Câu lạc bộ Paris (tiếng Anh: Paris Club, tiếng Pháp: Club de Paris) là một nhóm không chính thức của 22 quốc gia chủ nợ, là những nước có nền kinh tế lớn, giàu có, mức độ tín nhiệm cao và tiềm lực tài chính lớn mạnh bậc nhất trên thế giới, chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính như cho vay nợ để tái thiết đất nước, nợ ân hạn hoặc hoãn nợ, xoá nợ cho các nước mắc nợ khó trả.[1]
Con nợ của Câu lạc bộ Paris thường là những nước được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ định (gần như bảo lãnh) nếu các thương lượng trước đó không đi đến thoả thuận cho vay nào.
Tổ chức này hội họp một lần mỗi tháng (trừ tháng 2 và tháng 8). Mỗi phiên họp kéo dài một ngày gọi là "Tour d'Horizon", trong đó các chủ nợ của Câu lạc bộ Paris thảo luận với nhau về tình hình nợ nước ngoài của các nước vay, hoặc các vấn đề liên quan đến phương pháp giải quyết nợ của các nước đang phát triển[2]. Cuộc họp sẽ diễn ra tại trụ sở Bộ Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp Pháp đóng tại thủ đô Paris. Đứng đầu luôn là chuyên viên cao cấp thuộc Bộ Tài chính Pháp.
Câu lạc bộ Paris ra đời từ một cuộc đàm phán tổ chức tại Paris lần đầu tiên vào năm 1956, giữa quốc gia con nợ lúc bấy giờ là Argentina và hàng loạt các quốc gia chủ nợ lớn của nước này[3].
Những nước thành viên thường trực của Câu lạc bộ Paris hiện nay bao gồm có: Úc, Áo, Bỉ, Brasil, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Israel, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Na Uy, Nga, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Mỹ[4]. Ngoài ra, Câu lạc bộ Paris còn có một hệ thống quan sát viên, bao gồm các tổ chức quốc tế liên quan mật thiết đến tiền tệ thế giới như IMF, Ngân hàng Thế giới, OECD, Ủy ban Châu Âu,...; các đại diện của các nước thành viên thường trực không có nghĩa vụ chủ nợ nhưng tham gia cuộc họp với vai trò quan sát viên và cố vấn; và các đại diện của các nước không phải thành viên thường trực nhưng cùng có vai trò chủ nợ với cùng quốc gia con nợ được đề cập trong cuộc họp của câu lạc bộ (miễn là có sự đồng ý của các thành viên thường trực)[5].