng, cũng có thể coi như thành quả đầu tiên của họ trong tham vọng lật đổ ngôi vị thần thánh.

Sau cái chết của Thần Rừng, Thảo Thần tiền nhiệm, Thần Trí Tuệ cũng bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Khi Thần Rừng ngã xuống, cỏ cây như rắn mất đầu, không còn người đại diện cho bản thân và chẳng bao giờ có thể cất tiếng nói được nữa. Thần Trí Tuệ, Thảo Thần hiện tại đã thấu hiểu được nỗi khốn khổ ấy và trở thành người đại diện cho cỏ cây. Vạn vật đều có ý niệm riêng, con người cũng vậy, loài vật cũng vậy, và cỏ cây cũng không là ngoại lệ. Liệu Thảo Thần, God of Wisdom có thể tìm ra tri thức thật sự của thế giới như tiêu đề bằng tiếng latin ở chương III:

“Sub floreis lumen sagacitatis” - Dưới những tán hoa, trí tuệ bừng sáng.

LỜI KỂ CỦA CÁC VỊ THẦN Ở ĐẤT NƯỚC TRƯỚC ĐÓ

Nếu như cốt truyện vẫn đi theo trình tự cũ, thì cuối chương Inazuma, chúng ta sẽ gặp mặt trực tiếp Raiden Shogun, hay Lôi Thần Baal để hỏi chuyện, và cô sẽ hướng dẫn chúng ta tiến về Sumeru, quốc gia của rừng mưa và sa mạc. Giống như cách mà Venti đã bảo chúng ta đến tham dự Điển Lễ Thỉnh Tiên mỗi năm có một tại Liyue để tìm Nham Thần, và Zhongli chia sẻ về sự khó khăn khi phải bước vào quốc gia bế quan toả cảng như Inazuma để diện kiến Lôi Thần.

Nếu như phán đoán của mình đúng, thì rất có thể vào mùa hè năm sau. Chúng ta sẽ đến Sumeru vào dịp Sabzeruz Festival. Dành cho ai chưa biết, lễ hội này nhằm tôn vinh ngày chào đời của “Vua Cỏ May Mắn Kusanali”, ông được nhắc đến bởi Sayid trong sự kiện Lễ Hội Hoa Gió, và Vahid tại đảo Ritou với “Kiến Thức Màu Mỡ” - một loại phân bón giúp cây cối phát triển xanh tươi, gọi đây là ơn huệ của “Vua Cỏ May Mắn Kusanali”. Sayid từng nói rất muốn tham gia lễ hội này, rất có thể chúng ta, dưới sự hướng dẫn của Lisa, sẽ cùng Sayid trở về quê hương mà tham gia lễ hội, đồng thời có cơ hội gặp mặt Thần Trí Tuệ.

Chỉ còn ngày mai nữa là trailer 2.1 sẽ cập bến, và còn 2 tuần nữa cho đến khi chúng ta đi đến hồi kết của arc Inazuma. Lôi Thần, Thần Vĩnh Hằng sẽ là người cung cấp cho chúng ta thông tin về Thảo Thần hiện tại, Thần Trí Tuệ.

Hãy chờ đón arc III: Sumeru [Thế Giới Trong Sách Hư Không Và Tro Tàn]

Công Thành Trịnh

1,928 | 2/19/2024 10:16:55 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký
Bài viết liên quan
Arlecchino – Lối chơi, hướng build và đội hình
Arlecchino – Lối chơi, hướng build và đội hình
Arlecchino là DPS hệ hỏa, với các cơ chế liên quan tới Khế ước sinh mệnh, đi được cả mono hỏa lẫn bốc hơi, nhưng có thể sẽ gặp vấn đề về sinh tồn.
Lịch sử về Trấn Linh & Những vụ bê bối đình đám của con dân sa mạc
Lịch sử về Trấn Linh & Những vụ bê bối đình đám của con dân sa mạc
Trong khung cảnh lầm than và cái ch.ết vì sự nghèo đói , một đế chế mang tên “Mặt Nạ Đồng” xuất hiện, tự dưng là những đứa con của Hoa Thần
Fun Fact về Keqing - Genshin Impact
Fun Fact về Keqing - Genshin Impact
Keqing có làn da trắng và đôi mắt màu thạch anh tím sẫm, với đồng tử hình bầu dục giống con mèo với những dấu hình kim cương trên mống mắt
Phân tích: có nên build Xiangling hay không?
Phân tích: có nên build Xiangling hay không?
Ai cũng biết rằng những ngày đầu ghi game ra mắt, banner đầu tiên là banner Venti có rate up nhân vật Xiangling