Năm điều ngự thệ

Năm điều ngự thệ (bản Nhật chí Thái chính quan)

Năm điều ngự thệ (五箇条の御誓文 (Ngũ cá điều ngự thệ văn) Gokajō no Goseimon?) là năm nguyên tắc duy tân Nhật Bản của Thiên hoàng Minh Trị, được công bố vào ngày 6 tháng 4 năm 1868 tại Hoàng cung Kyoto.[1][2] Bài ngự thệ nhằm mục đích tuyên bố đường lối cải cách của chính quyền Minh Trị, đồng thời chiêu mộ những phiên ủng hộ Mạc phủ Tokugawa theo chính quyền trong Chiến tranh Boshin. Bài ngự thệ đánh dấu sự bắt đầu của thời kỳ Minh Trị và có thể được coi là hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản.[3]

Nội dung

[sửa | sửa mã nguồn]

Nội dung chính của Năm điều ngự thệ như sau:[4][5][6]

Nguyên văn Việt dịch
御誓文

一、廣ク會議ヲ興シ、萬機公論ニ決スベシ
一、上下心ヲ一ニシテ、盛ニ經綸ヲ行フベシ
一、官武一途、庶民ニ至ル迠、各其志ヲ遂ゲ、
  人心ヲシテ倦マザラシメン事ヲ要ス
一、舊来ノ陋習ヲ破リ、天地ノ公道ニ基クベシ
一、智識ヲ世界ニ求メ、大ニ皇基ヲ振起スベシ

我國未曾有ノ變革ヲ爲ントシ、朕躬ヲ以テ衆ニ先ンシ、天地神明ニ誓ヒ、大ニ斯國是ヲ定メ、萬民保全ノ道ヲ立ントス。衆亦此旨趣ニ基キ協心努力セヨ。

Ngự thệ

  • Mở ra hội nghị rộng rãi, trăm công ngàn việc đều lấy theo công luận mà quyết định.
  • Trên dưới một lòng, ra sức sửa sang việc nước.
  • Văn võ một đường, từ công khanh đến thứ dân, đều được toại chí, khiến cho lòng người không biết mỏi.
  • Phá bỏ hết những hủ tục chất chứa lâu đời, từ đây hợp theo công đạo của trời đất.
  • Cầu trí thức ở thế giới, làm cho cơ đồ thiên hoàng trở nên mạnh lớn vẻ vang.

Nước ta sắp tiến hành những cải cách chưa từng có, nên trẫm cúi mình trước chúng dân, tuyên thệ với thần minh trời đất để hoạch định quốc sách, lập đạo bảo toàn muôn dân. Trẫm mong các khanh đồng tâm hợp lực, tuân theo ý ấy.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]
Năm điều ngự thệ, Nanyō Inui, 1928

Soạn thảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Sanyo[a] Yuri Kimimasa, Sanyo Fukuoka Takachika và Sangi[b] Kido Takayoshi cùng soạn thảo Năm điều ngự thệ. Yuri soạn bản thảo đầu tiên vào đầu tháng 2 năm 1868, đề xuất năm nguyên tắc quốc sách, bao gồm trọng dụng nhân tài, quyết định chính sự theo công luận và triệu tập đại biểu do các phiên cử ra.[7] Ngôn từ tiến bộ của bản thảo bày tỏ sự bất mãn của các chí sĩ Minh Trị cấp tiến khi phải phục vụ tầng lớp bảo thủ.[8] Fukuoka sửa lại bản thảo để tránh kích động phe bảo thủ, thay thế "công luận" bằng "hội nghị của các daimyō". Kido soạn bản thảo cuối cùng vào đầu tháng 4, thay thế "hội nghị của các daimyō" bằng "hội nghị rộng rãi", bỏ việc triệu tập đại biểu của các phiên và bổ sung nguyên tắc "phá bỏ hết những hủ tục".[9] Ngôn từ của Kido đủ rộng để thỏa mãn cả hai phe cấp tiến và bảo thủ trong triều đình.[8]

Lễ công bố

[sửa | sửa mã nguồn]
Năm điều ngự thệ (bản viết tay của Thân vương Arisugawa Takahito)

Vào lúc 4 giờ chiều ngày 6 tháng 4 năm 1868, các gitei[c] và sanyo tề tựu đông đủ tại Tử thần điện của Hoàng cung Kyoto. Thiên hoàng Minh Trị bước vào điện cùng với Sōsai[d] Sanjō Sanetomi và Sōsai Iwakura Tomomi. Sau khi thiên hoàng ngự toạ, Sanjō đến quỳ trước bàn thờ, thay mặt thiên hoàng cầu xin thần linh trừng phạt những ai làm trái với lời ngự thệ rồi trở lại chỗ ngồi. Thiên hoàng đứng dậy, cúi đầu trước bàn thờ và đặt sakaki làm lễ vật, sau đó lui về ngự toạ. Iwakura lại đến trước bàn thờ và tuyên bố Năm điều ngự thệ. Sau đó, các nghị định lần lượt đến cúi đầu trước bàn thờ và thiên hoàng rồi ký một lời thề trung thành tuyệt đối với thiên hoàng. Buổi lễ kết thúc vào 8 giờ tối.[10] Tổng cộng có 767 người ký tên, bao gồm những người không thể tham dự buổi lễ sau đó đã đến cung điện để ký lời thề.[11]

Phân tích

[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo sư Michio Umegaki nhận xét rằng Năm điều ngự thệ nhằm ba mục đích chính: khẳng định tính chính danh của chính quyền Minh Trị, xác lập uy tín của chính quyền trong quan hệ đối ngoại và đảm bảo sự bình đẳng của các phiên trước triều đình.[12] Trước bối cảnh Chiến tranh Boshin mới nổ ra vào tháng 1 năm 1868, nhà sử học Marius B. Jansen cho rằng bài ngự thệ cũng nhằm mục đích chiêu mộ các phiên ủng hộ Mạc phủ Tokugawa theo triều đình Kyoto.[13] Jansen nhận định rằng ngôn từ của Năm điều ngự thệ có chủ đích giảm thiểu sự phản kháng từ các daimyō và biểu thị sự tiệm tiến của quá trình duy tân. Ví dụ: "hội nghị" và "công luận" là những từ đã được dùng để chỉ sự hợp tác giữa các phiên chúa, không nhất thiết là cam kết thực hiện dân chủ, và không ai ủng hộ việc duy trì "hủ tục" trái với "công đạo của trời đất".[14] Sau khi chinh phục Cộng hòa Ezo, chính quyền Minh Trị giải thích rằng "công luận" là dư luận của các kuge, phiên chúa và samurai.[15] Giáo sư Iwata Masakazu chỉ ra rằng chính quyền phải vay tiền để chi trả cho quân đội trong Chiến tranh Boshin nên phải công bố Năm điều ngự thệ nhằm xây dựng lòng tin đối với các chủ nợ là địa chủ, thương nhân.[16]

Ảnh hưởng

[sửa | sửa mã nguồn]
Đài tưởng niệm có khắc Năm điều ngự thệ trên đỉnh núi Kampu, Akita

Ảnh hưởng lâu dài của Năm điều ngự thệ là một chủ đề tranh luận. Một mặt, một số học giả Nhật Bản cho rằng bài ngự thệ là "tuyên ngôn thành lập nhà nước Minh Trị chuyên chế". Mặt khác, các học giả phương Tây cho rằng bài ngự thệ chỉ có tác động ngắn hạn vào đầu thời kỳ Minh Trị.[17] Nhà Nhật Bản học John Breen nhận định rằng bài ngự thệ báo hiệu một thời kỳ cải cách mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của triều đình Minh Trị và sự khẳng định quyền lực của thiên hoàng đối với quần thần trong triều.[18]

Dựa trên Năm điều ngự thệ, chính quyền Minh Trị ban hành Chính thể thư[e] để tiến hành cải tổ chính quyền vào tháng 6 năm 1868. Điều 1 xác định bài ngự thệ là cơ sở của quốc sách Nhật Bản và trích dẫn nguyên văn bài ngự thệ.[19] Điều 2 quy định Thái chính quan thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và thành lập Nghị chính quan, một cơ quan nghị sự lưỡng viện. Tuy nhiên, mô hình tổ chức chính quyền mới nhanh chóng bị bãi bỏ do sự phản đối của tầng lớp bảo thủ trong triều.

Năm điều ngự thệ tạo tiền đề thành lập một thể chế đại nghị phương Tây ở Nhật Bản.[20] Một số học giả Nhật Bản cho rằng bài ngự thệ là đầu nguồn của chủ nghĩa tự do ở Nhật Bản.[17] Vào thập niên 1880, Phong trào tự do dân quyền vận động ban hành hiến pháp, thành lập nghị viện dựa trên lời thề "mở ra hội nghị rộng rãi".[21] Năm 1889, Hiến pháp Đế quốc Nhật Bản được ban hành, thành lập Nghị viện Đế quốc như là cơ quan lập pháp của Nhật Bản, có quyền làm luật và phê duyệt ngân sách nhà nước.[22] Tuy nhiên, tầng lớp phiên phiệt tiếp tục chi phối chính quyền cho đến tận thế kỷ 20.

Theo lời thề "cầu trí thức ở thế giới", chính quyền Minh Trị cử Sứ đoàn Iwakura đi Tây du từ năm 1871 đến năm 1873 để nghiên cứu, học tập tri thức, công nghệ của phương Tây. Phái đoàn học nông nghiệp ở Hoa Kỳ, công nghệ kỹ thuật ở Anh và mô hình tổ chức nhà nước, hệ thống pháp luật ở Pháp, Đức và Phổ. Năm 1896, Bộ luật dân sự Nhật Bản được ban hành, phỏng theo Bộ luật dân sự Đức.[23] Quần thần trong triều và thiên hoàng bắt đầu mặc Tây phục thay cho kimono và những y phục truyền thống khác.

Giá trị tinh thần của Năm điều ngự thệ trường tồn qua những biến cố lịch sử của Nhật Bản. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hirohito trích dẫn nguyên văn Năm điều ngự thệ trong Tuyên ngôn nhân gian và gọi bài ngự thệ là nền tảng của quốc sách Nhật Bản;[24][14] bản thân Hirohito coi Năm điều ngự thệ là bằng chứng của sự tồn tại của nền dân chủ vào thời kỳ Minh Trị.[25]

  1. ^ Sanyo (参与 (tham dự) San'yo?): một chức quan trong triều đình
  2. ^ Sangi (参議 (tham nghị) Sangi?): một chức quan trong triều đình
  3. ^ Gitei (議定 (nghị định) Gitei?): một chức quan trong triều đình
  4. ^ Sōsai (総裁 (tổng tài) Sōsai?): một chức quan trong triều đình, tương đương với chức vụ thủ tướng
  5. ^ Seitaisho (政体書 (Chính thể thư) Seitaisho?)

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Keene 2002, tr. 137.
  2. ^ “明治神宮-明治神宮とは-”. www.meijijingu.or.jp. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2025.
  3. ^ Keene 2002, tr. 340.
  4. ^ McLaren 1979, tr. 8.
  5. ^ De Bary & Tiedemann 2005, tr. 672.
  6. ^ Đào 2015, Chương IV.
  7. ^ Akamatsu 1972, tr. 140.
  8. ^ a b Jansen 2000, tr. 338.
  9. ^ Breen 1996, tr. 423.
  10. ^ Breen 1996, tr. 409–412.
  11. ^ Keene 2002, tr. 140.
  12. ^ Jansen & Rozman 1986, tr. 95–96.
  13. ^ Jansen 2000, tr. 342.
  14. ^ a b Jansen 2000, tr. 339.
  15. ^ Jansen & Rozman 1986, tr. 96.
  16. ^ Iwata 2022, tr. 121.
  17. ^ a b Breen 1996, tr. 424.
  18. ^ Breen 1996, tr. 426.
  19. ^ Iwata 2022, tr. 131.
  20. ^ “Charter Oath | Meiji Restoration, Imperialism & Constitutionalism” (bằng tiếng Anh). Britannica. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2025.
  21. ^ Komiya Kazuo (14 tháng 8 năm 2018). “Japan since the Meiji Restoration (2): Mass Media and Democracy in Prewar and Postwar Japan”. The Tokyo Foundation for Policy Research (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2025.
  22. ^ De Bary & Tiedemann 2005, tr. 672–673.
  23. ^ Jansen & Rozman 1986, tr. 20.
  24. ^ De Bary & Tiedemann 2005, tr. 1029.
  25. ^ Dower 2000, tr. 314, 317.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Điều gì làm nên sức mạnh của Alhaitham?
Điều gì làm nên sức mạnh của Alhaitham?
Tạm thời bỏ qua vấn đề DPS của cả đội hình, ta sẽ tập trung vào cơ chế và scaling của bản thân Alhaitham hơn
Mối quan hệ giữa Itadori, Fushiguro, Kugisaki được xây dựng trên việc chia sẻ cùng địa ngục tội lỗi
Mối quan hệ giữa Itadori, Fushiguro, Kugisaki được xây dựng trên việc chia sẻ cùng địa ngục tội lỗi
Akutami Gege-sensei xây dựng nhân vật rất tỉ mỉ, nhất là dàn nhân vật chính với cách lấy thật nhiều trục đối chiếu giữa từng cá thể một với từng sự kiện khác nhau
Hướng dẫn build Kaeya - Genshin Impact
Hướng dẫn build Kaeya - Genshin Impact
Mặc dù Kaeya sở hữu base ATK khá thấp so với mặt bằng chung (223 ở lv 90 - kém khá xa Keqing 323 ở lv 90 hay Qiqi 287 ờ lv 90) nhưng skill 1 của Kaeya có % chặt to
Vì sao phải đổi căn cước công dân thành căn cước?
Vì sao phải đổi căn cước công dân thành căn cước?
Luật Căn cước sẽ có hiệu lực thi hành từ 1.7, thay thế luật Căn cước công dân. Từ thời điểm này, thẻ căn cước công dân (CCCD) cũng chính thức có tên gọi mới là thẻ căn cước (CC)