Kinh điển Phật giáo |
Đại Nhật kinh (zh. 大日經, sa. mahāvairocanābhisaṃbodhi -vikurvitādhiṣṭhāna -vaipulyasūtrendrarāja -nāma -dharmaparyāya, mahāvairocanābhi -saṃbodhisūtra, mahāvairocanābhisaṃbodhivikurvitādhiṣṭhāna -vaipulyasūtra) là một bộ kinh quan trọng của Mật tông. Kinh được Đại Sư Thiện Vô Uý (zh. 善無畏, sa. Śubhākarasiṃha) dịch sang Hán văn vào đời Đường, năm 724, với sự hỗ trợ của Sư Nhất Hạnh (一行) và Bảo Nguyệt (寶月). Kinh mang số 848 và được xếp vào sách thứ 18 (1-55) của Đại Chính tân tu đại tạng kinh. Tên gọi đầy đủ của kinh là Đại Tì-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì kinh (大毘盧遮那成佛神變加持經), viết tắt là Tì-lô-giá-na thành Phật kinh (毘盧遮那成佛經) hoặc Đại Tì-lô-giá-na kinh (大毘盧遮那經). Đại Nhật kinh bao gồm 7 quyển với 6 quyển đầu là chính văn và quyển thứ bảy nói về nghi thức hành lễ. Kinh này kết hợp với Kim cương đỉnh kinh (Vajraśekhara-sūtra) và Tô tất địa kinh (Susiddhikara-mahātantra-sād-hanopāyika-paṭala) tạo thành pháp tu cốt lõi của Mật Tông.
Theo sự ghi nhận từ các tư liệu Hán ngữ thì bộ kinh này do Sư Vô Hành đi sang Ấn Độ để thỉnh về. Sư viên tịch đột ngột (674) trên đường trở về nước. Triều đình đã cho người mang kinh về lưu giữ tại chùa Hoa Nghiêm ở Trường An. Đến năm 724, Đường Huyền Tông đã hạ chiếu thỉnh hai đại sư là Thiện Vô Úy và Nhất Hạnh đến Trường An dịch bộ kinh này. Sau khi dịch xong bộ kinh gồm 6 quyển này, các Sư đã bổ sung nghi quỹ cúng dường vào thành quyển thứ 7. Đây là bộ kinh Đại Nhật gồm 7 quyển được lưu hành phổ biến cho tới hiện nay.
Nguồn gốc ban đầu của kinh này chứa nhiều yếu tố huyền thoại và có hai thuyết như sau: Thuyết thứ nhất cho rằng bộ kinh này được lưu giữ tại tháp sắt ở Nam Ấn, rồi được Thiền sư Long Thọ thỉnh về. Thuyết thứ hai cho rằng bộ kinh này được lưu giữ bí mật ở trong một hang đá trên núi của xứ Bột Lỗ La. Khi các con khỉ mang kinh đi phơi bị gió cuốn bay thì một tiều phu nhặt được và dâng cho vua sở tại. Nhà vua cho sao chép kinh này và trả lại bản gốc cho khỉ. Sau đó nhà vua đã tặng cho một tu sĩ Du già. Từ đó bản kinh được lưu hành.
Nội dung kinh trình bày pháp môn tu giải thoát dựa trên tông chỉ: Tâm Bồ-đề là nhân, Đại bi là gốc rễ, Phương tiện là cứu cánh. Toàn bộ kinh xoay quanh các pháp đốn, tiệm qua phương tiện chữ A (nguyên gốc là thể chữ Siddham). Lấy cái bất sinh làm gốc để khai mở trí vô sinh và chứng tất địa vô tướng. Tất cả 36 phẩm trong 7 quyển được phân chia như sau:
Bản chú giải của kinh này do Thiện Vô Úy giảng và Nhất Hạnh thuật ký. Hiện nay trong tạng kinh Hán ngữ tồn tại hai phiên bản: một phiên bản nằm trong Vạn tự tục tạng kinh có tên Đại Nhật kinh nghĩa thích gồm 14 quyển mang số hiệu 0438; phiên bản còn lại nằm trong Đại Chính tân tu đại tạng kinh có tên Đại Tỳ Lô Giá Na thành Phật kinh sớ gồm 20 quyển mang số hiệu 1796.
Bảng các chữ viết tắt |
---|
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Triều Tiên | pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán |