Lục Vũ 陸羽 | |
---|---|
Tên chữ | Hồng Tiệm; Quý Tỳ |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 733 |
Nơi sinh | Thiên Môn |
Quê quán | huyện Cánh Lăng |
Mất | 804 |
Giới tính | nam |
Nghề nghiệp | nhà thơ, nhà văn, recluse |
Quốc tịch | nhà Đường |
Thời kỳ | nhà Đường |
Tác phẩm | Trà kinh |
Lục Vũ | |||||||
Phồn thể | 陸羽 | ||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Giản thể | 陆羽 | ||||||
|
Lục Vũ (733 - 804) là học giả uyên bác đời nhà Đường được biết với những đóng góp nổi bật nghiên cứu về trà đạo. Tiêu biểu như tác phẩm Trà kinh là bộ sách lý luận Trà học chuyên môn đầu tiên trên thế giới. Lục Vũ được người đời sau tôn lên là Trà thánh, đó là một trong Mười vị thánh trong lịch sử Trung Quốc.
Lục Vũ sinh ra tại Cánh Lăng, Phức Châu[1] thời nhà Đường (nay là thành phố Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Ông có tên tự là Hồng Tiệm (季疵),[1], xưng Tang Trữ Ông, còn có tên khác là Cánh Lăng Tử, Đông Cương Tử, Trà Sơn Ngự Sử. Ông còn có tên khác là Tật, hiệu Quý Tì[1]
Ông là người có tính khôi hài, đã từng có thời là diễn viên hề. Ông không thích làm quan, chỉ thích đóng cửa đọc sách. Ông có quan hệ thân thiết với các nhà thơ: Kiểu Nhiên, Mạnh Giao; nhà thư pháp Nhan Chân Khanh, nhà thơ nữ Lý Quý Lan cũng là bạn thân thiết của ông. Ông là người có tài thơ văn, nhưng thơ văn của ông còn lưu truyền lại không nhiều. Cuộc đời ông có nhiều chuyện mang tính truyền kỳ, nên truyền thuyết về ông trong dân gian rất nhiều.
Chùa Long Cái ở đất Cánh Lăng (nay là Thiên Môn, Hồ Bắc). Một ngày trong năm Khai Nguyên thứ 21 đời Đường (733), Đại hòa thượng Thích Công dạy sớm, nghe có tiếng chim nhạn. Ông đi ra cửa chùa nhìn thấy một đàn chim nhạn vỗ cánh bay trên đê, dáng vẻ của chúng không thật bình thường. Ông lại gần xem, thấy một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, đang nằm trên đê, lạnh cóng và đang khóc khản cả tiếng. Đàn chim đang dùng cánh che chở, ủ ấm cho bé. Hòa thượng liền bế em bé về nuôi dưỡng. Vì bé được tìm thấy dưới cánh chim nhạn nên hòa thượng đặt tên là Lục Vũ.
Ban đầu, Hòa thượng gửi Lục Vũ ở nhà một nho sĩ họ Lý, khi lên 6 tuổi ông quay về sống cùng Đại hòa thượng Tích Công. Nhưng Lục Vũ lại không có chí đi theo nhà Phật, mà để tâm nghiên cứu Nho giáo. Giận Lục Vũ không biết nghe lời, Tích Công hòa thượng phạt ông phải làm công việc tiện vụ như lau rửa nền nhà, trộn bùn đắp tường, cõng ngói lợp chùa. v.v... Ông không hề kêu ca, lặng lẽ làm tốt các công việc được giao, ông chú tâm vào Nho học. Do khổ công rèn luyện, Lục Vũ đã học được không ít kiến thức.
Khi mới tìm thấy Lục Vũ, hòa thượng Tích Công gửi Lục Vũ ở nhà Lý Nho (một Nho sĩ). Nhà họ Lý này cũng có một con gái nhỏ trạc tuổi Lục Vũ, tên là Lý Quý Lan. Hai người cùng lớn lên bên nhau thân thiết như anh em ruột thịt. Lý Nho dạy dỗ hai người học kinh thư, viết văn, làm thơ. Khi Lục Vũ 6 tuổi thì Lý Nho phụng mệnh đến Giang Nam làm quan, vì vậy Lục Vũ phải từ biệt gia đình họ lý.
Trong một lần dự Hội thư. Các văn sĩ thích thơ văn đều tập trung đến đó, tình cờ Lục Vũ gặp lại Lý Quý Lan (người bạn thời thơ ấu). Họ cùng uống rượu, ngâm thơ, nói chuyện. Hai người rất tâm đầu ý hợp, tình cảm sâu nặng. Nào ngờ, cuối năm Đường Đại Lịch, triều đình hạ chiếu triệu Quý Lan vào cung để ngâm thơ, ca hát cho Đường Đại Tông nghe. Sau khi Đại Tông chết, Đức Tông lên ngôi. Quý Lan nhiều lần muốn xin quay về, song đều không được phê chuẩn.
Năm 783, xảy ra binh biến Kinh Nguyên. Đức Tông và triều đình bỏ chạy về phía Tây. Những người bị bắt (trong đó có Quý Lan) oán hận Đức Tông. Lý Quý Lan đã viết những dòng thơ tỏ ý bất mãn với Đức Tông, nào ngờ năm sau Đức Tông trở về kinh thành, có người đem chuyện đó cáo giác làm nhà vua nổi giận, hạ lệnh giết Quý Lan. Lục Vũ vô cùng đau đớn, ông thề rằng không bao giờ lấy vợ, ở vậy thờ Quý Lan.
Cũng thời gian đó, hoàng đế nhiều lần mời Lục Vũ vào kinh thành làm quan, nhưng ông không ưa danh lợi, đều một mực từ chối. Từ đó về sau ông càng để tâm vào viết Trà Kinh. Bằng kinh nghiệm đúc kết được của mình, tổng kết một cách có hệ thống việc sản xuất, chế biến, pha trà, uống trà. Ông còn kể rất nhiều chuyện có liên quan đến lịch sử của trà. Đây là bộ sách đầy đủ nhất trong thời cổ đại viết về trà ở Trung Quốc
Tương truyền người Hồi Hột ở phương Bắc có giống ngựa quý. Hàng năm họ đều cử người đến Đường triều đổi ngựa lấy trà. Năm đó, sứ thần Hồi Hột nói với sứ giả nhà Đường rằng: Năm nay chúng tôi mang ngàn con ngựa tốt đến để đổi một cuốn sách, tên là Trà Kinh. Sứ thần nhà Đường đang đêm phải quay về kinh, tấu lên hoàng đế. Hoàng đế nhà Đường triệu tập các học sĩ vào, tìm cuốn sách này, nhưng tìm khắp các kho sách của hoàng cung mà cũng không tìm thấy, Thái sư tâu rằng: Mười mấy năm trước đây, nghe nói có một người tên là Lục Vũ, rất giỏi về trà, có lẽ Trà Kinh là tác phẩm của ông ta. Nay, cho người về vùng Giang Nam, nơi Lục Vũ sống, mới có thể tìm được. Hoàng đế lập tức cho người đến Hồ Châu. Nhưng khi đến đó thì Phương trượng trong chùa nói rằng, nghe nói, cuốn sách đó đã được đưa về quê hương của Trà Thánh ở Cảnh Lăng rồi. Sứ giả triều đình vội về Cảnh Lăng, đến hỏi thăm ở chùa Tây Tháp. Hòa thượng ở chùa Tây Tháp nói: Trà thần đã mang sách về Hồ Châu rồi. Nghe vậy quan viên sứ giả của triều đình đều cảm thấy thất vọng và chán nản. Đang định quay về triều thì bỗng có một thư sinh đến chặn đầu ngựa lại nói rằng: Tôi là người Cảnh Lăng, đến dâng của quý lên triều đình. Nói song dâng lên 3 quyển Trà kinh. Người đó là nhà thơ Bì Nhật Hưu.
Sứ giả về triều, giao sách quý. Từ đó về sau, Trà kinh trở thành cuốn sách quý lưu truyền ở phía tây bắc Trung Quốc, sau truyền đến Trung Á, Tây Á và nhiều nước ở châu Âu.[2]
Trà kinh đã được dịch ra tiếng Việt, bản dịch của Trần Quang Đức, Nhà xuất bản Văn học, 2008.[3]
10 chương của Trà Kinh, Lục Vũ biên soạn đến nay là cuốn chuyên khảo đầu tiên về chè trên thế giới. Cuốn sách chia thành 10 mục:
Cuốn Trà Kinh là cuốn sách Bách khoa toàn thư về chè lâu đời nhất từ đời Nhà Đường và có ảnh hưởng sâu xa, rộng lớn đến các đời sau này. Hiện nay, tại quê hương Lục Vũ, nhân dân đã xây dựng một nhà bảo tàng kỷ niệm Lục Vũ, để ghi nhớ đến người đã có cống hiến lớn cho văn hoá và lịch sử chè Trung Quốc. Ngoài ra còn dựng một tượng đồng Lục Vũ đang ngồi uống một chén chè tại quê hương Thiên Môn của ông.
Ngoài 10 chương của Trà Kinh, Lục Vũ còn tổng kết lần đầu tiên trên thế giới cách uống trà trong cuốn Trà Kinh thành cửu đạo trà, làm cơ sở cho cách uống trà ngày nay, bao gồm 9 chữ: phẩm, ôn, đầu, trúng, mân, phục, chân, kính, ẩm.