Dặc Khiêm

Dặc Khiêm
弋謙
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
không rõ
Quê quán
châu Đại
Mất1451
Giới tínhnam
Học vấnTiến sĩ Nho học
Nghề nghiệpchính khách
Quốc tịchnhà Minh

Dặc Khiêm (tiếng Trung: 弋謙, ? - 1451), người Đại Châu, phủ Thái Nguyên [1], quan viên nhà Minh, nổi tiếng cương trực, từng 2 lần làm việc ở Việt Nam (nhà Minh gọi là Giao Chỉ) trong Kỷ thuộc Minh.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Thời Minh Thành Tổ, Khiêm đỗ tiến sĩ [2]; được trừ chức Giám sát ngự sử, rồi ra làm Án Giang Tây. Khiêm bàn luận trái ý hoàng đế, nên bị biếm làm Giáp Sơn tri huyện ở Giao Chỉ. Năm Vĩnh Lạc thứ 19 (1421), Khiêm tố cáo bọn tổng binh Lý Bân bắt nộp Dương Cung giả, bị miễn quan về nhà.

Minh Nhân Tông còn là Thái tử, đã biết Khiêm trung trực. Đến khi lên ngôi, Nhân Tông triệu Khiêm làm Đại Lý thiếu khanh. Ban đầu Khiêm được Nhân Tông nghe theo, về sau hoàng đế cảm thấy khó chịu, lại thêm bọn Lữ Chấn đón ý mà đàn hặc ông, khiến hoàng đế tuy không bắt tội ông, nhưng dần xa lánh, không cho ông tham dự buổi chầu sớm. Hơn tháng sau, Nhân Tông thấy chẳng còn ai dám nói gì, bèn tự giáng tỷ thư nhận lỗi, cho Khiêm vào chầu trở lại. Bấy giờ trung quan (tức hoạn quan) chọn gỗ ở Tứ Xuyên, tham lam hoành hành. Nhân Tông cho rằng Khiêm trong sạch ngay thẳng, mệnh cho ông đi trị lý, ban tiền sao để chi dùng; Khiêm bèn bãi việc chọn gỗ.

Đầu thời Minh Tuyên Tông, Giao Chỉ hữu bố chánh Thích Tốn có tội tham dâm nên bị truất, Khiêm nhận lệnh đi thay; trên thực tế ông coi việc của cả Bố chánh sứ tư [3]. Quân Minh thất bại, Khiêm nằm trong số quan lại, tướng lĩnh tham dự hội thề Đông Quan [4], rời Giao Chỉ quay về, bị luận tội đáng chết. Đầu thời Minh Anh Tông, Khiêm được phóng thích làm dân. Sau sự biến Thổ Mộc, Khiêm vào triều, tiến cử Vương Thông cùng bọn Ninh Mậu, Nguyễn Thiên 13 người, cho rằng bọn họ đều là kỳ tài có thể dùng. Mọi người đề nghị lấy Thông làm phó tướng cho Thạch Hanh, Khiêm xin dùng Thông làm chủ tướng, việc bị bỏ qua. Triều thần cho rằng Khiêm có danh vọng lớn, tâu xin giữ ông lại, Minh Đại Tông không trả lời. Năm Cảnh Thái thứ 2 (1451), Khiêm lại lên kinh, dâng sớ tiến cử bọn Vương Thông, Đại Tông không tiếp nạp. Khiêm trở về quê nhà, không lâu sau thì mất.

Vụ án Dương Cung giả

[sửa | sửa mã nguồn]

Tướng nhà Minh là bọn Tổng binh Lý Bân không tìm được thủ lĩnh nghĩa quân là Dương Cung, bèn bắt sinh viên[5] ở huyện Giáp Sơn là Phạm Luận, vu cáo Luận là Dương Cung, còn bắt cả gia thuộc của Luận là bọn Phạm Xã, gởi về Yên Kinh. Khiêm xác thực Luận không phải là Dương Cung, muốn tố cáo; Lý Bân bèn giải cả ông và Luận về Yên Kinh, giao cho Pháp tư [6]. Khiêm bị kết tội, chịu miễn quan [7]; vụ án khép lại [8].

Nói thẳng mất lòng

[sửa | sửa mã nguồn]

Khiêm làm Đại Lý thiếu khanh, nhận xét thẳng thắn về tình hình chánh trị đương thời, tố cáo quan lại tham tàn, cho rằng chánh sự phần nhiều không còn được như thời Hồng Vũ, còn kẻ có chức trách thì tham ô không chán; được Nhân Tông phần nhiều nghe theo. Khiêm bàn đến Ngũ sự [9], lời lẽ và thái độ kích động, khiến Nhân Tông không vui. Bọn thượng thư Lữ Chấn, Ngô Trung, thị lang Ngô Đình Dụng, Đại Lý khanh Ngu Khiêm nhân đó hặc Khiêm vu cáo; Đô ngự sử Lưu Quan lệnh cho các ngự sử cùng bắt lỗi ông. Nhân Tông triệu bọn Dương Sĩ Kỳ nói về việc ấy, Sĩ Kỳ đáp rằng: “Khiêm không am tường đại thể, nhưng có lòng cảm ơn cất nhắc vượt bậc, muốn lo nghĩ báo đáp. Chúa thánh minh thời có bề tôi ngay thẳng, mong bệ hạ dung thứ ông ta.” Nhân Tông bèn không trị tội Khiêm, nhưng mỗi lần gặp ông, lời lẽ và sắc mặt đều không vui. Sĩ Kỳ lựa lời nói: “Bệ hạ giáng chiếu cầu lời nói thẳng, Khiêm nói năng không hợp ý, gây phẫn nộ. Triều thần sợ hãi, lấy lời ấy làm răn. Nay bề tôi vào chầu từ bốn phương đều tập trung dưới cửa khuyết, thấy Khiêm như vầy, sẽ nói bệ hạ không thể chịu được lời nói thẳng.” Nhân Tông sợ hãi nói: “Đây là bởi trẫm không chịu được, lại thêm bọn Lữ Chấn đón ý khiến trẫm càng quá đáng, đến nay mới gây ra như vậy.” Nhân Tông bèn không cho Khiêm tham dự buổi chầu, lệnh cho ông chỉ làm việc tại cơ quan.

Ít lâu sau, Nhân Tông cho rằng người dám nói ngày càng ít đi, lại triệu Sĩ Kỳ nói: “Trẫm giận Khiêm nói thẳng khó nghe, triều thần hơn tháng không ai nói gì. Người nói với các bề tôi, tỏ rõ tấm lòng trẫm.” Sĩ Kỳ nói: “Thần nói suông không đủ tin, xin đích thân giáng tỷ thư.” Nhân Tông lệnh cho người đặt bàn, tự viết sắc nhận lỗi, cho Khiêm tham dự buổi chầu trở lại [10].

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Nay là huyện Đại, địa cấp thị Hãn Châu, Sơn Tây
  2. ^ Năm Dặc Khiêm đỗ tiến sĩ không được sử cũ ghi chép thống nhất. MS, tlđd chép “Năm Vĩnh Nhạc thứ 9 (1410) đỗ tiến sĩ.Trữ Đại Văn (nhà Thanh) – Khâm định tứ khố toàn thư, Sơn Tây thông chí quyển 66, Khoa mục 2, nhà Minh chép “Năm Vĩnh Lạc đầu tiên (1402), khoa Quý mùi, kỳ thi Hương... Dặc Khiêm, người Đại Châu, đỗ tiến sĩ.
  3. ^ SK, tlđd: Trần Hiệp đã chết, Hữu bố chánh sứ Dặc Khiêm giữ ấn Bố chánh tư...
  4. ^ SK, tlđd: Ngày 22, đế với Minh tổng binh quan, Thái tử thái bảo, Thành Sơn hầu Vương Thông, Tham tướng hữu đô đốc Mã Anh, Thái giám Sơn Thọ, Mã Kỳ, Vinh Xương bá Trần Trí, An Bình bá Lý An, Đô đốc Phương Chính, Chưởng Đô tư sự, đô đốc thiêm sự Trần Tuyền, Đô chỉ huy thiêm sự Trần Hữu, Giám sát ngự sử Chu Kỳ Hậu, Cấp sự trung Quách Vĩnh Thanh, Hữu bố chính sứ Dặc Khiêm, Hữu tham chính Lục Quảng Bình, Tả tham chính Hồng Bỉnh Lương, Lục Trinh, Án sát sứ Dương Thì Tập, Thiêm sự Quách Đoan, hội thề ở phía nam thành. Họ lấy ngày 12 tháng 12 thì ban sư, còn sai người trao Bản (tập sớ tâu vua), xin trả lại đất đã lấy của ta...
  5. ^ Sinh viên là học trò tại trường học do nhà nước tổ chức, sau khi vượt qua cuộc thi ở địa phương ấy; dân gian quen gọi là tú tài
  6. ^ SK, tlđd: Minh tổng binh Lý Bân, nội quan Lý Lượng tróc nã Giáp Sơn huyện Sanh viên Phạm Luận, ép làm Dương Cung, để lấp liếm chiếu mệnh, liên đới gia thuộc, (bắt) bọn Phạm Xã đưa về Yên Kinh. Tri huyện Dặc Khiêm chứng thực là không đúng, (Bân) không nghe, Khiêm lấy bao vàng dâng đại cáo, tâu thẳng việc ấy. Bân sai người chặn bắt về. Hoàng Phúc khuyên ông ta rằng: “Mọi người đều lấy làm phải, tự mày không biết làm sao à?” Khiêm nói: “Ai có thể không đi ra từ cửa!?” Bân đem cả Khiêm, Luận về, giao xuống Pháp tư xét hỏi.
  7. ^ SK, tlđd: Khiêm gần như bị hãm tội, anh Khiêm đánh trống Đăng Văn kêu oan nên được miễn. Dần thăng đến Hữu bố chánh sứ ở nước ta. Chi tiết này không hợp lý. Minh sử – Hình pháp chí 2 chép “Trống Đăng Văn, năm Hồng Vũ đầu tiên đặt ở ngoài Ngọ Môn, một ngự sử hằng ngày giám sát, không phải đại oan cùng cơ mật trọng tình thì không được đánh, đánh lập tức được dẫn tấu.” Nếu anh của Khiêm đánh trống Đăng Văn, việc này được Minh Thành Tổ thụ lý, thì không dễ dàng kết thúc. Ở đây Dặc Khiêm chịu liên đới, vì Phạm Luận là người huyện Giáp Sơn – do Khiêm quản lý – nên phải chịu miễn quan về nhà. Người viết ngờ rằng Dặc Khiêm đã thỏa hiệp với Pháp tư, vì Khiêm là người Sơn Tây, mất một chức Tri huyện ở Giao Chỉ xa xôi cũng chẳng đáng tiếc gì.
  8. ^ SK, tlđd: Gia thuộc của Luận chết cả trong ngục. TL, tlđd: Năm Vĩnh Lạc thứ 19... Tháng 9... Ngày kỷ mão (19/9 ÂL, tức 15/10/1421), Giao Chỉ tổng binh quan Phong Thành hầu Lý Bân khiển bọn Đô chỉ huy Vương Trung bắt được tặc thủ Dương Cung. Ban đầu tiếm xưng vương, tụ chúng tác loạn, quan quân đuổi bắt, Cung thua chạy không thể tìm được. Đến nay bắt cậu của hắn là Đỗ Cô làm hướng đạo, đuổi đến huyện Giáp Sơn thuộc phủ Tân An, bắt hắn rồi cùm đưa về Bắc Kinh.
  9. ^ Ngũ sự là 5 việc cần làm để sửa mình của nhà thống trị phong kiến. Kinh Thư – thiên Hồng Phạm: “Ngũ sự: một là mạo, hai là ngôn, ba là thị, bốn là thính, năm là tư. Mạo là cung (thái độ cung kính), ngôn là tòng (nói phải thì theo), thị là minh (nhìn rõ ràng), thính là thông (nghe tỏ tường), tư là duệ (nghĩ sáng suốt).” VD: Hán thưCốc Vĩnh truyện: “Riêng nghe Minh vương tức vị, chánh ngũ sự, kiến đại trung, để thừa thiên tâm.Nhan Sư Cổ chú: “Ngũ sự: mạo, ngôn, thị, thính, tư đấy.
  10. ^ MS, tlđd: Bèn lệnh cho đặt tháp (bàn hẹp, dài) trước mặt mà viết sắc nhận lỗi rằng: “Trẫm từ khi tức vị đến nay, thần dân dâng chương kể đã mấy trăm, chưa từng không vui vẻ nghe nạp. Nếu có gì không hợp lý, không khiển trách thêm, quần thần đều biết vậy. Trong thời gian này, lời nói của Đại Lý thiếu khanh Dặc Khiêm phần nhiều không phải sự thật, quần thần nghênh hợp ý trẫm, liên tiếp có chương tấu ông ta mua tiếng ngay thẳng, xin xử trí theo phép. Trẫm đều cự tuyệt không nghe, nhưng miễn Khiêm tham dự buổi chầu. Mà từ đấy đến nay, người dám nói ngày càng ít. Nay mùa đông vừa rồi không có tuyết, xuân cũng thiếu mưa, âm dương không hòa, ắt có chuyện xấu đâu đó, há không có gì đáng nói? Mà làm bề tôi, lo tự bảo toàn, lùi lại im lặng, sao gọi là trung? Trẫm đối với Khiêm nhất thời không thể chịu đựng, chưa từng không tự hối lỗi. Quần thần các ngươi lấy việc đã qua làm răn, đối với điều tốt xấu, chánh lệnh của quốc gia chưa hợp lý, nói thẳng chớ sợ. Khiêm tham dự buổi chầu như cũ.
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan