Nền Kinh tế Mới

Xu hướng tăng trưởng kinh tế (đường màu lục) và lạm phát (đường màu đỏ) ở Hoa Kỳ.

Nền Kinh tế Mới là một hiện tượng kinh tế vĩ mô đặc biệt ở Hoa Kỳ vào nửa sau của thập niên 1990. Trong thời kỳ đó, kinh tế Hoa Kỳ có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp, tuy nhiên tỷ lệ lạm phát cũng ở mức thấp. Lúc đó, đã có một số ý kiến cho rằng chu kỳ kinh tế đã chết.

Hiện tượng kinh tế vĩ mô khác thường

[sửa | sửa mã nguồn]

Giai đoạn 1995-1999 là giai đoạn mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ cao hơn so với trong các giai đoạn trước. Sản lượng kinh tế tăng bình quân hàng năm là 4,9% trong giai đoạn 1995-1999, trong khi chỉ tăng 2,75% trong giai đoạn 1972-1995, 3,14% trong giai đoạn 1913-1972.[1] Theo lý thuyết kinh tế học vĩ mô, khi kinh tế tăng trưởng nhanh hơn (và có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn) thì tỷ lệ lạm phát sẽ cao hơn. Quan hệ này thường được thể hiện bằng Đường cong Phillips. Hiện tượng tỷ lệ thất nghiệp thấp và tỷ lệ lạm phát cũng thấp trong nền kinh tế Hoa Kỳ giai đoạn 1995-1999 đã làm bối rối nhiều nhà kinh tế[2], nhất là khi những số liệu thống kê ban đầu không cho thấy có dấu hiệu nào của sự tăng năng suất lao động.[3] Cái tên "Nền Kinh tế Mới" được dùng để chỉ hiện tượng kinh tế không giống với các thời kỳ trước đó ở Hoa Kỳ (nền kinh tế cũ).

Nguyên nhân

[sửa | sửa mã nguồn]

Những tính toán thống kê về sau đã cho thấy có sự gia tăng mạnh mẽ trong năng suất lao động vào giai đoạn 1995-1999, bình quân 1,25% hàng năm. Giai đoạn 1972-1995, tốc độ tăng năng suất đa nhân tố chỉ có 0,02% mỗi năm.[1] Gordon (2001) cho rằng sự gia tăng năng suất lao động đã làm "phẳng" đường cong Phillips[4], Greenspan (2008) cho rằng sự gia tăng năng suất lao động đã làm tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên (hay tỷ lệ thất nghiệp không làm tăng tốc lạm phát - NAIRU) giảm đi[5] (hay đường Phillips dài hạn bị dịch vào trong) khiến cho dù thất nghiệp thấp thì lạm phát vẫn không tăng. Báo cáo Kinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ tháng 2 năm 2000 giải thích rằng năng suất lao động tăng tạm thời làm giảm NAIRU: "Nếu năng suất tăng nhanh hơn dự tính 1 điểm phần trăm, thì NAIRU ngắn hạn giảm 1,25 điểm phần trăm".[6]

Vì sao năng suất lao động tại Hoa Kỳ lại tăng mạnh trong giai đoạn 1995-1999 được các nhà kinh tế giải thích rằng đó là nhờ tiến bộ về công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Greenspan (2008)[3] đã viết như sau trong hồi ký của mình:

OECD (2001) cho rằng mức đóng góp của đầu tư cho công nghệ thông tin vào tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong giai đoạn 1995-1999 cao hơn bất kỳ nền kinh tế OECD nào khác. Bình quân mỗi năm, đầu tư cho ICT tạo ra 0,9 điểm phần trăm tăng trưởng GDP thực tế.[7] Còn sở dĩ Hoa Kỳ có sự tiến bộ mạnh mẽ về công nghệ trong giai đoạn này là vì tỷ lệ giữa vốn đầu tư mạo hiểm so với GDP ở Hoa Kỳ cao trong giai đoạn 1995-1999 của Hoa Kỳ cao hơn hẳn của châu Âu và Nhật Bản. Xét trong thành phần của tổng vốn đầu tư mạo hiểm, tỷ trọng của công nghệ cao ở Mỹ lên đến hơn 80%, cao hơn so với châu Âu và Nhật Bản.[8]

Bên cạnh năng suất lao động, còn các nhân tố khác có thể góp phần làm giảm lạm phát, đó là:

  • Giá các thiết bị công nghệ thông tin ngày càng giảm giúp giảm chi phí cho một đơn vị sản lượng tại các doanh nghiệp khiến họ có cơ hội giảm giá sản phẩm để cạnh tranh.[9] Tuy nhiên, Greenspan (2008) cho rằng ngay cả sự giảm giá của các thiết bị công nghệ thông tin phản ánh xu hướng tăng năng suất; sụt giảm đặc biệt nhanh trong giai đoạn bùng nổ phát minh.[10]
  • Toàn cầu hóa, đặc biệt là việc thành lập NAFTA vào năm 1994 làm giảm các loại chi phí "gây ra tác động giảm lạm phát rõ rệt".[6][11][12]
  • Chính sách tài chính khắc khổ nhằm giảm thâm hụt ngân sách của chính quyền Bill Clinton đã làm giảm lãi suất dài hạn, tăng mức độ thanh khoản của các ngân hàng Hoa Kỳ, qua đó làm giảm lạm phát mà không làm tăng thất nghiệp.[12]
  • Chính sách tiền tệ nới lỏng dù có góp phần làm tỷ lệ lạm phát tăng 3 điểm phần trăm, nhưng lại làm tỷ lệ thất nghiệp giảm 2 điểm phần trăm.[12]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Gordon (2001), Bảng 1.
  2. ^ Lawrence Summers diễn đạt sự bối rối này bằng cụm từ "paradigm uncertainty" trong Business Week, "The Economy: A Higher Safe Speed Limit," ngày 10 tháng 4 năm 2000, p. 242. Dẫn lại từ Gordon (2001) trang 1.
  3. ^ a b Greenspan (2008), trang 211-212.
  4. ^ Gordon (2001), trang 2.
  5. ^ Greenspan (2008), trang 216.
  6. ^ a b Council of Economic Advisers (2000), trang 90-92.
  7. ^ OECD (2001), tr. 20.
  8. ^ OECD (2001), tr. 77.
  9. ^ Anderson (2006).
  10. ^ Greenspan (2008), trang 565.
  11. ^ Greenspan (2008), trang 285.
  12. ^ a b c Karanassou et al (2007), trang 20-23.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. Anderson, Richard G. (2006), "The New Economy: How the United States is Adapting to the Knowledge-Based Economy of the Twenty-First Century," paper prepared for the Southern Illinois Economic Development Conference, September 21.
  2. Council of Economic Advisers (2000), Economic Report of the President Lưu trữ 2009-01-14 tại Wayback Machine, February.
  3. Gordon, Robert J. (2001), "Does the "New Economy" Measure up to the Great Inventions of the Past?" NBER Working Paper No. 7833, August.
  4. Greenspan, Alan (2008), Kỷ nguyên hỗn loạn: Những cuộc khám phá trong thế giới mới, Nguyễn Hồng Quang và những người khác dịch, Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12.
  5. Karanassou M., Sala H. and Snower D. (2007), "The Evolution of Inflation and Unemployment: Explaining the Roaring Nineties Lưu trữ 2008-04-10 tại Wayback Machine," Kiel Working Paper No. 1350, Kiel Institute for the World Economy, Kiel.
  6. OECD (2001), The New Economy Beyond the Hype.
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Tân ngữ trực tiếp và tân ngữ gián tiếp trong tiếng Anh
Tân ngữ trực tiếp và tân ngữ gián tiếp trong tiếng Anh
Tìm hiểu cách phân biệt tân ngữ trực tiếp và tân ngữ gián tiếp chi tiết nhất
Amanomahitotsu - thợ rèn đại tài của Ainz Ooal Gown
Amanomahitotsu - thợ rèn đại tài của Ainz Ooal Gown
Trong số đó người giữ vai trò như thợ rèn chính, người sỡ hữu kỹ năng chế tác cao nhất của guild chính là Amanomahitotsu
Evil Does Not Exist: ở nơi đâu cái ác không tồn tại?
Evil Does Not Exist: ở nơi đâu cái ác không tồn tại?
Lòng tốt có tồn tại, tình yêu có tồn tại, lòng vị tha có tồn tại, nhưng cái ác lại không tồn tại.
Nhân vật Kei Karuizawa - Classroom of the Elite
Nhân vật Kei Karuizawa - Classroom of the Elite
Đến cuối cùng, kể cả khi mình đã nhập học ở ngôi trường này. Vẫn không có gì thay đổi cả. Không, có lẽ là vì ngay từ ban đầu mình đã không có ý định thay đổi bất kì điều gì rồi. Mọi chuyện vẫn giống như ngày trước, bất kể mọi chuyện. Lý do thì cũng đơn giản thôi. ... Bởi vì, bản thân mình muốn thế.