Michał Franciszek Goleniewski

Michał Goleniewski
Michał Goleniewski năm 1965
Biệt danhAleksey giả mạo
SinhNieśwież, Hạt Nieśwież, Nowogródek, Ba Lan
MấtThành phố New York, Tiểu bang New York, Hoa Kỳ
Thuộc Ba Lan
 Hoa Kỳ
Quân chủngtình báo, phản gián
Năm tại ngũBa Lan 1945—1961
Hoa Kỳ 1961—1964
Cấp bậcPodpolkovnik Lực lượng Vũ trang Ba Lan
Đơn vị
Chỉ huy
Tham chiếnChiến tranh Lạnh
Tặng thưởngHuân chương Thập tự Hiệp sĩ Ba Lan hồi sinh
Huân chương công trạng hạng Đồng
(bị tước bỏ)
Huân chương sự nghiệp tình báo xuất sắc Hoa Kỳ

Michał Franciszek Goleniewski (16 tháng 8 năm 1922, Nesvizh - 12 tháng 7 năm 1993, New York) là sĩ quan tình báo Cộng hòa Nhân dân Ba Lan (tiếng Ba Lan: Polska Rzeczpospolita Ludowa - PRL) đào tẩu sang Hoa Kỳ, cấp bậc trung tá Quân đội Ba Lan, làm việc trong cơ quan tình báo Bộ Công anAn ninh Bộ Nội vụ Đảng Công nhân Ba Lan (tiếng Ba Lan: Polska Partia Robotnicza - PPR) năm 1945-1961. Năm 1958, ông hợp tác với CIA và cung cấp thông tin về các điệp viên Liên Xô và Đông Âu đang hoạt động tại phương Tây. Tháng 1 năm 1961, ông trốn sang Hoa Kỳ, được tị nạn chính trị và nhập tịch. Tại Ba Lan, ông bị kết án tử hình vì tiết lộ bí mật quốc gia. Trong số những người Ba Lan đào tẩu, đây được coi là trường hợp gây ra thiệt hại nghiêm trọng nhất cho tình báo an ninh PRL. Ông tiếp tục cộng tác với CIA cho đến năm 1964.

Sau đó, Goleniewski được biết đến vì mạo danh người kế thừa ngai vàng hoàng gia Nga Aleksey Nikolayevich của Nga, nhân vật được coi là thoát khỏi bị cộng sản hành quyết. Ông đồng thời công khai đưa ra yêu sách được quyền kế vị nhà Romanov. Năm 1964, Goleniewski tổ chức hôn lễ theo nghi thức Chính thống giáo với một phụ nữ Đức là Irmgard Kampf. Kampf cũng là người trốn khỏi Đông Đức, khi cưới thì đã mang thai con của Goleniewski, rồi hạ sinh con gái Tatyana sau đó. Đại diện người Nga nhập cư tại Hoa Kỳ bày tỏ phẫn nộ vì biết Goleniewski đã có vợ con tại Ba Lan. Xấu mặt về vụ tai tiếng Romanov của Goleniewski, CIA đã sa thải ông.

Sau khi thôi việc, Goleniewski nhiều lần đệ đơn kiện CIA và chính phủ Hoa Kỳ, cáo buộc họ không cho phép ông đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về nguồn gốc mình. Ông luôn khăng khăng mình là Aleksey Nikolayevich cho đến tận khi qua đời năm 1993. Một số quan chức tình báo phương Tây cho rằng việc này là do Goleniewski mắc một chứng rối loạn tâm thần nào đó. Giới tình báo Ba Lan lại coi hành động Goleniewski nằm trong một loạt động thái sắp sẵn nhưng bị vượt tầm kiểm soát.

Nguồn gốc và thuở thiếu thời

[sửa | sửa mã nguồn]

Michał Franciszek Goleniewski sinh ngày 16 tháng 8 năm 1922 tại thành phố Nesvizh, thủ phủ huyện Nesvizh, tỉnh Nowogródek Đệ Nhị Cộng hòa Ba Lan (nay là phủ huyện Niasviž, tỉnh Minsk, Belarus).[1] Cha là Michał (29 tháng 9 năm 1883 - 17 tháng 5 năm 1952) xuất thân từ miền biên viễn Vương quốc Ba Lan, làm nghề kế toán, sau chiến tranh thì điều hành một nhà máy chưng cất rượu;[2] mộ phần nằm ở Wolsztyn (trên bia mộ ghi sai năm sinh là 1893).[3] Mẹ là Janina[4] nhũ danh Turynskaya.[1] Ông nội tên là Antoni còn bà nội là Marcela (nhũ danh Buczynska hoặc Byezinska).[3] Lúc nhỏ, gia đình chuyển đến thị trấn Ciosaniec gần Wolsztyn.[5] Tại đó, Michał học phổ thông (một số nguồn ghi chỉ hết lớp 4 bổ túc)[2] và tốt nghiệp trung học.[6] Khi bị CIA thẩm vấn, Goleniewski cố tình đưa thông tin sai lệch rằng đã học ba năm tại Khoa Luật Đại học Poznań, rồi chuyển đến Warszawa và tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Warszawa năm 1956. Văn thư lưu trữ các trường đại học này đều không có thông tin quá trình Goleniewski theo học,[7] có thể ông nói dối vì muốn được nhập tịch nhanh chóng.[8]

Thời Đức chiếm đóng Ba Lan, Goleniewski làm người đưa tin[6] và kế toán cho văn phòng "Reichsland"[a] của Đức quản lý đất đai tịch thu từ người Ba Lan.[9] Ông thông thạo tiếng Đức, thậm chí có thể nói một số phương ngữ Đức nên được Reichsland tuyển dụng. Những hoạt động thời chiến của Goleniewski không được nghiên cứu chi tiết đầy đủ.[10] Michał khai rằng từng bị Đức bắt giữ và buộc tội tham gia tổ chức ngầm chống phát xít.[5][11] Cuối năm 1944, ông bị ốm nặng và đang nằm viện khi Hồng quân tiến vào Wolsztyn.[6] Cuối thập niên 1940 có một vụ điều tra hình sự nhằm làm sáng tỏ nghi ngờ Michał cộng tác với Đức quốc xã thời làm cho Reichsland nhưng các cáo buộc đã không được xác nhận.[12]

Sĩ quan tình báo Bộ Nội vụ PPR Đại tá Henryk Bosak nói Michał tham gia Hồng quân và được đi học trường của NKVD tại Kuibyshev năm 1944, rồi đặc phái cử về Tổng cục Thông tin Quân đội Ba Lan.[13] Trưởng tình báo Ba Lan 2002-2004 Zbigniew Siemiątkowski cũng nhắc đến chuyện Goleniewski có mối liên hệ với NKVD. Tuy nhiên không tìm thấy tư liệu nào chứng thực các việc này.[14]

Phục vụ trong các cơ quan an ninh

[sửa | sửa mã nguồn]
Goleniewski năm 1951

Năm 1945, sau khi thành lập chính quyền cộng sản, Michał gia nhập Đảng Công nhân Ba Lan (PPR) (từ năm 1948 đổi thành Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan)[7] và về công tác tại Bộ Công an. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, ông tuyên thệ phục vụ và vào làm trong Sở Công an Zielona Góra,[15] đồng thời trở thành đảng viên chính thức.[16] Đại tá Stefan Antosiewicz đã nâng đỡ sự nghiệp Michał theo nhiều cách,[5] khi mới quen Goleniewski thì chỉ là cảnh vệ (tiếng Ba Lan: wartownik), một nhân viên bình thường của sở tại Novy Tomysl.[17]

Tháng 7 năm 1947, Goleniewski mãn khóa trưởng tình báo trưởng Sở Công an huyện Legionowo.[18] Ông lần lượt giữ các chức vụ: Chánh văn phòng (26 tháng 3 năm 1946), Tham mưu (15 tháng 4 năm 1946), Tham mưu trưởng (1 tháng 10 năm 1946), Phó phòng (nhiệm chức từ 1 tháng 10 năm 1946 đến 30 tháng 4 năm 1947, chính thức từ 1 tháng 5 năm 1947 đến 31 tháng 5 năm 1948); Quyền trưởng phòng (từ 1 tháng 5 năm 1947 đến 31 tháng 5 năm 1948).[19][20] Sau đó, ông được chuyển lên Sở Công an tỉnh Poznań, lần lượt giữ chức trưởng phòng đô thị (ngày 1 tháng 6 năm 1948)[21] và trưởng phòng I (phản gián) (15 tháng 12 năm 1948).[4][22] Thông tin cho biết trong thời gian công tác tại Poznań, Goleniewski đã vạch mặt được một số cựu đặc vụ Gestapo đang giữ những vị trí cốt cán.[18] Tuy học vấn chỉ lớp 4 bình dân, Goleniewski vẫn được giao những trọng trách quan trọng.[9]

Từ ngày 1 tháng 6 năm 1950 đến ngày 31 tháng 5 năm 1953, Goleniewski là trưởng phòng I (phản gián) Sở Công an tỉnh Gdańsk.[4][23] Ông tham phá các mạng lưới gián điệp chống cộng của Wincenty Orliński, Kazimierz Praiss và Joachim Schaak.[18] Sau đó, ông về phục vụ Tổng cục 1 Bộ Công an (phản gián) tại Warszawa,[24] giữ chức trưởng Cục 9 (phân tích và thông tin) ngày 1 tháng 6 năm 1953,[18][25] chắc chắn cũng do Antosiewicz hậu thuẫn.[26] Với vị trí này, Goleniewski chịu trách nhiệm đánh giá các tin bình báo nhận được.[9] Goleniewski cũng lãnh đạo đội phản gián Pająki (Nhện) tiêu diệt nhóm OUN(M) (tiếng Ukraina: Організація українських націоналістів (мельниківці) - ОУН(м) - Tổ chức chủ nghĩa dân tộc (Melnyk)) được CIA trực tiếp tài trợ sau chiến tranh. Chiến dịch này nằm trong chuỗi thành công của lực lượng phản gián Ba Lan chơi trò vô tuyến với CIAMI6 khi giả dạng tổ chức chống cộng Tự do và độc lập (tiếng Ba Lan: Wolność i Niepodległość - WiN) gửi các thông tin sai lệch để thuyết phục phương Tây tài trợ thêm. Ngày 27 tháng 12 năm 1951, trên sóng phát thanh, Ba Lan đã vén màn công khai bí mật trò chơi vô tuyến này.[27]

Ngày 15 tháng 3 năm 1955, Goleniewski được bổ nhiệm làm phó Cục 2 Ủy ban An ninh (tiếng Ba Lan: Komitet do spraw Bezpieczeństwa Publicznego - KBP) (phản gián),[28] tiền thân là Cục 1 MOB.[29] Ngày 14 tháng 12, ông được điều động làm phó Tổng cục Thông tin Bộ Quốc phòng.[30][31] Sau những cải cách chính trị năm 1956,[27] Bộ Công an nằm dưới quyền hạn của Bộ Nội vụ (tiếng Ba Lan: Ministerstwo Spraw Wewnętrznych PRL - MSW), Goleniewski được biên chế vào Tổng cục 1 Bộ Nội vụ.[16] Trước khi thuyên chuyển, Đảng ủy Bộ Nội vụ đã xem xét vụ cáo buộc Goleniewski "lạm quyền" với cấp dưới. Một số ủy viên đã coi hành động Goleniewski là tiêu cực và khuyến nghị ông không được tiếp tục trong cơ quan an ninh. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng coi cáo buộc là vô căn cứ và vẫn quyết định chuyển ông sang ngạch tình báo.[12]

Ngày 1 tháng 2 năm 1957,[26] ông được bổ nhiệm làm trưởng Cục 6 (khoa học và kỹ thuật)[32] Tổng cục 1 Bộ Nội vụ với quân hàm Podpolkovnik,[4] quản lý 65 nhân viên dưới quyền.[33] Cấp hàm thăng tiến của Goleniewski theo thời gian là trung sĩ (1945), đại uý (1950), thiếu tá (1951)[5] và trung tá (1955).[34] Khi trao đổi với CIA, Goleniewski đảm bảo rằng đã giải ngũ cùng năm 1955.[35] Ở cương vị lãnh đạo, Goleniewski đích thân tham gia nhiều phi vụ tình báo khác nhau. Thậm chí ông ra nước ngoài dưới vỏ bọc là nhà báo Roman Tarnowski thuộc Cơ quan báo chí Ba Lan. Giấy tờ Roman ghi sinh ngày 10 tháng 10 năm 1920 tại Lviv; trong báo cáo, ông ký tên "Roman" hoặc "Stefan".[36] Việc được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận khoa học và kỹ thuật có thể liên quan đến kinh nghiệm của Goleniewski ở Gdańsk, nơi chuyển hàng và thông tin (cả thông tin mật) thời Chiến tranh lạnh. Cục 6 được trang bị thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ quân sự và Goleniewski có khả năng quản lý và sử dụng các công nghệ hiện đại này.[27] Tuy nhiên, sĩ quan tình báo Szczepan Misiura cho rằng Goleniewski làm công việc Cục 6 bị đình trệ không tiến triển cũng như thực hiện cẩu thả.[37]

Đặc điểm tính cách

[sửa | sửa mã nguồn]

Về một phương diện, Goleniewski được xem là một nhân viên tình báo mẫn cán của Ba Lan, biết cách hoàn thành nhiệm vụ tốt.[16] Ông có kỹ năng tổ chức xuất sắc, mang trong mình tư tưởng cộng sản nên được cơ quan mật vụ Ba Lan và Liên Xô hết sức tin tưởng. Đồng thời ông cũng có trí nhớ phi thường, nhớ chi tiết từng cuộc họp và hầu hết mọi chỉ thị cấp trên.[38] Thông tin cho thấy Goleniewski không uống rượu.[16] Hồ sơ những năm đầu tiên Goleniewski công tác tại Bộ Công an ghi lại như sau:[15]

Trong lá thư tháng 6 năm 1947, bí thư thứ nhất quận ủy Ignacy Wróbel đánh giá cao Goleniewski trong vị trí lãnh đạo, thể hiện "sự vô tư, tận tâm và siêng năng xuất sắc", được trong đảng cũng như bên ngoài tôn trọng. Sĩ quan phản gián Tadeusz Szadkowski cho biết Goleniewski là "cánh tay phải" của phó Tổng cục 1 Bộ Công an Julian Konar và mong muốn được kế nhiệm sau này.[39] Tổng cục trưởng Witold Sienkiewicz thấy Goleniewski thường làm việc vào buổi tối và quan tâm đến hoạt động của Cục 2 và tình báo quân sự quốc nội (tiếng Ba Lan: Wojskowa Służba Wewnętrzna - WSW).[37]

Tuy nhiên, đồng nghiệp lại ghi nhận một số khuyết điểm nghiêm trọng trong tính cách Goleniewski, gọi ông là "loại đặc biệt ích kỷ" và "kiêu ngạo quá đáng". Goleniewski ảo tưởng mình kiệt xuất và tự phụ cho rằng mình có thể hoàn thành một số nhiệm vụ tốt hơn cấp dưới. Shadkowski và Sienkiewicz đánh giá Goleniewski không có bạn bè thực sự, không thân thiết với đồng nghiệp, tinh thần có vẻ không cân bằng và hay phàn nàn bị giám sát liên tục.[37] Sienkiewicz bổ sung thêm rằng Goleniewski hay khoe khoang có mối quan hệ với các lãnh đạo cấp cao.[25] Cựu nhân viên Tổng cục 1 Mieczysław Rysiński thấy Goleniewski tự coi mình gần như "sĩ quan cận vệ hoàng gia", làm mọi người khó chịu vì luôn kiêu ngạo, xấc xược và trịch thượng với nhân viên dưới quyền.[37] Goleniewski cũng đặc trưng có tính bạo lực, thể hiện rõ khi công tác tại Sở Công an và thẩm vấn những người chống cộng bị bắt.[30] Thành viên phong trào Tự do và Độc lập Rościsław Kotwicki khai rằng Goleniewski dùng dùi cui bọc da liên tục đánh người trong cuộc thẩm vấn.[40] Về sau, Goleniewski còn thích cướp công người khác,[16] để làm đẹp thành tích, cho thấy "một người không phải lúc nào cũng được biết đến và đánh giá đúng mức".[38]

Gia đình

[sửa | sửa mã nguồn]

Vợ đầu của Goleniewski là người Nga có tên Anna Malinovskaya nhũ danh Dyachenko sinh năm 1926.[41] Trong chiến tranh Xô–Đức, bà bị bắt lao động cưỡng bức tại Đức. Bà từng cưới một người Ba Lan ở Nowy Tomysl[38] và sinh con gái Halina năm 1944. Sau khi chồng qua đời, Anna tái hôn với Michał. Họ có một con gái Danuta năm 1946 và một con trai Jerzy Goleniewski năm 1950.[41] Về sau Jerzy chơi bass cho ban nhạc Breakout[16] và mất năm 1989.[42] Từ thập niên 1950, Anna bị bệnh tâm thần nghiêm trọng, cấp trên của Goleniewski là Stefan Antosiewicz nhận định có thể do sang chấn khủng khiếp thời chiến.[41] Goleniewski không chịu nổi cuộc sống gia đình.[16] Ông thường báo cáo bệnh tình nghiêm trọng của vợ lên cho cấp trên. Mọi nỗ lực chữa trị đều không có kết quả dẫn đến Anna bị chẩn đoán mắc chứng hoang tưởng phân liệt.[43] Theo lời bác sĩ khuyên, Goleniewski chuyển đến nhà mẹ đẻ,[41] dù nói rằng do bị vợ đuổi ra khỏi nhà. Trở lại tháng 1 năm 1957, Anna quyết định đưa con gái Halina về Liên Xô để lấy lại quốc tịch cũ.[44] Goleniewski nói họ chưa bao giờ chính thức ly hôn.[45]

Trong chuyến công tác tháng 7 năm 1957, Goleniewski gặp Irmgard Margareta Kampf người Đức tại Đông Berlin.[41] Margareta sinh ngày 6 tháng 1 năm 1929 tại Berlin,[42] từng làm thư ký tại trường trung học số 13 Berlin (tiếng Đức: Oberschule No. 13)[46] và chăm sóc cha mẹ đã nghỉ hưu.[41] (Báo Gazeta Wyborcza gọi bà là "Inga Kampf").[47] Goleniewski tự giới thiệu bản thân là nhà báo Ba Lan Roman Jan chuyên cộng tác làm các ấn phẩm của CHDC Đức.[48] Đồng thời, ông nói với Margareta rằng mình từng bị kết tội tham gia kháng chiến và cả gia đình (trừ mẹ) bị Đức quốc xã giết hại.[49] Trong thời gian dài, Goleniewski không báo cáo cấp trên về quan hệ với Irmgard.[48] Nửa đầu năm 1959, Tổng cục phó Đại tá Henryk Sokolak nhận thấy Goleniewski năng đến CHDC Đức hơn bình thường. Tháng 3 năm 1960, Sokolak tiến hành kiểm tra thực địa nhưng không phát hiện ra điều gì khả nghi.[50] Trong khi ấy, Goleniewski lừa dối Irmgard khi có quan hệ với một phụ nữ khác khác tại Warszawa. Tháng 9 năm 1960, Bộ Nội vụ phát hiện Goleniewski gặp gỡ Kampf, thẩm vấn bà rồi cấm Goleniewski tạm thời không được xuất ngoại. Goleniewski bị sốc tinh thần, cấp dưới là trung úy Jan Bisztyga nhận thấy điều này đồng thời nói ông "nghiện" ma túy trong thời gian dài.[51]

Tháng 10 năm 1960, Goleniewski liên hệ với luật sư để cố gắng ly dị và kết hôn với người tình mới. Tháng 11, Goleniewski nộp bản giải trình dài 9 trang lên Tổng cục 1, trong đó ghi quen biết Imgard từ năm 1958 (sự thật là năm 1957), ông bị lay động và cảm kích trước nhiệt huyết tận tâm của bà đối với hệ thống chính quyền CHDC Đức,[52] coi đó là điểm thu hút nhất đối với cá nhân, đồng thời bày tỏ ý định muốn cưới bà.[53] Tuy nhiên, vì việc ly dị phức tạp về mặt pháp lý và Goleniewski lại đang là người nhà nước,[16] kể cả Irmgard là người Đông Đức cùng phe XHCN, Tổng cục 1 không bỏ lệnh cấm Goleniewski xuất ngoại để tiếp tục gặp gỡ người tình.[54] Goleniewski nỗ lực để dỡ bỏ được lệnh cấm này bằng bất cứ giá nào, dù nếu thất bại thì có nguy cơ bị sa thải. Bộ trưởng Nội vụ Władysław Wicha xem xét xử lý vấn đề này của Tổng cục 1. Ngày 22 tháng 12, Goleniewski xin phép Witold Sienkiewicz đi công tác Berlin từ ngày 26 tháng 12 năm 1960 đến ngày 3 tháng 1 năm 1961 để giải thích và nói lời chia tay với Irmgard. Phó bộ trưởng Nội vụ Mieczysław Moczar phụ trách giám sát tình báo đã gặp và phê chuẩn chuyến đi này cho Goleniewski,[55] ngày quay lại được gia thêm đến 8 tháng 1.[56]

Điệp viên hai mang

[sửa | sửa mã nguồn]

CIA tuyển mộ

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 1 tháng 4 năm 1958, trong chuyến công tác Thụy Sĩ từ 24 tháng 3 đến 3 tháng 4, Goleniewski đã gửi một gói hàng cho đại sứ Hoa Kỳ tại Bern Henry J. Taylor, trong đó có hai bức thư, một là viết trực tiếp cho Taylor và hai là gửi Giám đốc FBI Edgar Hoover đề nghị được làm đặc vụ CIA, gửi kèm là một loạt tài liệu thông tin về hoạt động của các cơ quan tình báo Khối Đông Âu ở Châu Âu cũng như cách thức liên hệ lại.[57][58] Thư được ký bằng tên Đức "Heckenschütze" (tiếng Anh: Sniper - lính bắn tỉa) cho thấy người viết là sĩ quan tình báo cấp cao của một nước trong Khối Warszawa (không rõ nước cụ thể nào).[59] Không rõ chính xác nguyên nhân do đâu mà Goleniewski muốn hợp tác với Mỹ.[57] Sau khi Goleniewski qua đời, người vợ đầu Anna và con gái Halina cho biết ông làm vậy vì lý do ý thức hệ.[60] Tác giả Tim Tate cũng khẳng định không giống với những kẻ đào tẩu khác, bản thân Goleniewski không chấp nhận nổi hệ tư tưởng cộng sản.[61] Có ý kiến lại cho rằng Goleniewski quyết định mang người yêu Irmgard trốn sang phương Tây vì hậm hực cấp trên đã không cho phép mình ly hôn cưới vợ mới.[46]

Theo Ted Sheckley, trước đó vài tuần Goleniewski đã tìm cách liên lạc với lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Berlin.[42] Sĩ quan CIA Tennent H. Bagley cho biết lúc đầu người Mỹ nghi rằng đây là âm mưu của Liên Xô nên đã điều tra nghiên cứu rất kỹ gói hàng. Cuối cùng họ xác nhận đó không phải thư giả và thực sự gửi đến từ tình báo Ba Lan.[38] Lời đề nghị hợp tác của Goleniewski đã được chấp nhận, dấu hiệu trả lời là mẩu quảng cáo đăng trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung. Heckenschütze bắt đầu trao đổi thư từ với CIA: Goleniewski gửi thư đến địa chỉ nhất định ở Tây Berlin, về sau thì thông qua "hộp thư chết" tại Warszawa.[62] Các tin từ CIA đều ký "Hoover" khiến Goleniewski tin rằng đang kết nối cá nhân với Hoover và thông tin mình gửi đến được với FBI.[59]

Về sau, khi phân tích nội dung thông tin nhận được, CIA đi đến kết luận rằng "Sniper" thực sự làm việc trong cơ quan tình báo Ba Lan. Hoạt động này được đặt mật danh "BE/Vision", CIA xem xét đánh giá về sau.[63][64] Nhờ tin tức Goleniewski cung cấp, tình báo Hoa Kỳ cuối cùng đã có được thông tin quan trọng không chỉ về các đặc vụ KGB và những nước Khối phía Đông, mà còn về sự tập trung quân Xô Viết tại Châu Âu.[65] CIA gọi Goleniewski là Sniper còn trong tài liệu của MI6 viết là Lavinia.[63][66]

Chỉ điểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 4 năm 1959, Goleniewski cung cấp cho CIA ở châu Âu những thông tin đầu tiên về điệp viên Liên Xô, đó là hai sĩ quan tình báo cao cấp hoạt động ở Anh và chuyển thông tin tuyệt mật cho Liên Xô. Đặc vụ CIA Howard Roman liền thông báo cho người liên lạc tại New York là Walter Bell. Thông tin cho biết "Lambda 1" đã chuyển ít nhất ba tài liệu mật từ kho lưu trữ MI6,[67][68] còn "Lambda 2" từng làm việc trong Đại sứ quán Anh ở Ba Lan và được tuyển mộ năm 1952.[69] Lambda 1 nhanh chóng được xác định là sĩ quan cấp cao MI6, phó giám đốc điều hành kỹ thuật George Blake.[63][70] Tài liệu mật đầu tiên được Blake giao cho Moskva rồi chuyển tiếp tới mật vụ Ba Lan, trong đó có thông tin 26 công dân Ba Lan tiềm năng để MI6 có thể tuyển mộ khai thác; thứ hai là báo cáo kinh tế Ba Lan năm 1959; thứ ba là báo cáo ngắn về tình báo khoa học kỹ thuật của các cơ quan tình báo Anh.[71] Cũng nhờ Blake, Liên Xô nhận được thông tin về Chiến dịch Vàng nhằm đặt một đường hầm ngầm tới Đông Berlin và nỗ lực cắt đứt tuyến liên lạc của quân Liên Xô tại CHDC Đức.[46][72] Ngày 3 tháng 4 năm 1961, Blake đang công tác ở Liban thì bị gọi về Luân Đôn và bị bắt ngày 12 tháng 4 vì tội làm gián điệp cho Liên Xô.[73]

Quá trình điều tra tiếp tục nhận diện Lambda 2 là Harry Houghton (Huiton trong tin của Goleniewski), nhân viên Cục Vũ khí dưới nước Bộ Hải quân trên đảo Portland,[63] được Ba Lan tuyển mộ năm 1951 rồi tiếp tục cung cấp thông tin cho Liên Xô.[74] Điều tra cũng xác định Houghton kết hợp với với người tình là Ethel Gee:[75][76] hai người đã lấy cắp thông tin tuyệt mật của Hải quân Anh để chuyển cho Liên Xô.[77] Nhờ Goleniewski mách nước,[78] ngày 7 tháng 1 năm 1961,[79] Scotland Yard phá và bắt giữ các điệp viên trong Mạng lưới điệp báo Portland.[80][81][82]

Goleniewski báo thông tin quan trọng về những người nhập cư Ba Lan làm trong chính phủ Hoa Kỳ được tình báo Ba Lan tuyển mộ. Một trong số đó là nhân viên Bộ ngoại giao Edward Symans, di cư khỏi Ba Lan năm 1939 và từng làm việc tại nhiều đại sứ quán và lãnh sự quán khác nhau (bao gồm cả ở Berlin, Moskva, Vladivostok và Poznań). Khi ấy, ông cùng thư ký Dorota Cwynar đang công tác tại đại sứ quán Mỹ ở Warszawa. Cả hai bị bắt với tội danh gián điệp, nhưng kết quả thẩm vấn bằng máy phát hiện nói dối của FBI và điều tra của Tiểu ban An ninh Nội địa Thượng viện Hoa Kỳ đã dẫn việc bãi bỏ tất cả cáo buộc dành cho Symans và Cwynar.[83] Cwynar về sau đã chạy vào đại sứ quán Ba Lan xin tị nạn chính trị.[84] Một trường hợp khác cũng thường quy do Goleniewski khi nhân viên khác của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Ba Lan là Irvin Skarbek bị lật tẩy làm gián điệp. Trên thực tế, Skarbek bị lộ vì thư tố giác ẩn danh gửi đến đại sứ quán Mỹ.[85]

Tháng 3 năm 1959, Goleniewski báo cho CIA rằng có hai điệp viên Liên Xô trong hàng ngũ cơ quan tình báo Tây Đức BND (tiếng Đức: Bundesnachrichtendienst). Tin này bắt nguồn từ cuộc họp những người đứng đầu cơ quan phản gián các nước thuộc Hiệp ước Warszawa, người đứng đầu phái đoàn Liên Xô trưởng Tổng cục 2 KGB Oleg Mikhailovich Gribanov báo cáo rằng có 6 sĩ quan BND đã đến thăm trụ sở CIA năm 1956, hai trong số đó là điệp viên Liên Xô.[86] Một số nguồn tư liệu cho rằng từ phó cố vấn cấp cao của KGB tại Bộ Nội vụ Ba Lan Andrei Ivanovich Raina, Goleniewski đã lần ra được danh tính điệp viên Liên Xô trong BND là Heinz Felfe (hay còn gọi là "Hakke").[87] Nhưng không xác định được danh tính điệp viên còn lại. Một số tác giả cho rằng Goleniewski có mặt tại cuộc họp lãnh đạo phản gián. Tuy nhiên, thực tế là từ năm 1957, Goleniewski không hoạt động phản gián chính thức nên thông tin này còn gây tranh cãi.[27]

Goleniewski cũng chỉ điểm các điệp viên Liên Xô khác như: sĩ quan MI6 Kim Philby,[88] nhân viên tổ chức GehlenBND Hans Clemens ("Paul")[89] và Peter Fuhrmann ("Peter"),[90][91] luật sư Erwin Tiebel là bạn của Clemens[92] và mạng lưới đặc vụ KGB ở Karlhorst;[93] quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Israel và Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu IDF Israel Beer ("Đồng chí Kurt"),[94] đại tá không quân Thụy Điển Stig Wennerström ("Đại bàng")[95] và một số nhân vật khác.[75][96] Trong thư ngày 25 tháng 1 năm 1960, Goleniewski cũng đã nhầm Jerzy Bryn là điệp viên Ba Lan. Bryn vống từng phục vụ tình báo quân đội rồi chuyển sang dân sự năm 1957. Năm 1959, Bryn là bí thư thứ nhất đại sứ quán Ba Lan ở Tokyo, cuối cùng chạy sang Hoa Kỳ. Về sau, Bryn cố thuyết phục chính quyền Ba Lan rằng CIA đã bắt cóc và tìm cách thuyết phục mình hợp tác.[97]

Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1961, do Goleniewski phản bội, tổng cộng 12 người bị bắt, 10 ở Mỹ và 2 ở Tây Đức.[98] Phương Tây cũng xác định được 240 đặc vụ tình báo Liên Xô hoặc những cơ quan tình báo thân Liên Xô. Hoa Kỳ mở khoảng 2000 vụ điều tra những người bị tình nghi làm gián điệp cho các cơ quan tình báo Khối phía Đông.[65] Không có bằng chứng nào cho thấy ngoài Goleniewski còn có nguồn nào khả dĩ hơn đã vạch trần số điệp viên nói trên (như trường hợp Beer và Wennerström).[99] Một số tác giả cho rằng Goleniewski cũng giúp vạch mặt trợ lý tùy viên Hải quân Anh tại Moskva là John Vassall.[59] Nhưng thực ra Vassall bị nhân viên KGB Anatoly Mikhailovich Golitsyn[85] ("Martel")[97] chỉ điểm sau khi đào tẩu đến Helsinki tháng 12 năm 1961. Golitsyn cũng xác nhận hầu hết các thông tin mà Goleniewski đã cung cấp cho tình báo phương Tây.[100]

Đánh giá thiệt hại

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ tháng 4 năm 1958 đến tháng 12 năm 1960, Goleniewski gửi tổng cộng 14 bưu kiện chứa thư và thông tin mật cho CIA. Chỉ sau bưu kiện thứ hai hoặc thứ ba, người Mỹ mới gạt bỏ nghi ngờ rằng đây là một âm mưu và tin chắc vào độ xác thực của thông tin nhận được. Tất cả các thư đều viết bằng tiếng Đức: mỗi thư đều có phần chi tiết cụ thể về mật danh và dữ liệu hoạt động tình báo Liên Xô.[62] CIA ghi nhận thu được 5.000 tài liệu của tình báo Ba Lan và khoảng 800 tài liệu tình báo Liên Xô được giấu trong 160 vi phim.[101] Chính Goleniewski cho biết đã gửi tổng cộng 2.000 vi phim thông tin mật,[76][102] dù giấu danh tính và thông tin cá nhân thật những vẫn nhận được phần thưởng hậu hĩnh;[38] 160 tài liệu đánh máy thông tin chung và 5.000 trang thông tin tuyệt mật (hệ thống vệ tinh trinh sát của Liên Xô; thông tin điệp viên PPR và CHDC Đức ở Tây Âu và Hoa Kỳ; thông tin quân sự, kinh tế, chính trị và khoa học, không lưu).[65] Hoa Kỳ cũng được báo về việc nghe lén Đại sứ quán Mỹ ở Warszawa và nhà các nhân viên ngoại giao Mỹ tại Ba Lan.[85][103]

Goleniewski làm tê liệt hoàn toàn công việc của Cục 4 (đảm nhiệm tình báo ở Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan và Vatican) Tổng cục 1 Bộ Nội vụ PPR, vì Ba Lan không xác định nổi kẻ phản bội sau những thông tin bị Goleniewski bán cho CIA. Theo CIA, tất cả điệp viên Ba Lan đều được lệnh dừng mọi nhiệm vụ ngay lập tứ. Về sau mới biết Goleniewski đã bán đứng 31 sĩ quan tình báo PPR, một số sau đó cũng được CIA tuyển mộ, đồng thời ông cũng gửi thông tin 26 quan chức Ba Lan tiềm năng để Anh khai thác tuyển mộ.[63] Ước tính số lượng về nguồn tin Goleniewski lấy được khác nhau: Tổng cục I Bộ Nội vụ (tình báo nước ngoài) cho rằng ông nắm được 90% sĩ quan tình báo làm việc ở Ba Lan và nước ngoài, đa số ông biết hết những người này chỉ trừ một số đặc vụ trẻ. Cục 2 Bộ Nội vụ (phản gián) cho rằng Goleniewsk biết khoảng 70 người, một nửa trong số đó công tác tại nước ngoài. Theo ước tính sau này, Goleniewski có thể biết ít nhất 92 đặc vụ và 131 nhân viên các đơn vị khác, cũng như khoảng 40 hoạt động mà họ tham gia. Hiện chưa xác định được số lượng chính xác nhưng Goleniewski được cho là có thể biết hết tất cả vụ mình tham gia và những đặc vụ đã liên hệ.[16][104] Theo đại tá Witold Sienkiewicz, việc Goleniewski phản bội gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn nhiều cho tình báo Ba Lan so với trường hợp cựu cục phó Cục 10 Bộ Công an trung tá Jozef Sviatlo đào tẩu sang Tây Berlin sau cái chết của Stalin năm 1953.[105]

Khoảng 80% thông tin dựa trên các báo cáo của Goleniewski về Liên Xô và Ba Lan đã được tiến hành phân loại.[65] Theo Goleniewski, Cục 6 nhận được nhiều tài liệu kỹ thuật cơ khí, luyện kim, điện tử, hóa học, vũ khí và năng lượng hạt nhân trong những năm 1957-1960. Ông cũng cung cấp cả danh sách thanh tra Cục 6 tham gia nghiên cứu tài liệu nhận được.[106] Thông tin bao gồm cả hợp tác tình báo giữa Bộ Nội vụ với nhiều bộ và cơ quan Ba Lan khác.[60] Trước khi đào tẩu, Goleniewski giấu các bản sao tài liệu dưới một cái cây tại Warszawa và báo lại cho CIA.[107] Tòa án quân sự Quân khu Warszawa cũng đưa ra cáo trạng Goleniewski biển thủ số tiền lớn trong quá trình công tác. Năm 1958-1960, ông lấy 550 đô la Mỹ và 200 bảng Anh bằng cách dùng biên lai giả để chuyển cho đặc vụ Tadeusz Saks.[108] Từ ngày 27 tháng 12 năm 1960 đến ngày 4 tháng 1 năm 1961, ông chiếm đoạt khoản thưởng 16.300 mark Tây Đức, 300 đô la Mỹ và 600 mark Đông Đức[4] (11.300 mark Tây Đức bằng tiền mặt của Bộ Nội vụ PPR trước khi rời Berlin).[109] Ông đã chuyển tất cả số tiền này vào tài khoản của Irmgard, Stasi lại không nhận ra điều đáng ngờ này khi thực tế Irmgard chỉ kiếm được 300 mark một tháng, không thể có số tiền lớn như vậy cũng như đủ khả năng chi trả các đồ xa xỉ trang sức đắt tiền khác[38] mà Goleniewski đã tặng.[110]

Đào tẩu

[sửa | sửa mã nguồn]

Irmgard nói hai người sẽ không được hạnh phúc dưới chế độ cộng sản và quyết định trốn sang phương Tây ngay khi có cơ hội.[38] Tháng 12 năm 1960, Goleniewski gọi điện cho đại sứ quán Mỹ ở Tây Berlin, xác nhận mình là "Sniper", tiết lộ tên thật và đề nghị gặp mặt.[111] Tối 25 tháng 12, ông đi xe lửa đến Berlin với hộ chiếu Ba Lan mang tên Roman Kowalski.[112] Trước khi rời đi, ông lấy 11 nghìn mark Tây Đức từ quầy thu ngân Tổng cục 1 và chuyển một phần cho cấp dưới là Jan Bishtyga với chỉ thị mang đến Berlin (giao cho một sĩ quan tình báo khác là Jerzy Kędzierski).[56] Ngay sau đó, Goleniewski dưới cái tên Kowalski và Kampf xuất hiện tại đại sứ quán Mỹ yêu cầu được sang phương Tây tị nạn chính trị.[76][113] Goleniewski ngạc nhiên lẫn bực bội trước sự tiếp đón lạnh nhạt. Tuy hiểu rõ sự khác biệt giữa CIA và FBI, ông vẫn hy vọng rằng với chữ ký Hoover thì mình đang được trao đổi trực tiếp với ban lãnh đạo FBI vì CIA có thể đã bị tình báo Liên Xô cài người vào.[114] Thực sự về sau mới biết có nhiều lý do nghiêm trọng khiến Goleniewski muốn tị nạn. Ngay trước khi bại lộ, George Blake đã cảnh báo KGB rằng CIA đã cài được gián điệp vào Cục tình báo nước ngoài Ba Lan, không ai khác mà chính là Goleniewski.[115] Tháng 7 năm 1960, KGB đã chuyển nội dung tương tự như vậy cho Ba Lan.[87]

Ngày 27 tháng 12, Goleniewski gặp Bishtyga và Kędzierski tại Berlin, nhận lại một khoản tiền, rồi thỏa thuận lần gặp kế tiếp và thực thi hoạt động theo kế hoạch. Gần một tháng trước đó, vào ngày 1 tháng 12, tại Đông Berlin, Goleniewski gặp đại tá tình báo Ba Lan Władysław Michalski thường trú hoạt động tại đó, yêu cầu số tiền khoảng 13.000 mark Tây Đức và 1.100 bảng Anh vào ngày 4 hoặc 5 tháng 1. Vì số tiền gấp khoảng ba lần chi phí thông thường nên cần tổng bộ chấp thuận. Hồi 21:00 tối 3 tháng 1 năm 1961, Goleniewski đến trụ sở nhận 5.000 mark; khoảng 22:20, đến nhà Kampf cách biên giới Đông-Tây 150 mét.[116][b] Lúc 23:00, hai người ra khỏi nhà chỉ mang theo túi xách.[116] Hồi 17:30 ngày 4 tháng 1, Goleniewski dùng điện thoại công cộng gọi Lãnh sự quán Hoa Kỳ và nói mật khẩu để bắt kết nối đến CIA.[118] Nửa giờ sau, họ bắt taxi đến lãnh sự quán gặp CIA do David Murphy chỉ huy.[113] Hai bên gặp nhau lúc 18:00 hoặc 18:06.[119]

Goleniewski dùng tên thật và giải thích hoàn cảnh dẫn đến việc gặp mặt. Cặp đôi sau đó đi Frankfurt am Main[116] và ngày 5 tháng 1 đến căn cứ Không quân Hoa Kỳ tại Wiesbaden, có điệp viên CIA Homer E. Roman[65][120] hay Howard Roman đang đợi sẵn. Đêm 11 rạng sáng 12 tháng 1, Roman cùng hai người bay trên phi cơ quân sự, hạ cánh xuống căn cứ không quân Andrews, Hoa Kỳ.[112] Ngày 16 tháng 1, CIA đưa họ đến Ashford Farm (Maryland) và bắt đầu loạt thẩm vấn Goleniewski kéo dài vài tháng,[113] tình báo Anh cũng tham gia.[121] Goleniewski không nói gì về yếu tố hôn nhân gia đình trong các lý do đào tẩu.[87] Vài ngày sau khi đến Mỹ, Irmgard và Goleniewski làm đám cưới dân sự.[122] Ngày 16 tháng 9 năm 1961, Goleniewski ký thỏa thuận với CIA, theo đó ông được Hoa Kỳ chu cấp tài chính, đảm bảo an toàn và hỗ trợ y tế trong một năm. Ngày 5 tháng 3 năm 1962, hai vợ chồng được CIA hỗ trợ đưa đến New York. Ngày 16 tháng 6 năm 1962, thỏa thuận giữa Goleniewski và CIA được gia hạn thêm một năm.[123] Ngày 7 tháng 1 năm 1963, Goleniewski chính thức được tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ.[120] Ngày 10 tháng 7 năm 1963, Thượng viện Hoa Kỳ ra quyết định số HR5507 cho phép Goleniewski nhập tịch với công lao to lớn hỗ trợ Hoa Kỳ đấu tranh chính trị và quân sự chống lại Liên Xô.[124] Cùng năm đó, lo ngại tình báo Ba Lan trừ khử vì tội phản bội, Goleniewski thuyết phục CIA cấp súng cá nhân.[125]

Phản ứng của Ba Lan

[sửa | sửa mã nguồn]

Điều tra và xét xử

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 6 tháng 1 năm 1961, tình báo Ba Lan phát hiện Goleniewski biến mất. Các sĩ quan Stasi theo dõi ông trong thời gian dài liền lục soát căn hộ của Kampf, phát hiện bà đã mang theo toàn bộ những đồ giá trị nhưng túi đồ cá nhân của Goleniewski vẫn để lại. Bên cạnh giả thuyết đào tẩu, họ cũng nghi ngờ Goleniewski bị bắt cóc. Ngày 12 tháng 1, đại tá Sokolak lệnh cho trung tá Czesław Gwóźdź, thiếu tá Wiaczesław Maczuła và trung úy Jan Bishtyga lục soát văn phòng của Goleniewski. Họ tìm thấy trong két sắt danh sách tất cả các vụ việc do Cục 6 phụ trách cùng tên điều tra viên. Thông tin cho thấy vào cuối tháng 11 năm 1960, Goleniewski nói do lệnh cấp trên yêu cầu mình phần tích tất cả các vụ việc, nên yêu cầu Gwóźdź biên soạn. Tài liệu gồm 2 bản, mỗi bản 22 trang đánh máy,[126] liệt kê 191 vụ việc có mật danh, 45 đặc vụ, 20 điệp viên ngầm, 87 công chức và 39 thanh tra. Gwóźdź không chỉ đưa danh tính mà còn liệt kê những vụ việc người đó tham gia. Bằng chứng này cho thấy khả năng lớn Goleniewski đã phản bội khi chụp lại tài liệu này. Điều tra sâu thêm phát hiện Goleniewski đã mượn máy ảnh Minox và sáu cuộn phim từ Bishtyga, rồi yêu cầu Kędzierski đưa thêm một cuộn phim khác. Ngay trước Giáng sinh, ông trả lại máy ảnh cho Bishtyga và yêu cầu thêm bốn cuộn phim nữa, nói là dùng để đào tạo một nhân viên khác.[127][128]

Ngày 13 tháng 1, tất cả đặc vụ Ba Lan ở Berlin nhận được thông báo về việc Goleniewski biến mất. Ngày 14 tháng 1, dù không có bằng chứng thuyết phục, Witold Sienkiewicz vẫn thông báo cho văn phòng công tố nội bộ rằng Goleniewski đào ngũ.[129] Hai ngày sau, văn phòng công tố chính thức buộc tội Goleniewski đào ngũ. Ngày 19 tháng 1, Bộ An ninh CHDC Đức tham gia điều tra, người đứng đầu là Erich Mielke chuyển cho Ba Lan kết quả điều tra sơ bộ về "Roman Kowalski" và Irmgard Kampf, chi tiết về vụ mất tích. Ngày 23 tháng 1, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan ra mệnh lệnh số 214 cách chức Goleniewski.[4] Ngày 24 tháng 1, văn phòng công tố hoàn thành cơ sở vững chắc kết tội Goleniewski phản quốc, khi mà Tổng cục 1 bắt đầu nhận được thông tin hàng loạt điệp viên Khối phía đông bị bại lộ. Họ xem xét cả khả năng liệu Kampf có phải điệp viên CIA hoặc MI6 không, nhưng tình báo CHDC Đức không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào. Ngày 27 tháng 1, Hội đồng an ninh Bộ Nội vụ thảo luận về trường hợp nhân viên đào tẩu.[105]

Ngày 7 tháng 4, văn phòng công tố nội bộ Warszawa lập cáo trạng cho Michał Goleniewski. Phiên tòa diễn ra tương đối nhanh chóng, tiến hành thẩm vấn một số nhân chứng, hầu hết là nhân viên Tổng cục 1. Mieczysław Moczar là người đã cho phép Goleniewski xuất ngoại lại không nằm trong số bị thẩm vấn. Ngày 18 tháng 4 năm 1961, tòa án quân sự Warszawa (tiếng Ba Lan: Warszawski Okręg Wojskowy) tuyên án tử hình trung tá Michał Goleniewski, tước bỏ mọi quyền, khen thưởng và mọi phẩm hàm, tài sản bị tịch thu. Ngày 24 tháng 5, Tòa án quân sự tối cao Warszawa bác kháng nghị[9] và Goleniewski chính thức bị sa thải.[46] Tháng 5 năm 1961, KGB biết về sự phản bội của Goleniewski cũng như vai trò của ông khiến Houghton bị bắt sau khi nhận báo cáo của Tổng cục 1 Bộ Nội vụ Ba Lan gửi đến.[130] Ngày 30 tháng 10 năm 1962, với án tử hình, Goleniewski cuối cùng bị gạch tên khỏi danh sách nhân viên An ninh Ba Lan.[4]

Khắc phục hậu quả

[sửa | sửa mã nguồn]

Bản án tử hình vắng mặt dành cho kẻ phản bội Goleniewski cũng không thể bù đắp cho thiệt hại mà tình báo Ba Lan phải gánh chịu.[38] Ngày 6 tháng 4, Witold Sienkiewicz bị miễn nhiệm trưởng Tổng cục 1 chuyển sang làm nhân sự và đại tá Henryk Sokolak thế chỗ. Nguyên trưởng Cục 3 trung tá Tadeusz Szadkowski sang làm trưởng Cục 6 đã tiến hành đánh giá hiện trạng vụ Goleniewski đào tẩu, mức độ thiệt hại và khôi phục lại hoạt động bình thường.[131] Kết quả cho thấy danh sách thông tin mà Goleniewski chuyển cho phương Tây là vô cùng lớn. Trong đó có cơ cấu và nhân sự Bộ Công an, Ban cán sự, Bộ Nội vụ; cơ cấu tổ chức công tác của Cục 2 Bộ Nội vụ; thông tin về hoạt động của Tổng cục Thông tin cho đến năm 1957; dữ liệu cá nhân của nhân viên Cục 6 Tổng cục 1 Bộ Nội vụ (45 đặc vụ nằm vùng phương Tây); cơ cấu, phương pháp làm việc, dữ liệu nhân sự[132] Tổng cục 1.[105] Về sau bổ sung cả thông tin kinh kế, sản xuất công nghiệp. Kết luận thiệt hại chính trị do trung tá Goleniewski trốn sang phương Tây gây ra là không thể đo đếm được.[133]

Chỉ huy của Goleniewski là đại tá Witold Sienkiewicz tuyên bố vụ đào tẩu gây thiệt hại nghiêm trọng cho tình báo Ba Lan, làm tê liệt toàn bộ tình báo khoa học và kỹ thuật, đe dọa toàn bộ điệp viên ở nước ngoài và xói mòn niềm tin lớn.[105] Tháng 1 năm 1962, trong thư gửi Mieczysław Moczar, Sokolak báo cáo rằng vụ đào tẩu của Goleniewski và một sĩ quan tình báo Ba Lan khác đại úy Władysław Mróz đã làm tê liệt hoạt động tình báo nước ngoài, Tổng cục 1 không còn đưa ra được hoạt động tích cực nào cho đến tận tháng 8 năm 1961. Sau khi phân tích đánh giá, bộ phận không chỉ tìm cách khôi phục mạng lưới điệp viên mà còn phải tái cấu trúc hoàn toàn. 73 nhân viên bị thải loại, 30 người bị điều động sang vị trí khác; đến giữa tháng 5 năm 1961 thay đổi đến 12 cục trưởng. Theo Sokolak, vụ phản bội của Goleniewski cùng với cuộc khủng hoảng Berlin đã giáng một đòn mạnh vào tình báo Ba Lan năm 1961.[134]

Ba Lan bắt đầu tìm hiểu lý do thực sự tại sao Goleniewski phản bội và đào tẩu, vụ mật danh Teletechnik được giao cho Cục 3 nhưng chỉ giới hạn trong việc giám sát mẹ đối tượng. Trong những năm tiếp theo, dù được CHDC Đức giúp đỡ, tình báo Ba Lan cũng không tìm ra được nguyên nhân thực sự, còn KGB thì từ chối hỗ trợ tìm kiếm kẻ đào tẩu.[135] Các đặc vụ bắt đầu theo dõi người vợ đầu Anna và con trai Jerzy,[46] Jerzy gặp trục trặc khi xin hộ chiếu và được cho là đang tìm cách bắt liên lạc với cha. Ba Lan cũng chuẩn bị một nhóm đặc vụ lên kế hoạch sang phương Tây săn lùng và trừ khử Goleniewski nếu cần, nhưng không đạt kết quả nào.[16]

Tiếp tục với CIA

[sửa | sửa mã nguồn]

Khi ở Hoa Kỳ, Goleniewski đưa ra một số tuyên bố cực kỳ khó tin khiến nhiều người nghi ngờ liệu ông có phải sĩ quan tình báo không. Tháng 2 năm 1966, Goleniewski nói trong số điệp viên Liên Xô có thủ lĩnh Gestapo được cho là còn sống Heinrich Muller (có lẽ đã chết vào ngày 1 hoặc 2 tháng 5 năm 1945) và Reichsleiter Martin Bormann (tự sát ngày 2 tháng 5 năm 1945, hài cốt được tìm thấy năm 1972), cũng như người đứng đầu Gestapo ở Danzig là Jakob Löllgen.[136] Tiếp theo, ông gộp cả người đứng đầu SS Gottlob Berger vào đó, cho rằng tất cả lãnh đạo Đức Quốc xã trên đều là thành viên một tổ chức bí mật do Hitler thành lập năm 1944, tổ chức này cam chịu thất bại trong Thế chiến thứ hai và quyết định tham gia cùng Liên Xô trong cuộc chiến chống lại phương Tây.[137] Ngoài ra, Goleniewski còn nói KGB tuyển mộ được Ngoại trưởng Hoa Kỳ tương lai Henry Kissinger[138] (năm 1963, ông đề cập rằng Kissinger làm việc cho KGB dưới mật danh "Bor"[76] hoặc "Đại tá Boer"[139] và lặp lại tuyên bố này vào năm 1972[83]), giám đốc MI5 1956-1965 Roger Hollis,[97] giám đốc MI5 về sau (1972-1979) Michael Hanley[76] ("Harriet")[140] và thậm chí cả nhà lãnh đạo tinh thần Iran Ruhollah Khomeini.[141] Về sau, nguồn tin của Pháp và Trung Quốc cho biết tình báo Liên Xô có ý định tuyển mộ Kissinger năm 1945 để ngăn cản Trung Hoa Dân Quốc nối lại quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng cuối cùng đã thất bại.[83] Tháng 8 năm 1976, sau khi đã nghỉ việc, Goleniewski tuyên bố rằng Reinhard Heydrich đã giả chết năm 1942 và chuyển đến Hoa Kỳ dưới vỏ bọc nhà báo Guy Richards của Tạp chí New York.[142]

Những tuyên bố của Goleniewski về "điệp viên KGB" thậm chí nằm vùng ngay tại Langley được đưa lên phương tiện truyền thông không chỉ một lần, nhưng nhiều người cho là "hoàn toàn vô nghĩa".[16] Nhân viên MI5 Peter Wright viết rằng Goleniewski khi ấy là "điên rồ",[143] còn Kissinger trong một phỏng vấn năm 1989 gọi Goleniewski là "thằng điên".[144] Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng Goleniewski bắt đầu mắc chứng tâm thần phân liệt.[145] Trùm phản gián CIA James Angletongiám đốc CIA về sau Richard Helms coi Goleniewski tung tin sai lệch là do KGB dự liệu.[146] Theo đó, KGB tuyển mộ và hy sinh những con tốt gián điệp để bảo vệ những thứ khác thực sự có giá trị hơn.[143] Tác giả Chapman Pincher trích dẫn ý kiến từ MI5 cho rằng KGB gây áp lực năm 1963 khiến Goleniewski tung tin thất thiệt dù trước đó từng cung cấp tin tức chân thực chính xác.[147] Đại tá Witold Sienkiewicz của Ba Lan nói thông tin Goleniewski cung cấp khiến các điệp viên không quan trọng lắm bị lộ thì chính xác hơn rất nhiều so với các tin còn lại,[148][149] Đại tá biên phòng Henryk Piecuch cũng có những phát ngôn tương tự, cho biết Władysław Gomułka nhất quyết yêu cầu trừ khử Goleniewski, nhưng cáo buộc KGB can thiệp để không thi mà không có căn cứ.[147]

Về sau, Goleniewski lập luận rằng tất cả các tổ chức chống cộng theo chủ nghĩa dân tộc Ba Lan ra đời trong khoảng năm 1948-1952 và được CIA tài trợ khoảng 1,18 triệu đô la, trên thực tế lại là tấm bình phong do Liên Xô và Ba Lan tạo ra để cài điệp viên thâm nhập phương Tây, hoặc thành viên chống cộng khi bị bắt cũng bị ép buộc phải cộng tác với tình báo Ba Lan.[137] Vấn đề này thực ra cũng có phần cơ sở hợp lý, như năm 1948-1952, Ba Lan thực sự đã tiến hành Chiến dịch Cerazy (tiếng Ba Lan: Operacja Cezary) dùng cái bẫy phát thanh giả dạng tổ chức Tự do và Độc lập nhằm đưa thông tin sai lệch cho CIASIS.[83] Goleniewski đề cập đến sự tồn tại của bộ phận "D" thuộc tình báo nước ngoài KGB liên quan đến việc cung cấp thông tin sai lệch cho tình báo đối thủ.[150] Ông cũng cho rằng CIA đã bí mật chuyển 1,2 triệu đô la một số đặc vụ KGB nằm vùng đảng viên Đảng Cộng sản Hoa Kỳ và Ý.[151] Goleniewski làm việc cho CIA đến năm 1964, một số nguồn đôi khi nhắc không chính xác đến ngày làm việc cuối là 14 tháng 12 năm 1963.[65] Ông giải mật nội dung vi phim cho Hoa Kỳ, chỉ điểm tên điệp viên Liên Xô hoạt động tại châu Âu và mô tả kỹ thuật, cách thức tuyển mộ của KGB và các cơ quan tình báo khối phía Đông.[114] Chính thức thì thỏa thuận cộng tác của Goleniewski với CIA hết hạn ngày 14 tháng 1 năm 1964, nhưng ngày 17 tháng 10 năm 1963 hai bên đạt được thống nhất tiếp tục.[123] Một số nguồn tin cho rằng Goleniewski tự nguyện nghỉ việc nhưng các nguồn khác khẳng định ông bị CIA thải loại do bê bối tiểu sử cũng như mạo danh Tsesarevich Aleksey Nikolayevich[152] với những tuyên bố khiến người Mỹ khó xử.[151] Tác giả Angleton nói CIA chưa bao giờ gặp phải một kẻ đào tẩu có tiểu sử đời sống phức tạp như vậy.[153]

Kẻ mạo danh

[sửa | sửa mã nguồn]

Câu chuyện huyền thoại

[sửa | sửa mã nguồn]
Chân dung Tsesarevich Aleksey Nikolayevich, nhân vật bị Goleniewski mạo nhận

Trong yêu cầu tị nạn chính trị, Goleniewski có một tuyên bố giật gân khác giống như kiểu bị triệu chứng rối loạn tâm thần.[38] Ông nói Michał Goleniewski không phải tên thật mà mình chính là Aleksey Nikolaevich Romanov, thái tử Nga thoát chết khỏi vụ hành quyết nhà Ipatiev một cách thần kỳ. Goleniewski bắt đầu câu chuyện với lời khẳng định vụ hành quyết hoàng gia đêm 16-17 tháng 7 năm 1918 chỉ là hư cấu, rồi phát triển diễn biến tiếp theo đầy tính tiểu thuyết.[154] Theo đó, Yakov Mikhailovich Yurovsky thực tế đã giúp hoàng gia trốn khỏi khỏi Yekaterinburg năm 1917. Họ ẩn náu tại Thổ Nhĩ Kỳ, qua Hy Lạp và Áo trong vài tháng, rồi đến Ba Lan là nơi có "nhiều người Nga tị nạn" và sống tại Warszawa. Nikolai II cạo hết râu ria để không ai nhận ra. Năm 1924, vì lý do an ninh, cựu sa hoàng đổi sang tên Ba Lan là Raymund Turynsky,[125][155] sa hậu đổi thành Marie A. Kaminski,[125] còn thái tử được đặt tên Michał Goleniewski. Sau đó, gia đình thường trú tại Poznań, gần biên giới Đức.[124]

Câu chuyện này cho sa hoàng sống đến 84 tuổi, qua đời năm 1952 gần Poznań, còn sa hậu Aleksandra Fyodorovna qua đời năm 1924 vì đau tim. Goleniewski nói Olga, Maria và Anastasia đều còn sống, bản thân mình (Aleksey) thì phải điều trị dài ngày chứng bệnh máu không đông và sốt rét cho đến năm 1928. "Aleksey" và chị gái Anastasiya đã đến Hoa Kỳ để rút tiền từ tài khoản ngân hàng tại Detroit, rồi Anastasiya không quay lại Ba Lan. OlgaTatyana chuyển đến Đức, còn "Aleksey" và Mariya ở lại Poznań cùng cha. Khi bay qua Hoa Kỳ, Goleniewski nói cả bốn hoàng nữ còn sống và ông vẫn giữ liên lạc nhưng từ chối kể thêm về họ.[156]

Năm 1930, "Aleksey" tham gia phong trào chống cộng "Tổ chức ngầm chống Bolshevik toàn Nga" do cha lập ra và lãnh đạo. Năm 1944, khi Hồng quân tiến vào, cả nhà định trốn sang Bồ Đào Nha nhưng "Aleksey" bị đầu độc nên đào tẩu bất thành. Năm 1945, ông gia nhập quân đội Ba Lan làm điệp vụ ngầm rồi chuyển sang phản gián. Khi được thăng chức, "Aleksey" có quyền truy cập thông tin mật là danh sách điệp viên KGB và Ba Lan đang hoạt động ở phương Tây, cũng như phương pháp đào tạo và tuyển mộ điệp viên đó.[33] Khi sang Hoa Kỳ, "Aleksey" khai được cha để lại 400 đến 800 triệu đô la tại các ngân hàng phương Tây.[102][157] Tháng 1 năm 1964, "Aleksey" đệ đơn lên tòa án Hamburg yêu cầu công nhận quyền thừa kế với gia sản cựu hoàng đã mất,[158] nhấn mạnh rằng sẽ tiếp tục đòi quyền lợi đến cùng với những khoản tiền hoàng tộc gửi trong ngân hàng.[157] Tòa không tìm ra căn cứ nào để đáp ứng yêu cầu của "Aleksey".[159]

Nghi vấn

[sửa | sửa mã nguồn]

Do Goleniewski sinh sau Aleksey Nikolaevich những 18 năm, nhiều người bắt đầu nghi ngờ rằng đây chỉ là một trong nhiều kẻ mạo danh khác, chuyên giả làm người hoàng tộc còn sống sót.[8] Đây không phải là lần đầu tiên có người tự xưng là Aleksey còn sống, ví dụ năm 1927, một vị Yevgeny Nikolaevich Ivanov cũng rời Ba Lan đến phương Tây và bắt đầu kể về "sự cứu thoát kỳ diệu".[160] Goleniewski giải thích ngoại hình không tương ứng với tuổi tác là do ảnh hưởng của bệnh máu khó đông, "làm chậm" sự phát triển cơ thể, viện đến chẩn đoán do bác sĩ nổi tiếng Alexander S. Wiener[c] xác nhận.[161] Đồng nghiệp của Wiener là bác sĩ Richard Rosenfield phản bác rằng Wiener không đủ chuyên môn để kiểm chứng, và toàn bộ giấy tờ đã biến mất sau khi ông qua đời.[162] Một số nguồn cho rằng Goleniewski âm tính khi xét nghiệm bệnh máu khó đông.[8] Đồng thời, Kevin Cooper đã viết rằng Goleniewski lớn lên ốm yếu, đi lại hơi khập khiễng, có thể do bị bại liệt thuở nhỏ.[125]

CIA cũng thoáng nghi ngờ Goleniewski bị rối loạn tâm thần, dù thông tin mà ông cung cấp về điệp viên Liên Xô thì chính xác đến mức đáng ngạc nhiên.[38] Tình báo Ba Lan cũng quan ngại vì Tổng cục 1 thấy trong hồ sơ Goleniewski thiếu mất tài liệu gốc khoảng thời gian trước khi vào Bộ Công an cũng như thông tin nhân thân. Các tài liệu có thể đã bị tiêu hủy trong chiến tranh, hoặc do chính cơ quan tiêu hủy, hay bị thất lạc, cuối cùng là có thể do chính Goleniewski tiêu hủy để chỉ giữ một số bản sao. Giả thuyết cuối là có khả năng vì vào tháng 10 năm 1956, một số sĩ quan có quyền truy cập hồ sơ cá nhân của mình và có thể xóa bỏ, lấy đi những thông tin bất lợi (như vi phạm kỷ luật).[151] Cuối cùng, theo Mechislav Rysinsky là người nhắc đến một số kết luận điều tra của Bộ Nội vụ (như việc thiếu tài liệu), Goleniewski có thể đang thực hiện nhiệm vụ mà KGB giao cho, giả làm thái tử để có quyền trên các khoản tiền hoàng gia đang gửi tại một số ngân hàng phương Tây.[153]

Phấn khích trước câu chuyện của Goleniewski, công chúng mong đợi CIA tiến hành kiểm tra để xác minh thân phận hai người này liệu có phải là một. Trong một phỏng vấn, giám đốc CIA Allen Dulles cho biết ông không định bình luận gì về tình huống như vậy trong cả hiện tại lẫn tương lai.[152] Nhưng Goleniewski lại quả quyết hai người đã nói chuyện với nhau và Dulles nói mình sẽ không phân biệt được Goleniewski với Nikolai II nếu ông để râu.[102] Ngày 18 tháng 10 năm 1963, tuần báo Life đăng bài Eugenia Smith tuyên bố mình là Nữ công tước Anastasia Nikolaevna còn sống sót. Ngày 28 tháng 12, Goleniewski gọi điện cho Smith và hẹn gặp ngày 31 tháng 12. Trong cuộc gặp gỡ, sau khi nghe câu chuyện của "Aleksey", "Anastasia" nhận đó là em trai mình, họ còn gặp lại nhau nhiều lần. Tuy nhiên, sau đó trong tự truyện, Eugenia viết mình là thành viên hoàng tộc duy nhất còn sống sót và từ chối đưa chuyện Karl Landsteiner thoát chết vào sách. Kết quả là hai người nổ ra tranh cãi. Về sau, Goleniewski cho biết Eugenia không nói dối nhưng đã bị thủ tiêu năm 1968 "theo lệnh của gia tộc Rothschild", trong khi thực tế bà vẫn sống đến năm 1997.[163] Cuộc gặp gỡ với một kẻ mạo danh khác là Anna Anderson (hay còn gọi là Franziska Schanzkowska) diễn ra khá suôn sẻ, nhưng sau đó cả hai chẳng nhớ gì đến nhau.[164] Người Nga nhập cư Kirill Fyodorovich Shishmarev là một trong số ít công nhận Goleniewski chính là thái tử vì đã nhiều lần gặp ông trong cung điện sa hoàng.[102][165]

Hôn lễ tai tiếng

[sửa | sửa mã nguồn]

Câu chuyện được thần thánh hóa năm 1964, khi tiểu ban nhập cư Hạ viện Hoa Kỳ yêu cầu CIA kêu Goleniewski làm chứng về nguồn gốc mình nhưng bị từ chối. Vào thời điểm đó, Goleniewski hai lần được gọi triệu tập đến tiểu ban Thượng viện để thẩm vấn về các điệp viên Liên Xô, nhưng không lần nào xuất hiện. Cuối cùng, thượng viện quyết định không thẩm vấn Goleniewski mà thay bằng các nhân chứng từ Bộ ngoại giao, kết quả cho thấy tính xác thực trong thông tin mà Goleniewski đã cung cấp.[166] Cố vấn pháp lý Julien Goode Survine thuộc Ủy ban Tư pháp Thượng viện Tiểu ban An ninh Nội địa cho biết Goleniewski đòi được nói về nguồn gốc hoàng gia của mình rồi mới tiếp tục làm chứng về các điệp viên. Thượng viện coi điều này là không thể chấp nhận được.[167]

Ngày 30 tháng 9 năm 1964, sau khi bị các tiểu ban khước từ, Goleniewski tiến hành nghi thức hôn phối (của giáo hội) với Irmgard Kampf lúc ấy 35 tuổi và đang mang bầu 9 tháng. Trên giấy tờ, Goleniewski dùng tên Aleksey Nikolaevich Romanov cùng các thông tin khác như ngày sinh, nơi sinh, tên cha mẹ.[167] Giám mục Grigory Grabbe của Chính thống giáo Nga bên ngoài nước Nga (tiếng Anh: Russian Orthodox Church Outside of Russia - ROCOR) cử hành lễ hôn phối theo nghi thức Chính thống giáo. Có hai phụ nữ đến dự mà "Aleksey" giới thiệu là chị gái "Olga Nikolaevna Romanova" và “Tatiana Nikolaevna Romanova". Bê bối ầm ĩ khi lộ ra thông tin trước đám cưới, Grabbe đã năm lần đến căn hộ của Golenevsky ở Queens,[168] nhận hơn 10 nghìn đô la Mỹ. Vụ việc càng căng thẳng khi cộng đồng người Nga nhập cư biết Goleniewski vốn gốc Công giáo lại bỏ vợ con ở Ba Lan, còn Irmgard lại theo Tin Lành. 30 năm sau, Grabbe kể lại rằng 5 giờ sáng hôm ấy, Goleniewski gọi điện mời ông đến gấp, Irmgard đã bắt đầu chuyển dạ. Đến nơi, Goleniewski cho xem giấy hôn thú ghi tên Aleksey Nikolaevich Romanov cùng tờ quyết định tòa án cho đổi tên rồi nhờ Grabbe tổ chức hôn lễ. Grabbe không thể từ chối và đồng ý thực hiện. Sau đó, Irmgard được chuyển gấp đến bệnh viện ở Manhasset, New York và hạ sinh bé gái Tatyana. Tuy nhiên, Grabbe không làm lễ rửa tội cho bé gái cũng như cho rằng không có bằng chứng thái tử còn sống sót, và hôn lễ này không đúng giáo luật.[169]

Một thời gian sau, Tatyana bị chẩn đoán viêm ruột thừa nhưng Goleniewski không đủ tiền viện phí nên phải mang con về. Goleniewski gặp vấn đề tài chính vì trợ cấp ít ỏi từ CIA (khoảng 500 đô la một tháng)[168] cũng như không có bảo hiểm y tế. Hai vợ chồng phải vật lộn gây quỹ để có tiền viện phí, cuối cùng bác sĩ cũng thực hiện cứu chữa và chính phủ cũng phân bổ một khoản nhỏ vào phút cuối. Goleniewski coi động thái này là xúc phạm mình nên đã kiện CIA và chính quyền liên bang, yêu cầu bồi thường số tiền 9.706 đô la là khoản cần thiết giúp con mình hồi phục.[120] Sau khi đổ vỡ hôn nhân, Goleniewski không bao giờ gặp lại con nữa. Tatyana nhiều lần viết thư cho giám mục Grigory Grabbe nhờ giúp tìm cha, nhưng ông không phản hồi với lời giải thích hoàn toàn không muốn dính líu gì tới Goleniewski.[152]

Mất uy tín

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 23 tháng 12 năm 1964, trong chương trình giải trí To Tell the Truth [en], giám định viên nói dối CIA Clive Baxter công khai tuyên bố ủng hộ Goleniewski là Tsaserevich, đồng thời đề cập đến kết quả giám định răng và dấu vân tay nhưng những kết quả này chưa bao giờ được công khai.[161] Ngày 20 tháng 1 năm 1965, Daily News đăng bài trong đó cựu trưởng phòng thông tin và phân tích Herman Kimsey yêu cầu CIA cung cấp kết quả thẩm tra để xóa bỏ mọi nghi vấn.[170] Ông cũng yêu cầu Allen Dulles lúc ấy đang hưu trí và người kế nhiệm là quyền giám đốc John McCone phải lên tiếng về vấn đề Goleniewski và "Aleksey", nhưng CIA một lần nữa từ chối bình luận về yêu cầu này.[171] Toàn bộ bê bối chỉ xác nhận rằng Goleniewski chỉ là một trong số những kẻ mạo danh khác. Người ta cho rằng CIA không chỉ không tin vào những tuyên bố của Goleniewski liên quan đến nhà Romanov,[96] mà còn tìm cách ngăn ông điều trần nguồn gốc trước Quốc hội.[166]

Để không phát sinh thêm bê bối, Goleniewski bị cho nghỉ hưu sớm năm 1964 với khoản trợ cấp khiêm tốn.[152] Coi đây là sự xúc phạm cá nhân, Goleniewski gửi thư ngỏ đến nhiều nơi mong được hỗ trợ tài chính và pháp lý, đổ lỗi cho chính quyền không những bưng bít "sự thật" nguồn gốc mình mà còn tuyệt đường sinh nhai.[168] Bên Ba Lan tin rằng câu chuyện nguồn gốc "hoàng gia" là chiêu bài CIA chủ ý khởi xướng ra công chúng.[151] Tuy vậy, cả KGB và tình báo Ba Lan đều hưởng lợi từ câu chuyện mạo danh này, họ bí mật ủng hộ các nhà báo và dân biểu Mỹ "cánh tả" làm mất uy tín CIA vì đã thực thi dựa trên thông tin có được từ một kẻ mạo danh, lừa đảo và tâm thần. Danh tiếng Goleniewski bị giáng đòn nghiêm trọng khi Eckhard Mahovsky người Áo được mật vụ Ba Lan hỗ trợ để đăng bài trên tạp chí Express năm 1965 về gia đình bị bỏ lại của ông ở Ba Lan.[16] Với thành tích thúc đẩy Mahovsky, đại úy Józef Mędrzycki và thiếu tá Antoni Knychała đã được lãnh đạo Tổng cục 1 thưởng lớn.[151] Theo Franciszek Shlyahtsyts, tình báo Ba Lan cố gắng loại bỏ Goleniewski nhưng bất thành.[38]

Tình báo Ba Lan tiếp tục săn tìm Goleniewski, một trong các chiến thuật là "hun khói". Trước tiên, họ rải nhiều tài liệu khắp Hoa Kỳ cáo buộc Goleniewski gian lận và khai man. Sau đó, điệp viên Ba Lan gọi điện nặc danh tới một nhật báo tung tin về tai nạn xe hơi khiến Goleniewski tử vong, nhằm "hun" cho Goleniewski lộ diện. Chiến dịch này chỉ được nhận ra phần nào vào ngày 28 tháng 6 năm 1966, điệp viên Ba Lan gửi thư ẩn danh cho các thượng nghị sĩ và nhà báo Mỹ chỉ trích Goleniewski là lừa đảo và mạo danh. Việc này dẫn đến tổ chức tranh luận tại Thượng viện Hoa Kỳ ngày 27 tháng 7 bàn về sự kiểm soát của Quốc hội với CIA. Tổng cục 1 Bộ nội vụ PPR không chắc các thư nặc danh đó có được xem xét dùng làm tham khảo hay không. Tình báo Ba Lan coi việc The New York Times đăng một bài báo ẩn danh về việc CIA từ chối bình luận các tuyên bố của Goleniewski là một thắng lợi nhỏ.[172]

Thu 1967, nhà báo Leopold Dende (hay còn gọi là "Popya" và "Melya") được Tổng cục 1 tuyển mộ vào nhiệm vụ lần ra dấu vết Goleniewski, ông từng cộng tác thời gian dài với tình báo Ba Lan trước đó. Tháng 5 năm 1968, Dende báo cáo rằng đối tượng có thể đang dùng cái tên Đức Franz Roman Oldenberg kèm địa chỉ chi tiết. Khi kiểm tra, tình báo Ba Lan không xác định được liệu Goleniewski có sống ở đó không, cũng như ngôi nhà thiếu bảo vệ nên nghi đây là bẫy do CIA giăng ra. Từ đó về sau, Tổng cục 1 không còn thực hiện săn lùng tích cực nữa mà giới hạn chỉ giám sát thông tin về Goleniewski mà thôi. Cựu trưởng Cục 3 (Đức) Tổng cục 1 Henryk Wendrowski tuyên bố câu chuyện Goleniewski được dựng lên để chuyển hướng chú ý của tình báo phương Tây và đã khá thành công, khắc phục được hậu quả do kẻ đào tẩu gây ra.[173][174]

Đầu thập niên 1970, một phụ nữ giả danh Nữ công tước Maria Nikolayevna xuất hiện tại Warszawa, thậm chí một số báo ngoại quốc đã phỏng vấn và đăng ảnh "nữ công tước sống sót". Hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng thuận đó là mẹ của Goleniewski diễn theo mạch chuyện mạo danh của con trai. Điều này được củng cố khi nhiều điểm mâu thuẫn trong tiểu sử của Nữ công tước "còn sống" được chỉ ra. Hơn thế nữa, có ý kiến cho rằng toàn bộ vụ họp báo chẳng qua là trò chơi tình báo của Ba Lan, hoặc bà mẹ Janina đang muốn nhờ đó mà lấy được thị thực xuất cảnh.[125]

Goleniewski sống phần đời còn lại tại Queens, New York,[96] theo chương trình bảo vệ nhân chứng,[151] thậm chí cả việc phẫu thuật thay đổi nhân dạng.[38] Nhà ông được cho là gần Tòa án Hình sự Quận Queens (tiếng Anh: Queens County Criminal Court).[142] Cựu điệp viên nhận khoản trợ cấp 500 đô la ít ỏi từ CIA,[168] không đủ trang trải cuộc sống thường ngày.[121] Goleniewski cáo buộc CIA đã vắt chanh bỏ vỏ, không cho mình làm chứng về nguồn gốc, nên đã gửi thư ngỏ đến nhiều nơi và nhiều cá nhân khác. Trong số đó có Giám đốc CIA Phó Đô đốc William Rayborn và Phó Giám đốc Điều hành (giám đốc kế nhiệm tương lai) Richard Helms,[175] Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Ramsey Clark, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ và cả Hội Chữ thập đỏ Quốc tế. Goleniewski nhiều lần đệ đơn kiện: một vụ đòi 50 nghìn đô la tiền lương CIA không trả, vụ khác là 100 nghìn đô la bồi thường cho gia sản bị tịch thu tại Ba Lan.[138]

Từ thập niên 1970, Goleniewski xuất bản tạp chí hàng tháng Double Eagle[d] chuyên về "chủ quyền an ninh quốc gia Hoa Kỳ và sự tồn vong của nền văn minh Cơ Đốc giáo". Ông ký tên trong tư cách Đại công tước Aleksey Nikolaevich Romanov kế vị ngai vàng Nga. Ông động đến hết các đảng phái, đăng bài viết bài Do Thái từ các thuyết âm mưu khác nhau cho đến "chính phủ hoàn cầu",[138] cùng lời kêu gọi chống Liên Xô, cáo buộc nhiều lãnh đạo giáo hội làm việc cho KGB, kể cả tổng giám mục ROCOR Đông Hoa Kỳ và New York Filaret. Năm 1981, sau khi ROCOR tuyên thánh cho hoàng gia Nga, Goleniewski giận dữ và công khai cáo buộc ROCOR phản bội, đầy "gián điệp KGB" vì đã tước quyền kế vị ngai vàng hợp pháp của mình.[138] Năm 1983, tình báo Ba Lan ngừng mọi hoạt động giám sát Goleniewski dựa trên thực tế không còn hành động nguy hiểm cho an ninh quốc gia.[145] Đại tá Henryk Bosak khẳng định vụ Goleniewski vẫn là vụ phản quốc nghiêm trọng nhất 45 năm tồn tại của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan.[176]

Cho đến cuối đời, Goleniewski vẫn khăng khăng mình là người kế vị ngai vàng Nga,[38] một số người coi đây đơn giản chỉ là ông muốn thu hút chú ý. Các nhà báo cho rằng trong kho lưu trữ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có bộ Hồ sơ Romanov lưu tất cả thông tin vụ hành quyết cũng như những người tuyên bố là thành viên hoàng tộc "sống sót" nên bao gồm cả Goleniewski.[102] Sếp cũ của Goleniewski là Witold Sienkiewicz tin rằng toàn bộ câu chuyện "người thừa kế ngai vàng" chỉ là trò chơi tình báo có kế hoạch trước nhưng bản thân không rõ chi tiết ra sao vì đã bị mất chức sau khi Goleniewski đào tẩu, nên chỉ biết chắc câu chuyện không có thật mà thôi.[177][178]

Năm 1988, Goleniewski được trao tặng Huân chương sự nghiệp tình báo xuất sắc [Distinguished Career Intelligence Medal] ghi nhận công lao bảo vệ lợi ích quốc gia Hoa Kỳ trong lĩnh vực đầy rủi ro.[179] Nhưng CIA chẳng màng quan tâm Goleniewski ra sao sau khi nghỉ hưu.[138] Tác giả Tim Tate cho biết thư từ cũng như tài liệu CIA sau đó được giải mật cho phép mường tượng bức tranh hoạt động của Goleniewski khi chuyển phe và hợp tác với tình báo phương Tây. Tate ngạc nhiên vì tài liệu MI5 về Goleniewski thì vẫn được phân loại mật cả sau khi ông qua đời với lý do "mức độ nhạy cảm đang diễn ra" (tiếng Anh: continuing sensitivity).[61]

Ngày 12 tháng 7 năm 1993, sau bệnh tật kéo dài, Michał Goleniewski qua đời ở Bệnh viện Lenox Hill [en], New York,[8] theo như một cựu sĩ quan tình báo đưa tin trên báo Ba Lan.[138] Cáo phó nhắc đến lời Irmgard Kampf và con gái Tatyana cho biết Goleniewski hợp tác với CIA chỉ vì muốn ngăn chặn "quỷ dữ cộng sản".[176] Chuyên khảo Battleground Berlin là tác phẩm đầu tiên xuất bản tài liệu CIA giải mật về vụ việc Michał Goleniewski, tác giả là người đứng đầu nằm vùng Berlin và cục "Nga" của CIA David Murphy và trung tướng trưởng Cục 3 "Đức" Tổng cục 1 KGB Sergey Aleksandrovich Kondrashev.[180]

Trong văn hóa đại chúng

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong tiểu thuyết hư cấu Kẻ đại gian [Najgorszy] của Waldemar Łysiak, nhân vật chính là đại tá KGB Mieczysław Geldbaum kể lại vụ Goleniewski với câu nói "đáng giá cả giải Nobelgiải Oscar cộng lại".[181]

Khen thưởng

[sửa | sửa mã nguồn]
Ba Lan
Hoa Kỳ
  1. ^ Tiếng Đức, viết tắt của Reichsgesell für Landbewirtschaftung - Hiệp hội canh tác điền thổ đế quốc
  2. ^ Lưu ý là 6 tháng sau đó mới dựng bức tường Berlin.[117]
  3. ^ Người cùng với Karl Landsteiner phát hiện yếu tố Rh trong máu năm 1937
  4. ^ Biểu trưng "Đại bàng hai đầu" trên quốc huy Đế quốc Nga và nước Nga sau năm 1993.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Pawlikowicz 2004, tr. 221.
  2. ^ a b Pawlikowicz 2004, tr. 222.
  3. ^ a b Coogan 2021, tr. 24.
  4. ^ a b c d e f g h “Dane osoby z katalogu funkcjonariuszy aparatu bezpieczeństwa. Michał Franciszek Goleniewski” [Dữ liệu nhân sự từ danh sách sĩ quan của bộ máy an ninh. Michał Franciszek Goleniewski] (bằng tiếng Ba Lan). Instytut Pamięci Narodowej. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2023.
  5. ^ a b c d Witak 2014, tr. 57.
  6. ^ a b c Bagieński 2016, tr. 552.
  7. ^ a b Pawlikowicz 2004, tr. 225.
  8. ^ a b c d Witak 2014, tr. 61.
  9. ^ a b c d Pawlikowicz 2004, tr. 223.
  10. ^ Coogan 2021, tr. 28.
  11. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 222—223.
  12. ^ a b Bagieński 2016, tr. 555.
  13. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 215.
  14. ^ Coogan 2021, tr. 52.
  15. ^ a b Piotr Gontarczyk (29 tháng 9 năm 2007). “Sprawa pułkownika Goleniewskiego” [Vụ đại tá Goleniewski] (bằng tiếng Ba Lan). Rzeczpospolita.
  16. ^ a b c d e f g h i j k l Piotr Gontarczyk (26 tháng 12 năm 2013). “Agent, który chciał być carem” [Đặc vụ muốn trở thành sa hoàng] (bằng tiếng Ba Lan). Do Rzeczy. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2023.
  17. ^ Coogan 2021, tr. 38.
  18. ^ a b c d Bagieński 2016, tr. 553.
  19. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 223—224.
  20. ^ Węgliński 2010, tr. 513.
  21. ^ Węgliński 2010, tr. 357.
  22. ^ Węgliński 2010, tr. 352.
  23. ^ Węgliński 2010, tr. 143, 427.
  24. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 83.
  25. ^ a b Pawlikowicz 2004, tr. 252.
  26. ^ a b Witak 2014, tr. 58.
  27. ^ a b c d Coogan 2021, tr. 39.
  28. ^ Piecuch 1996, tr. 405.
  29. ^ Węgliński 2010, tr. 92.
  30. ^ a b Bagieński 2016, tr. 554.
  31. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 224, 252.
  32. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 219.
  33. ^ a b Hatonn 1994, tr. 24.
  34. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 224.
  35. ^ Massie 1995, tr. 149—151.
  36. ^ Bagieński 2016, tr. 556.
  37. ^ a b c d Bagieński 2016, tr. 557.
  38. ^ a b c d e f g h i j k l m Sławomir Koper (20 tháng 5 năm 2020). “Michał Goleniewski. Najwyższy rangą oficer PRL-owskiego wywiadu, który uciekł na Zachód” [Michał Goleniewski. Sĩ quan tình báo cao cấp nhất PRL chạy sang phương Tây] (bằng tiếng Ba Lan). Wielka Historia. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2023.
  39. ^ Bagieński 2016, tr. 553—554.
  40. ^ Bagieński 2016, tr. 552—553.
  41. ^ a b c d e f Bagieński 2016, tr. 558.
  42. ^ a b c Coogan 2021, tr. 46.
  43. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 239—240.
  44. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 240.
  45. ^ Coogan 2021, tr. 45.
  46. ^ a b c d e Witak 2014, tr. 59.
  47. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 233, 237.
  48. ^ a b Pawlikowicz 2004, tr. 234.
  49. ^ Coogan 2021, tr. 47.
  50. ^ a b Bagieński 2016, tr. 559.
  51. ^ Bagieński 2016, tr. 560.
  52. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 234—235.
  53. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 240—241.
  54. ^ Bagieński 2016, tr. 560—561.
  55. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 231.
  56. ^ a b Bagieński 2016, tr. 561.
  57. ^ a b Bagieński 2016, tr. 563.
  58. ^ a b Pawlikowicz 2004, tr. 226.
  59. ^ a b c Massie 1995, tr. 149.
  60. ^ a b Pawlikowicz 2004, tr. 248.
  61. ^ a b Donna Ferguson (23 tháng 5 năm 2021). “Spy who got the cold shoulder: how the west abandoned its star defector” [Điệp viên không có chỗ dựa: phương Tây đã bỏ rơi ngôi sao đào tẩu của mình như thế nào] (bằng tiếng Anh). The Guardian. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2023.
  62. ^ a b Bagieński 2016, tr. 563—564.
  63. ^ a b c d e Bagieński 2016, tr. 564.
  64. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 227.
  65. ^ a b c d e f Hatonn 1994, tr. 25.
  66. ^ Wright 1987, tr. 128.
  67. ^ Wright 1987, tr. 129.
  68. ^ Andrew & Mitrokhin 1999, tr. 400.
  69. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 253.
  70. ^ “George Blake, infamous Cold War spy who escaped from prison and fled to Moscow – obituary” [George Blake, điệp viên khét tiếng thời Chiến tranh Lạnh vượt ngục và chạy sang Moskva – cáo phó] (bằng tiếng Anh). The Telegraph. 26 tháng 12 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2023.
  71. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 286.
  72. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 299.
  73. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 258.
  74. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 282.
  75. ^ a b Hatonn 1994, tr. 26.
  76. ^ a b c d e Polmar & Allen 1997, tr. 185.
  77. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 284—285.
  78. ^ Andrew & Mitrokhin 1999, tr. 410.
  79. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 256.
  80. ^ Trevor Barnes (2 tháng 9 năm 2020). “Ethel the spy: the enigmatic spinster who sold Britain's secrets to the USSR” [Điệp viên Ethel: bà cô bí ẩn đã bán bí mật nước Anh cho Liên Xô] (bằng tiếng Anh). The Daily Telegraph. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2023.
  81. ^ Dulles 1968, tr. 139-144.
  82. ^ Anin 2000, tr. 65—66.
  83. ^ a b c d Witak 2014, tr. 60.
  84. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 274—275.
  85. ^ a b c Bagieński 2016, tr. 572.
  86. ^ Coogan 2021, Tightrope Walk.
  87. ^ a b c Bagieński 2016, tr. 590.
  88. ^ Richards 1970, tr. 21.
  89. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 263.
  90. ^ Bagieński 2016, tr. 571.
  91. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 266.
  92. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 267.
  93. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 264.
  94. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 272—273.
  95. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 269.
  96. ^ a b c West 2009, tr. 211.
  97. ^ a b c Coogan 2021, Sick Think.
  98. ^ Bagieński 2016, tr. 579.
  99. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 287.
  100. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 276.
  101. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 244.
  102. ^ a b c d e Hunn 1971, tr. 13.
  103. ^ Witak 2014, tr. 59—60.
  104. ^ Bagieński 2016, tr. 577.
  105. ^ a b c d Bagieński 2016, tr. 574—575.
  106. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 246—247.
  107. ^ Bagieński 2016, tr. 567.
  108. ^ Bagieński 2016, tr. 575.
  109. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 242.
  110. ^ Bagieński 2016, tr. 559, 575.
  111. ^ Игорь Теплов (2 tháng 4 năm 2008). “Полковник Романов — нищий?” [Trung tá Romanov - kẻ ăn xin?]. ynik.info. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2023.
  112. ^ a b Pawlikowicz 2004, tr. 230.
  113. ^ a b c Bagieński 2016, tr. 566.
  114. ^ a b Massie 1995, tr. 150.
  115. ^ Wright 1987, tr. 135.
  116. ^ a b c Bagieński 2016, tr. 562.
  117. ^ Piotr Różański (5 tháng 9 năm 2016). “Sprawa podpułkownika Goleniewskiego. Historia z PRL-u” [Vụ trung tá Goleniewski. Lịch sử PRL] (bằng tiếng Ba Lan). Gazeta Wyborcza. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2023.
  118. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 229—230.
  119. ^ Coogan 2021, tr. 49.
  120. ^ a b c “News of the World (21 June 1970)” [Tin thế giới (21 tháng 6 năm 1970] (PDF) (bằng tiếng Anh). CIA. 29 tháng 4 năm 2003. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 23 tháng 1 năm 2017. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2023.
  121. ^ a b Pawlikowicz 2004, tr. 288.
  122. ^ Coogan 2021, tr. 50.
  123. ^ a b Coogan 2021, tr. 17.
  124. ^ a b Massie 1995, tr. 151.
  125. ^ a b c d e Coogan 2021, Grave Secrets.
  126. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 249.
  127. ^ Bagieński 2016, tr. 573—574.
  128. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 250.
  129. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 233.
  130. ^ Bagieński 2016, tr. 568.
  131. ^ Bagieński 2016, tr. 580.
  132. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 251.
  133. ^ Bagieński 2016, tr. 576—577.
  134. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 295—296.
  135. ^ Bagieński 2016, tr. 581—582.
  136. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 268.
  137. ^ a b Hatonn 1994, tr. 27.
  138. ^ a b c d e f Massie 1995, tr. 156.
  139. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 280.
  140. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 262.
  141. ^ Bagieński 2016, tr. 586.
  142. ^ a b Coogan 2021, tr. 18.
  143. ^ a b Polmar & Allen 1997, tr. 185—186.
  144. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 281.
  145. ^ a b Bagieński 2016, tr. 587.
  146. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 291.
  147. ^ a b Bagieński 2016, tr. 588.
  148. ^ Mateusz Zimmerman (16 tháng 7 năm 2012). “Michał Goleniewski. Fałszywy carewicz, prawdziwy szpieg” [Michał Goleniewski. Tsesarevich giả,điệp viên thật] (bằng tiếng Ba Lan). Onet Wiadomości. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2020.
  149. ^ Zbigniew Parafianowicz (20 tháng 6 năm 2009). “Poznaj słynnych szpiegów PRL” [Gặp gỡ những điệp viên PRL nổi tiếng] (bằng tiếng Ba Lan). dziennik.pl. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 1 năm 2018. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2023.
  150. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 277.
  151. ^ a b c d e f Bagieński 2016, tr. 583.
  152. ^ a b c d Massie 1995, tr. 153.
  153. ^ a b Bagieński 2016, tr. 589.
  154. ^ Елена Мухаметшина (24 tháng 9 năm 2009). “Очень приятно, царь” [Hay quá đi sa hoàng] (bằng tiếng Nga). Русский Newsweek. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2009.
  155. ^ Hatonn 1994, tr. 23.
  156. ^ Massie 1995, tr. 151—152.
  157. ^ a b Massie 1995, tr. 152—153.
  158. ^ Bagieński 2016, tr. 582.
  159. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 289.
  160. ^ Richards 1970, tr. 114—116.
  161. ^ a b Hatonn 1994, tr. 29.
  162. ^ Massie 1995, tr. 152.
  163. ^ Massie 1995, tr. 158—159.
  164. ^ "Анастасия". История продолжается” ["Anastasia". Câu chuyện tiếp diễn] (bằng tiếng Nga). ynik.info. 20 tháng 4 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2023.
  165. ^ Richards 1970, tr. 51.
  166. ^ a b Richards 1970, tr. 26.
  167. ^ a b Massie 1995, tr. 154.
  168. ^ a b c d Massie 1995, tr. 155.
  169. ^ Massie 1995, tr. 154—155.
  170. ^ Hatonn 1994, tr. 30.
  171. ^ “CIA Data Called Key to Czar's Son” [Dữ liệu CIA quan trọng cho con trai sa hoàng] (PDF). Daily News (bằng tiếng Anh). CIA. 20 tháng 1 năm 1965. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 23 tháng 1 năm 2017. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2023.
  172. ^ Bagieński 2016, tr. 585.
  173. ^ Bagieński 2016, tr. 585—587.
  174. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 293.
  175. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 290.
  176. ^ a b Pawlikowicz 2004, tr. 301.
  177. ^ Bagieński 2016, tr. 587—588.
  178. ^ Pawlikowicz 2004, tr. 294—295.
  179. ^ a b Pawlikowicz 2004, tr. 300.
  180. ^ Pawlikowicz 2004.
  181. ^ Łysiak 2006, tr. 46—47.
  182. ^ “Uchwała Prezydium Krajowej Rady Narodowej z dnia 18 września 1946 r. o odznaczeniach obywateli” [Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Hội đồng toàn quốc ngày 18 tháng 9 năm 1946 về việc tặng huân chương công dân] (bằng tiếng Ba Lan). Monitor Polski. 18 tháng 9 năm 1946. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2023.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiếng Anh

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Andrew, Christopher; Mitrokhin, Vasili (1999), The Sword and the Shield: The Mitrokhin Archive and the Secret History of the KGB [Kiếm và khiên: lưu trữ Mitrokhin và lịch sử bí mật của KGB] (bằng tiếng Anh), New York: Basic Books, ISBN 9780465010035
  • Coogan, Kevin (2021), The Spy Who Would Be Tsar: The Mystery of Michal Goleniewski and the Far-Right Underground [Điệp viên trở thành Sa hoàng: Bí ẩn của Michal Goleniewski và thế giới ngầm cực hữu] (bằng tiếng Anh), Routledge, ISBN 1000399877
  • Dulles, Allen biên tập (1968), Great True Spy Stories [Những câu chuyện điệp viên có thật vĩ đại] (bằng tiếng Anh), New York: Harper & Row
  • Hatonn, Gyeorgos Ceres (1994), Focus of Demons: Real Gremlins in the Works [Trọng tâm của quỷ: những Gremlin có thực trong tác phẩm] (bằng tiếng Anh), Las Vegas, Nevada: Phoenix Source Distributors, Inc., ISBN 9781569350379
  • Massie, Robert K., The Romanovs: The Final Chapter [Nhà Romanov: Chương kết] (bằng tiếng Anh), New York: Random Houseyear=1995, ISBN 9780394580487
  • Polmar, Norman; Allen, Thomas B. (1997), Spy Book: The Encyclopedia of Espionage [Sách điệp báo: Bách khoa thư gián điệp] (bằng tiếng Anh), New York: Random House, ISBN 9780679425144
  • Richards, Guy (1970), The Hunt for the Czar [Săn tìm sa hoàng] (bằng tiếng Anh), Garden City, New York: Doubleday
  • West, Nigel (2009), The A to Z of British Intelligence [Tình báo Anh từ A đến Z] (bằng tiếng Anh), Scarecrow Press, ISBN 9780810870284
  • Wright, Peter (1987), Spycatcher: The Candid Autobiography of a Senior Intelligence Officer [Bắt gián điệp: Tự truyện chính trực của một sĩ quan tình báo cao cấp] (bằng tiếng Anh), Stoddart Publishing, ISBN 9780670820559

Tiếng Ba Lan

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Anin, Борис Юрьевич Анин (2000), Радиоэлектронный шпионаж [Gián điệp điện tử], Секретная папка (bằng tiếng Nga), М.: Центрполиграф, ISBN 5-227-00659-8
  • Hunn, David (1971). “Ég er Alexei Romanov” [Tôi là Alexei Romanov]. Lesbók Morgunblaðsins (bằng tiếng Iceland). 6 (6).

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Một số thông tin về Thất sắc Thủy tổ và Ác ma tộc [Demon] Tensura
Một số thông tin về Thất sắc Thủy tổ và Ác ma tộc [Demon] Tensura
Trong thế giới chuyến sinh thành slime các ác ma , thiên thần và tinh linh là những rạng tồn tại bí ẩn với sức mạnh không thể đong đếm
Fun Fact về Keqing - Genshin Impact
Fun Fact về Keqing - Genshin Impact
Keqing có làn da trắng và đôi mắt màu thạch anh tím sẫm, với đồng tử hình bầu dục giống con mèo với những dấu hình kim cương trên mống mắt
Genius - Job Class siêu hiếm của Renner
Genius - Job Class siêu hiếm của Renner
Renner thì đã quá nổi tiếng với sự vô nhân tính cùng khả năng diễn xuất tuyệt đỉnh và là kẻ đã trực tiếp tuồng thông tin cũng như giúp Demiurge và Albedo
Đức Phật Thích Ca trong Record of Ragnarok
Đức Phật Thích Ca trong Record of Ragnarok
Buddha là đại diện của Nhân loại trong vòng thứ sáu của Ragnarok, đối đầu với Zerofuku, và sau đó là Hajun, mặc dù ban đầu được liệt kê là đại diện cho các vị thần.