Hải đăng Alexandria, đôi khi được gọi Hải đăng của Alexander (/ˈfɛərɒs/; tiếng Hy Lạp cổ đại: ὁ Φάρος τῆς Ἀλεξανδρείας, Koine đương thời phát âm tiếng Hy Lạp: [ho pʰá.ros tɛ̂ːs a.lek.sandrěːaːs]), là một Hải đăng được xây trong triều đại của Ptolemy II Philadelphos (280–247 BC) của Ai Cập thuộc Hy Lạp.[1] Chiều cao của tháp được ước tính tổng thể là 100 mét (330 ft).[2] Một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, trong nhiều thế kỷ sau đó nó đã từng là một trong những cấu trúc nhân tạo cao nhất trên thế giới.
Ngọn hải đăng bị tàn phá nghiêm trọng bởi ba trận động đất từ năm 956 AD đến năm 1323 và trở thành đống đổ nát. Nó là kỳ quan có tuổi thọ cao thứ ba (chỉ sau Lăng mộ của Mausolus) và Kim tự tháp Kheops). Một phần của nó tồn tại đến năm 1480 khi những viên đá cuối cùng còn sót lại của nó được sử dụng để xây dựng Lâu đài Qaitbay trên cùng địa điểm.
Năm 1994, một nhóm các nhà khảo cổ học người Pháp đã lặn xuống biển ở phía đông cảng Alexandria và phát hiện ra một số tàn tích của ngọn hải đăng dưới đáy biển.[3] Năm 2016, Bộ nghiên cứu thời kỳ cổ đại trong Ai Cập lên kế hoạch biến những tàn tích chìm của ngọn hải đăng này, bao gồm cả những tàn tích của Pharos, thành một viện bảo tàng dưới nước.[4]
Pharos là một hòn đảo nhỏ nằm ở rìa phía tây của Châu thổ sông Nin. Năm 332 BC, Alexandros Đại đế thành lập thành phố Alexandria trên một eo đất đối diện với Pharos. Alexandria và Pharos sau này được nối với nhau bằng một bờ đê[5] trải dài hơn 1.200 mét (0,75 dặm). Nó được gọi là Heptastadion. Phía đông của bờ đê đã trở thành bến tàu lớn, hiện tại nó là một vịnh tự do. Còn phía tây có cảng Eunostos với lưu vực Kibotos bên trong lớn dần qua quá trình tự nhiên theo thời gian để hình thành bến cảng thời nay. Các công trình giữa lâu đài Qaitbay và mũi đất Ras el-Tin được xây dựng trên lớp phù sa đang lớn dần và chôn vùi bờ đê. Lâu đài Ras el-Tin nằm trên mũi đất Ras el-Tin được xây dựng vào thế kỷ 19 là tất cả những gì còn lại của đảo Pharos.[6] Khu vực phía đông của ngọn hải đăng đã bị biển làm mòn theo thời gian.
Ngọn Hải đăng được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 TCN. Sau khi Alexander Đại Đế chết, Ptolemy I Soter tự xưng vương vào năm 305 TCN và ra lệnh xây dựng ngọn hải đăng ngay sau đó. Sau 12 năm, ngọn hải đăng được hoàn tất dưới triều đại của con trai ông Ptolemy II Philadelphus với tổng chi phí là 800 talent bạc.[7] Ánh sáng được tạo ra từ cái lò ở trên cùng, và ngọn hải đăng được xây dựng phần lớn bằng những khối đá vôi cứng và đá granit.[8]
Strabo ghi chép rằng Sostratus đã in chữ "những vị thần cứu tinh" bằng kim loại trên ngọn hải đăng để tôn vinh các vị thần. Gaius Plinius Secundus cho rằng Sostratus là kỹ sư của ngọn hải đăng mặc dù thông tin này bị tranh cãi.[9] Vào thế kỷ thứ 2, Lucian viết rằng Sostratus đã giấu tên mình dưới vữa thạch cao mang tên Ptolemy và khi nó bị phai đi thì tên của Sostratus sẽ được nhìn thấy trên bề mặt đá của ngọn hải đăng.[10][11] Các khối đá sa thạch và đá vôi được sử dụng trong khi xây dựng ngọn hải đăng được phân tích là từ mỏ đá Wadi Hammamat trong sa mạc phía đông thành phố.[12]
Tài liệu của người Ả Rập về ngọn hải đăng mô tả nó một cách nhất quán mặc dù nó đã được sửa chữa nhiều lần sau những trận động đất, Độ cao được mô tả giao động khoảng 15 phần trăm từ 103 đến 118 m (338 đến 387 ft) với nền vuông 30 nhân 30 m (98 nhân 98 ft).[13]
Lữ khách người Ả Rập Abou Haggag Youssef Ibn Mohammed el-Balawi el-Andaloussi có ghi chép tài liệu chi tiết nhất về ngọn Hải đăng này sau khi du hành tới Alexandria vào năm 1166 AD.[14] Balawi viết về hình dạng và kích thước bên trong ngọn hải đăng hình chữ nhật. Đường dốc bên trong nó được lợp gạch và có bề ngang là 7 shibr (189 cm), cho phép hai kỵ sĩ đi qua cùng một lúc. Đường dốc có là thang cuốn theo hình chiều kim đồng hồ. Ngọn hải đăng có bốn tầng với mười tám, mười bốn và mười bảy phòng trên tầng hai, ba và bốn tương ứng. Balawi viết rằng nền vuông của ngọn hải đăng có mỗi cạnh dài 45 ba (30 m) với đường dốc nối dài 600 dhira (300 m) với bề rộng 20 dhira (10 m). Phần hình chữ nhật có độ rộng 24 ba (16.4 m) và đường kính của phần hình trụ là 12.73 ba (8.7 m). Phần đỉnh của ngọn hải đăng là nhà thờ nhỏ có đường kính 6.4 ba (4.3 m).[15]
Nguồn Ả rập cho rằng ngọn hải đăng được xây dựng từ những khối đá tảng lớn có màu sáng. Tháp có ba phần: phần hình vuông phía dưới; một phần hình tám cạnh ở giữa; phía trên cùng là hình trụ tròn.[16] Al-Masudi chép vào thế kỷ thứ 10 rằng mặt hướng ra biển của ngọn hải đăng có một dòng chữ tôn thờ thần Zeus.[17] Nhà địa lý Al-Idrisi đến xem ngọn hải đăng vào năm 1154 và ghi chép rằng có những lỗ hở trên tường khắp nơi và được trám chì giữa các khối đá xây ở phần hình chữ nhật. Ông tính tổng chiều cao của ngọn hải đăng là 300 dhira rashashl (162 m).[15]
Đỉnh của ngọn hải đăng là một tấm gương phản chiếu ánh sáng mặt trời vào ban ngày, còn ban đêm thì được chiếu sáng bằng một ngọn lửa. Những đồng xu La Mã còn tồn tại được đúc ở Alexandria cho thấy bốn góc của ngọn hải đăng đều có một bức tượng của Triton, và tượng Poseidon hoặc Zeus đứng trên đỉnh.[18]
Những ghi chép sau này về ngọn hải đăng sau trận động đất năm 1303 bao gồm của Ibn Battuta, một học giả và người thám hiểm Maroc đã tới Alexandria vào năm 1326 và 1349. Battuta ghi chép rằng tình trạng hư hỏng của ngọn hải đăng chỉ thấy được ở phần hình chữ nhật và đoạn đường vào. Ông ấy cho biết tòa tháp dài 140 shibr (30.8 m) ở hai bên. Battuta lên kế hoạch chi tiết cho Sultan An-Nasir Muhammad để xây dựng một ngọn hải đăng mới gần địa điểm ngọn hải đăng cũ bị sập, nhưng điều này đã không xảy ra sau cái chết của Sultan vào năm 1341.[15]
Ngọn hải đăng bị rạn nứt và hư hại một phần bởi các trận động đất vào năm 796 và 951. Vào năm 956, một trận động đất khiến cấu trúc của ngọn hải đăng bị sụp đổ và tiếp theo đó là những trận động đất vào năm 1303 và 1323. Các trận động đất lan truyền từ ranh giới mảng kiến tạo phổ biến, Mảng châu Phi và Lũng hẹp Biển Đỏ tương ứng với 350 và 520 km từ vị trí của ngọn hải đăng. Tư liệu cho thấy trận động đất đầu tiên năm 956 đã gây ra sự sụp đổ cấu trúc phần trên cùng của ngọn hải đăng. Ngọn hải đăng được tái thiết sau trận động đất năm 956 bao gồm xây thêm một mái vòm theo phong cách Hồi giáo để thay thế tượng đài bị sụp đổ. Trận động đất tàn phá nhất năm 1303 có cường độ ước tính là VIII+ chấn tâm tại đảo Crete (280–350 km from Alexandria).[19] Vào năm 1480, tàn dư của ngọn hải đăng được dùng để xây thành của Qaitbay bởi Qaitbay Sultan của Ai Cập.
Vào thế kỷ 10, al-Mas'udi viết về một huyền thoại sự phá hủy của ngọn hải đăng. Vào thời trị vì của Khalip Abd al-Malik (705-715), một hoạn quan từ Đế quốc Đông La Mã chuyển qua đạo Hồi và lấy được sự tin cậy lẫn chấp nhận của Khalip cho phép tìm kiếm kho báu ẩn dưới chân ngọn hải đăng. Cuộc tìm kiếm khiến nền móng bị phá hủy, và ngọn hải đăng sụp đổ. Sau đó, ông trốn thoát bằng một con tàu.[20]
|transcripturl=
(trợ giúp)
Sau khi ông [Sostratus] xây dựng xong công trình, ông ấy đã viết tên mình lên một khối đá bên trong và che nó bằng vữa thạch cao dưới tên của vị vua trì vị. Ông ấy hiểu rằng trong một thời gian ngắn (so với lịch sử con người) thì những chữ đó sẽ rơi ra cùng với lớp vữa và sẽ để lộ: 'Sostratus của Cnidos, con trai của Dexiphanes, cầu xin các Vị thần cứu tinh phù hộ cho những người đi biển. Vì vậy, ngay cả ông cũng không quan tâm đến khoảnh khắc trước mắt hoặc cuộc đời ngắn ngủi của chính mình: ông hướng tới tương lai và vĩnh viễn, miễn là tháp sẽ mãi đứng vững cùng với kỹ năng của ông. Lịch sử nên được viết trên tinh thần đó với sự trung thực và những kỳ vọng trong tương lai hơn là quan tâm tới sự nịnh hót và khen ngợi của hiện tại."
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Hải đăng Alexandria. |