Đatanla hay Datanla là thác ở thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam.[1][2][3]
Thác nằm trong khu du lịch Đatanla, cách thác Prenn 8 km và thành phố Đà Lạt 10 km và là điểm tham quan, phiêu lưu mạo hiểm.
Tên gọi "Đatanla" hay "Đatania" theo tiếng K'Ho ghép lại từ "Đạh-Tam-N'ha" có nghĩa là "dưới lá có nước", và có liên quan đến cuộc xung đột Chăm - Lạch - Chil hồi thế kỷ XV - XVII.
Nhiều văn liệu khi sao chép tên đã viết nhầm thành "Thác Dalanta".[4][5]
Thác Datanla có lượng nước dồi dào do thượng nguồn là nguồn nước ổn định. Thác Datanla không ồn ào do chảy qua nhiều thềm đá. Thác đổ từ ghềnh cao 20m, nước suối phần dưới tạo thành khu vực nước rất trong nên gọi là Suối Tiên, phần sâu hun hút phía trên có một vực sâu gọi là Vực Tử Thần. Theo truyền thuyết, do thác có vực sâu nằm lọt thỏm giữa một vùng đồi núi nên đã từng là nơi lánh nạn của một cánh quân của người dân tộc bản địa trong các cuộc chiến tranh với người Chăm từ cách đây hàng trăm năm trở về trước. Nhờ có ngọn thác này nên một cánh quân đã trụ lại và bảo toàn được lực lượng.
Hệ thống máng trượt tại Đatanla được xem là máng trượt duy nhất của Đà Lạt. Máng có chiều dài 1.000m uốn lượn quanh các sườn núi, có hệ thống phanh cảm biến để hãm bớt tốc độ của những xe đi quá nhanh nhằm giữ khoảng cách an toàn giữa các xe. Trượt trên máng ống là những chiếc xe đôi dành cho 2 người, có tay phanh để điều chỉnh tốc độ theo ý muốn. Tốc độ trung bình là 10–20 km, tốc độ nhanh là 40 km. Trước đây muốn xuống thác Datanla phải vất vả vượt qua hàng trăm mét đường dốc thẳng đứng và chỉ có cách duy nhất là đi bộ với thời gian từ 10- 15 phút, nay có thể lên hoặc xuống thác rất nhanh từ 1,5- 2 phút.
xxxxnhỏ|Hệ thống leo dây mạo hiểm]] Leo dây mạo hiểm là môn thể thao mới khai trương tại thác nhằm khám phá và thử sức can đảm tại hang Tử Thần.
Ngày 26.2.2016, 3 người quốc tịch Anh gồm 2 nữ và 1 nam, tử thương khi tham gia trò chơi mạo hiểm đu dây vượt thác do Công ty TNHH Đam Mê Đà Lạt tổ chức. Theo ông Võ Anh Tần, phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng (Dalat Tourist), quản lý khu du lịch Datanla, Công ty Đam Mê, không sử dụng thiết bị an toàn do công ty ông cung cấp mà dẫn khách "đi lậu" để vào khu chơi trò chơi mạo hiểm.[6] Nước ở khu vực này chảy qua nhiều tảng đá gập ghềnh tạo ra những vực sâu cả chục mét. Nếu không thông thạo địa hình, người trượt thác rất dễ bị cuốn vào các hố sâu, nước chảy xiết, dẫn đến mất mạng. Cũng tại khu vực này, vào ngày 25-3-2010, một nhóm 8 sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt trong lúc đến tổ chức vui chơi dã ngoại đã gặp nạn khiến 2 người thiệt mạng do trượt chân rơi xuống thác sâu.[7]