Astrid Anna Emilia Lindgren là một nữ văn sĩ nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng trong giới văn học cho trẻ em của Thụy Điển.
Tác phẩm của bà đã được dịch ra gần 107 thứ tiếng khác nhau trên thế giới (2019), kể cả tiếng Việt. Nhiều nhân vật của bà được độc giả nhiều thế hệ trẻ trên thế giới ghi nhớ. Astrid Lindgren vẫn thường nói: "Trẻ em là những gì quan trọng nhất của chúng ta! Nếu chúng ta muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta phải bắt đầu từ con em chúng ta!".
Trong suốt cuộc đời 60 năm sáng tác, các truyện của bà về "Pippi Longstocking (Pippi cô gái tất dài)", "Emil", "Mardie", "Karlsson trên mái nhà", "Ronia con gái tên cướp", "Anh em Sư Tử Tâm" và còn nhiều nữa đã ảnh hưởng và tiếp tục còn ảnh hưởng nhiều thế hệ trẻ em ở Thuỵ Điển và trẻ em trên toàn thế giới.
Astrid Lindgren khi sinh thời được đặt tên là Astrid Ericsson. Bà sinh ngày 14 tháng 11 năm 1907 tại một thị trấn nhỏ tên là Vimmerby thuộc tỉnh Småland ở miền nam Thuỵ Điển. Là người con thứ hai trong một gia đình có bốn con. Thời niên thiếu của bà và các anh chị em là thời gian hạnh phúc nhất. Họ đã được hưởng quyền tự do kết hợp với an toàn. Theo Astrid Lindgren, thời niên thiếu có ảnh hưởng rất nhiều trong các tác phẩm của bà.
Lindgren viết về đứa trẻ trong con người bà, nhưng khác với những nhà văn khác và điều này làm cho chuyện của bà đặc biệt hơn đó là khả năng nhớ lại một cách sống động và chi tiết về những ngày bà con nhỏ và bà nhớ như in những điều bà ưa thích cũng như những khát vọng, mong muốn của bà. Bà không bao giờ quên đi cái mùi vị, âm thanh, ánh sáng và những cảm giác của thời con gái mà bà đã trải nghiệm và chuyện của bà đã phản ánh những cảm xúc đó.
Lindgren cho rằng không có cách nào tốt hơn để phát triển cơ thể, tâm hồn và trí tưởng tượng của trẻ thơ bằng việc trẻ được tự do vui chơi một cách an toàn trong khuôn khổ linh hoạt của các giá trị đạo đức. Trọng tâm của các tác phẩm của bà là sức mạnh và tiềm năng sáng tạo tiềm ẩn trong trí tưởng tượng sống động của trẻ em. Tất cả các nhân vật hư cấu của bà – trên hết là Pippi – đều có một trí tưởng tưởng phong phú, và chúng nắm bắt mọi cơ hội để khám phá cuộc sống và thế giới xung quanh chúng một cách vui vẻ nhất. Astrid Lindgren tin rằng mọi điều xảy ra trong cuộc sống thật phải được xảy ra trước tiên trong trí tưởng tượng của ai đó. Bà cũng mong rằng khái niệm phi bạo lực cũng sẽ đi vào trí tưởng tượng của bạn đọc và trong trí tưởng tượng và văn hoá mà họ chia sẻ với nhau. Đó chính là thông điệp và là động lực trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của bà.
Trong cuộc sống cũng như trong truyện, bà luôn luôn đứng về phía những kẻ yếu và những ai bị lạm dụng, cho dù là trẻ em, người lớn hay các con vật.
Trong sự nghiệp của mình, Lindgren đã được nhận rất nhiều giải thưởng của các nước Bắc Âu và giải thưởng quốc tế cho những tác phẩm của bà. Đó là những giải thưởng: Huy chương Hans Christian Andersen, được coi như là Giải Nobel cho văn học dành cho trẻ em; Huy chương Karen Blixen của Học viện Đan Mạch; Huy chương Leo Tolstoy của Nga; Giải Gabriela Mistral của Chile và Giải Selma Lagerlöf của Thuỵ Điển, Giải Hòa bình của ngành kinh doanh sách Đức năm 1978, Giải thưởng Right Livelihood (1994).
Có hai giải thưởng mang tên bà đã được thành lập. Năm 1967, nhân ngày sinh thứ 60 của bà, nhà xuất bản của bà, Rabén & Sjögren đã sáng lập Giải Astrid Lindgren. Sau khi nhà văn qua đời năm 2002, Chính phủ Thuỵ Điển thành lập Giải tưởng niệm Astrid Lindgren, để tưởng nhớ bà và các tác phẩm của bà, đồng thời để khuyến khích và tăng cường phát triển văn học cho trẻ em.
Ngoài tiểu thuyết của cô, truyện ngắn và sách ảnh, Astrid Lindgren đã viết một số vở kịch. Nhiều vở kịch đã được tạo ra trong những năm 1940 và 1950 phối hợp với bạn bè của cô Elsa Olenius, một nhà tiên phong trong nhà hát trẻ em Thụy Điển. Nhiều câu chuyện được viết riêng cho nhà hát. Họ đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ, bao gồm Đan Mạch, Phần Lan và Rumani. Hầu hết các vở kịch của Astrid Lindgren chưa được dịch ra tiếng Anh.