Ngô Tôn Tử | |
---|---|
Sinh | 544 TCN Lạc An, nước Tề |
Mất | 470 TCN Nước Ngô |
Nghề nghiệp | Tướng lĩnh và binh lược gia |
Giai đoạn sáng tác | Xuân Thu-Chiến Quốc |
Chủ đề | Chiến thuật - binh pháp |
Tác phẩm nổi bật | Binh pháp Tôn Tử |
Tôn Vũ (545 TCN - 470 TCN) (giản thể: 孙武; phồn thể: 孫武; bính âm: Sūn Wǔ) tên chữ là Trường Khanh, là một danh tướng kiệt xuất của nước Ngô ở cuối thời Xuân Thu, nhờ cuốn binh thư của mình mà được tôn là Tôn Tử, lại bởi hoạt động chủ yếu ở nước Ngô, nên được gọi là Ngô Tôn Tử để phân biệt với Tôn Tẫn (Tề Tôn Tử là người nước Tề ở thời Chiến Quốc). Ông là một trong Mười vị thánh trong lịch sử Trung Quốc.
Một nghiên cứu gần đây cho rằng, tổ tiên Tôn Vũ là Vĩ Ngao (tự Tôn Thúc), người làng Bạch Thổ[1], bên hồ Hải Tử thuộc Dĩnh Đô[2]. Đời Sở Trang Vương, được phong làm lệnh doãn (令尹). Sau khi ông mất, theo lời khuyên của lệnh doãn Ưu Mạnh, vua Sở Trang vương phong 400 hộ của đất Tẩm Khâu[3] , cho người con của Ngao để thờ phụng ông. Vài năm sau đó, trong nước xảy ra nội loạn, các hoàng thân tranh giành quyền lực, cộng thêm sự lớn mạnh của các nước chư hầu phía Đông như Ngô, Việt đã mang quân tấn công vào lãnh thổ Sở, chiếm được nhiều đất đai của Sở. Gia tộc họ Vĩ vì không muốn sống trong loạn binh đao, nên đã tị nạn đến đất Lạc An nước Tề (nay là Huệ Dân, tỉnh Sơn Đông), đổi sang họ Tôn để ghi nhớ quê hương gốc tổ ở Tôn Gia sơn. Tôn Vũ có ông tổ là công tử Trần Hoàn người nước Trần chạy nạn sang Tề năm 672 TCN và được phong chức Công Chính Lệnh. Từ đó Trần Hoàn đổi sang họ Điền và gây dựng lên một dòng tộc hưng thịnh, đời nào cũng có chức Khanh đại phu. Cho đến thời Chiến Quốc đã lên ngôi Tề Vương(404TCN). Gia tộc họ Điền còn có Điền Nhương Thư, thuộc chi khác, lớn tuổi hơn Tôn Vũ và làm đến Đại Tư Mã. Một bi kịch lớn trong gia tộc đã khiến ông phải bỏ Tề sang Ngô khi ông khoảng hơn 30 tuổi.
Tôn Vũ tên chữ là Trường Khanh, sinh năm 545 TCN, tức năm Chu Linh Vương thứ 27, Tề Cảnh Công năm thứ 3 ngày 28 tháng 8, người Lạc An nước Tề.[4] Vì nổi loạn nên gia đình phải chạy đến La Phù Sơn ở ngoại thành Cô Tô là kinh đô của nước Ngô, cầy cấy dệt cửi để sinh sống, ông để tâm nghiên cứu binh pháp. Thời gian này Tôn Vũ với Ngũ Tử Tư (trọng thần nước Ngô) kết thành mối quan hệ bằng hữu gắn bó. Ngũ Tử Tư liền tiến cử Tôn Vũ với Ngô vương. Tôn Vũ dâng 13 chương binh pháp lên Ngô vương là Hạp Lư, được Ngô vương rất tán thưởng, Tôn Vũ dùng ngay các cung nữ để diễn tập binh pháp, chém mỹ nhân để thị uy, khiến Ngô vương rất nể vì, lệnh cho làm thượng tướng quân, rồi phong làm quân sư. Tôn Vũ sau đó cùng với Ngũ Tử Tư trợ giúp Ngô vương cải cách chính sự, tăng cường quốc lực.[5] Tư Mã Thiên viết trong Sử Ký: Hạp Lư biết Tôn Tử có tài dùng binh và cho Tôn Tử làm tướng. Phía tây quân Ngô phá nước Sở mạnh, đi vào đất Sính; phía bắc uy hiếp nước Tề, nước Tấn, nổi tiếng ở chư hầu, Tôn Tử có công ở đấy.[6] Tuy nhiên có mấy vấn đề luôn gây ra sự tranh cãi kịch liệt từ trước đến nay; Tôn Vũ sinh vào năm nào, rốt cuộc Tôn Vũ đã thân chinh chỉ huy bao nhiêu trận đánh. Vừa qua giới nghiên cứu lịch sử cổ đại Trung Quốc khi đã nghiên cứu, đối chiếu, tổng hợp, so sánh từ các sử liệu: Ngô Việt Xuân Thu, Việt sắc thư, Tả truyện, Sử ký... đã đưa ra kết luận: Trong sự nghiệp quân sự của mình, Tôn Vũ trực tiếp chỉ huy năm trận đánh và chính năm trận chiến "để đời" này đã góp phần đưa tên tuổi của ông bất hủ cùng thời gian [7].
Tháng 12 năm 512 TCN, khi đó Ngô vương là Hạp Lư ra lệnh cho Tôn Vũ chỉ huy quân tiêu diệt hai nước nhỏ là nước Chung Ly và nước Từ. Trong lần cầm quân đầu tiên này, Tôn Vũ đã xuất sắc hạ gọn hai nước trên đồng thời thừa thắng chiếm được đất Thư thuộc nước Sở, lập công lớn, được Ngô vương ban thưởng.
Năm 511 TCN, Tôn Vũ lại thống lĩnh ba quân cùng Ngũ Tử Tư, Bá Hi đi chinh phạt nước Sở bởi lý do "Sở vương từ chối không chịu trao thanh bảo kiếm Trạm Lư cho Ngô vương Hạp Lư". Dưới quyền chỉ huy của Tôn Vũ quân Ngô đánh hai trận thắng cả hai, chiếm được hai xứ Lục và Tiềm thuộc đất Sở.
Năm 510 TCN, lúc này giữa nước Ngô và nước Việt lần đầu tiên xảy ra cuộc chiến tranh quy mô lớn mà sử sách còn ghi lại đó là cuộc "Đại chiến Huề – Lý". Trong cuộc chiến này lần đầu tiên Tôn Vũ đưa ra cách dụng binh Quý hồ tinh bất quý hồ đa trong đánh trận, do vậy chỉ với ba vạn quân với phép dụng binh tài tình của mình, Tôn Vũ đã đánh bại 16 vạn quân nước Việt.
Năm 509 TCN xảy ra cuộc Đại chiến Dự Chương giữa nước Ngô và nước Sở. Khi đó vua Sở sai con trai là công tử Tử Thường và công tử Tử Phàm dẫn đại quân tiến đánh nước Ngô, nhằm báo thù nỗi nhục mất đất năm xưa. Một lần nữa Ngô vương Hạp Lư lại giao cho Tôn Vũ cầm quân chống giặc. Lần này Tôn Vũ khôn khéo vòng tránh đội quân chủ lực của công tử Tử Thường; dùng lối đánh vu hồi tập kích doanh trại bắt sống công tử Tử Phàm, quân Sở từ thế mạnh, chuyển sang yếu cầm cự chưa đầy một tháng phải rút chạy về nước.
Hai nước Ngô - Sở một lần nữa xảy ra chiến tranh vào ngày 18 tháng 11 năm 506 TCN sử sách gọi đây là cuộc chiến Bách Cử. Đây là cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử hai nước. Lần này quân Sở huy động 25 vạn quân tiến đánh nước Ngô, khí thế báo thù rất sôi sục. Theo kế của Tôn Vũ và Ngũ Tử Tư, vua Ngô bí mật liên kết với hai nước nhỏ là Đường và Sái làm thành liên minh chống Sở. Khi tác chiến, Tôn Vũ triệt để lợi dụng địa hình thuận lợi của hai nước đồng minh để triển khai chiến thuật "Khống chế chính diện", "Tập kích vu hồi mạn sườn" của mình. Sau năm lần giao chiến với quân Sở, Tôn Vũ đều giành thắng lợi. Cuối cùng 3 vạn quân Ngô đã phá tan 25 vạn quân Sở buộc Sở vương phải tháo chạy.[8][9]
Với năm trận đánh "để đời" này, uy danh và tài thao lược quân sự của Tôn Vũ lừng lẫy khắp thiên hạ. Sau khi về đến nước Ngô Hạp Lư luận công ban thưởng, xem ai là người có công đầu trong việc đánh Sở. Người có công đầu chính là Tôn Vũ. Ngô Vương Hạp Lư muốn trọng thưởng nhưng Tôn Vũ không nhận, vừa không muốn làm quan, cũng không muốn nhận một xu nào.Hạp Lư đưa tặng mấy xe vàng lụa, khi đi đường, Tôn Vũ đều đem ban phát cho những dân nghèo khổ, không giữ lại một xu nào. Ông ung dung trở về núi non, tiếp tục viết bộ binh pháp để đời của mình.