Communist China and the Free World's Future là bài phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael R. Pompeo vào ngày 23 tháng 7 năm 2020, tại Bảo tàng Thư viện Tổng thống Richard Nixon tọa lạc ở bang California.[1][2] Trong bài phát biểu, Pompeo nhấn mạnh rằng Thế giới Tự do nên xích lại gần nhau, trao quyền cho nhân dân Trung Quốc, thúc đẩy chính quyền Trung Quốc phải thay đổi.
Ngày 21 tháng 7, Mike Pompeo "kêu gọi 'toàn thế giới' đứng lên chống lại Trung Quốc".[3] Vào ngày 22 tháng 7 năm 2020, một ngày trước bài phát biểu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo rằng Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, Texas, bị chính phủ Hoa Kỳ ra lệnh đóng cửa các hoạt động trong vòng 72 giờ.[4] Trước đó, Pompeo đi đến châu Âu để "tập hợp các nhà lãnh đạo có quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh và gặp gỡ các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc sống lưu vong".[5]
Bài phát biểu của ông Pompeo lên sóng sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Robert C. O'Brien, Giám đốc FBI Christopher A. Wray và Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr có đôi lời nhận xét tình hình. Pompeo cho rằng những lời nhận xét đó đề cập lần lượt đến hệ tư tưởng, tình hình gián điệp và nền kinh tế, và nhiệm vụ của ông là sẽ tổng hợp tất cả ba yếu tố đó lại với nhau, từ đó "chỉ ra chi tiết các mối đe dọa từ Trung Quốc tác động như thế nào đối với nền kinh tế của chúng ta [Hoa Kỳ], đối với tự do của chúng ta [Hoa Kỳ] và đối với tương lai của các nền dân chủ tự do trên thế giới".[1]
Bài phát biểu của Pompeo đặt ra câu hỏi về 50 năm hữu nghị Hoa Kỳ-Trung Quốc.[2] Ông cho rằng nếu thế giới tiếp tục tự do, thì "mô hình cũ về tình hữu nghị mù quáng với Trung Quốc đơn giản là sẽ không thể nào thực hiện được".[1] Ông đề cập đến việc Trung Quốc xử lý và đối phó với chủng SARS-CoV-2, với tình hình ở Hồng Kông, Tân Cương, các vụ thao túng thị trường của Trung Quốc và về việc quân đội Trung Quốc ngày càng trở thành "mối đe dọa". Tuy nhiên, Pompeo rạch ròi giữa nhân dân Trung Quốc với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nói rằng, "chúng ta cũng phải bắt tay hữu nghị và trao quyền cho nhân dân Trung Quốc... một dân tộc năng động, yêu tự do, hoàn toàn khác biệt với Đảng Cộng sản Trung Quốc".[6][7] Ông nói "lời nói dối lớn nhất là Đảng Cộng sản Trung Quốc là việc nói thay cho 1,4 tỷ người vốn đang bị áp bức và sợ hãi nói ra chính kiến", trong khi trên thực tế, "ĐCSTQ đang run sợ trước tư duy trung thực của người dân Trung Quốc hơn bất kỳ kẻ thù ngoại xâm nào".[8][9] Ông cũng nói thêm "Tổng Bí thư Tập Cận Bình là một người tin tưởng thực sự vào một hệ tư tưởng độc tài toàn trị vốn từng bị sụp đổ".[10][11] Pompeo kêu gọi Thế giới Tự do xích lại gần nhau hơn để khiến chính quyền Trung Quốc phải thay đổi.
Pompeo đã đề cập đến khái niệm "thế giới tự do" trong bài phát biểu của mình một vài lần. Ông nói đến cuộc đấu tranh giữa thế giới tự do và các cường quốc cộng sản như ĐCSTQ. Tức là cuộc đấu tranh chống lại những người muốn có một "hệ thống quốc tế triều cống, nơi các nước nhỏ phục tùng các cường quốc lớn, thay vì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ nơi các nước nhỏ hưởng quyền bình đẳng", và cuộc đấu tranh chống lại ĐCSTQ không phụ thuộc vào quyền tự nhiên hoặc tính mở của thị trường.[12] Pompeo nói rằng thế giới tự do đã nuôi dưỡng Trung Quốc trở thành một nền kinh tế lành mạnh, và đổi lại Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang lợi dụng khai thác thế giới tự do.[13]
Pompeo đề cập đến chính sách can dự của Richard Nixon với Trung Quốc và một bài báo trong đó Nixon đã viết về mối quan hệ với Trung Quốc, trong đó nói rằng "thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi" và "mục tiêu của Hoa Kỳ nên là tạo ra sự thay đổi".[14] Pompeo cũng trích lời phát biểu của Nixon về việc ĐCSTQ đã trở thành một "con quái vật Frankenstein".[15]
Pompeo nói rằng một số sai lầm mà Liên Xô đã mắc phải trong quá khứ mà giờ đây ĐCSTQ đang đi theo vết xe đổ. Ông cũng nêu lên sự khác nhau giữa Liên Xô và ĐCSTQ, chẳng hạn như sự hội nhập sâu rộng của Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu.[1] Pompeo cũng nhắc đến việc Tổng thống Ronald Reagan sử dụng cụm từ " Tin tưởng, nhưng phải xác minh lại" (nguyên gốc: trust, but verify) khi nói tới Liên Xô. Pompeo tuyên bố rằng: "không tin tưởng và phải xác minh lại" (nguyên gốc: distrust and verify) khi nói tới ĐCSTQ.[16][17]
Pompeo nhắc đến Nathan Law, Ngụy Kinh Sinh và Vương Đan trong bài phát biểu của mình.[9] Cả Ngụy và Vương đều có mặt trên khán đài và Pompeo yêu cầu họ công khai sự hiện diện của mình. Pompeo gọi Ngụy Kinh Sinh là "cha đẻ của phong trào dân chủ Trung Quốc" và Vương Đan là người sống sót sau [Thảm sát] Quảng trường Thiên An Môn, là "một sinh viên chủ chốt không ngừng đấu tranh vì tự do cho người dân Trung Quốc". Pompeo nói rằng trong quá khứ các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thường "phớt lờ hoặc coi thường lời nói của những nhà bất đồng chính kiến dũng cảm của Trung Quốc, những người đã cảnh báo chúng ta về bản chất của chế độ mà chúng ta đang đối mặt" và sự hợp tác của Hoa Kỳ với những người bất đồng chính kiến sẽ ngày càng được củng cố.[8][18]
Pompeo tuyên bố rằng Hollywood, "trung tâm tự do sáng tạo của Hoa Kỳ, và là nơi tự chỉ định làm nhà phán xử cho công bằng xã hội, lại là nơi tự kiểm duyệt, loại bỏ nhứng gì gây bất lợi cho Trung Quốc, thậm chí là nhẹ nhất." [19]
James Palmer của tờ tạp chí Foreign Policy cho rằng phản ứng của Trung Quốc đối với bài phát biểu Pompeo "nhẹ nhàng một cách đáng ngạc nhiên".[20] Phản ứng nhẹ nhàng hơn này được cho là do "thảm họa ngoại giao gần đây" của Trung Quốc. Hoa Xuân Oánh, nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc đã tweet rằng qua bài phát biểu của mình, Pompeo “muốn thể hiện mình là John Foster Dulles của thế kỷ 21, khởi động một cuộc thập tự chinh mới chống lại Trung Quốc trong một thế giới toàn cầu hóa. Những gì Pompeo đang làm là vô ích như con kiến cố gắng lay chuyển cái cây". Bà nhấn mạnh rằng:"Đã đến lúc tất cả những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới tiên lên phía trước để ngăn chặn hành động của Pompeo làm tổn hại thế giới".[21]
Hugh Hewitt, chủ tịch của Quỹ Richard Nixon, nói rằng "đây là bài phát biểu sẽ được các nhà lịch sử chính sách đối ngoại coi là then chốt trong nhiều năm tới".[19] Trong bài báo có tiêu đề "Những gì Mike Pompeo không hiểu về Trung Quốc, Richard Nixon và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ" (Nguyên gốc: What Mike Pompeo doesn't understand about China, Richard Nixon and U.S. foreign policy) đăng trên tờ The Washington Post, Richard N. Haass đã cho rằng Pompeo đưa ra nhiều lời xuyên tạc lịch sử trong bài phát biểu của mình và không có một đề xuất nào về con đường thực hiện phía trước.[22] Thomas Wright, trong bài báo của Brookings có tiêu đề "Bài phát biểu siêu thực của Pompeo về Trung Quốc", đã so sánh các tuyên bố của Pompeo với phát biểu của Matthew Pottinger.[12] Wright kết thúc bằng cách trích dẫn Kelly Magsamen của Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ, "Thay vì hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ hoàn toàn xoay vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, chúng ta nên hướng vào các nước đồng minh dân chủ, đi kèm với mục tiêu củng cố và xúc tác phát triển thế giới tự do". Scott Kennedy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận xét rằng "Làm cách nào để Hoa Kỳ hình thành một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc trong khi chính Hoa Kỳ đang bắt nạt các nước đồng minh của mình, bỏ đi các thể chế đa phương và thúc đẩy cô lập kinh tế (khỏi Trung Quốc) mà chẳng có nước nào ủng hộ?" [16]