Thalassoma hardwicke

Thalassoma hardwicke
Cá đực
Cá cái
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Labriformes
Họ (familia)Labridae
Chi (genus)Thalassoma
Loài (species)T. hardwicke
Danh pháp hai phần
Thalassoma hardwicke
(Bennett, 1830)
Danh pháp đồng nghĩa
  • Sparus hardwicke Bennett, 1830
  • Julis schwanenfeldii Bleeker, 1853

Thalassoma hardwicke là một loài cá biển thuộc chi Thalassoma trong họ Cá bàng chài. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1830.

Từ nguyên

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ định danh của loài này, hardwicke, được đặt theo tên của nhà tự nhiên học Thomas Hardwicke, người sẵn lòng giúp đỡ tác giả Bennett trong công việc[2].

Phạm vi phân bố và môi trường sống

[sửa | sửa mã nguồn]

T. hardwicke có phạm vi phân bố rộng rãi trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ bờ biển Yemen, loài này được ghi nhận dọc theo bờ biển Đông Phi trải dài đến Nam Phi, bao gồm Madagascar và các đảo quốc, quần đảo xung quanh; từ bờ biển Nam Ấn ĐộSri Lanka, trải dài về phía nam đến Chagos, đảo Giáng Sinhquần đảo Cocos (Keeling), xa hơn nữa là đến bờ biển bang Tây Úc (bao gồm các rạn san hô vòngbãi cạn ngoài khơi); từ biển Andaman, T. hardwicke xuất hiện trên khắp vùng biển các nước Đông Nam Á, ngược lên phía bắc đến đảo Đài Loan và vùng biển Nam Nhật Bản, về phía nam trải dài đến rạn san hô Great Barrier và bờ biển Đông Úc; ở phía đông, T. hardwicke được ghi nhận tại nhiều đảo quốcquần đảo thuộc châu Đại Dương (ngoại trừ quần đảo Hawaii)[1][3].

T. hardwicke sống gần các rạn san hô viền bờ và trong các đầm phá ở độ sâu đến ít nhất là 15 m[1].

T. hardwicke có chiều dài cơ thể tối đa được ghi nhận là 20 cm[3]. Như những loài Thalassoma khác, T. hardwicke là một loài lưỡng tính tiền nữ (protogynous hermaphrodite), nghĩa là tất cả cá con đều phải trải qua giai đoạn trung gian là cá cái trước khi biến đổi hoàn toàn thành cá đực.

T. hardwicke đực

Cá cái có màu xanh lục nhạt với sáu dải đốm đen (pha lẫn màu đỏ) hình nêm thuôn dài (ngắn dần về phía đuôi); cá con có thêm các đốm đen ở phía trước và giữa vây lưng. Cá đực có màu sắc sặc sỡ hơn, và sáu dải đốm hình nêm có màu đen thuần. Cơ thể có màu xanh lục lam (màu lục nhiều hơn ở phần thân trên, tương tự đối với màu xanh lam ở thân dưới và bụng) và các vệt màu hồng sẫm bao quanh mắt; một dải màu hồng nhạt hơn dọc theo chiều dài cơ thể (hiện rõ hơn ở thân sau). Phần thân trên của cá đực có thể có các dải màu vàng tươi (có lẽ là trong mùa sinh sản)[4][5].

Trong quá trình tán tỉnh, những con đực trưởng thành xuất hiện một đốm đen ở giữa vây đuôi (đốm đen này không có ở những con cá cái)[1].

Số gai ở vây lưng: 8; Số tia vây ở vây lưng: 13; Số gai ở vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 11; Số tia vây ở vây ngực: 16[4].

Sinh thái và hành vi

[sửa | sửa mã nguồn]

Thức ăn của T. hardwicke là các loài sinh vật phù duđộng vật giáp xác nhỏ, ngoài ra còn có cả trùng lỗ, cá bột và trứng của những loài khác[3]. Sinh sản theo nhóm lớn ở T. hardwicke đã được quan sát tại rạn san hô Great Barrier[1].

Trong một khảo sát, người ta nhận thấy sự xuất hiện của Thalassoma quinquevittatum có thể đe đọa đến sự sống của T. hardwicke. Cả hai loài này đều có cùng phạm vi phân bố và là những loài cạnh tranh với nhau. Tỉ lệ sống sót của T. hardwicke cao hơn gấp 2,3 lần ở những khu vực không có T. quinquevittatum so với những khu vực có sự xuất hiện của T. quinquevittatum[6].

Nghiền thức ăn bằng đá

[sửa | sửa mã nguồn]

T. hardwicke được ghi nhận là có hành vi sử dụng đá làm đe để nghiền thức ăn trong miệng của nó. Một cá thể T. hardwicke được nuôi trong bể cá và được cho ăn thức ăn dạng viên, nhưng những viên thức ăn này quá to để nó có thể nuốt và cắn nát chỉ với bộ hàm của mình[7].

Sau vài giây cố gắng nghiền nát viên thức ăn đó nhưng không được, cá thể T. hardwicke này đã bơi đến một mỏm đá và đập liên tục viên thức ăn mà nó đang ngậm trong miệng vào một bề mặt đá lởm chởm[7]. Cú đập được thực hiện bởi việc di chuyển ngang của đầu và cơ thể, đầu đôi khi hướng xuống hoặc hướng lên. Những viên thức ăn rơi ra khỏi miệng được T. hardwicke gom lại và đập đến khi những viên này vừa đủ nhỏ để T. hardwicke có thể nuốt chúng[7].

Thương mại

[sửa | sửa mã nguồn]

T. hardwicke được xem là một loài cá cảnh ở nhiều nơi trong phạm vi của chúng[1].

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d e f Shea, S.; Liu, M.; Sadovy, Y. (2010). Thalassoma hardwicke. Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa. 2010: e.T187559A8567864. doi:10.2305/IUCN.UK.2010-4.RLTS.T187559A8567864.en. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021.
  2. ^ C. Scharpf; K. J. Lazara (2020). “Order LABRIFORMES: Family LABRIDAE (i-x)”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2021.
  3. ^ a b c Froese Rainer, và Daniel Pauly (chủ biên) (2019). Thalassoma hardwicke trong FishBase. Phiên bản tháng 2 2019.
  4. ^ a b John E. Randall; Gerald R. Allen; Roger C. Steene (1997). The Fishes of the Great Barrier Reef and Coral Sea. Nhà xuất bản Đại học Hawaii. tr. 337. ISBN 978-0824818951.
  5. ^ Thalassoma hardwicke Labridae”. Reef Life Survey. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2021.
  6. ^ Shane W. Geange (2010). “Effects of larger heterospecifics and structural refuge on the survival of a coral reef fish, Thalassoma hardwicke (PDF). Marine Ecology Progress Series. 407: 197–207.
  7. ^ a b c Paśko, sđd, tr.770

Trích dẫn

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan