Ngành nghề | Hàng không vũ trụ |
---|---|
Tình trạng | Ngừng hoạt động |
Tiền thân | |
Thành lập | 1943 |
Giải thể | 1996 |
Trụ sở chính | San Diego, California, Mỹ |
Công ty mẹ |
|
Convair, trước đó là Consolidated Vultee, là một nhà sản xuất máy bay của Mỹ, sau đó công ty mở rộng lĩnh vực sản xuất sang tên lửa và tàu vũ trụ. Convair được thành lập vào năm 1943 từ sự sáp nhập của Consolidated Aircraft và Vultee Aircraft. Năm 1953, công ty được General Dynamics mua lại, và trở thành một bộ phận của công ty này.
Convair được biết đến qua các loại máy bay quân sự mà công ty sản xuất, ví dụ như máy bay ném bom chiến lược Convair B-36 Peacemaker và Convair B-58 Hustler, và máy bay đánh chặn Convair F-102 Delta Dagger và Convair F-106 Delta Dart. Công ty cũng là nhà sản xuất các tên lửa Atlas thế hệ đầu, chính những tên lửa đẩy này đã đưa các nhà du hành lên vũ trụ trong Chương trình Mercury. Các tên lửa đẩy Atlas-Centaur do Convair thiết kế sau đó cũng rất thành công và các thiết kế tên lửa dẫn xuất của nó vẫn còn được sử dụng đến năm 2020.
Convair cũng tham gia thị trường máy bay phản lực chở khách thương mại với thiết kế Convair 880 và Convair 990. Đây là những mẫu máy bay nhỏ hơn so với các máy bay khác đương thời như Boeing 707 và Douglas DC-8, nhưng lại bay nhanh hơn. Sự kết hợp của các tính năng này đã không tìm được một thị trường thích hợp có lợi nhuận và công ty đã rời khỏi lĩnh vực máy bay chở khách thương mại. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong sản xuất các mẫu máy bay này đã giúp công ty trở thành một nhà thầu phụ chính sản xuất thân máy bay.
Năm 1994, hầu hết các bộ phận của công ty được General Dynamics bán cho McDonnell Douglas và tập đoàn Lockheed, các bộ phận còn lại ngừng hoạt động vào năm 1996.
Công ty chế tạo máy bay Consolidated Aircraft đã sản xuất nhiều loại máy bay quan trọng trong chiến tranh thế giới thứ 2, đặc biệt là máy bay ném bom hạng nặng B-24 Liberator và máy bay thủy phi cơ PBY Catalina cho Không quân Mỹ (Lúc này vẫn còn trực thuộc trong Lục quân Mỹ) và các nước đồng minh. Chiếc Catalina vẫn còn được sản xuất đến tháng 5 năm 1945 và đã có tổng cộng 4000 chiếc được chế tạo. Cái mà sau này gọi là "Convair", đã được thành lập vào năm 1943 nhờ sự hợp nhất của Consolidated Aircraft và Vultee Aircraft. Việc hợp nhất này đã tạo ra một công ty sản xuất máy bay lớn, xếp thứ 4 trong số các tập đoàn của Mỹ xét về tổng giá trị hợp đồng sản xuất vũ khí trong chiến tranh, lớn hơn nhiều những gã khổng lồ như Douglas Aircraft, Boeing, và Lockheed.[1] Convair luôn là công ty dẫn đầu trong việc nghiên cứu, thiết kế, và sản xuất tại San Diego, Nam California, và các thành phố lân cận.
Tháng 3 năm 1953, toàn bộ công ty Convair đã bị Tập đoàn General Dynamics mua lại, một tập đoàn gồm các công ty quân sự và công nghệ cao, và nó chính thức trở thành Convair Division thuộc General Dynamics.[2]
Sau khi bắt đầu Kỷ nguyên phản lực của máy bay chiến đấu và máy bay ném bom quân sự, Convair là hãng tiên phong trong thiết kế máy bay cánh bằng, cùng với công ty máy bay Dassault, là công ty đã thiết kế chế tạo máy bay tiêm kích Dassault Mirage.
Một trong số các sản phẩm nổi tiếng nhất của Convair là máy bay ném bom chiến lược 10 động cơ Convair B-36, sử dụng 4 động cơ turbojets và 6 động cơ piston cánh quạt Pratt & Whitney R-4360 Wasp Major. Chiếc Convair B-36 là chiếc máy bay ném bom động cơ piston lớn nhất trên thế giới. Tên lửa ICBM SM-65 Atlas, máy bay đánh chặn cánh delta F-102 Delta Dagger và F-106 Delta Dart, và máy bay ném bom hạt nhân siêu âm B-58 Hustler. Trong một khoảng thời gian thập niên 1960, Convair đã sản xuất dòng máy bay chở khách thương mại, chiếc Convair 880 và Convair 990 Coronado, nhưng không mang lại nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, Convair lại thu được nhiều lợi nhuận khi là nhà thầu phụ sản xuất thân máy bay cho các công ty khác như McDonnell Douglas, Boeing, và Lockheed.
Những năm 1950, Convair đã dành nhiều tiền và nỗ lực vào các dự án tên lửa, kết quả là sự ra đời của tên lửa phòng không hạm RIM-2 Terrier cho Hải quân Mỹ vào những năm 1960, 1970. Convair cũng phát triển tên lửa SM-65 Atlas từ năm 1957, sau trở thành tên lửa ICBM đầu tiên của Không quân Mỹ. Năm 1962, SM-65 được thay thế bằng tên lửa nhiên liệu lỏng LGM-25C Titan II và tên lửa nhiên liệu rắn LGM-30 Minuteman. Tên lửa Atlas về sau trở thành tên lửa đẩy phục vụ trong chương trình bay vào vũ trụ có người lái của Mỹ (Chương trình Mercury) năm 1962 và năm 1963.
Tên lửa đẩy Atlas tiếp tục trở thành một tầng đẩy, kết hợp với tầng đẩy mang tải trọng Centaur, tạo thành tên lửa đẩy Atlas-Centaur để phóng vệ tinh viễn thông và các tàu thăm dò vũ trụ. Centaur cũng được thiết kế, phát triển và sản xuất bởi Convair, và nó là tên lửa không gian đầu tiên sử dụng nhiên liệu siêu lạnh Hydro lỏng và LOX được sử dụng rộng rãi. Đây cũng là tiền đề để các kỹ sư sử dụng cùng một loại nhiên liệu/chất oxy hóa trên tầng đẩy thứ 2 (S-II) của tên lửa đẩy Saturn và tầng đẩy thứ 3 (S-IVB) của tên lửa đẩy Saturn V trong chương trình Apollo đưa người lên Mặt trăng của Mỹ. Tầng đẩy S-IVB trước đó cũng được sử dụng làm tầng đẩy thứ hai của tên lửa Saturn IB nhỏ hơn, chẳng hạn như tên lửa được sử dụng để phóng tàu Apollo 7. Tầng đẩy Centaur được thiết kế và phát triển từ năm 1966 để đưa tàu đổ bộ mặt trăng Surveyor lên quỹ đạo, để bổ sung lực đẩy cho tên lửa Atlas và tăng thêm tải trọng mà tên lửa mang được lên Mặt trăng.
Đã có hơn 100 tên lửa Atlas-Centaur được Convair sản xuất (bao gồm cả những tên lửa có tên kế nhiệm) và được sử dụng để phóng thành công hơn 100 vệ tinh. Tên lửa Atlas-Centaur cũng là tên lửa đẩy đã phóng tàu thăm dò không gian Pioneer 10 và Pioneer 11.
Ngoài máy bay, tên lửa và phương tiện phóng tàu vũ trụ, Convair đã phát triển các ống chân không Charactron, một dạng màn hình máy tính hiển thị ống tia âm cực (CRT)[3] cùng với thuật toán CORDIC và các hệ thống điện tử khác.
General Dynamics tuyên bố bán Bộ phận hệ thống tên lửa của Convair cho Hughes Aircraft Company vào tháng 5 năm 1992 [4] và Bộ phận hệ thống vũ trụ cho Martin Marietta vào năm 1994.[5] Tháng 7 năm 1994, General Dynamics và McDonnell Douglas đã thỏa thuận cùng nhau ngừng hợp đồng cung cấp thân vỏ máy bay 300 chỗ ngồi MD-11 của Convair.[6] Việc sản xuất sẽ được chuyển sang cho McDonnell Douglas. General Dynamics đã cố gắng trong hai năm để bán mảng kết cấu máy bay của Convair, nhưng nỗ lực cuối cùng đã thất bại.
Việc chấm dứt hợp đồng có nghĩa là sự chấm dứt của Bộ phận Convair và sự hiện diện của General Dynamics tại San Diego, cũng như truyền thống chế tạo máy bay lâu đời của thành phố. Nhà thầu quốc phòng đã từng tuyển dụng 18.000 người nhưng con số đó giờ là con số không. General Dynamics cũng đóng cửa khu phức hợp của mình ở Kearny Mesa, phá dỡ nhà máy từ năm 1994 đến năm 1996, nhường chỗ cho nhà ở và các khu văn phòng. Nhà máy Lindbergh Field từng là nơi sản xuất những chiếc B-24 trong Thế chiến thứ hai cũng bị phá bỏ nhường chỗ cho cơ sở cho thuê ô tô.
Nhà máy tại Fort Worth, Texas, là nơi chế tạo máy bay ném bom B-24 Liberator, đã từng sản xuất hàng trăm chiếc máy bay ném bom Consolidated B-24, máy bay tiêm kích bom General Dynamics F-111 Aardvark và tiêm kích General Dynamics F-16 Fighting Falcon, cùng với hàng tá các dự án nhỏ hơn khác — bị bán cùng với tất cả tài sản trí tuệ và quyền hợp pháp đối với các sản phẩm được thiết kế và chế tạo cho Lockheed Corporation.[7] Năm 1996, General Dynamics cho ngừng hoạt động toàn bộ Division Convair còn lại.
Model | Bay thử lần đầu | Số lượng chế tạo | Kiểu |
---|---|---|---|
Vultee XA-41 | 1944 | 1 | Nguyên mẫu máy bay tấn công mặt đất 1 động cơ piston |
Consolidated Vultee XP-81 | 1945 | 2 | Nguyên mẫu máy bay tiêm kích hộ tống sử dụng kết hợp động cơ phản lực cánh quạt và động cơ phản lực |
Convair 106 Skycoach | 1946 | 1 | Nguyên mẫu máy bay 1 động cơ piston hạng nhẹ 4 chỗ ngồi. |
Stinson 108 | 1944 | 5.135 | Máy bay một động cơ piston |
Convair Model 110 | 1946 | 1 | Nguyên mẫu máy bay chở khách hai động cơ piston |
Convair Model 116 | 1946 | 1 | máy bay kết hợp ô tô |
Convair B-36 | 1946 | 384 | Máy bay ném bom chiến lược kết hợp động cơ piston và động cơ phản lực |
Convair CV-240 | 1947 | Máy bay chở khách hai động cơ piston. | |
Convair XB-46 | 1947 | 1 | Nguyên mẫu máy bay ném bom 4 động cơ phản lực |
Convair Model 118 | 1947 | 2 | Xe ô tô bay |
Convair XC-99 | 1947 | 1 | Nguyên mẫu máy bay chở khách |
Convair XF-92 | 1948 | 1 | Máy bay đánh chặn một động cơ phản lực thử nghiệm. |
Convair C-131 Samaritan | 1949 | 512 | Máy bay chở hàng hai động cơ |
Convair CV-340 | 1951 | Máy bay chở khách hai động cơ | |
Convair YB-60 | 1952 | 1 | Máy bay ném bom chiến lược 8 động cơ thử nghiệm |
Convair F2Y Sea Dart | 1953 | 5 | Thủy phi cơ hai động cơ phản lực |
Convair F-102 Delta Dagger | 1953 | 1.000 | Máy bay đánh chặn 1 động cơ |
Convair R3Y Tradewind | 1954 | 13 | Thủy phi cơ 4 động cơ chở khách |
Convair XFY Pogo | 1954 | 1 | Máy bay chiến đấu cất và hạ cánh thẳng đứng thử nghiệm |
Convair NB-36H | 1955 | 1 | Máy bay ném bom thử nghiệm chạy bằng năng lượng hạt nhân |
Convair CV-440 Metropolitan | 1955 | Máy bay động cơ piston đôi | |
Convair B-58 Hustler | 1956 | 116 | Máy bay ném bom chiến lược 4 động cơ phản lực |
Convair F-106 Delta Dart | 1956 | 342 | Máy bay đánh chặn 1 động cơ phản lực |
Convair 880 | 1959 | 65 | Máy bay chở khách bốn động cơ phản lực |
Convair 990 Coronado | 1961 | 37 | Máy bay chở khách bốn động cơ phản lực |
Convair Model 48 Charger | 1964 | 1 | Nguyên mẫu máy bay tấn công hạng nhẹ động cơ phản lực cánh quạt |
Convair CV-600 | 1965 | ?? | Máy bay 2 động cơ cánh quạt |
Convair CV-640 | 1965 | ?? | Máy bay 2 động cơ tuốc bin cánh quạt |
Convair XB-53 | N/A | 0 | Máy bay chạy bằng năng lượng hạt nhân thử nghiệm chưa chế tạo |
Convair X-6 | N/A | 0 | Máy bay chạy bằng năng lượng hạt nhân thử nghiệm chưa chế tạo |
Convair XP6Y | N/A | 0 | Máy bay thủy phi cơ chống ngầm sử dụng kết hợp động cơ piston và động cơ phản lực. |
Convair Kingfish | N/A | 0 | Máy bay trinh sát hai động cơ phản lực. |
Convair Model 58-9 | N/A | 0 | Máy bay chở khách hai động cơ phản lực |
Convair Model 49 | N/A | 0 | |
Convair 660 | N/A | 0 | Máy bay chở khách hai động cơ phản lực. |
Convair Model 200 | N/A | 0 | Máy bay chiến đấu một động cơ cất hạ cánh thẳng đứng. |
Convair Heritage: History of General Dynamics/Consolidated/Convair |