Legio Quarta Scythica (Quân đoàn Scythia thứ tư) là một quân đoàn La Mã được Marcus Antonius thành lập vào khoảng năm 42 TCN, để dành cho chiến dịch chống lại đế quốc Parthia của ông, do đó nó có một tên riêng khác, Parthica. Quân đoàn vẫn còn hoạt động ở Syria trong những năm đầu của thế kỷ thứ 5. Biểu tượng của quân đoàn là cung Ma Kết.[1]
Trong những năm đầu tiên sau khi được thành lập, nơi mà IV Scythica đóng quân thì lại không được biết đến một cách chắc chắn, mặc dù rất có thể nó đã tham gia vào chiến dịch chống lại người Parthia của Antonnius. Tên gọi của nó có thể cho thấy rằng nó đã chiến đấu chống lại người Scythia. Sau trận Actium và sau khi Antonius tự sát, Octavian đã chuyển IIII Scythica đến tỉnh Moesia ở khu vực Danube. Quân đoàn được báo cáo lại là đã tham gia vào các nhiệm vụ dân sự, chẳng hạn như xây dựng và trông nom các tuyến đường. Khi còn trẻ, vị hoàng đế tương lai Vespasianus đã từng phục vụ trong quân đoàn này.
Trong năm 58 CN, vua Vologases I của Parthia đã tiến hành xâm lược Armenia, một vương quốc chư hầu của Roma. Nero sau đó đã ra lệnh cho Gnaeus Domitius Corbulo, viên legate mới của Cappadocia, giải quyết vấn đề này. Corbulo đã đem theo quân đoàn IIII Scythica cùng với III Gallica và VI Ferrata, ông đã đánh bại người Parthia, khôi phục lại ngai vàng Armenia cho Tigranes VI. Trong năm 62, IIII Scythica và XII Fulminata đã nằm dưới sự chỉ huy của viên legate mới là Lucius Caesennius Paetus, họ sau đó đã bị người Parthia đánh bại trong trận Rhandeia và buộc phải đầu hàng. Sau đó, quân đoàn đã phải chịu sự sỉ nhục và nó đã được chuyển đến Zeugma. Thành phố này sẽ là căn cứ của IIII Scythica trong thế kỷ tiếp theo.
Trong năm Tứ hoàng đế (năm 69 CN), quân đoàn cũng như phần còn lại của quân đội phía Đông đã đứng về phía Vespasianus ngay lập tức. Mặc dù đã chứng minh lòng trung thành của mình, IIII Scythica lại không tham gia vào các trận chiến bởi vì nó không được coi là một quân đoàn tinh nhuệ.
IIII Scythica đã tham gia vào tất cả các chiến dịch chống lại đế quốc Parthia trong thế kỉ thứ 2. Từ năm 181 tới năm 183 CN, viên tướng chỉ huy của các quân đoàn phía đông là Septimius Severus, người sau này sẽ trở thành hoàng đế dựa vào sức mạnh từ các quân đoàn của mình.
Quân đoàn biến mất khỏi các ghi chép sau năm 219 CN, khi chỉ huy của họ, Gellius Maximus, nổi dậy chống lại hoàng đế Elagabalus và tự mình xưng là hoàng đế, chỉ để bị đánh bại bởi Elagabalus. Tuy nhiên, theo Notitia Dignitatum, trong những năm đầu của thế kỷ thứ 5, IIII Scythica vẫn còn có mặt tại Syria và nó đóng quân ở Sura.