Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông: Hercule Poirot bao che tội ác
IMG

Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông: Hercule Poirot bao che tội ác

120.000 ₫ 96.000 ₫ GIẢM 20%
Án mạng trong phòng kín luôn là chủ đề được các tiểu thuyết gia trinh thám ưa thích
Lượt xem: 741
Số lượng
Mua ngay
Án mạng trong phòng kín luôn là chủ đề được các tiểu thuyết gia trinh thám ưa thích. Bởi, không chỉ thể hiện bút lực của tác giả trong xây dựng bối cảnh, nhân vật, tình tiết, thủ thuật gây án, mà còn là thử thách trí tuệ dành cho người đọc.
Review tiểu thuyết trinh thám Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông

Mô típ của các vụ án phòng kín thông thường là nạn nhân được phát hiện trong một căn phòng khóa chặt từ bên trong. Hung thủ phải sử dụng một thủ thuật đặc biệt để sát hại nạn nhân và thoát ra mà không làm thay đổi hiện trạng ban đầu của căn phòng. Thủ pháp xây dựng căn phòng kín chính là "mảnh đất màu mỡ" để tác giả trinh thám thể hiện khả năng sáng tạo của mình.
Đối với nhà văn được mệnh danh là nữ hoàng trinh thám như Agatha Christie, án mạng phòng kín là chất liệu sáng tác không thể bỏ qua. Không ít lần được bà viết về những vụ án mạng căn phòng khóa trái như trong tiểu thuyết Án mạng đêm giáng sinh hay Thảm kịch bí ẩn ở Styles. Ở những vụ án này, căn phòng kín được nữ văn sĩ người Anh xây dựng lên theo đúng nghĩa đen với những cánh cửa bị khóa từ bên trong, không có lối đi nào ăn thông ra bên ngoài.
Tuy nhiên, với khả năng sáng tạo thượng thừa, Agatha Christie không muốn dừng lại ở một căn phòng kín bất di bất dịch. Bà muốn “phòng kín” của mình có thể di chuyển được, thậm chí là di chuyển xuyên lục địa.
 

"Căn phòng kín" đó mang tên: Tàu tốc hành phương Đông.


Nếu án mạng phòng kín được hiểu là căn phòng nơi xảy ra vụ án không có sự liên kết nào với bên ngoài, thì trong cuốn tiểu thuyết Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông (Murder on the Orient Express), Agatha Christie đã tạo ra hẳn 2 căn phòng kín: Căn phòng nơi Ratchett bị sát hại và toàn bộ toa giường nằm trên tàu tốc hành phương Đông.
Căn phòng phát hiện thi thể ông Ratchett bị khóa trái, các hành khách bên ngoài không thể bước vào. Toa giường nằm (bao gồm phòng ông Ratchett) tách biệt với các toa khác, người bên ngoài không thể xâm nhập, nhất là khi đoàn tàu đang chạy với tốc độ xé gió ở chốn rừng núi hoang vu.
Các tình tiết trong truyện sẽ diễn ra thế nào? Thám tử Hercule Poirot đã làm gì để phá giải vụ án phòng kín hóc búa trên chuyến tàu tốc hành phương Đông? Tại sao vốn là người đưa tội ác ra ánh sáng nhưng trong tiểu thuyết này, Hercule Poirot lại bao che cho tội ác?
Mời bạn tìm hiểu qua bài review này nhé.
Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu về...

Bối cảnh của Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông


Một sáng sớm mùa đông năm 1937, từ Syria, thám tử Hercule Poirot lên đường trở về Anh sau khi hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ quân sự quan trọng với quân đội Pháp.
Ông di chuyển bằng tàu tốc hành Taurus đến Stamboul (nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) để bắt chuyến Tàu tốc hành phương Đông. Chuyến hành trình kéo dài khoảng 30 tiếng.
Khi tàu đến Stamboul, Poirot dự định nghỉ chân tại khách sạn Tokatlian ít hôm nhưng một bức điện tín được gửi tới khách sạn trước nhắn ông về Anh gấp. Thám tử người Bỉ hủy đặt phòng khách sạn và nhờ nhân viên lễ tân đặt giúp một chỗ trên khoang giường nằm tàu tốc hành phương Đông khởi hành ngay trong đêm.
Thông thường, chuyến tốc hành phương Đông sẽ vắng khách vào mùa đông. Tuy nhiên khi nhân viên khách sạn gọi điện đặt chỗ thì toàn bộ toa giường đã kín khách.
Đang không biết phải làm thế nào thì Poirot gặp Bouc, đồng hương của ông và hiện đang giữ chức giám đốc chuyến tàu tốc hành phương Đông này. Bouc nói sẽ giúp Poirot đặt được một chỗ trên tàu.
Đến nhà ga, Bouc và Poirot được nhân viên phụ trách toa thông báo các phòng đã được đặt hết, chỉ duy nhất một hành khách vẫn chưa tới, dù tàu sắp khởi hành. Ngay lập tức, Bouc dùng danh nghĩa giám đốc chuyến tàu để yêu cầu nhân viên phụ trách toa phải sắp xếp cho vị thám tử vào thế chỗ vị khách vắng mặt, để ông ta đi chuyến sau.
Hercule Poirot trở thành vị khách không mời trên tàu tốc hành phương Đông. Ông không biết rằng bản thân sắp bị cuốn vào một trong những vụ án mạng hóc búa nhất trong sự nghiệp phá án lừng lẫy của mình.
Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông là cuốn tiểu thuyết trinh thám có bối cảnh hẹp nhất của Agatha Christie khi phần lớn mạch chuyện diễn ra vỏn vẹn trên một toa tàu. Điều này lại càng tô điểm thêm cho bút lực tuyệt vời của nữ hoàng trinh thám người Anh.

Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông là vụ án phòng kín đỉnh cao của Agatha Christie

Vụ án phòng kín đỉnh cao của Agatha Christie


Buổi sáng ngày thứ 2 kể từ khi tàu tốc hành phương Đông khởi hành, một trận tuyết lở xảy ra cản bước đoàn tàu. Sẽ phải mất một khoảng thời gian dài để đoàn tàu có thể tiếp tục hành trình.
Lúc này, ở toa ăn uống, các hành khách đã ngồi vào bàn thưởng thức bữa sáng. Duy chỉ thiếu một người: vị doanh nhân người Mỹ Ratchett. Người hầu mang bữa sáng đến cho ông nhưng gọi mãi không có tiếng trả lời. Cửa phòng bị khóa từ bên trong. Nghi ngờ có chuyện chẳng lành xảy ra cho ông chủ, ông người hầu thông báo cho phụ trách toa tìm cách phá cửa của mình. Khi phụ trách toa bước được vào bên trong, anh ta bàng hoàng khi thấy ông Ratchett đang nằm bất động, trên người có rất nhiều vết đâm, máu loang khắp áo ngủ.
Cái chết của Ratchett là tai nạn chưa từng xảy ra trên tàu tốc hành phương Đông. Nếu vụ việc lộ ra ngoài, tàu tốc hành phương Đông sẽ mất khách. Để tránh danh tiếng của chuyến tàu này bị hủy hoại, ông Bouc, giám đốc chuyến tàu thỉnh cầu bạn đồng hương của mình, thám tử lừng danh Hercule Poirot điều tra, tìm ra hung thủ đã sát hại Ratchett trước khi cảnh sát vào cuộc. Sau một hồi đắn đo, Hercule Poirot chấp thuận thỉnh cầu của Bouc.
Quan sát từ cửa sổ phòng nạn nhân, Poirot nhận thấy không có dấu chân nào trên tuyết. So sánh thời gian tàu dừng lại với thời gian tử vong, ông kết luận hung thủ vẫn còn ở trên tàu. Hắn đang lẩn trốn trong số 12 hành khách (không tính Bouc và Poirot). Ông yêu cầu phong tỏa toàn bộ toa giường nằm để ngăn không cho hung thủ rời tàu, đồng thời triệu tập các hành khách tới toa ăn uống để lấy lời khai.
Lần lượt các hành khách đối diện với thám tử Hercule Poirot. Sau khi hoàn tất lấy lời khai lần đầu, Poirot nhận ra điểm kỳ lạ. Tất cả hành khách đều có chứng cứ ngoại phạm được chứng thực bởi ít nhất 2 hành khách khác. Dường như chẳng có ai có vẻ hành tung bất thường trong đêm xảy ra án mạng. Điều này là phi lý vì đi ngược với phân tích của vị thám tử trước đó, rằng hung thủ vẫn đang ở trên tàu. Điều này khiến Poirot bối rối.
Kết quả giám định tử thi thậm chí còn khiến vụ án trở nên rối rắm hơn khi những nhát dao không do cùng một người thực hiện. Có nhát mạnh bạo, có nhát yếu ớt, có nhát đâm bằng tay trái, có nhát đâm bằng tay phải. Dường như có 2 hung thủ. Một nam một nữ. Một thuận tay trái, một thuận tay phải. Một tên ra tay trước, tên còn lại đến sau bồi thêm những nhát đâm khác.
Manh mối ít ỏi Poirot có trong tay lúc này là những chữ cái còn sót lại trên mảnh giấy cháy dở tìm thấy tại hiện trường án mạng. Poirot nhanh chóng liên kết các chữ cái rời rạc thành một cái tên Daisy Armstrong.
Bằng suy luận nhạy bén kết hợp với những lá thư đe dọa được MacQueen - trợ lý của nạn nhân - cung cấp, Poirot suy đoán Daisy Armstrong là tên của bé gái là nạn nhân trong vụ bắt cóc từng làm rúng động dư luận nước Mỹ vài năm trước. Và Ratchett chỉ là tên giả. Tên thật của hắn phải là Cassetti, kẻ đã thực hiện vụ bắt cóc. Sau khi nhận được tiền chuộc, Cassetti không trả cô bé về cho gia đình mà bỏ mặc cô bé cho tới chết.
Cái chết của bé Daisy là mở màn cho tấn bi kịch của gia đình Armstrong. Hàng loạt cái chết xảy ra sau sự ra đi của thiên thần bé nhỏ. Mẹ cô bé đã qua đời do sảy thai vì cú sốc tinh thần khủng khiếp. Cha cô bé cũng qua đời sau đó vì quá đau buồn trước những cái chết liên tiếp xảy đến với những người thân yêu của mình. Còn người hầu gái chăm sóc cho cô bé cũng tự vẫn vì không chịu được nỗi oan khi bị buộc tội đồng lõa với kẻ thủ ác. Những người khác có liên quan đến nội vụ sau đó đều sống cuộc đời thiếu đi sự hạnh phúc bởi ám ảnh vụ án chẳng thể nguôi ngoai.
Daisy Armstrong trở thành “chìa khóa” giúp Hercule Poirot tháo gỡ từng nút thắt, lật tẩy từng điểm dối trá trong lời khai của các hành khách. Để rồi cuối cùng phá giải được vụ án phòng kín vô cùng hóc búa.


Cái hay của Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông


Sự sáng tạo của Agatha Christie thật sự đỉnh cao. Điều đó đã thể hiện trong tiểu thuyết Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông này.
Trước nay, độc giả vốn đã quen những vụ án trong phòng kín chỉ do một hung thủ trong số các nghi can có mặt tại hiện trường gây ra, giống như câu nói của Bouc khi phát hiện án mạng: “Hung thủ đang lẩn khuất giữa chúng ta…”
Tuy nhiên, với Án mạng trên tàu tốc hành phương Đông, Agatha Christie đã có một cú “bẻ cua” ngoạn mục và đầy bất ngờ khi xây dựng nên một vụ án mạng mà “tất cả chúng ta đều là hung thủ”. Không phải "Hung thủ đang lẩn khuất giữa chúng ta", mà "hắn là chính chúng ta". Thậm chí, bà đã bóng gió cho độc giả biết về manh mối về hung thủ ngay từ chương 2. Cụ thể, ở trang 24, khi Bouc nói chuyện với phụ trách toa giường nằm, có đoạn thế này.
Bouc hỏi phụ trách toa: “Nghe nói tối nay toa của ông đầy khách, đúng không vậy?” Phụ trách toa đáp: “Thật không thể tin nổi, thưa ông. Cả thế giới như chọn du lịch ban đêm!”
Toa giường nằm kín khách bất thường vào mùa đông chính là gợi ý về hung thủ đầu tiên nữ hoàng trinh thám gửi đến độc giả trước cả khi vụ án xảy ra. Nếu không nhận bén, không ít độc giả sẽ bỏ qua chi tiết bất thường này, phải đến khi vụ án được phá giải, lật dở lại những trang đầu tiên mới giật mình nhận ra, để rồi tấm tắc thán phục sự tài tình của Agatha Christie.


Hercule Poirot đứng giữa lằn ranh thiện và ác


Nếu đọc các tác phẩm khác của Agatha Christie về vị thám tử người Bỉ này, có thể thấy Hercule Poirot luôn cố gắng hết sức, vận dụng tế bào chất xám siêu hạng của mình để vạch trần thủ đoạn của hung thủ, đưa tội ác ra ánh sáng. Ngoài ra, chúng ta đều biết, ông còn là con người có nguyên tắc riêng, hơi cứng nhắc, không bao giờ làm trái với những nguyên tắc riêng này dù trong hoàn cảnh nào.
Tuy nhiên, ở Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông, Agatha Christie đã đẩy nhân vật thám tử của bà vào tình thế phải lựa chọn giữa thiện và ác khi lằn ranh giữa chúng hết sức mờ nhạt. Và có lẽ đây là lần đầu tiên, Hercule Poirot lựa chọn bao che cho tội ác, đi ngược lại với nguyên tắc của mình. Dù đã phá giải vụ án, tìm ra hung thủ nhưng ông quyết định đưa ra lời chứng sai cho cảnh sát để bảo vệ cho "hung thủ".
Xét về lý trí, Poirot đã hoàn toàn làm trái với nguyên tắc, trái với luật pháp, trái với tinh thần của một vị thám tử lừng danh. Nhưng nếu xét về cảm xúc, chắc chắn tất cả độc giả đều đồng tình với lựa chọn của ông. Bởi, vượt lên trên một vị thám tử đại tài, Hercule Poirot cũng là một con người, cũng có cảm xúc. Từ đó, độc giả thêm yêu mến vị thám tử người Bỉ, không chỉ ở trí thông minh kiệt suất, mà còn ở sự bao dung của ông.
741 | 11/1/2023 9:38:46 AM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Register