CAC-27 Sabre | |
---|---|
Kiểu | Máy bay tiêm kích |
Hãng sản xuất | Commonwealth Aircraft Corporation |
Chuyến bay đầu tiên | 3 tháng 8-1953 |
Được giới thiệu | 1954 |
Ngừng hoạt động | 1982 (Không quân Indonesia) |
Khách hàng chính | Không quân Hoàng gia Australia Không quân Indonesia Không quân Hoàng gia Malaysia |
Số lượng sản xuất | 112 |
Được phát triển từ | North American F-86 Sabre |
CAC Sabre, đôi khi còn gọi là Avon Sabre hay CA-27, là một biến thể của loại máy bay tiêm kích North American Aviation F-86F Sabre do Australia chế tạo. F-86F được thiết kế lại và chế tạo bởi hãng Commonwealth Aircraft Corporation (CAC).
Năm 1951, CAC đạt được thỏa thuận để có giấy phép chế tạo F-86. Phiên bản do CAC chế tạo sẽ sử dụng động cơ phiên bản Rolls-Royce Avon R.A.7. Phiên bản động cơ này được thiết kế lại phần thân khiến nó ngắn hơn, rộng hơn và nhẹ hơn so với động cơ General Electric J47 được trang bị trên các máy bay do North American chế tạo. Vì động cơ thay đổi nên nó thường được gọi là Avon Sabre. Để phù hợp với động cơ Avon, trên 60% thân máy bay đã được thiết kế lại cùng với phần khe hút gió được mở rộng thêm 25% kích thước. Một thay đổi quan trọng khác là việc thay thế 6 khẩu súng máy của F-86F bằng 2 khẩu pháo ADEN 30 mm, ngoài ra còn thay đổi buồng lái và tăng khả năng chứa nhiên liệu.
Mẫu thử (có tên định danh CA-26 Sabre) bay lần đầu ngày 3/8/1953. Máy bay thành phẩm có tên định danh là CA-27 Sabre và được bàn giao cho Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) bắt đầu từ năm 1954. Lô CA-27 đầu tiên được trang bị động cơ Avon 20 và được định danh là Sabre Mk 30. Từ năm 1957 đến 1958 lô CA-27 này có vài sửa đổi nhỏ ở phần cánh và lại được tái định danh thành Sabre Mk 31. Sau đó có thêm một lô 20 chiếc Sabre mới được bổ sung. Lô máy bay cuối cùng được định danh là Sabre Mk 32 và sử dụng động cơ Avon 26.
RAAF sử dụng CA-27 từ năm 1956 đến năm 1971.[1] Trong giai đoạn 1958–60, những chiếc CAC Sabre chủ yếu tham gia các nhiệm vụ cường kích, tấn công các mục tiêu của quân du kích cộng sản ở Malaya trong Cuộc khủng hoảng Malaya, chúng thuộc các phi đoàn số 3 và 77 của RAAF. Do cuộc khủng hoảng, nên chúng tiếp tục đóng tại Malaysia ở RAAF Butterworth. Từ tháng 8/1964 trở đi, những chiếc Sabre có vài lần chạm trán với những chiếc tiêm kích MiG-21 của Indonesia. Tuy nhiên, máy bay của Indonesia thường quay trở lại trước khi vượt qua ranh giới quốc tế. Năm 1962, 8 chiếc CA-27 được tách ra và sau đó được hợp lại thành Phi đội 79 RAAF, chúng được gửi từ Butterworth tới RAAF Ubon ở Ubon, Thái Lan, nhằm hỗ trợ cho các chính phủ Thái và Lào chống lại những người du kích cộng sản. Australia và Thái Lan là đồng minh của Việt Nam Cộng hòa và Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, phi đội 79 thường thực hiện các phi vụ phòng không cho các máy bay cường kích và ném bom của Không quân Mỹ ở Ubon.[2] Phi đội 79 này chưa bao giờ chạm trán các máy bay của Miền bắc Việt Nam hay lực lượng phòng không mặt đất, chúng được rút đi vào năm 1968. Những chiếc CAC Sabre cũ của RAAF được bán lại cho Không quân Hoàng gia Malaysia (TUDM), và TUDM sử dụng chúng trong giai đoạn 1969-1972. Cùng với mối quan hệ ngoại giao tốt hơn với Indonesia, 23 chiếc CAC Sabre đã được tặng cho Không quân Indonesia (TNI-AU) từ năm 1973 tới 1975; 5 chiếc trong số đó là máy bay cũ của Malaysia. 1 chiếc Sabre của RAAF có số A94-983 hiện vẫn giữ được tình trạng tốt, có thể bay được, nó đang được trưng bày thuộc Bảo tàng Hàng không Temora ở New South Wales.
Dữ liệu lấy từ Meteor, Sabre and Mirage in Australian Service[4]