Cờ ngũ hành (Hán văn : 五行旗) tức là 5 lá cờ tượng trưng cho các hành trong thế giới quan Đạo giáo (道教), căn bản gồm : Lục (Mộc), đỏ/hồng/tím (Hỏa), vàng (Thổ), trắng/cam (Kim), lam/đen (Thủy).
Hiện chưa rõ cờ ngũ hành xuất hiện tại Việt Nam từ khi nào (theo tư liệu Hán ngữ, loại cờ này xuất hiện tại Trung Quốc vào giai đoạn giao thoa Nguyên – Minh và có liên hệ tới Minh giáo), nhưng điều chắc chắn là chúng được sử dụng trong các sự kiện tế lễ (không kể tính chất) và thường dẫn đầu đoàn rước. Hình dạng thường là khổ vuông (đại kỳ) hoặc tam giác vuông (tiểu kỳ), gồm : Nền cờ (ứng với mỗi hành), diềm cờ (ứng với hành đối lập), viền cờ (màu đen hoặc ứng với hành đối lập của hành-đối-lập, có tua rua).
Các tư liệu thời Nguyễn và của người Pháp căn bản đều phản ánh nhất quán về thể thức ; sang đến hậu kỳ hiện đại thì do mai một sự am tường, thành ra có sự hỗn loạn trong cách thiết kế, nên nhiều người gọi chung chung là cờ ngũ sắc hoặc cờ truyền thống hoặc cờ lễ hội, thậm chí một vài người cho đó là quốc kỳ Việt Nam thời Hùng Vương dựng nước. Song tất cả đều không chính xác !