Dự thẩm viên là một thẩm phán trong hệ thống tố tụng thẩm vấn phụ trách công tác điều tra các cáo buộc tội phạm và trong một số trường hợp đề nghị truy tố. Vai trò chính xác của dự thẩm viên tùy theo mỗi quốc gia. Nhiệm vụ và quyền hạn chung của dự thẩm viên gồm giám sát các cuộc điều tra hình sự, ban hành lệnh khám xét và lệnh tạm giam, quyết định cho phép nghe lén, thẩm vấn bị can, nhân chứng, xem xét bằng chứng và chuẩn bị hồ sơ vụ án.
Dự thẩm viên có vai trò quan trọng trong ngành tư pháp Pháp và cũng là một phần của hệ thống tư pháp hình sự Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ và Hy Lạp. Vai trò của dự thẩm viên đã bị hạn chế theo thời gian. Vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, một số quốc gia, bao gồm Thụy Sĩ, Đức, Bồ Đào Nha và Ý, bãi bỏ hoàn toàn chức danh dự thẩm viên và thành lập chức danh mới để đảm nhiệm một số trách nhiệm của dự thẩm viên.
John Henry Merryman và Rogelio Pérez-Perdomo mô tả vai trò của dự thẩm viên trong hệ thống dân luật như sau:
Quy trình tố tụng hình sự điển hình trong thế giới dân luật có thể được chia thành ba giai đoạn cơ bản: khởi tố điều tra, truy tố và xét xử. Giai đoạn khởi tố điều tra do công tố viên chỉ đạo, người cũng tham gia tích cực vào giai đoạn truy tố do dự thẩm viên giám sát. Giai đoạn truy tố chủ yếu bằng văn bản và không công khai. Dự thẩm viên xác định tính chất và phạm vi của giai đoạn truy tố. Dự thẩm viên phải điều tra vụ việc một cách kỹ lưỡng và chuẩn bị một biên bản hoàn chỉnh để lập hồ sơ về tất cả các bằng chứng liên quan khi giai đoạn truy tố hoàn tất. Nếu dự thẩm viên kết luận rằng có sự việc phạm tội và bị can là thủ phạm thì sẽ truy tố bị can. Nếu dự thẩm viên kết luận rằng không có sự việc phạm tội hoặc bị can không phải là thủ phạm thì sẽ đình chỉ vụ án.[1]
Dự thẩm viên có vai trò rất quan trọng tại các quốc gia dân luật áp dụng hệ thống tố tụng thẩm vấn như Pháp. Ngược lại, các quốc gia thông luật áp dụng hệ thống tố tụng tranh trụng như Anh và Hoa Kỳ không chức danh dự thẩm viên.[2][3] Mối quan hệ chặt chẽ giữa dự thẩm viên và cảnh sát và công tố viên "có thể khiến dự thẩm viên thiên vị lợi ích lâu dài của nguyên cáo hơn lợi ích của bị cáo."[4] Vấn đề này cũng được đề cập tại các quốc gia thông luật; trong khi mối quan tâm ở Hoa Kỳ là sự độc lập của luật sư bào chữa, mối quan tâm là ở Pháp sự độc lập của dự thẩm viên."[5]
Giai đoạn điều tra được mô tả là "khía cạnh gây tranh cãi nhất của thủ tục tố tụng hình sự" của hệ thống dân luật vì "việc điều tra được tiến hành bí mật và kéo dài, dự thẩm viên có quyền hạn rộng lớn" và "tồn tại nguy cơ dự thẩm viên lạm quyền khi dự thẩm viên làm việc bí mật và giam giữ bị can trong thời gian dài".[6]
Một số nhà bình luận cho rằng dự thẩm viên có vai trò tương tự vai trò của đại bồi thẩm đoàn trong hệ thống thông luật. Học giả George C. Thomas III nhận xét rằng đại bồi thẩm đoàn theo luật pháp Hoa Kỳ có chức năng điều tra hiệu quả nhưng lại thiếu chức năng sàng lọc vì theo án lệ của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, công tố viên không có nghĩa vụ phải trình bày bằng chứng giải tội cho đại bồi thẩm đoàn. Ngược lại, dự thẩm viên theo hệ thống của Pháp hoạt động như một điều tra viên và hội đồng truy tố hoạt động như một cơ quan sàng lọc có trách nhiệm xác minh căn cứ truy tố.[7]
Ở châu Âu, dự thẩm viên không còn được trọng dụng như trước.[8] Tây Ban Nha, Pháp, Croatia, Hà Lan, Bỉ và Hy Lạp vẫn duy trì chức danh dự thẩm viên nhưng hạn chế vai trò của dự thẩm viên theo hướng chỉ cho phép dự thẩm viên tiến hành điều tra "các tội nghiêm trọng hoặc các trường hợp nhạy cảm" hoặc để dự thẩm viên chia sẻ trách nhiệm với công tố viên.[8][9] Thụy Sĩ, Đức, Bồ Đào Nha và Ý đều đã bãi bỏ chức danh dự thẩm viên.[10][9]
Ở Pháp, chức danh dự thẩm viên (juge d'instruction) được thiết lập kể từ giữa thế kỷ 19 và thủ tục điều tra sơ bộ là một phần của hệ thống tư pháp sớm nhất là từ thế kỷ 17.[3] Quyền hạn của dự thẩm viên từng rộng đến mức nhà văn Honoré de Balzac gọi dự thẩm viên là "người đàn ông quyền lực nhất ở Pháp" vào thế kỷ 19.[11]
Tuy nhiên, quyền hạn của dự thẩm viên sau đó bị hạn chế do những cải cách[11] được Bộ trưởng Tư pháp Robert Badinter tiến hành từ năm 1985[12][13] đến thập niên 2000.[14][15][16]
Hiện tại, dự thẩm viên là một trong bốn ngạch thẩm phán của Pháp cùng với thẩm phán xử án (magistrats de siège), thẩm phán công tố (magistrats debout) và thẩm phán hành chính, hoạch định chính sách của Bộ Tư pháp.[17] Dự thẩm viên do tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ Tư pháp. Dự thẩm viên có nhiệm kỳ ba năm và có thể được tái bổ nhiệm.[3]
Một dự thẩm viên khởi tố vụ án theo lệnh của công tố viên hoặc theo yêu cầu của một công dân. Dự thẩm viên có quyền ban hành thư yêu cầu tương trợ tư pháp, thu giữ bằng chứng cần thiết, triệu tập người làm chứng và yêu cầu chuyên gia làm chứng tại phiên điều trần.[3]
Ở Tây Ban Nha, dự thẩm viên (juez de instrucción)[18] là người đứng đầu văn phòng dự thẩm viên (juzgado de instrucción),[19] phụ trách công tác điều tra "tất cả các vụ án hình sự xảy ra tại khu vực của mình, ngoại trừ những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án Quốc gia hoặc khi tòa án khác có thẩm quyền theo nguyên tắc ratione personae."[18] Ngoài ra, dự thẩm viên có thẩm quyền xét xử các vụ án về tội nhẹ.[20]
Một trong những dự thẩm viên nổi tiếng nhất của Tây Ban Nha là Baltasar Garzón, một nhân vật gây tranh cãi chuyên điều tra các vụ án tham nhũng và vi phạm nhân quyền cấp cao. Năm 1998, Garzón sử dụng học thuyết thẩm quyền phổ quát để ban hành lệnh bắt giữ nhà độc tài Chile Augusto Pinochet tại Luân Đôn. Garzón cũng chỉ đạo một cuộc điều tra về Khủng bố Trắng trong Nội chiến Tây Ban Nha (mặc dù có Luật Đại xá 1977) và những vi phạm nhân quyền vào thời Franco. Năm 2012, Garzón bị kết tội nghe lén trái pháp luật và bị đình chỉ chức vụ trong 11 năm.[21]
Năm 2018, một dự thẩm viên tại Andorra ban hành cáo trạng truy tố 28 người về tội rửa tiền, bao gồm cả các cựu quan chức Venezuela.[22]
Dự thẩm viên ở Bỉ điều tra 5% số vụ việc và dự thẩm viên ở Hà Lan điều tra 2% số vụ việc.[9]
Ở Bỉ, công tố viên thường quyết định khởi tố vụ án hình sự và ban hành lệnh triệu tập nghi phạm ra tòa. Tuy nhiên, trong "những vụ án nghiêm trọng hoặc phức tạp", công tố viên có thể giao dự thẩm viên (onderzoeksrechter hoặc juge d'instruction) điều tra vụ án, là một thẩm phán độc lập của tòa sơ thẩm.[23] Dự thẩm viên có quyền thẩm vấn nghi phạm (nhưng không được lấy lời khai), phỏng vấn nhân chứng và ban hành lệnh khám xét, lệnh tạm giam. Dự thẩm viên gửi kết quả điều tra đến tòa án để tòa án quyết định đình chỉ vụ án, truy tố bị can hoặc gửi vụ án đến tòa án khác trong một số trường hợp nhất định.[24] Khác với những quốc gia khác, dự thẩm viên của Bỉ kiêm nhiệm chức vụ thẩm phán và cảnh sát tư pháp.[25]
Ở Hà Lan, chức danh dự thẩm viên được thành lập vào năm 1926 và quyền hạn của dự thẩm viên được tăng cường vào năm 1999.[26] Công tố viên Hà Lan phụ trách giám sát điều tra hình sự và đảm bảo "tính hợp pháp, công bằng và liêm chính" của cuộc điều tra và các thủ tục tiền xét xử.[27] Ngoài vai trò điều tra,[28] dự thẩm viên cũng có nhiệm vụ xem xét tính hợp pháp của việc bắt giữ và tạm giam.[29] Dự thẩm viên xem xét yêu cầu của công tố viên về việc sử dụng một số kỹ thuật điều tra đặc biệt mang tính xâm phạm.[27] Đối với các kỹ thuật điều tra xâm phạm nhất, chẳng hạn như nghe lén điện thoại hoặc những hoạt động nghe lén hợp pháp khác, yêu cầu của công tố viên phải được dự thẩm viên phê chuẩn.[27][30]
Ở Mỹ Latinh, một dự thẩm viên phụ trách giai đoạn điều tra (sumario hoặc instrucción) của thủ tục tố tụng hình sự trước giai đoạn truy tố và xét xử (plenario).[31][32] Dự thẩm viên phỏng vấn nhân chứng, thẩm vấn bị can, xem xét bằng chứng, lập hồ sơ vụ án và đề nghị thẩm phán xử án truy tố hoặc thả bị can.[31] Chile, Paraguay, Uruguay và Venezuela từng "không phân biệt giữa dự thẩm viên, người phụ trách công tác điều tra, và thẩm phán, người phụ trách xét xử."[33] Ví dụ: ở Chile, dự thẩm viên từng kiêm nhiệm ba vai trò là điều tra, xét xử và tuyên án.[34]
Đến cuối thế kỷ 20, hầu hết các nước Mỹ Latinh bãi bỏ giai đoạn điều tra theo Đức. Năm 1998, Venezuela quy định giai đoạn điều tra phải công khai và tăng cường quyền bào chữa của bị can, bị cáo.[35] Từ năm 2005, Chile bảo đảm nguyên tắc trang tụng trong hệ thống tố tụng,[34] chuyển giao nhiều trách nhiệm của dự thẩm viên cho công tố viên và tách biệt vai trò tư pháp và điều tra.[36] Tuy nhiên, dự thẩm viên vẫn tiếp tục phụ trách các cuộc điều tra về vi phạm nhân quyền ở Chile vào thời Augusto Pinochet ở giai đoạn đầu.[34]
Ở Hy Lạp, dự thẩm viên phụ trách phỏng vấn nhân chứng, ban hành lệnh bắt giữ, xem xét bằng chứng và gửi hồ sơ vụ án đến công tố viên, người quyết định truy tố.[37][38]
Ý bãi bỏ chức danh dự thẩm viên vào năm 1989 trong quá trình cải cách Bộ luật tố tụng hình sự Ý.[39] Quyền hạn điều tra của dự thẩm viên được giao cho công tố viên,[40] một chức danh thuộc ngạch thẩm phán ở Ý.[41] Quyền hạn giám sát của dự thẩm viên được giao cho chức danh thẩm phán điều tra sơ bộ mới được thành lập với các nhiệm vụ cụ thể, bao gồm ban hành lệnh khám xét, lệnh tạm giam và quyết định cho phép nghe lén.[42] Việc bãi bỏ chức danh dự thẩm viên "đánh dấu sự thay đổi so với hệ thống pháp luật thẩm vấn của Pháp một phần theo hướng tranh tụng"; ngoài ra, cải cách năm 1989 quy định việc thẩm vấn chéo và đàm phán giữa nguyên cáo và bị cáo nhưng vẫn duy trì một số yếu tố của dân luật.[42]
Trước năm 2011, Thụy Sĩ áp dụng bốn mô hình điều tra khác nhau: mô hình dự thẩm viên I và II (Untersuchungsrichtermodell) và mô hình công tố viên I và II (Staatsanwaltschaftsmodell).[43] Các bang của Thụy Sĩ áp dụng các mô hình khác nhau.[44] Theo mô hình dự thẩm viên I, một dự thẩm viên độc lập chỉ đạo trực tiếp cuộc điều tra của cảnh sát và công tố viên chỉ là một bên trong vụ án.[45] Theo mô hình dự thẩm viên II, dự thẩm viên và công tố viên cùng thực hiện các thủ tục tố tụng tiền xét xử, dự thẩm viên không hoạt động độc lập mà phải chấp hành chỉ thị của công tố viên.[46] Theo mô hình công tố viên I giống như hệ thống tố tụng của Pháp, công tố viên trước tiên chỉ đạo cuộc điều tra của cảnh sát tư pháp rồi gửi hồ sơ đến dự thẩm viên độc lập, dự thẩm viên tiến hành thẩm tra và trả kết quả thẩm tra cùng hồ sơ vụ án cho công tố viên, người quyết định truy tố hoặc đình chỉ vụ án.[47] Theo mô hình công tố viên II, không có dự thẩm viên và công tố viên là người phụ trách điều tra, thẩm tra và quyết định truy tố bị can.[8]
Năm 2011, Bộ luật tố tụng hình sự Thụy Sĩ có hiệu lực, áp dụng mô hình công tố viên II trên cả nước và bãi bỏ chức danh dự thẩm viên vốn tồn tại trước đó ở một số bang.[8]
Một trong những dự thẩm viên nổi tiếng của Thụy Sĩ là Carla Del Ponte, người phụ trách điều tra về tội phạm Mafia Sicilia. Del Ponte sau đó được bổ nhiệm làm công tố viên, rồi là tổng chưởng lý liên bang, trước khi trở thành công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ và Tòa án Hình sự Quốc tế Rwanda.[48]
Ba Lan từng có chức danh dự thẩm viên. Ví dụ: để chuẩn bị cho phiên tòa Auschwitz, dự thẩm viên người Ba Lan Jan Sehn điều tra những hành động tàn bạo của Đức Quốc Xã tại trại tập trung Auschwitz.[49] Năm 1949, ngành tư pháp Ba Lan được cải tổ theo đường lối của Liên Xô và chức danh dự thẩm viên bị bãi bỏ.[50]
Tây Đức bãi bỏ chức danh dự thẩm viên vào năm 1974.[51][9] Bồ Đào Nha bãi bỏ chức danh dự thẩm viên vào năm 1987.[9]
Bộ phim Z năm 1969 có một nhân vật dự thẩm viên dựa trên Christos Sartzetakis.[52]