Cộng đồng tưởng tượng

Cộng đồng tưởng tượng là một khái niệm do Benedict Anderson phát triển nên trong cuốn sách Cộng đồng tưởng tượng năm 1983 của ông nhằm để phân tích chủ nghĩa dân tộc. Anderson mô tả dân tộc[a] như một cộng đồng do xã hội kiến tạo mà nên (socially constructed), bởi những người nhìn nhận bản thân là một phần của nhóm nào đó hình dung mà nên.[1]:6–7

Anderson tập trung vào cách mà phương tiện truyền thông tạo ra cộng đồng tưởng tượng, đặc biệt nhất là sức mạnh của báo in trong việc nhào nặn tâm lý xã hội của cá nhân nào đó. Anderson phân tích văn tự – công cụ được nhà thờ, tác giả, và công ty phương tiện truyền thông (nổi bật là thông qua sách, báo, và tạp chí) sử dụng – cùng với phân tích các công cụ của chính phủ chẳng hạn bản đồ, điều tra dân số, và bảo tàng. Tất cả công cụ này đều được xây dựng để nhắm đến và định hình đối tượng đại chúng nào đó trong không gian công thông qua những hình ảnh, ý thức hệ, và ngôn ngữ chủ lưu. Anderson khám phá nguồn gốc thực dân và kì thị chủng tộc của những thực hành này rồi sau đó đưa ra một lý thuyết khái quát nhằm giải thích cách mà các chính phủ và tập đoàn đương thời có thể (và thường xuyên) vận dụng hệt những thực hành này. Lý thuyết này lúc đầu không tính được đến Internet và truyền hình.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Anderson, việc khai sinh ra 'cộng đồng tưởng tượng' trở nên khả dĩ là nhờ "chủ nghĩa tư bản in ấn".[2] Các nhà doanh nghiệp tư bản đã in sách và phương tiện truyền thông bằng tiếng bản xứ (thay vì dùng văn ngữ chuyên biệt như tiếng Latinh) nhằm tối đa hóa lưu hành. Kết quả là độc giả nói các phương ngữ địa phương khác nhau trở nên có thể thông hiểu được nhau, và từ đó diễn ngôn chung xuất hiện. Anderson biện luận rằng các "quốc gia dân tộc" châu Âu đầu tiên là được hình thành xoay quanh mấy "ngôn ngữ in ấn dân tộc" của họ kiểu như vậy. Anderson cho rằng hình thức đầu tiên của chủ nghĩa tư bản là bắt đầu từ quá trình in sách và tài liệu tôn giáo. Quá trình in văn bản bằng tiếng bản xứ bắt đầu ngay sau khi sách bắt đầu được in bằng văn ngữ như tiếng Latinh, thứ tiếng đã bão hòa thị trường giới tinh hoa. Tại giờ phút đấy, người ta cũng quan sát thấy rằng chỉ có một nhóm nhỏ người là nói ngôn ngữ này, và họ cũng là một bộ phận của xã hội lúc đó là xã hội song ngữ. Sự khởi đầu của cuộc cách mạng văn hóa và dân tộc là vào khoảng năm 1517 khi Martin Luther trình bày quan điểm của mình về kinh thánh, bảo rằng người dân nên đọc được nó ở ngay chính ngôi nhà của mình. Trong những năm tiếp theo, từ 1520 đến 1540, hơn một nửa số sách được in bằng bản dịch tiếng Đức đều mang tên ông. Hơn nữa, các quốc gia dân tộc châu Âu đầu tiên mà đã hình thành xoay quanh mấy "ngôn ngữ in ấn dân tộc" của họ như trình bày ở trên thì người ta tìm thấy được tại vùng Anglo-Saxon, ngày nay là nước Anh, và ở xung quanh nước Đức ngày này. Không chỉ ở Tây Âu mới có xuất hiện quá trình khai sinh ra dân tộc như thế này. Trong một vài thế kỷ, hầu hết các dân tộc châu Âu đã tạo nên ngôn ngữ dân tộc cho chính họ nhưng vẫn còn sử dụng các ngôn ngữ như tiếng Latin, tiếng Pháp hay tiếng Đức (mà chủ yếu là tiếng Pháp và tiếng Đức) cho việc chính trị.

Chủ nghĩa dân tộc và cộng đồng tưởng tượng

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo lý thuyết cộng đồng tưởng tượng của Anderson, nguyên nhân chính của chủ nghĩa dân tộc là phong trào bãi bỏ tư tưởng quân quyền thần thụquân chủ thế tập; và sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản in ấn báo chí.[2] Tất cả các hiện tượng này xảy ra cùng với sự khởi đầu của Cách mạng công nghiệp.[2] Từ đây, Anderson biện luận rằng với sự hiện diện và phát triển của công nghệ, người dân bắt đầu phân biệt cái gì là thần thánh cái gì là thần tính và cái gì thực sự là lịch sử cái gì thực sự là chính trị, bởi vì ban đầu, thần thánh và lịch sử của xã hội và chính trị là dựa trên sự tồn tại của một tôn giáo chung bao trùm thống nhất tất cả người dân khắp châu Âu. Với sự trỗi dậy của báo in và chủ nghĩa tư bản, người dân có được ý thức dân tộc về những 'giá trị chung' mang con người lại với nhau. Các cộng đồng tưởng tượng ra đời với sự sáng tạo ra 'ngôn ngữ in ấn dân tộc' của chính họ, ngôn ngữ mà mỗi cá nhân của họ nói. Điều đó giúp phát triển nên hình thức đầu tiên của các 'quốc gia dân tộc' mà người ta biết đến, sau đó các quốc gia này tạo ra hình thức nghệ thuật, tiểu thuyết, ấn bản, phương tiện truyền thông đại chúng, và thông tin liên lạc cho riêng họ.

Trong khi thử định nghĩa chủ nghĩa dân tộc, Anderson xác định được ba nghịch lý như sau:[1]

  • "Tính hiện đại khách quan của dân tộc trong đôi mắt của giới sử học" đối lập với "tính cổ xưa chủ quan của nó trong đôi mắt của những người dân tộc chủ nghĩa"
  • "Tính phổ quát hình thức của tính dân tộc như một khái niệm văn hóa - xã hội" đối lập với "tính đặc thù bất khả vãn hồi của những biểu hiện cụ thể của nó"
  • "Quyền lực chính trị của chủ nghĩa dân tộc như vậy" đối lập với "sự nghèo nàn và thậm chí phi liên quán về mặt triết học của nó"

Anderson bảo mộ chiến sĩ vô danh là một ví dụ về chủ nghĩa dân tộc. Mộ của những người lính vô danh đều trống rỗng hoặc chứa hài cốt không xác định được danh tính, nhưng mỗi dân tộc mà có loại đài tưởng niệm này đều coi những người lính đấy là của họ. Bất kể nguồn gốc thực sự của những chiến sĩ vô danh ấy là gì, các dân tộc này đều đặt họ vào trong cộng đồng tưởng tượng của mình.[1]

Dân tộc như là cộng đồng tưởng tượng

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông định nghĩa dân tộc là "một cộng đồng chính trị tưởng tượng."[1] Như Anderson diễn đạt, dân tộc "có tính 'tưởng tượng' vì thành viên của ngay cả dân tộc bé nhỏ nhất cũng sẽ không bao giờ biết, gặp, hay thậm chí nghe về hầu hết thành viên cùng cộng đồng với mình, song trong tâm trí của mỗi người đều có hình ảnh về sự gần gũi với nhau."[1] Các thành viên trong cộng đồng đấy hẳn sẽ không bao giờ quen mặt thành viên khác; tuy nhiên, họ có thể có sở thích tương tự nhau hoặc đồng nhất mình làm một phần của cùng dân tộc đấy. Các thành viên đều giữ trong tâm trí mình một hình ảnh tinh thần về sự gắn bó với nhau: ví dụ như cái cảm giác tinh thần dân tộc với các thành viên khác trong dân tộc của mình khi "cộng đồng tưởng tượng" của mình tham dự vào một sự kiện tầm cỡ như Thế vận hội Olympic chẳng hạn.

Cuối cùng, dân tộc là một cộng đồng bởi vì:

bất chấp sự bất bình đẳng trên thực tế và sự bóc lột có thể đè nặng mỗi cá nhân, dân tộc luôn được mường tượng là một tình đồng chí ngang hàng. Rốt cuộc chính cái tình huynh đệ này, trong hơn hai thế kỷ qua, mới làm cho hàng triệu con người, không hẳn là đi giết chóc, mà cái chính là có thể sẵn lòng chết cho những 'cái tưởng tượng có tính giới hạn' như vậy.[1]

Bối cảnh và ảnh hưởng

[sửa | sửa mã nguồn]

Benedict Anderson xây dựng nên lý thuyết của mình vì ông cảm thấy cả lý thuyết Marxist lẫn lý thuyết liberal đều không giải thích được chủ nghĩa dân tộc cho thỏa đáng.

Anderson thuộc trường phái chủ nghĩa dân tộc "lịch sử luận" hoặc "hiện đại luận" giống với Ernest GellnerEric Hobsbawm ở chỗ ông cho rằng dân tộcchủ nghĩa dân tộc là sản phẩm của thời hiện đại và đã được tạo ra nhằm làm phương tiện cho các cứu cánh chính trị và kinh tế. Trường phái này đối nghịch lại phe nguyên sinh chủ nghĩa, những người tin rằng dân tộc, chưa cần tính đến chủ nghĩa dân tộc, là đã tồn tại kể từ thời kỳ đầu của lịch sử loài người rồi. Lý thuyết về cộng đồng tưởng tượng đây có thể được xem là một dạng của xã hội kiến tạo luận (social constructionism), ngang với khái niệm 'địa lý tưởng tượng' của Edward Said.

Trái ngược với Gellner và Hobsbawm, Anderson không thù địch với ý tưởng về chủ nghĩa dân tộc, ông cũng không hề nghĩ rằng chủ nghĩa dân tộc là lỗi thời trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay. Anderson trân quý cái yếu tố utopia trong chủ nghĩa dân tộc.[3]

Theo Harald Bauder, khái niệm cộng đồng tưởng tượng vẫn hết sức phù hợp trong bối cảnh đương đại về cách mà các quốc gia-dân tộc tạo dựng và hình thành nên danh tính (identity) của mình về chính sách đối nội và đối ngoại, chẳng hạn như chính sách đối với người nhập cư và người di cư.[4] Theo Euan Hague, "Khái niệm của Anderson rằng dân tộc là 'cộng đồng tưởng tượng' đã trở thành tiêu chuẩn trong các cuốn sách đánh giá về tư tưởng địa lý".[5]

Mặc dù thuật ngữ này được đặt ra cốt là để mô tả chủ nghĩa dân tộc, nhưng giờ đây nó được sử dụng rộng rãi hơn, gần như bị hòa lẫn với khái niệm cộng đồng lợi ích (community of interest). Ví dụ, thuật ngữ này có thể được dùng để chỉ một cộng đồng nào đó dựa trên xu hướng tính dục,[6] hoặc dựa trên độ nhận thức về các nhân tố rủi ro toàn cầu.[7]

  1. ^ Chú ý khái niệm "dân tộc" ở đây là tương ứng với khái niệm nation trong tiếng Anh chứ không tương ứng với ethnicity hay "sắc tộc".

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d e f Anderson, Benedict R. O'G. (1991). Imagined communities: reflections on the origin and spread of nationalism . London: Verso. tr. 6–7. ISBN 978-0-86091-546-1. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2010.
  2. ^ a b c “The Nationalism Project: Books by Author A-B”. nationalismproject.org.
  3. ^ Interview with Benedict Anderson by Lorenz Khazaleh, University of Oslo website
  4. ^ Bauder, H. (2011) Immigration Dialectic: Imagining Community, Economy, and Nation. Toronto: University of Toronto Press. [cần số trang]
  5. ^ “Benedict Anderson” (PDF). Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2015.
  6. ^ Ross, Charlotte (tháng 11 năm 2012). “Imagined communities: initiatives around LGBTQ ageing in Italy”. Modern Italy. 17 (4): 449–464. doi:10.1080/13532944.2012.706997.
  7. ^ Beck, Ulrich (tháng 10 năm 2011). “Cosmopolitanism as Imagined Communities of Global Risk”. American Behavioral Scientist. 55 (10): 1346–1361. doi:10.1177/0002764211409739.
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Giám sát viên Utahime Iori trường Kyoto Jujutsu Kaisen
Giám sát viên Utahime Iori trường Kyoto Jujutsu Kaisen
Utahime Iori (Iori Utahime?) là một nhân vật trong seri Jujutsu Kaisen, cô là một chú thuật sư sơ cấp 1 và là giám thị học sinh tại trường trung học Jujutsu Kyoto.
Tìm hiểu về căn bệnh tâm lý rối loạn lưỡng cực
Tìm hiểu về căn bệnh tâm lý rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực là căn bệnh tâm lý phổ biến với tên gọi khác là bệnh rối loạn hưng – trầm cảm
Top 17 khách sạn Quy Nhơn tốt nhất
Top 17 khách sạn Quy Nhơn tốt nhất
Lựa chọn được khách sạn ưng ý, vừa túi tiền và thuận tiện di chuyển sẽ giúp chuyến du lịch khám phá thành phố biển Quy Nhơn của bạn trọn vẹn hơn bao giờ hết
Nhân vật Bukubukuchagama (ぶくぶく茶釜) - Overlord
Nhân vật Bukubukuchagama (ぶくぶく茶釜) - Overlord
Bukubukuchagama là một trong chín thành viên đầu tiên sáng lập guid Ainz Ooal Gown và cũng là 1 trong 3 thành viên nữ của guid.