Tiền Lê Trung Tông 前黎中宗 | |||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Vua Việt Nam | |||||||||||||
Hoàng đế Đại Cồ Việt | |||||||||||||
Tại vị | 18 tháng 12 năm 1005 – 21 tháng 12 năm 1005 | ||||||||||||
Tiền nhiệm | Lê Đại Hành | ||||||||||||
Kế nhiệm | Lê Long Đĩnh | ||||||||||||
Thông tin chung | |||||||||||||
Sinh | 983 Hoa Lư | ||||||||||||
Mất | 21 tháng 12, 1005 Đại Cồ Việt | (21–22 tuổi)||||||||||||
Phối ngẫu | Vương Huệ Chi Hoàng Hậu 王蕙之皇后 | ||||||||||||
| |||||||||||||
Triều đại | Nhà Tiền Lê | ||||||||||||
Thân phụ | Lê Đại Hành | ||||||||||||
Thân mẫu | Chi hậu Diệu nữ |
Tiền Lê Trung Tông (chữ Hán: 前黎中宗 983 – 21 tháng 12 năm 1005), tên thật Lê Long Việt là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tiền Lê. Khi vua cha Lê Đại Hành mất, Thái tử Lê Long Việt vâng theo di chiếu nối ngôi nhưng bị anh em tranh chấp ngôi báu trong 8 tháng mới dẹp yên. Khi chính thức lên ngôi được 3 ngày thì bị em là Lê Long Đĩnh sai người đầu độc cướp ngôi vua.
Lê Trung Tông tên húy là Lê Long Việt (黎龍鉞), sinh năm Quý Mùi 983 tại kinh đô Hoa Lư, con trai thứ ba của Lê Đại Hành, mẹ là Chi hậu Diệu nữ,[1] em trai là Lê Long Đĩnh.
Hoàng đế Lê Đại Hành có hơn 10 hoàng tử, đều phong Vương. Năm Kỷ Sửu (989), Long Việt thụ phong tước Nam Phong vương (南封王), cùng với Kình Thiên đại vương Lê Long Thâu và Đông Thành vương Lê Long Tích.
Năm Giáp Thìn (1001), Nam Phong vương Lê Long Việt được lập làm Thái tử, lại gia phong Long Đĩnh làm Khai Minh đại vương, Long Tích làm Đông Thành đại vương. Trước đó, Long Đĩnh xin làm Thái tử, vua có ý muốn cho. Đình thần nghị bàn cho rằng không lập con trưởng mà lập con thứ là không phải lễ. Vua bèn thôi. Đến đây lập Long Việt làm Hoàng thái tử mà gia phong Long Đĩnh và Long Tích làm Đại vương.
Năm Ất Tỵ (1005), mùa xuân tháng 3, Lê Đại Hành mất, các hoàng tử tranh ngôi, đánh nhau 8 tháng, trong nước không có chủ. Tranh chấp chính xảy ra giữa Thái tử Long Việt và hoàng tử thứ hai Lê Long Tích là người lớn nhất trong số các anh em còn lại. Tháng 10 năm đó, Long Tích thua chạy đến châu Thạch Hà (Hà Tĩnh) thì bị người bản địa giết chết. Long Việt lên ngôi, trong nước vẫn chưa yên ổn hẳn.
Được 3 ngày, Trung Tông bị em cùng mẹ là Lê Long Đĩnh sai người trèo tường lẻn vào cung hãm hại, hưởng dương 22 tuổi. Long Đĩnh lên ngôi, truy đặt thụy cho Long Việt là Trung Tông Hoàng đế, cho Lý Công Uẩn làm Tứ sương quân Phó Chỉ huy sứ.
Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt Sử ký Toàn thư:
Sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên đánh giá về Lê Trung Tông:
Trong sách Đại Việt sử ký tiền biên, nhà sử học Ngô Thì Sĩ thì bàn rằng:
Đại Việt Sử ký Toàn thư[2] đã chép: "Vua lên ngôi được 3 ngày thì bị Long Đĩnh giết. Bầy tôi đều chạy trốn, duy có Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc".
Theo nghiên cứu gần đây thì cái chết này còn nhiều bí ẩn vì tại sao tất cả bầy tôi đều phải chạy trốn. Hành động của bọn thích khách là xông vào giết vua hay trộm trèo tường và ai là người chỉ huy đội đặc nhiệm này trong khi chỉ còn một mình Lý Công Uẩn, khi đó đang làm chỉ huy quân Cấm vệ.[3]
Xét thực tế, Lê Trung Tông chỉ làm vua 3 ngày, nhưng theo phép chép sử xưa thì thời gian ấy phải là 8 tháng, thậm chí tính tròn 1 năm.
Chỉ với 3 ngày ở trên ngôi báu, Lê Trung Tông cùng với vua Dục Đức triều Nguyễn là hai vị vua có thời gian cai trị ngắn nhất. Tuy nhiên theo phàm lệ về việc biên soạn sách Đại Việt sử ký toàn thư thì lệ chép sử các triều vua được tính như sau: “Đế vương các đời ở ngôi lâu hay chóng, vị trước sáng nghiệp năm nào thì lấy năm ấy làm năm bắt đầu ở ngôi, đến năm nào chết, hay nhường ngôi hoặc bị giết mà vị sau nối lên ngôi và đổi niên hiệu thì năm ấy hãy còn là năm cuối cùng của vị vua trước. Hoặc là chết hay nhường ngôi vào mùa xuân, mùa hạ năm ấy, thì năm ấy là năm đầu ở ngôi của vị sau, mà những tháng mùa xuân, mùa hạ ấy là tháng còn lẻ lại của vị trước, nếu chết hay nhường ngôi vào cuối năm, tính lại những năm ở ngôi còn có những tháng chưa hết thì cũng gọi là tháng lẻ… Lê Trung Tông lên ngôi được 3 ngày thì bị giết, nhưng các vương tranh nhau làm vua đến 8 tháng, những tháng ấy ở vào trong năm Trung Tông nối ngôi, cho nên chép Trung Tông là vua, để định tội của Ngọa Triều cướp ngôi giết anh, mà tính kể là Trung Tông nối ngôi được 1 năm”.[4] Do đó nếu xét thực tế thì Lê Trung Tông chỉ làm vua có 3 ngày nhưng theo cách tính thời gian theo phép chép sử thời xưa thì thời gian làm vua của ông được tính là 8 tháng hoặc thậm chí tính tròn là 1 năm.
Theo gia phả "Lê tộc sinh hạ"[5] của nhà Hậu Lê lập năm Thuận Thiên thứ ba (1430), thì sau khi Trung Tông chết, vợ là Phạm Thị Duyên và con trai là Lê Long Diên vẫn còn sống. Họ được các đại thần trung thành đưa đi trốn chạy về khu vực cửa sông Cà Lồ.
Hoàng đệ Định Phiên vương Lê Long Tung đóng ở Tư Doanh (nay là Cổ Loa, Hà Nội) và trấn trị cả vùng Ngũ Huyện Giang (thường gọi là Ngũ Huyện Khê) đã giúp đỡ con cháu của Long Việt.
Lê Trung Tông không được thờ ở đền Vua Lê Đại Hành trong khu di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) nhưng ông được đúc tượng và thờ cùng với Lê Đại Hành và vua em Lê Long Đĩnh tại 3 địa điểm khác là đền Lăng ở quê hương Liêm Cần, đình Yến ở xã Thanh Hà đều thuộc Thanh Liêm (Hà Nam)[6] và Di tích quốc gia đình An Lãng, xã Văn Tự, Thường Tín, Hà Nội.[7]
Năm | Tác phẩm | Diễn viên |
2011 | Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long | Lê Thiện Tùng |