Loét Buruli | |
---|---|
Loét Buruli ở trên mắt cá chân của một người ở Ghana. | |
Chuyên khoa | bệnh truyền nhiễm |
ICD-10 | A31.1 (ILDS A31.120) |
ICD-9-CM | 031.1 |
DiseasesDB | 8568 |
Patient UK | Loét Buruli |
MeSH | D009165 |
Loét Buruli (cũng còn gọi là Loét Bairnsdale, Loét Searls, hay Loét Daintree[1][2][3]) là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium ulcerans gây ra.[4] Biểu hiện đặc trưng ở giai đoạn đầu của bệnh là một u nhỏ hoặc một vùng bị sưng.[4] U nhỏ có thể chuyển thành loét.[4] Loét có thể rộng ở bên trong hơn so với ở bề mặt da,[5] và sưng ở xung quanh.[5] Khi bệnh nặng hơn có thể ảnh hưởng đến xương.[4] Bệnh loét Buruli thường rảy ra nhất ở tay hoặc chân;[4] ít khi có sốt.[4]
M. ulcerans phóng thích chất độc có tên là mycolactone, làm giảm chức năng hệ miễn dịch và gây nên chết mô.[4] Vi khuẩn cùng họ cũng gây bệnh lao (M. tuberculosis) và bệnh phong (M. leprae).[4] Hiện vẫn chưa rõ bệnh lây lan bằng cách nào.[4] Các nguồn nước có thể gây lan truyền bệnh.[5] Tính đến 2013, vẫn chưa có vắc xin hiệu nghiệm.[4][6]
Nếu bệnh được điều trị sớm, dùng kháng sinh trong tám tuần có hiệu quả trong 80% trường hợp.[4] Thuốc thường dùng để điều trị gồm rifampicin và streptomycin.[4] Đôi khi Clarithromycin hoặc moxifloxacin được dùng thay thế streptomycin.[4] Các phương pháp điều trị khác gồm có cắt bỏ loét.[4][7] Sau khi lành bệnh, nơi loét thường để lại vết sẹo.[6]
Loét Buruli xảy ra phổ biến nhất ở Châu Phi hạ Sahara thôn dã đặc biệt là Bờ Biển Ngà, nhưng cũng xảy ra ở châu Á, Tây Thái Bình Dương và châu Mỹ.[4] Bệnh đã xảy ra ở hơn 32 nước.[5] Có khoảng năm đến sáu ngàn ca bệnh mỗi năm.[4] Ngoài ở người ra, bệnh cũng xảy ra ở một số động vật.[4] Albert Ruskin Cook là người đầu tiên mô tả bệnh loét Buruli vào năm 1897.[5]