Bệnh mù lòa do giun chỉ Onchocerca | |
---|---|
Ruồi đen trưởng thành có ký sinh trùng Onchocerca volvulus chui ra khỏi râu, được phóng to 100 lần | |
Chuyên khoa | bệnh truyền nhiễm, Y học nhiệt đới |
ICD-10 | B73 |
ICD-9-CM | 125.3 |
DiseasesDB | 9218 |
eMedicine | med/1667 oph/709 |
MeSH | D009855 |
Bệnh mù do giun chỉ Onchocerca, cũng còn gọi là bệnh mù sông hay bệnh Robles, là bệnh do nhiễm phải giun sán Onchocerca volvulus.[1] Triệu chứng bệnh gồm có ngứa nhiều, u cục dưới da, và mù.[1] Đây là nguyên nhân gây mù phổ biến đứng thứ hai do nhiễm trùng, sau đau mắt hột.[2]
Giun ký sinh do ruồi đen thuộc loài Simulium lây truyền qua vết cắn.[1] Thường thì phải bị cắn nhiều lần mới bị nhiễm bệnh.[3] Loài ruồi này sống gần sông cho nên mới có tên bệnh như vậy.[2] Một khi ở trong cơ thể con người, giun đẻ trứng rồi trứng di chuyển đến da.[1] Tại đây, trứng có thể lây nhiễm sang ruồi khác mà chích cắn người.[1] Có một số phương pháp chẩn đoán bao gồm: đặt sinh thiết da vào nước muối và chờ trứng chui ra, tìm trứng bằng mắt, và tìm giun trưởng thành trong u cục dưới da.[4]
Vắc xin phòng chống bệnh hiện không có.[1] Phòng ngừa bằng cách tránh bị ruồi cắn.[5] Phòng tránh ruồi cắn bao gồm sử dụng chất xua côn trùng và mặc quần áo dày dài tay.[5] Các biện pháp khác nhằm giảm lượng ruồi là phun thuốc diệt côn trùng.[1] Nỗ lực xóa bỏ bệnh bằng cách điều trị toàn bộ người bệnh hai lần một năm đang tiến hành ở một số nơi trên thế giới.[1] Điều trị những người nhiễm bệnh bằng ivermectin mỗi sáu đến mười hai tháng.[1][6] Việc điều trị như vậy chỉ diệt được trứng nhưng không diệt được giun trưởng thành.[7] Thuốc doxycycline, diệt vi khuẩn liên quan có tên Wolbachia, được tìm thấy làm suy yếu giun và cũng được một số bác sĩ khuyến nghị dùng.[7] Phẫu thuật loại bỏ u cục dưới da cũng có thể thực hiện.[6]
Có khoảng 17 đến 25 triệu người bị bệnh mù sông, trong đó khoảng 0,8 triệu người bị giảm phần nào thị lực.[3][7] Đa số ca nhiễm xảy ra ở châu Phi hạ Sahara, dẫu rằng cũng có những ca được ghi nhận ở Yemen và vùng hoang dã của Miền Trung và Nam Mỹ.[1] Vào 1915, bác sĩ Rodolfo Robles đầu tiên gợi ý giun này gây bệnh mắt.[8] Bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới đưa vào danh mục bệnh nhiệt đới bị lãng quên.[9]