Ninh Bình
|
|||
---|---|---|---|
Tỉnh | |||
Tỉnh Ninh Bình | |||
Biệt danh | Vùng đất Cố đô Hoa Lư Đất Tổ của sân khấu Chèo Truyền nhân của nghề hát Xẩm | ||
Hành chính | |||
Quốc gia | Việt Nam | ||
Vùng | Đồng bằng sông Hồng | ||
Tỉnh lỵ | Thành phố Hoa Lư | ||
Trụ sở UBND | 3 Lê Hồng Phong, phường Vân Giang, thành phố Hoa Lư | ||
Phân chia hành chính | 2 thành phố, 5 huyện | ||
Thành lập | 1831 | ||
Tổ chức lãnh đạo | |||
Chủ tịch UBND | Phạm Quang Ngọc | ||
Hội đồng nhân dân | 50 đại biểu | ||
Chủ tịch HĐND | Mai Văn Tuất | ||
Chủ tịch UBMTTQ | Đỗ Việt Anh | ||
Chánh án TAND | Nguyễn Xuân Sơn | ||
Viện trưởng VKSND | Lê Ngọc Hồng | ||
Bí thư Tỉnh ủy | Đoàn Minh Huấn | ||
Địa lý | |||
Tọa độ: 20°15′03″B 105°58′29″Đ / 20,250924°B 105,974808°Đ | |||
| |||
Diện tích | 1.411,78 km²[1][2] | ||
Dân số (2022) | |||
Tổng cộng | 1.010.700 người[3]:105-106 | ||
Thành thị | 218.400 người (21,6%)[3]:115-116 | ||
Nông thôn | 792.300 người (78,4%)[3]:117-118 | ||
Mật độ | 716 người/km²[3]:105-106 | ||
Dân tộc | Kinh, Mường... | ||
Kinh tế (2022) | |||
GRDP | 85.035 tỉ đồng (3,61 tỉ USD) | ||
GRDP đầu người | 72,04 triệu đồng (3.118 USD) | ||
Khác | |||
Mã địa lý | VN-18 | ||
Mã hành chính | 37[4] | ||
Mã bưu chính | 43xxxx | ||
Mã điện thoại | 229 | ||
Biển số xe | 35 | ||
Website | ninhbinh | ||
Ninh Bình là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng và nằm ở cửa ngõ cực Nam miền Bắc, Việt Nam.[5][6] Quy hoạch xây dựng phát triển kinh tế xếp Ninh Bình vào vùng duyên hải Bắc Bộ. Ninh Bình cũng là 1 trong 8 tỉnh được Chính phủ Việt Nam quy hoạch thành thành phố trực thuộc trung ương.[7]
Năm 2021, Ninh Bình là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 44 về số dân, xếp thứ 21 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 29 về GRDP bình quân đầu người. Với 973.300 người dân[8], GRDP đạt 85.035 tỉ Đồng (tương ứng với 3,61 tỉ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 72,04 triệu đồng (tương ứng với 3.118 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 5,71%.[9]
Vùng đất Ninh Bình xưa là kinh đô của Việt Nam giai đoạn 968–1010 với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý và cũng là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ lịch sử. Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình, lịch sử văn hóa đồng thời sở hữu hai khu vực là di sản thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới, Ninh Bình được xác định là một trung tâm du lịch[10] có tiềm năng phong phú và đa dạng. Ninh Bình là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Hồng có 2 thành phố trực thuộc (Hoa Lư, Tam Điệp).[11]
Ninh Bình nằm ở vị trí ranh giới 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Tỉnh này cũng nằm giữa 3 vùng kinh tế: vùng Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng duyên hải miền Trung. Ninh Bình nằm ở trọng tâm của nửa phía Bắc Việt Nam, khu vực các tỉnh thành từ Huế trở ra, có vị trí địa lý:
Tỉnh lỵ của tỉnh là thành phố Hoa Lư cách thủ đô Hà Nội 93 km về phía Nam. Thành phố Tam Điệp cách Thủ đô Hà Nội 105 km.
Ở vị trí điểm mút của cạnh đáy tam giác châu thổ sông Hồng, Ninh Bình bao gồm cả 3 loại địa hình. Vùng đồi núi và bán sơn địa ở phía Tây Bắc bao gồm các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Tam Điệp. Đỉnh Mây Bạc thuộc rừng Cúc Phương với độ cao 648 m là đỉnh núi cao nhất Ninh Bình.[12] Vùng đồng bằng ven biển ở phía Đông Nam thuộc 2 huyện Kim Sơn và Yên Khánh. Tiếp giáp giữa miền núi và đồng bằng có nhiều hồ nước như tự nhiên như hồ Đồng Chương, hồ Một đến Bốn Yên Quang, hồ Yên Thắng, hồ Mùa Thu, hồ Đá Lải, hồ Đồng Thái, hồ Đập Trời, đầm Vân Long, đầm Cút... Xen giữa 2 vùng lớn là vùng chiêm trũng chuyển tiếp. Rừng ở Ninh Bình có đủ cả rừng sản xuất và rừng đặc dụng các loại. Có 4 khu rừng đặc dụng gồm rừng Cúc Phương, rừng môi trường Vân Long, rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư và rừng phòng hộ ven biển Kim Sơn. Khu rừng đặc dụng Hoa Lư - Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới thuộc quần thể danh thắng Tràng An. Ninh Bình có đường bờ biển dài 18 km và là tỉnh có đường bờ biển ngắn nhất Việt Nam. Bờ biển Ninh Bình hàng năm được phù sa bồi đắp lấn ra trên 100 m. Vùng ven biển và biển Ninh Bình đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hiện 2 đảo thuộc Ninh Bình là đảo Cồn Nổi và Cồn Mờ.
Ninh Bình nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm: mùa hè nóng ẩm, mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10; mùa đông khô lạnh từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau; tháng 4, tháng 10 là mùa xuân và mùa thu, tuy không rõ rệt như các vùng nằm phía trên vành đai cận nhiệt đới. Lượng mưa trung bình hàng năm: 1.700-1.900 mm; nhiệt độ trung bình 23,5 °C; số giờ nắng trong năm: 1.600-1.700 giờ; độ ẩm tương đối trung bình: 80-85%.
Tỉnh Ninh Bình có 7 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 2 thành phố và 5 huyện với 125 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 101 xã, 18 phường và 6 thị trấn.[14]
Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Ninh Bình | |||||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
|
||||||||||||||||||||||||||||||||||
Dân số năm 2019[15] |
Ninh Bình xưa cùng với một phần Thanh Hóa thuộc bộ Quân Ninh, nước Văn Lang. Tới cuối thời Hùng Vương thì bộ Quân Ninh sáp nhập hoàn toàn vào bộ Cửu Chân.
Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất, địa phận bộ Quân Ninh cũ sau khi sáp nhập vào Cửu Chân được chia thành 2 huyện thuộc quận Cửu Chân là Vô Biên và Vô Công. Huyện Vô Biên nay là các huyện Vĩnh Lộc, một phần huyện Cẩm Thủy, huyện Thạch Thành và thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung, trị sở nằm ở khu vực thành nhà Hồ. Huyện Vô Công hay Vô Thiết tương ứng với các huyện Gia Viễn, Nho Quan, Yên Khánh, Hoa Lư nói cách khác là gần như toàn bộ tỉnh Ninh Bình ngày nay (trừ huyện Kim Sơn mới được khai hoang thời Nguyễn). Thời thuộc Hán, Ninh Bình thuộc quận Giao Chỉ, thời thuộc Đông Ngô về sau thuộc Giao Châu, thuộc Lương là châu Trường Yên.
Năm 968, vua Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn 12 sứ quân lên ngôi hoàng đế đóng đô tại Hoa Lư và đổi tên gọi Trường Châu thành Trường An. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) Lý Thái Tổ dời kinh đô về Thăng Long, và Ninh Bình nằm trong phủ Trường An. Nhưng đến cuối đời Lý có lúc gọi là châu Đại Hoàng Giang[16].
Đầu đời Trần đổi là lộ Trường Yên. Đời Trần Thuận Tông, năm Quang Thắng 10 (1397) đổi trấn Trường Yên làm trấn Thiên Quan. Thời thuộc Minh lấy lại tên cũ là châu Trường Yên thuộc phủ Kiến Bình. Đời Lê Thái Tổ lại gọi là trấn. Năm Quang Thuận 10 (1469) đời Lê Thánh Tông định bản đồ toàn quốc, chia trấn Trường Yên làm 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan trực thuộc thừa tuyên Thanh Hóa. Đời Lê Trung hưng gọi là trấn Thanh Hoa ngoại.
Đời Tây Sơn và đầu Nguyễn vẫn gọi là Thanh Hoa ngoại trấn, gồm 2 phủ: phủ Trường Yên (sau đổi là Yên Khánh) gồm 3 huyện: Yên Khang (sau đổi là Yên Khánh), Yên Mô, Gia Viễn, và phủ Thiên Quan (sau đổi là Nho Quan) gồm 3 huyện: Yên Hoá, Phụng Hoá, Lạc Thổ (sau đổi là Lạc Yên).
Năm Gia Long 5 (1806) đổi Thanh Hoa ngoại trấn làm đạo Thanh Bình. Năm Minh Mệnh 3 (1822) đổi làm đạo Ninh Bình. Năm Minh Mệnh 10 (1829) lại đổi làm trấn, lập thêm 1 huyện mới Kim Sơn (cộng 7 huyện).
Năm thứ 12 (1831) đổi làm tỉnh Ninh Bình[17], quan đầu tỉnh là tuần phủ, đặt dưới quyền của tổng đốc Hà Ninh (quản hạt cả vùng Hà Nội đến tận Ninh Bình). Cho đến đời Đồng Khánh không thay đổi. Đầu đời Thành Thái cắt huyện Lạc Yên về tỉnh Hoà Bình mới lập.
Ngày 27 tháng 12 năm 1975, Ninh Bình hợp nhất với các tỉnh Nam Định và Hà Nam thành tỉnh Hà Nam Ninh rồi lại tái lập ngày 12 tháng 8 năm 1991[18]. Khi tách ra, tỉnh Ninh Bình có diện tích 1.386,77 km², dân số 787.877 người, gồm 2 thị xã Ninh Bình (tỉnh lị), Tam Điệp và 5 huyện: Gia Viễn, Hoa Lư, Hoàng Long, Kim Sơn, Tam Điệp.
Ngày 23 tháng 11 năm 1993, huyện Hoàng Long đổi lại tên cũ là huyện Nho Quan.
Ngày 4 tháng 7 năm 1994, huyện Tam Điệp đổi lại tên cũ là huyện Yên Mô và tái lập huyện Yên Khánh từ 10 xã của huyện Tam Điệp cũ và 9 xã của huyện Kim Sơn.[19]
Ngày 7 tháng 2 năm 2007, chuyển thị xã Ninh Bình thành thành phố Ninh Bình.[20]
Ngày 26 tháng 5 năm 2015, chuyển thị xã Tam Điệp thành thành phố Tam Điệp.
Ngày 10 tháng 12 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1318/NQ-UBTVQH15[14] về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 – 2025 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025). Theo đó, thành lập thành phố Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình trên cơ sở thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư.
Tỉnh Ninh Bình có 2 thành phố và 5 huyện như hiện nay.
Về mặt quân sự, Ninh Bình cũng giữ một vị trí then chốt vì đèo Ba Dội nằm trong dãy Tam Điệp là một cửa giao thông hiểm yếu giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, dùng đường bộ từ Thăng Long vào Thanh Hóa hay từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài, đều phải vượt đèo này. Hiện tại, nơi đây là đại bản doanh của Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng, là một trong bốn binh đoàn chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam. Các đơn vị quân đội khác đóng quân trên địa bàn Ninh Bình gồm có: Lữ đoàn 279 (Phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp); Lữ đoàn 241 (Quỳnh Lưu, Nho Quan); Lữ đoàn 202 (Phú Lộc, Nho Quan); Kho J102 (Thạch Bình, Nho Quan); Sư đoàn 350 (Bích Đào, thành phố Hoa Lư); Viện Quân y 5 (Phúc Thành, thành phố Hoa Lư); Đồn Biên phòng Kim Sơn và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Ninh Bình (Kim Đông, Kim Sơn).
Ninh Bình có vị trí quan trọng của vùng cửa ngõ miền Bắc và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Đây là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa khu vực châu thổ sông Hồng với Bắc Trung Bộ, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng rừng núi Tây Bắc. Thế mạnh kinh tế nổi bật của Ninh Bình là các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng và du lịch.
Ninh Bình là địa phương có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn như: Công ty Cổ phần Ô tô Hyundai Thành Công, Tập đoàn The Vissai, Công ty Cổ phần Xi măng Hướng Dương, DN TNXD Xuân Trường, Công ty TNHH ĐTXD và PT Xuân Thành, Công ty Cổ phần Xăng dầu-Dầu khí Ninh Bình, DNTN Nam Phương, Công ty TNHH Hoàng Hà, Tập đoàn ThaiGroup, Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, Tập đoàn Cường Thịnh Thi.
Cơ cấu kinh tế năm 2023 chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, cụ thể: công nghiệp – xây dựng đạt 42,7%; dịch vụ đạt 47,1%; nông, lâm, thủy sản đạt 10,2%. Kinh tế Ninh Bình tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, GRDP đạt 53.389,76 tỷ đồng, tăng 7,27%.[21]
Năm 2021, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 22.094 tỷ đồng. Năm 2022, tổng thu ngân sách ước đạt trên 24.500 tỷ đồng, đảm bảo tự cân đối ngân sách và thực hiện điều tiết ngân sách về Trung ương là 9%. Ninh Bình trở thành tỉnh thứ 14 trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước tự cân đối ngân sách có số thu đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố.[22]
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 đạt hơn 103 nghìn tỷ đồng, giá trị GRDP ngành công nghiệp của Ninh Bình năm 2023 đạt 14.4 nghìn tỷ đồng.[23]
Ninh Bình là một trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô, sản xuất linh kiện điện tử. Dự án nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam số 1 có công suất 80.000 xe/năm; Nhà máy ô tô số 2 của Hyundai Thành Công được khởi công xây dựng vào tháng 9/2020, trên tổng diện tích hơn 50 ha, diện tích nhà xưởng 87.000 m², chiều dài đường thử 1,5 km (1.503 m), có tổng công suất thiết kế đạt 100.000 xe/năm đi vào hoạt động ổn định, đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất, lắp ráp vượt công suất đề ra làm tăng đột biến giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách của Ninh Bình.[24]
Ninh Bình cũng phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng với số lượng nhà máy sản xuất xi măng nhiều[25] trong đó nổi bật là các doanh nghiệp xi măng The Vissai, xi măng Hệ Dưỡng (công suất 3,6 triệu tấn/năm), xi măng Tam Điệp, xi măng Phú Sơn, xi măng Duyên Hà, xi măng Hướng Dương... Sản phẩm chủ lực của địa phương là xi măng, đá, thép, vôi, gạch...
Ninh Bình hiện có 11 khu công nghiệp sau:
Ngoài ra, Ninh Bình còn có 22 cụm công nghiệp với diện tích 880 ha. Các làng nghề thủ công truyền thống địa phương có: thêu Văn Lâm, đá mỹ nghệ Ninh Vân ở Hoa Lư, dệt chiếu và làm hàng cói mỹ nghệ ở Kim Sơn, Yên Khánh..., đan lát mây tre ở Gia Viễn, Nho Quan, làng nghề mộc Phúc Lộc, Ninh Phong (Hoa Lư), làng nghề trồng đào phai Tam Điệp, làng nghề gốm Bồ Bát và Gia Thủy.
Ninh Bình có lợi thế phát triển ngành nông nghiệp đa dạng nhiều thành phần. Các vùng chuyên canh nông nghiệp chính của tỉnh: vùng nông trường Đồng Giao chuyên trồng cây công nghiệp như cây dứa thơm, vùng Kim Sơn trồng cây cói làm chiếu, hàng mỹ nghệ, nuôi tôm sú, hải sản, khu vực làng hoa Ninh Phúc, Ninh Sơn trồng hoa và rau sạch. Lĩnh vực nuôi thủy sản phát triển. Về hạ tầng, tỉnh đã đầu tư, nâng cấp, xây mới nhiều trạm bơm nước, kênh mương. Các tuyến đê quan trọng như: đê biển Bình Minh 2, 3, 4; đê tả, hữu sông Hoàng Long, đê hữu Đáy; đê Đầm Cút, đê Năm Căn, hồ Yên Quang, âu Cầu Hội... được nâng cấp theo hướng kiên cố hoá.
Ninh Bình có vị trí hội tụ giao thông liên vùng rất thuận lợi cho phát triển lưu thông hàng hóa với các địa phương khác trong cả nước. Về dịch vụ hạ tầng du lịch, Ninh Bình có điều kiện phát triển đa dạng các loại hình du lịch: sinh thái - nghỉ dưỡng, văn hóa - lịch sử - tâm linh, du lịch mạo hiểm, thể thao.
toàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại và 33 siêu thị, 111 chợ truyền thống và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, tạp hóa đang hoạt động ổn định. Mạng lưới hạ tầng thương mại được mở rộng là điều kiện thuận lợi để hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển.[26]
Từ năm 2010, ngành Y tế Ninh Bình hiện có 2 bệnh viện quân đội là Bệnh viện Quân y 5 của Quân khu 3 và bệnh viện Quân y 145 của Quân đoàn 1.
7 bệnh viện tuyến tỉnh và 1 Bệnh viện tư nhân đó là:
Về giáo dục và đào tạo tỉnh có Trường Đại học Hoa Lư và 5 trường cao đẳng: Trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình; Trường Cao đẳng nghề LILAMA-1; Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình; Trường Cao đẳng Nghề số 13 và Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Xây dựng Tam Điệp. Nhiều năm liền, kết quả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng của học sinh Ninh Bình luôn thuộc tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu vể điểm bình quân các môn thi: xếp thứ 2/63 năm 2013; xếp thứ 4/63 năm 2014; xếp thứ 4/63 năm 2015; xếp thứ 4/63 năm 2016;[27] xếp thứ 3/63 năm 2017;[28] và xếp thứ 3/63 năm 2018;[29] xếp thứ 2/63 năm 2019 và xếp thứ 3/63 năm 2020.
|
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Nguồn: Dân số tỉnh Ninh Bình năm 2020[30][31] |
Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, dân số toàn tỉnh Ninh Bình đạt 993.920 người. Trong đó, dân số nam là 495.995 người và dân số nữ là 497.925 người.[30]
Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, toàn tỉnh có 5 tôn giáo khác nhau đạt 71.031 người, nhiều nhất là Công giáo có 36.161 người, tiếp theo là Phật giáo có 35.968 người. Còn lại các tôn giáo khác như đạo Tin Lành có năm người, Hồi giáo có ba người và 2 người theo đạo Cao Đài.
Ninh Bình nằm ở vùng giao thoa giữa các khu vực: Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Đặc điểm đó đã tạo ra một nền văn hóa Ninh Bình tương đối năng động, phát triển trên nền tảng văn minh châu thổ sông Hồng. Đây là vùng đất phù sa cổ ven chân núi có con người cư trú từ rất sớm. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trầm tích có xương răng đười ươi và các động vật trên cạn ở núi Ba (Tam Điệp) và một số hang động khác của kỳ đồ đá cũ thuộc nền Văn hóa Tràng An; động Người Xưa (Cúc Phương) và một số hang động ở Tam Điệp, Nho Quan có di chỉ cư trú của con người thời văn hoá Hoà Bình. Sau thời kỳ văn hoá Hoà Bình, vùng đồng bằng ven biển Ninh Bình là nơi định cư của con người thời đại đồ đá mới Việt Nam. Di chỉ Đồng Vườn (Yên Mô) đã được định niên đại muộn hơn di chỉ Gò Trũng. Cư dân cổ di chỉ Đồng Vườn đã phát triển lên cư dân cổ di chỉ Mán Bạc (Yên Thành, Yên Mô) ở giai đoạn văn hoá đồ đồng từ cuối Phùng Nguyên đến đầu Đồng Đậu. Ninh Bình là địa bàn có nhiều di tích khảo cổ học thuộc các thời kỳ văn hóa Tràng An, Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút và Đông Sơn.
Vùng đất Ninh Bình là kinh đô của Việt Nam thế kỷ X, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh - Lê – Lý với các dấu ấn lịch sử: Thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Do ở vào vị trí chiến lược ra Bắc vào Nam, vùng đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc mà dấu tích lịch sử còn để lại trong các đình, chùa, đền, miếu, từng ngọn núi, con sông. Đây còn là vùng đất chiến lược để bảo vệ Thăng Long của triều đại Tây Sơn với phòng tuyến Tam Điệp, là căn cứ để nhà Trần 2 lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông với hành cung Vũ Lâm, đất dựng nghiệp của nhà Hậu Trần với đế đô ở Yên Mô, các căn cứ quân sự khác như thành nhà Mạc, thành nhà Hồ hiện vẫn còn dấu tích ở Yên Mô...
Thế kỷ XVI - XVII, đạo Công giáo được truyền vào Ninh Bình, dần dần hình thành trung tâm Công giáo Phát Diệm, nay là giáo phận Phát Diệm đặt tại Kim Sơn với 60% tổng số giáo dân toàn tỉnh.[32] Bên cạnh văn hoá của cư dân Việt cổ, Ninh Bình còn có "văn hoá mới" của cư dân ven biển. Dấu ấn về biển tiến còn in đậm trên đất Ninh Bình. Những địa danh cửa biển như: Phúc Thành, Đại An, Con Mèo Yên Mô, cửa Càn, cửa biển Thần Phù cùng với các con đê lịch sử như đê Hồng Đức, đê Hồng Lĩnh, đê Đường Quan, đê Hồng Ân, đê Hoành Trực, đê Văn Hải, đê Bình Minh I, II, III, IV... Cho đến nay vùng đất Ninh Bình vẫn tiến ra biển mỗi năm gần 100 m. Ninh Bình là một tỉnh mở rộng không gian văn hoá Việt xuống biển Đông, đón nhận các luồng dân cư, các yếu tố văn hoá từ Bắc vào Nam, từ biển vào. Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng nổi bật như nghề đánh bắt cá biển, nuôi tôm sú, tôm rảo, nuôi cua... Nếp sống của cư dân lấn biển mang tính chất động trong vùng văn hoá môi trường đất mở.
Dãy núi đá vôi ngập nước tạo ra nhiều hang động kỳ thú như: Tam Cốc - Bích Động, động Vân Trình, động Tiên, động Thiên Hà, Tràng An, động Mã Tiên, động Hoa Sơn... Bích Động được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động", Địch Lộng là "Nam thiên đệ tam động". Ở phía nam thành phố Ninh Bình có một quả núi giống hình một người thiếu nữ nằm ngửa nhìn trời gọi là núi Ngọc Mỹ Nhân. Một yếu tố khác vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ làm nên diện mạo đa dạng, phong phú của văn hoá Ninh Bình, đó là sự lưu lại dấu ấn văn hoá của các tao nhân mặc khách khi qua vùng sơn thanh thủy tú này. Các đế vương, công hầu, khanh tướng, danh nhân văn hoá lớn như Trương Hán Siêu, Trần Thái Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Tản Đà, Xuân Quỳnh về đây, xếp gương, đề bút, sông núi hoá thành thi ca. Nhân cách bác học và phẩm cách văn hoá lớn của các danh nhân đó đã thấm đẫm vào tầng văn hoá địa phương, được nhân dân tiếp thụ, sáng tạo, làm giàu thêm sắc thái văn hoá Ninh Bình.
Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa ở Ninh Bình gắn liền với tín ngưỡng của vùng đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần thông qua các đền thờ Vua (đặc biệt là các Vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Thái Tông, Quang Trung và Triệu Quang Phục với số lượng vài chục đền thờ mỗi vị); thờ Thánh (Nguyễn Minh Không và các tổ nghề, đặc biệt là tín ngưỡng thờ mẫu với nhân vật Cô Đôi Thượng Ngàn sinh ra ở Ninh Bình); thờ Thần (phổ biến là các vị thần Thiên Tôn, thần Cao Sơn và thần Quý Minh trong không gian văn hóa Hoa Lư tứ trấn). Ninh Bình là vùng đất phong phú các lễ hội văn hóa đặc sắc như Lễ hội Hoa Lư, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội đền Thái Vi, lễ hội Tràng An... Các lễ hội khác: Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê, lễ hội Yên Cư, hội thôn Tập Minh, lễ hội động Hoa Lư, đền Thánh Nguyễn, đền Dâu, hội vật Yên Vệ, lễ hội đền Nguyễn Công Trứ... các công trình kiến trúc văn hóa như đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền vua Lê Đại Hành, nhà thờ Phát Diệm, chùa Bái Đính, đền Thánh Nguyễn, làng chèo Phúc Trì, Nam Dân, Thượng Kiệm, những trung tâm hát chầu văn, xẩm, ca trù ở đền Dâu, phủ Đồi Ngang... Ninh Bình là đất tổ của nghệ thuật hát Chèo, là quê hương các làn điệu hát xẩm, ca trù và của nhiều làng nghề truyền thống như nghề điêu khắc đá Ninh Vân, nghề mộc Phúc Lộc, nghề thêu ren Văn Lâm, nghề nấu rượu và chiếu cói ở Kim Sơn...
Các đặc sản, ẩm thực tiêu biểu của Ninh Bình như: thịt dê núi Ninh Bình, rượu Kim Sơn, dứa Đồng Giao, cá kho quả gáo, bánh đa nướng Phong An, chè Ba Trại, mắm tép Gia Viễn, bún mọc Kim Sơn, rượu cần Nho Quan, khoai lang Hoàng Long, trám Kỳ Phú, cáy Kim Sơn, bún tươi Yên Thịnh, nếp hạt cau Ninh Bình, thủy sản chợ Kim Đông, nem Yên Mạc, gà ri đồi Nho Quan, gỏi nhệch Kim Sơn, rau cần - rau rút Yên Hòa, mứt khoai mật mía làng Phượng, giò trứng Nộn Khê, miến lươn Ninh Bình, mía Kỳ Phú, nem dê, chạo chân giò Kim Sơn, cá chuối đầm Vân Long, ốc núi, xôi trứng kiến Nho Quan, cá tràu, cơm cháy Ninh Bình, bánh dày bản Mường Kỳ Phú, cá lác ngoách Kim Sơn, mì bún khô Yên Ninh, cá rô Tổng Trường, Cá tràu tiến vua.
Trương Hán Siêu có thể coi là người có công đầu phát hiện và khai thác vẻ đẹp Ninh Bình qua hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước. Ông đặt tên núi là Dục Thúy Sơn và là người đầu tiên lưu bút tích một bài thơ cho các thi sĩ đến thưởng ngoạn, ngắm cảnh làm những bài thơ khắc vào hệ thống đá núi, hang động ở Ninh Bình. Các vua nhà Hậu Lê cũng đặt hành cung ở trên núi Dục Thúy Sơn để đến chơi thăm và vịnh thơ. Hiếm có ngọn núi nào có trên 30 bài thơ văn khắc vào núi như núi Thuý và còn đến hàng trăm bài thơ vịnh cảnh của các nhà thơ qua các triều đại: Trần Anh Tông, Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Ninh Tốn, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Phạm Văn Nghị... Bài thơ "Dục Thúy Sơn khắc thạch" của Trương Hán Siêu nói về vẻ đẹp núi Dục Thúy ở thành phố Hoa Lư được khắc bên sườn núi, hãy còn bút tích. Các thắng cảnh nằm ở cửa ngõ Ninh Bình như Kẽm Trống và Đèo Ba Dội trên Quốc lộ 1; núi Non Nước, núi Ngọc Mỹ Nhân gần quốc lộ 10 đều rất nổi tiếng từ xa xưa trong thơ ca.
Bài thơ "Dục Thuý sơn" của Nguyễn Trãi vừa lột tả vẻ đẹp của thiên nhiên Ninh Bình vừa thể hiện một tâm hồn đẹp và tinh tế về con người và đất nước của Nguyễn Trãi, đó là thái độ trân trọng tha thiết đối với những giá trị văn hóa dân tộc qua tình cảm mà ông dành cho Trương Hán Siêu và vùng đất cố đô:
Lê Quý Đôn đã cho khắc một bài thơ ở phía tây núi Ngọc Mỹ Nhân khi ông đến thăm nơi đây:
Cao Bá Quát cũng có bài thơ Trên đường đi Ninh Bình (Ninh Bình đạo trung) khi chiêm ngưỡng cảnh đẹp non nước hữu tình:
Nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng có cái nhìn rất mới về Ninh Bình:
Nữ sĩ Xuân Hương có 2 bài thơ là Kẽm Trống và Đèo Ba Dội nổi tiếng khi đến và chia tay Ninh Bình. Bài thơ Kẽm Trống mở đầu bằng cái nhìn rất cá tính của bà:
Bài Đèo Ba Dội vừa mô tả cảnh đẹp vừa hàm chứa những ẩn ý:
Từ năm 2005 tỉnh có một đội bóng chuyền hạng mạnh là Tràng An Ninh Bình, hiện là Ninh Bình LP Bank, một đội bóng mạnh trong hệ thống thi đấu bóng chuyền Việt Nam, đoạt danh hiệu vô địch quốc gia các năm 2006, 2010, 2012 và đang là đương kim vô địch năm 2021. Cũng năm 2021, Ninh Bình có thêm Câu lạc bộ bóng chuyền nữ Ninh Bình LP Bank là đội bóng chuyền nữ thi đấu ở Giải vô địch bóng chuyền quốc gia Việt Nam hai năm liền 2021 và 2022 đều xếp hạng 4.
Các môn thể thao thế mạnh khác của Ninh Bình là vật, cầu lông và bóng bàn. Một số vận động viên thể thao Ninh Bình tiêu biểu như Giang Việt Anh, Lê Hồng Phúc, Phạm Minh Đức, Hà Văn Hiếu, Bích Tuyền, Nguyễn Huỳnh Anh Phi,...
Trước năm 2014, Ninh Bình cùng với Hà Nội, Hải Phòng là 3 địa phương ở phía bắc Việt Nam có đội bóng chuyên nghiệp tham gia giải bóng đá vô địch quốc gia. Câu lạc bộ bóng đá Xi măng The Vissai Ninh Bình lấy sân vận động Tràng An làm sân nhà. Sân vận động Ninh Bình là sân vận động cấp 1. Tuy nhiên, từ sau vụ bán độ năm 2014, Câu lạc bộ này đã giải thể. Sân vận động Ninh Bình trở thành sân nhà của Câu lạc bộ bóng đá Công an Nhân dân năm 2022. Từ năm 2023, Tỉnh Ninh Bình có thêm đội bóng chơi ở giải hạng nhất là Câu lạc bộ bóng đá Phù Đổng Ninh Bình.
Quy hoạch du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định Ninh Bình là một trung tâm du lịch (Ninh Bình và phụ cận) với khu du lịch quốc gia là quần thể di sản thế giới Tràng An và 2 trọng điểm du lịch vườn quốc gia Cúc Phương và khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long. Ninh Bình cũng là nơi được đăng cai năm năm Du lịch quốc gia 2021 với chủ đề Hoa Lư - cố đô ngàn năm.
Ninh Bình có tiềm năng du lịch rất lớn, là nơi có tới 4 danh hiệu UNESCO với quần thể di sản thế giới Tràng An, ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu và khu dự trữ sinh quyển thế giới Bãi ngang - Cồn Nổi. Nơi đây sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng như:
Hiện nay, ngoài quần thể di sản thế giới Tràng An, Ninh Bình có các khu di sản đã và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới:
Ngoài ra, Vườn quốc gia Cúc Phương, hệ thống núi rừng Cố đô Hoa Lư, khu sinh thái Tràng An là những khu vực của Việt Nam có thể được UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu.[34][35][36]
Năm 2017, ngành du lịch Ninh Bình đón 7 triệu lượt khách, tăng 9%; doanh thu ước đạt 2.450 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2016.[37]
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ninh Bình cùng với Hà Nội và Quảng Ninh được xác định là các trung tâm du lịch của khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc.
Theo Quy hoạch, đến năm 2030 Ninh Bình sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương, là thành phố du lịch đô thị di sản; khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long sẽ trở thành thị trấn Vân Long với vai trò là một đô thị du lịch ở phía bắc Ninh Bình khu vực Cồn Nổi sẽ trở thành thị trấn Cồn Nổi với vai trò là một đô thị du lịch phía nam Ninh Bình.[38] Ninh Bình được xác định là một trung tâm du lịch của vùng duyên hải Bắc Bộ[39], sẽ trở thành thành phố du lịch trong tương lai.[40]
Ninh Bình là 1
Ninh Bình cũng là địa bàn có 3 dự án đường cao tốc là: đường cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn; Đường cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 và đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng. Bến xe Ninh Bình nằm gần nút giao thông giữa Quốc lộ 1 và quốc lộ 10 ở thành phố Hoa Lư. Mạng lưới giao thông tỉnh lộ khá thuận tiện với những tuyến xe buýt nội tỉnh.
Về giao thông đường sắt Ninh Bình có trục đô thị Tam Điệp – Ninh Bình nằm trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Trên địa bàn tỉnh có các ga Ninh Bình, ga Cầu Yên, ga Ghềnh và ga Đồng Giao.
Về giao thông đường thủy Ninh Bình có hệ thống sông hồ dày đặc: sông Đáy là sông lớn nhất chảy vào giữa ranh giới Ninh Bình với Hà Nam, Nam Định. Hệ thống sông Hoàng Long chảy nội tỉnh cung cấp tưới tiêu cho các huyện phía Bắc. sông Vạc, Sông Càn với nhiều nhánh nhỏ ở các huyện phía Nam. Các sông nội tỉnh khác: sông Vân, sông Bôi, sông Lạng, sông Bến Đang và các hồ lớn như hồ Đồng Thái, hồ Yên Quang, hồ Yên Thắng, hồ Thường Xung đem lại nguồn lợi đáng kể về tưới tiêu, giao thông và khai thác thủy sản.
Ninh Bình có cảng Ninh Phúc là cửa Khẩu quốc tế đường biển. 4 cảng chính do trung ương quản lý là cảng Ninh Bình, cảng Ninh Phúc, cảng ICD Phúc Lộc và cảng Cầu Yên. Cảng K3 (nhà máy nhiệt điện Ninh Bình) cũng đã được nâng cấp là cảng chuyên dụng. Các bến xếp dỡ hàng hoá, khu neo tránh tàu thuyền nằm trên các bờ sông và cửa sông. Cảng sông Ninh Bình có thể đạt công suất 9 triệu tấn/năm, chỉ đứng sau Hà Nội ở miền Bắc. Cảng Ninh Phúc là cảng sông đầu mối quốc gia. Ngoài ra có cảng Ninh Bình, Cảng xăng dầu dầu khí Ninh Bình, cảng Long Sơn, Cảng đạm Ninh Bình, Cảng Vissai, cảng Phúc Lộc, cảng tổng hợp Kim Sơn là những cảng tiếp nhận tàu biển và phương tiện thủy quốc tế[41]... Hệ thống đường thủy gồm 22 tuyến sông trong đó Trung ương quản lý 4 tuyến (sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vạc và kênh nhà Lê) với tổng chiều dài gần 364,3 km.
Hệ thống Cảng biển Ninh Bình đã được xây dựng phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực.
Một số cầu có quy mô lớn như: cầu Ninh Bình, cầu Non Nước, cầu Gián Khẩu, cầu Nam Bình, cầu Trường Yên, cầu Kim Chính, cầu vượt biển ra Cồn Nổi.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Ninh Bình sẽ có 1 đô thị trung tâm loại I là thành phố Ninh Bình mở rộng thành thành phố Hoa Lư, 1 đô thị loại II là Tam Điệp, 2 đô thị loại III là Nho Quan, Phát Diệm và 15 đô thị khác là: Me, Yên Ninh, Yên Thịnh, Gián Khẩu, Rịa, Ngã ba Anh Trỗi, Gia Lâm, Khánh Thành, Khánh Thiện, Vân Long, Bút, Lồng, Bình Minh, Kim Đông, Cồn Nổi. Quy mô với tổng diện tích quy hoạch được xác định là gần 1.390 ha.[38] Quy hoạch cũng xác định thành phố Ninh Bình sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2030 với dân số 1 triệu người.[42]