Olkhon
остров Ольхон |
|
---|---|
Địa lý | |
Vị trí | Hồ Baikal |
Diện tích | 730 km2 (282 mi2) |
Dài | 72 km (44,7 mi) |
Rộng | 21 km (13 mi) |
Độ cao tương đối lớn nhất | 1.276 m (4.186 ft) 818 m (2.684 ft) so với mực nước hồ. |
Đỉnh cao nhất | Núi Zhima |
Hành chính | |
Nga | |
Vùng | Siberia |
Chủ thể | Irkutsk |
Nhân khẩu học | |
Dân số | 1.500 |
Dân tộc | Người Buryat |
Olkhon (Nga: Ольхо́н, còn được phiên âm là Olchon) là đảo hồ lớn thứ tư trên thế giới. Nó cũng là đảo lớn nhất trong hồ Baikal (hồ nước ngọt lớn nhất thế giới) ở đông Siberia, với diện tích 730 km vuông. Về mặt cấu trúc, hòn đảo như là một ranh giới tây nam của dãy Academician. Đảo Olkhon có chiều dài 71,5 km và rộng 20,8 km.
Có hai phiên bản về nguồn gốc tên hòn đảo này, và cả hai đều bắt nguồn từ ngôn ngữ của người Buryat, người dân bản địa của hòn đảo. Đầu tiên là nguồn gốc từ oyhon - gỗ và nguồn gốc khác là bắt nguồn từ olhan - khô.[1] Vấn đề này vẫn được bàn cãi, mặc dù cả hai từ đều mô tả thực tế của hòn đảo. Phần lớn hòn đảo được bảo phủ bởi rừng và lượng mưa ở đây là cực kỳ thấp, chỉ khoảng 240 mm mỗi năm.[2]
Hòn đảo có lịch sử cư trú lâu đời của con người. Kurykans là những người bản địa gốc, họ là tổ tiên ngày nay của hai nhóm dân tộc Buryat và Yakuts. Một nhà thám hiểm người Nga là người đầu tiên ghé thăm hòn đảo vào thế kỷ 17.[2]
Olkhon có sự kết hợp mạnh mẽ của địa hình và là địa danh khảo cổ học nổi tiếng. Bờ phía đông là núi dốc, nằm ở độ cao 1.276 m (4.186 ft) so với mực nước biển. Núi Zhima là điểm cao nhất tại hòn đảo, với độ cao 818 m (2.684 ft) so với mặt nước hồ Baikal. Hòn đảo có diện tích đủ lớn để có những hồ nước khác, với sự kết hợp của rừng taiga, thảo nguyên và cả sa mạc. Có một eo biển sâu, ngăn cách đảo với phần đất liền.
Hòn đảo là kết quả của hàng triệu năm kiến tạo tạo thành kênh trũng (Maloe More và Cổng Olkhon) giữa phần đất với khối đá hình thành lên đảo. Các sườn núi cho thấy các đỉnh nhô lên theo chiều dọc của Trái Đất.[3]
Dân số trên đảo ít hơn 1.500 người, chủ yếu là người Buryat, những người bản địa của hòn đảo.[4]
Một số khu định cư và làng mạc trên đảo như: Yalga, Malomorets, Khuzhir, Kharantsy, và Ulan-Khushin. Khuzhir là trung tâm hành chính của hòn đảo, được chỉ định vào tháng 4 năm 1987, khi chính phủ Liên Xô ban hành một nghị định toàn diện về việc bảo vệ hồ Baikal. Ngôi làng có khoảng 1.200 người, tự hào khi có một bảo tàng lịch sử tự nhiên địa phương phong phú.[2]
Hầu hết dân cư trên đảo là các ngư dân, nông dân, chủ trang trại hoặc người chăn nuôi gia súc. Do ngày càng có nhiều khách du lịch trên thế giới ghé thăm hồ Baikal cũng như hòn đảo, nên ngày càng có nhiều cư dân làm việc trong lĩnh vực du lịch. Nó đã đem lại thu nhập tốt cho người dân và trở thành một phần quan trọng trong kinh tế của hòn đảo.
Những người Buryat bản địa là tín đồ của Saman giáo, họ tin rằng hòn đảo là một nơi linh thiêng. Một nhóm các vị thần được tôn kính gọi là noyod oikony - Mười ba lãnh chúa của Olkhon. Trên bờ phía tây của hòn đảo, gần làng Khuzhir là một di tích nổi tiếng được biết đến với tên gọi là Shamanka hoặc đá của Shaman. Cư dân bản địa tin rằng, thần Burkhan, tôn giáo hiện đại của những người Altai, sống trong hang đá này. Olkhon được coi là trung tâm của văn hóa Kurumchinskay phát triển từ thế kỷ 6 đến 10.
Bảo tàng ở Olkhon được đặt theo tên của Revyakin là cuộc triển lãm về văn hóa dân tộc bản địa, với bộ sưu tập về tẩu thuốc và ấm đun nước cổ.
Nguy hại lớn nhất đối với hòn đảo chính là rác thải sinh hoạt. Rác thải được chất thành đống lớn trong rừng gần Khuzhir. Với sự gia tăng của khách du lịch, lượng rác thải vượt quá tầm kiểm soát, cùng với nhiều loại rác thải khó xử lý xuất hiện.
Vấn đề khác chính là việc chặt phá rừng bất hợp pháp của người dân địa phương. Một mạng lưới các con đường vận chuyển gỗ ở các khu vực xung quanh dẫn từ các sườn núi về Khuzhir. Gỗ bị chặt phá vào ban đêm khiến ngày càng nhiều đất trống đồi trọc, kéo theo nhiều mối nguy hại khác về thiên tai.