Phạm Cao Củng | |
---|---|
Sinh | Phạm Cao Củng 1913 Nam Định, Liên bang Đông Dương |
Mất | Florida, Hoa Kỳ | 17 tháng 12, 2012
Bút danh | Văn Tuyền, Trần Lang, Phương Trì, Phạm Cao Củng, Phạm Thị Cả Mốc, Án Cao |
Nghề nghiệp | Viết truyện |
Quốc tịch | Việt Nam Hoa Kỳ |
Dân tộc | Người Việt |
Tư cách công dân | Việt Nam Người Mỹ gốc Việt |
Giáo dục | Chưa rõ |
Alma mater | Chưa rõ |
Giai đoạn sáng tác | 1936–1951 |
Thể loại | Văn học trinh thám |
Chủ đề | Trinh thám |
Trào lưu | Trinh thám |
Tác phẩm nổi bật | Trong bài |
Giải thưởng nổi bật | Chưa rõ |
Phối ngẫu | 3 |
Bạn đời | Chưa rõ |
Con cái | Chưa rõ cụ thể |
Người thân | Chưa rõ |
Ảnh hưởng bởi
| |
Ảnh hưởng tới
|
Phạm Cao Củng (1913–2012) là nhà văn chuyên viết truyện trinh thám, nổi tiếng trước năm 1945.[1] Ông được xem là "Vua truyện trinh thám Việt Nam" và cũng được coi là người viết truyện trinh thám đầu tiên của Việt Nam.[2][3] Giới văn học xem ông là tác giả đầu tiên đã cắm cột mốc cho thể loại tiểu thuyết trinh thám Việt Nam,[4][5] mở đầu cho sự phát triển của thể loại này ở những giai đoạn kế tiếp.[6]
Phạm Cao Củng sinh năm 1913 tại Nam Định[7] (có tài liệu ghi ông sinh năm 1912 và là người Thái Bình).[2]
Ông là con trai út trong một gia đình nhà Nho ở Nam Định.[8] Cha của ông là Cụ Kép Phạm Cao Bạt, em vợ của Trần Tế Xương, nhà thơ trào lộng nổi tiếng Thành Nam.[7]
Ông không học hành gì nhiều, chỉ học hết 4 năm Thành Chung rồi vào nội trú Trường Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng được một năm đã bỏ học ra đời kiếm sống.[8]
Năm 1931 Phạm Cao Củng cùng người bạn đồng môn Lê Tràng Kiều phối hợp in tập truyện ngắn đầu tay "Hang gió".[9]
Ông khởi nghiệp sự nghiệp của mình bằng cách viết truyện trinh thám, kiếm hiệp, mạo hiểm kỳ tình,... cho Nhà xuất bản Mai Lĩnh (Hải Phòng) với các bút danh Văn Tuyền, Trần Lang, Phương Trì và cho các báo Loa, Phong Hóa, Ngày Nay,... ký tên là Phạm Cao Củng, Phạm Thị Cả Mốc, Án Cao,...[6] Ông cũng được xem là nhà văn viết sách series đầu tiên ở Việt Nam.[7]
Năm 1936, khi học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, Phạm Cao Củng cho in truyện Vết tay trên trần, khoảng 100 trang. Có thể coi đây là cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của văn học hiện đại.[7]
Ông cũng có thời gian làm công an, phản gián tình báo cho Việt Minh. Do nghề viết văn, viết báo và chuyên về thể loại trinh thám nên ông đã được ngành công an non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày ấy mời làm chuyên viên, giảng viên cho ngành. Đây cũng là những tháng năm buồn vui, thăng trầm hết sức bất ngờ với ông.[8]
Không chỉ viết truyện trinh thám, Phạm Cao Củng còn viết tiểu thuyết kiếm hiệp và mạo hiểm kỳ tình. Nhà văn đã từng dịch truyện kiếm hiệp Tàu.[10] Ông thích viết những đề tài "đặc biệt khác lạ".[8]
Năm 1954, ông di cư vào Sài Gòn.[7] Trong thời gian đầu, ông cộng tác với báo Bé ngôn bé luận, rồi báo Chính luận. Sau đó ông chuyển sang chăn nuôi gà và chim cút ở quận Gò Vấp. Ông còn mở và làm việc chung với con gái và con rể ở một tiệm chụp hình trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Sài Gòn.[2]
Năm 1974, Phạm Cao Củng sang Hoa Kỳ chơi với gia đình một người con gái, là con của người vợ thứ hai của ông.[11]
Năm 1975, ông bị kẹt không về nước được, sau này ông đã có về Việt Nam mấy lần, lần cuối cùng ông về nước là năm 2004.[2]
Nhà văn Phạm Cao Củng mất ngày 17 tháng 12 năm 2012, tại Florida, hưởng thọ 100 tuổi.[6]
Ông có ba người vợ. Người vợ đầu tiên là con gái đầu lòng một gia đình dòng dõi khoa bảng họ Phạm ở làng Vẽ, tức làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Bà cũng làm báo Học Sinh với ông, lấy bút hiệu là Trường Nga. Bà mất năm 1946.[12] Không có nhiều thông tin về người vợ thứ hai của nhà văn, chỉ biết bà là người Hà Đông, trước đây từng bán vải ở chợ Hà Đông. Cả hai bà cùng sống rất hoà thuận, không hề cãi cọ nhau.[2] Người vợ thứ ba của ông là một người thông thạo tiếng Pháp. Bà đã chung lưng đấu cật cùng ông làm báo, ra sách và bầu bạn với ông trong những năm xa quê hương. Bà cũng đã mất trước ông tại Mỹ.[12]
Nhà nghiên cứu, dịch giả Giáo sư Phạm Tú Châu là cháu gái ruột của nhà văn Phạm Cao Củng.[13]
Năm 1940, nhạc sĩ Đặng Thế Phong từng sáng tác ca khúc Gắng bước lên chùa với phần lời (thơ) của Phạm Cao Củng [7].