Thể dục dụng cụ là môn thể thao liên quan đến thực hiện các bài tập đòi hỏi thể lực, tính linh hoạt, nhanh nhẹn, sự phối hợp, cân bằng, uyển chuyển và niềm đam mê thể thao. Trên thế giới, tất cả các môn thể thao thể dục dụng cụ đều được Liên đoàn Thể dục dụng cụ Quốc tế (Fédération Internationale de Gymnastique, viết tắt FIG) quản lý, mỗi quốc gia đều có cơ quan quản lý quốc gia trực thuộc Liên đoàn. Thể dục dụng cụ nghệ thuật là bộ môn nổi tiếng nhất của thể dục dụng cụ, gồm các hạng mục thi đấu như: xà đơn, xà kép, xà lệch, cầu thăng bằng, nhảy cầu, nhảy ngựa tay quay, vòng treo... Thể dục dụng cụ phát triển từ các bài tập mà người Hy Lạp cổ đại đã dùng, bao gồm kỹ năng gleo lẫn xuống ngựa và từ kỹ năng biểu diễn xiếc.
Các môn thể dục dụng cụ khác gồm thể dục nhịp điệu, nhún, nhào lộn trên bạt lò xo và thể dục tự do.
Những người tham gia có thể gồm trẻ em nhỏ từ năm tuổi với các bài thể dục trẻ em. Những vận động viên tham gia thi đấu cạnh tranh ở các cấp độ kĩ năng khác nhau, bao gồm cạnh tranh giữa các vận động viên đẳng cấp thế giới.
Thể dục dụng cụ có từ thời cổ đại. Đất nước Hy Lạp cổ đại chính là nơi khai sinh ra môn thể thao này, với những hình thái đầu tiên như nhào lộn hay nâng trọng lượng…Tuy nhiên phải đến năm 1700, khi Friedrich Ludwig Jahn – một vị thầy giáo người Đức đưa môn thể thao này phát triển trong các trường học với những nội dung như xà đơn, xà kép, xà lệch hay nhảy cầu, thì một thời đại mới của thể dục dụng cụ mới chính thức bắt đầu.
Trải qua hàng trăm năm, môn thể thao này vẫn tồn tại bền bỉ và phát triển mạnh mẽ. Ở nhiều nước phương Tây, thể dục dụng cụ là môn thể thao phổ biến tại các trường học. Thậm chí, những đứa trẻ khi mới 3 tuổi đã được bố mẹ cho theo học môn thể thao này.
Đó là bởi thể dục dụng cụ là môn thể thao rất phù hợp để rèn luyện thể lực, sự dẻo dai, uyển chuyển cũng như phản ứng nhanh nhạy cho trẻ em. Để trở thành 1 vận động viên thể dục dụng cụ thành công, đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ và một niềm đam mê thực sự với thể thao. Bộ môn cũng cần phải được hướng dẫn bởi 1 huấn luyện viên chuyên nghiệp. Nếu không luyện tập đúng cách, rất có thể người tập sẽ gặp phải những chấn thương nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của các vận động viên.
Tại các kỳ Thế vận hội, tiêu chuẩn để đánh giá một bài thi thành công thường rất gắt gao. Không chỉ đúng kỹ thuật, động tác thực hiện còn cần đẹp mắt và có độ khó cao. Chính vì vậy, giành được huy chương tại các kỳ Olympic luôn là một mục tiêu rất khó chinh phục của các vận động viên.