Lễ hội nghinh Ông là lễ hội cúng cá Ông của ngư dân các tỉnh miền ven biển Việt Nam từ Quảng Bình trở vào Nam (gồm cả Phú Quốc)[1]. Đây là lễ hội cầu ngư: cầu cho biển lặng gió hòa, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt, an khang. Lễ hội nghinh Ông là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Có nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá "Ông", lễ cúng "Ông", lễ nghinh "Ông", lễ nghinh ông Thủy tướng, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá "Ông" là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên. Ở mỗi địa phương, lễ hội nghinh Ông diễn ra vào một thời điểm khác nhau.
Thông thường lễ hội nghinh Ông có lễ rước và lễ tế truyền thống:
Trước thời điểm lễ hội, đã có hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân được trang trí cờ hoa neo đậu dưới bến sông. Phần hội gồm các nghi thức rước Ông ra biển với hàng trăm ghe tàu lớn nhỏ cùng các lễ cúng trang trọng. Ở tại nhà suốt ngày lễ hội, các ngư dân mời thỉnh lẫn nhau, kể cả khách từ nơi xa đến cùng nhau ăn uống, vui chơi, trò chuyện thân tình, đây là một lễ hội đậm đà và mang bản sắc thuần phong mỹ tục sâu sắc.[1]
Ý nghĩa
1.lễ hội tổng kết một mùa đánh bắt trên biển của ngư dân chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới với những ước vọng một mùa bội thu,cầu nguyện sự bình an khi ra biển và ước mong một cuộc sống hạnh phúc.
2.Còn thể hiện tấm lòng thành kính,biết ơn,tạ ơn thần Nam Hải (cá Ông) và thần biển của ngư dân Huyện Cần giờ-Uống nước nhớ nguồn.
3.là dịp để ngư dân nghỉ ngơi,vui chơi giải trí sau những ngày đi biển gian khổ,bạn bè gần xa có thời gian thăm hỏi,chúc tụng lẫn nhau và qua đó trao đổi kinh nghiệm đi biển,nâng cao hiệu suất,đánh bắt hải sản.