Chu vương Chu Túc | |||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Thông tin chung | |||||||||
Sinh | 8 tháng 10, 1361 | ||||||||
Mất | 2 tháng 9, 1425 | ||||||||
Hậu duệ | xem văn bản | ||||||||
| |||||||||
Thân phụ | Minh Thái Tổ | ||||||||
Thân mẫu | Hiếu Từ Cao Hoàng hậu |
Chu Túc (朱橚; 8 tháng 10, 1361 - 2 tháng 9, 1425), còn gọi là Chu Định vương (周定王), là Đích tử thứ năm của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, người sáng lập triều Minh. Mẹ là Hiếu Từ Cao Hoàng hậu Mã thị.
Dã sử cho rằng Mã Hoàng hậu chỉ là mẹ nuôi của Chu Túc, mẹ ruột của ông là một phi tần trong hậu cung của Thái Tổ, sau bị xử tử. Đó chỉ là truyền thuyết trong dân gian, chưa ai kiểm chứng được điều này.
Sau khi thống nhất Trung Hoa, Chu Nguyên Chương lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu Thái Tổ, lập ra nhà Minh. Tháng 5 năm 1370, Thái Tổ phong cho ông làm Ngô vương (吴王). Năm 1374, Ngô vương được ban cho đất Hàng Châu, Chiết Giang lập thái ấp. Cùng năm đó, Thành Mục Quý phi Tôn thị của Minh Thái Tổ qua đời. Theo chỉ dụ của Phụ hoàng, Chu Túc trở thành con của bà, phục tang 3 năm.
Chu Túc và người anh thứ tư của ông, Yên vương Chu Đệ có quan hệ rất tốt, tình cảm sâu đậm. Năm 1376, Chu Túc được chuyển đến vùng Phượng Dương, nơi mà Hoàng tử dành nhiều thời gian để huấn luyện quân đội. Năm 1378, Phụ hoàng Thái Tổ cải phong cho ông làm Chu vương (周王), gả con gái của Tống quốc công Phùng Thăng (宋国公.冯胜) cho Hoàng tử làm Chánh phi. Năm 1381, chuyển ông đến phủ Khai Phong, Hà Nam, ban cho 3 đạo quân cùng một số quan cố vấn.
Năm 1389, Chu Túc rời Khai Phong đến Phượng Dương mà không có chỉ dụ của Minh Thái Tổ. Sau đó, ông bị đày đi Vân Nam, nhưng thực tế lại bị giam giữ trong kinh thành ở Nam Kinh; trưởng tử của ông, Chu Hữu Đôn (朱有炖) tạm thời kiểm soát phủ Khai Phong, năm 1391 chính thức nắm quyền. Chu Túc sau đó được phép trở về Khai Phong vào khoảng năm 1391 - 1392.
Minh Thái Tổ qua đời vào năm 1398, cháu nội của ông lên ngôi, tức Minh Huệ Đế. Tân đế sau khi lên ngôi đã tiến hành bãi bỏ các thế lực phiên vương của các ông chú. Chu Túc là nạn nhân đầu tiên bị triệu về kinh để phế tước của ông. Năm 1398, con trai thứ hai của ông là Chu Hữu Huân (朱有爋) bị buộc tội phản nghịch, Chu Túc vì thế mà bị vạ lây. Ông bị tước hết chức vị và đày đi lại Vân Nam. Sau chiến dịch Tĩnh Nan, Hoàng tử thứ tư của Thái Tổ, Chu Đệ cướp ngôi vua, lật đổ cháu mình, lấy hiệu Minh Thành Tổ, Chu Túc được trả tự do và trở lại Nam Kinh (1402) rồi sau đó quay về thái ấp của ông (1403).
Năm 1420, Chu vương bị triệu về kinh vì tội chuẩn bị dấy binh làm loạn, ông thú nhận tội lỗi của mình và được tha bổng, nhưng số quân của Chu Túc bị cắt bớt tới mức tối thiểu.
Năm 1425, Chu vương Chu Túc qua đời, thuỵ đầy đủ là Chu Định vương (周定王), toàn bộ thứ thiếp của ông đều bị ép tuẫn táng.
Chu vương Chu Túc đã cống hiến rất nhiều vào việc nghiên cứu thực vật và y học. Năm 1406, ông viết nên Cứu hoang bản thảo (救荒本草), ghi chép về các loại bách thảo, trong đó liệt kê về 414 loại cây dại ăn được. Vùng Khai Phong là nơi tập trung thiên tai của Trung Hoa, vì thế mục đích của cuốn sách là giúp tìm ra những loại cây dại ăn được để phòng trường hợp đói kém, mất mùa, thiên tai. Ngoài ra, Chu vương còn biên soạn Phổ tế phương (普濟方), gồm 61.739 bài thuốc, là bộ sách y học cổ truyền lớn nhất Trung Hoa. Ông không chỉ là một thi sĩ tài hoa, mà còn là người am hiểu thư pháp, ông từng viết tác phẩm Nguyên cung từ (元宮詞), gồm 100 chương.