Lễ hội nghinh Ông - Nha Trang, còn được gọi là Lễ hội Cầu Ngư Nha Trang hoặc Lễ hội Cá Voi Nha Trang, tên gọi thay đổi tùy theo vùng miền, là một lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của ngư dân vùng biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa[1]. Lễ hội là dịp để ngư dân bày tỏ lòng thành kính với cá Ông(cá voi) và để du khách tìm hiểu về văn hóa tín ngưỡng địa phương.
Lễ hội nghinh Ông - Nha Trang có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ cá Ông (cá voi) của người Chăm, trong đó cá voi được gọi là Po Riyak - Thần Sóng biển. Người Chăm tin rằng cá voi là hiện thân của thần linh, có khả năng cứu giúp ngư dân khi gặp nạn. Tín ngưỡng này được du nhập vào Việt Nam từ thời Chăm Pa và tiếp tục phát triển khi người Việt định cư tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Miền Nam Việt Nam.
Theo quan niệm dân gian, cá voi không chỉ là loài cá thông thường mà được coi là cá thần, có suy nghĩ và cảm nhận tâm linh. Ở các vùng biển, tục thờ cá Ông gắn liền với niềm tin vào sự che chở và cứu giúp của loài cá này, giúp ngư dân vượt qua sóng gió, đảm bảo bình an trong mỗi chuyến ra khơi.
Tương truyền, vua Nguyễn Ánh từng được cá voi cứu giúp khi gặp nạn trên biển trong thời gian bôn tẩu. Để tỏ lòng biết ơn, sau khi lên ngôi, ông đã phong cá voi tước hiệu Nam hải tộc ngọc lân thượng đẳng thần. Tín ngưỡng thờ cá Ông tiếp tục được các triều vua Nhà Nguyễn duy trì với nhiều sắc phong, tạo nên một nét văn hóa độc đáo và tôn nghiêm cho cư dân vùng biển.
Lễ hội bao gồm nhiều nghi thức và hoạt động đặc trưng, thể hiện lòng kính trọng và tín ngưỡng đối với cá Ông - vị thần biển linh thiêng trong văn hóa dân gian [2]