Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Bánh tằm bì là món ăn làm từ gạo của người Việt. Đây là một món ăn có thể dùng ăn vặt hoặc ăn no đều được, phổ biến ở tỉnh miền nam như Đồng Tháp, Bạc Liêu.
Không rõ xuất xứ cũng như thời điểm của loại bánh này. Theo giai thoại, nhiều người lý giải sợi bánh trắng, dài giống con tằm ăn với bì nên gọi là bánh tằm bì[1].
Các thành phần chính của bánh gồm da heo, thịt nạc, thính gạo, bột nếp, bột gạo, rau thơm, dưa leo, nước cốt dừa, nước mắm tỏi ớt
Sợi bánh phải làm từ gạo tẻ, loại ngon, ngâm vài đêm rồi mới đem ra xay thành bột, sau đó pha với nước muối loãng rồi ngâm tiếp 2 đêm nữa. Sau đó là giai đoạn hồ bột, quyết định hương vị bánh tằm đặc thù. Cách pha bột của mỗi vùng khác nhau, vì vậy mà cho ra những khẩu vị riêng, đặc trưng của từng vùng. Nhờ vào kinh nghiệm lâu năm mà người làm bánh tằm sẽ biết cách khuấy bột cho vừa, nếu cứng quá thì bánh bị ốc trâu, dễ gãy, nếu mềm quá thì bột bị dính, không đẹp[2].
Ngoài ra, bì và nước cốt dừa là 2 chế phẩm ăn kèm cũng được chế biến tỉ mỉ và tinh tế. Da heo phải cắt thành từng sợi mỏng đều nhau, cùng với thịt nạc băm sợi mịn rồi trộn với thính gạo vừa giòn vừa bùi. Nước cốt dừa nấu với lửa nhỏ riêu riêu, phải canh lửa cẩn thận không để sôi lên mà chỉ lăn tăn bọt khí trên mặt. Sau đó hòa tan ít bột năng (hoặc bột bắp) vào nước cốt dừa, nêm ít muối ít đường, có vị mặn ngọt là được[1].
Bánh tằm đựng trong dĩa có lòng sâu, bên dưới là rau thơm, xà lách, giá, dưa leo, lớp bánh tằm trắng trên nền rau xanh, trên cùng là một ít bì và nước cốt dừa. Thực khách ăn kèm với nước mắm chua ngọt, tạo hương vị đặc biệt, vừa đậm đà nước mắm, thanh mát rau cải, vừa có vị bùi bùi béo béo của bì và nước cốt dừa. Ngoài ra, bánh tằm bì cũng tốt cho sức khoẻ, nó cung cấp chất đạm, chất béo, chất xơ và các loại vitamin nên một số người thường ăn thay cho bữa chính[3].