Thép đã tôi thế đấy!

Thép đã tôi thế đấy !
Як гартувалася сталь !
Как закалялась сталь !
Thông tin sách
Tác giảNikolai A.Ostrovsky
Quốc gia Liên Xô
Ngôn ngữTiếng Ukraina
Tiếng Nga
Bộ sách1
Thể loạiTiểu thuyết
Nhà xuất bảnNhà xuất bản Cầu Vồng, Moskva
Ngày phát hành1936
Kiểu sáchIn (bìa cứng)
Bản tiếng Việt
Người dịchThép Mới

Thép đã tôi thế đấy! (tiếng Ukraina: Як гартувалася сталь !, tiếng Nga: Как закалялась сталь !, Kak zakalyalasy staly) là một tiểu thuyết của nhà văn Nikolai Alekseyevich Ostrovsky.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Pavel Korchagin là nhân vật chính của tác phẩm. Ostrovsky đã xây dựng thành công nhân vật này (chính là hóa thân của tác giả), khiến cho nhiều độc giả yêu quý nhân vật Pavel và phương châm sống của Pavel cũng đã trở thành phương châm sống của nhiều thanh niên thế hệ Pavel: Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.... Ngày nay, khi đọc tác phẩm theo quan điểm rộng hơn, nhiều người cho rằng, cuộc đấu tranh giải phóng nhân loại còn là cuộc đấu tranh với bóc lột, đói nghèo và bệnh tật, với dốt nát và vô chính phủ, với áp bức và bất công, với chiến tranh và xung đột... Cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và in ra ở hơn 80 nước.

Nội dung

[sửa | sửa mã nguồn]

Pavel Korchagin (thường được gọi là Pavlusha, Pavka) là một thanh niên lớn lên trong khi điều kiện đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Cũng như bao thanh niên Liên Xô khác, anh cũng có người bạn gái chơi thân, cô tên là Tonya và sau này trở thành người yêu. Tonya là một cô gái xinh xắn, yêu Pavel với tất cả tình cảm ban đầu trong trắng ngây thơ của một thiếu nữ mới lớn. Tình cảm của hai người có lẽ sẽ rất đẹp và trọn vẹn nếu như không có chuyện Pavel đi theo tiếng gọi của lý tưởng giai cấp lúc đó, lý tưởng muốn cống hiến sức trẻ của mình phục vụ cho Tổ quốc, cho cách mạng, theo tiếng gọi của Đảng Cộng sản. Anh trai Pavel cũng theo con đường này. Tonya rất yêu Pavel nhưng không thể đợi anh và theo anh, không dám yêu một lý tưởng. Nhà Tonya lại thuộc giai cấp tư sản. Pavel nói: "Anh trước hết là người của Đảng - sau đó mới là người của em và những người thân khác. Em có gan yêu một công nhân, nhưng lại không có gan yêu một lý tưởng".

Pavel đã chia tay Tonya mà theo lý tưởng mình đã xác định. Anh hăng hái, hồ hởi cống hiến sức trẻ thanh niên của mình cho những công việc phục vụ cho nhân dân, cho Tổ quốc. Trong thời gian xây dựng con đường sắt nhỏ nối khu rừng với thành phố, tình cờ Pavel đã gặp lại Tonya. Công việc ở đây rất cực nhọc, ngày đêm chịu đói rét, gian khổ để gấp rút hoàn thành cho kỳ được con đường sắt cho kịp trước khi mùa đông tới. Nếu không kịp thì tất cả mọi người trong thành phố này sẽ chết cóng vì không đủ gỗ để sưởi ấm. Do vậy, Tonya đã suýt không nhận ra anh vì trông anh đã hoàn toàn khác, rách rưới, tím tái vì giá lạnh, gầy gò như một người ăn xin và đang xúc tuyết, tuy có đôi mắt thì vẫn là Pavlusha ngày nào. Tuy nhiên, cô đã không dám bắt tay anh khi anh đưa tay ra và anh hiểu rằng, tình cảm cũ giữa hai người vĩnh viễn không còn nữa. Cô giờ đây đã có chồng và "sặc mùi băng phiến".

Sau này, trong quá trình lao động và sinh hoạt trong tổ chức Đảng, Pavel đã gặp Rita và được cô quý mến. Nhưng tình cảm giữa hai người chỉ giữ ở tình đồng chí... Về sau, có lúc Pavel bị bệnh sốt thương hàn và bị bại liệt, vôi hóa cột sống, phải ngồi xe lăn, có một y tá chăm sóc và động viên, dồn hết tình thương cho anh. Anh cảm thấy mình không được quyền lùi bước trước khó khăn, tin tưởng vào tình yêu mới và chuyển sang viết sách vẫn với ngọn lửa và chất thép đã được tôi luyện ngày nào.

Nhân vật

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Pavel Korchagin
  • Artem Korchagin - Anh của Pavel
  • Mẹ Pavel
  • Tonya Tumanova
  • Cố đạo Vasily
  • Chính ủy Rita Ustynovich
  • Sergei Bruzzhak
  • Viktor Leczinsky
  • Nelly Leczinsky
  • Valya Bruzzhak
  • Dolinnik - Chủ tịch Ủy ban Quân sự Cách mạng
  • Lính thủy Zhukhrai
  • Ivan Zharky
  • Cụ Tokarev
  • Nikolai Okunev
  • Franz Klavíček
  • Frosya
  • Bồi bàn Prokhoska
  • Klimka
  • Dubava
  • Pankratov
  • Svetayev
  • Talya Lagutin
  • Akim
  • Shchyosha - vợ Artem
  • Anna Borhart

Ảnh hưởng

[sửa | sửa mã nguồn]

Yury Belychenko - nhà văn Nga, đã viết: "... Ngày nay, đọc lại "Thép đã tôi thế đấy", tôi càng thấy rõ hơn bao giờ hết: đó là một cuốn sách độc nhất vô nhị và đầy sức thuyết phục. Trong tất cả những điều mà ngày hôm nay một số người thì đe dọa chúng ta, còn số khác thì tỏ ra khâm phục cuộc đấu tranh giai cấp, nội chiến và đặc biệt là khâm phục sự lao động vô cùng cực nhọc nhưng tự nguyện của tác giả. Bị vôi hóa cột sống, bị bại liệt cả hai chân, bị hẳn vì vết thương, cuộc sống vật chất quá thiếu thốn sau nội chiến, thế mà ông vẫn đêm ngày làm việc bằng hết cả phần cuộc đời còn lại của mình...".

Phần đầu Thép đã tôi thế đấy! được đăng trên tạp chí Molodaya Gvardiya vào năm 1932. Phần thứ hai cũng trong tạp chí này từ tháng Giêng đến tháng 5, năm 1934. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản thành sách vào năm 1936 sau khi đã chỉnh sửa lại nhiều lần để phù hợp với các quy tắc của chủ nghĩa hiện thực xã hội. Trong ấn bản tiếp theo Ostrovsky đã mô tả không khí căng thẳng của nhà Pavel, sự đau khổ khi ông trở thành một người tàn tật, sự rạn nứt trong mối quan hệ của ông với người vợ, sau đó họ đã ly dị. Tất cả điều này đã không xuất hiện trong ấn phẩm năm 1936 và trong các ấn bản sau đó của cuốn tiểu thuyết.[2] Một bản dịch tiếng Nhật của cuốn tiểu thuyết đã được thực hiện bởi Ryokichi Sugimoto, người đã bị kết án tử hình với tội "gián điệp" sau khi vượt biên trái phép qua biên giới Liên Xô cùng với vợ - nữ diễn viên nổi tiếng Yoshiko Okada, với hy vọng gặp được Vsevolod Meyerhold và tham gia hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa xã hội.

Tại Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong cuốn Mãi mãi tuổi hai mươi, Nguyễn Văn Thạc đã viết: "Pavel là một người chân chính, một Đảng viên chân chính. Dĩ nhiên rồi, đó phải là con người của giai cấp, suốt đời trung thành với Đảng, và cống hiến cả đời mình cho cách mạng. Mà mình, dường như vẫn còn nhỏ lắm, trẻ con lắm, chưa là người lớn đâu. Mình còn cá nhân lắm, nhỏ nhen và ti tiện. So bì thiệt hơn, đòi hỏi bao nhiêu thứ. Cuộc sống của mình không bằng 1% cuộc sống của Pavel... Đừng lười nữa. Sống say mê và dồn ép lại, đừng để những tháng ngày trôi qua vô vị nữa... Cuộc sống của Pavel là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của 1 chiến sĩ hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng..."

Trong cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Đặng Thùy Trâm đã viết đại ý rằng trên mảnh đất miền Nam hầu như không lúc nào ngưng tiếng súng nổ này, 100% các gia đình đều có tang tóc, chết chóc đau thương đè nặng lên mỗi người dân. Vậy mà, ở giữa cái nơi sự "gian nan, chết chóc, hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm" ấy, có những người lính như chị nằm dưới công sự nghe giặc đào ở trên mà vẫn kể cho nhau nghe chuyện về anh chàng Pavel Corsaghin trong "Thép đã tôi thế đấy".

Chuyển thể

[sửa | sửa mã nguồn]

Tại Liên Xô, ba bộ phim được sản xuất dựa trên cuốn tiểu thuyết này:

  • Thép đã tôi thế đấy! 1942
  • Pavel Korchagin, 1956 (Korchagin được đóng bởi Vasily Lanovoy)
  • Thép đã tôi thế đấy!, 1975 (phim truyền hình 6 tập; Korchagin được đóng bởi Vladimir Alekseyevich Konkin)

Tại Trung Quốc, cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể thành một bộ phim truyền hình cùng tên vào năm 2000; tất cả các diễn viên đều đến từ Ukraine.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Tổng Bí thư-Chủ tịch nước dẫn "Thép đã tôi thế đấy" tâm sự với cán bộ nòng cốt
  2. ^ Một lịch sử của văn học Xô Viết, PGS 43-44, Vera Alexandrova, Doubleday, 1963.

Tài liệu

[sửa | sửa mã nguồn]

Tư liệu

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan