Thuế xuất nhập khẩu (chữ Nôm: 稅出入口) hay thuế quan (稅關) là tên gọi chung để gọi hai loại thuế trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Đó là thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu. Thuế nhập khẩu là thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu, còn thuế xuất khẩu là thuế đánh vào hàng hóa xuất khẩu. Hiện nay, thuế quan là một trong những công cụ bảo hộ thương mại được sử dụng rộng rãi nhất, bên cạnh hạn ngạch xuất nhập khẩu.
Trong thời cổ đại và trung cổ, thuế xuất-nhập khẩu còn được các chính quyền địa phương thu, nhưng hiện nay điều này là rất hiếm và thông thường nó được nhà nước giao cho một tổ chức nhà nước chuyên trách về thuế xuất-nhập khẩu là hải quan thực hiện công việc kiểm tra, tính và thu thuế. Về mặt nguyên tắc, thuế xuất nhập khẩu phải được nộp trước khi thông quan để người xuất khẩu có thể giao hàng hóa cho người chuyên chở hay người nhập khẩu có thể đưa mặt hàng nhập khẩu vào lưu thông trong nội địa, trừ khi có các chính sách ân hạn thuế hay có bảo lãnh nộp thuế, nên chúng có thể coi là một trong những loại thuế dễ thu nhất, và chi phí để thu thuế xuất-nhập khẩu là khá nhỏ.
Trong thời đại ngày nay, các chính sách về thương mại, thuế và thuế quan thường được xếp cùng nhau do ảnh hưởng chung của chúng đối với các chính sách công nghiệp, chính sách nông nghiệp và chính sách đầu tư. Các khối thương mại là nhóm các quốc gia liên minh thỏa thuận giảm thiểu hay loại trừ thuế quan đối với thương mại trong khối, cũng như khả năng áp đặt thuế quan có hiệu quả lên hàng nhập khẩu từ ngoài khối hay hàng xuất khẩu ra ngoài khối. Liên minh hải quan của khối thường có biểu thuế quan ngoài chung, và theo các quy định đã thỏa thuận thì các quốc gia thành viên chia sẻ các khoản thu nhập từ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào trong khối.
Buôn lậu trong lĩnh vực thương mại quốc tế là hành vi mà một số tổ chức, cá nhân thực hiện trái luật để trốn thuế xuất-nhập khẩu.
Thuế nhập khẩu có thể được dùng như công cụ bảo hộ mậu dịch:
Thuế xuất khẩu có thể được dùng để:
Thuế xuất nhập khẩu có thể được dùng để tăng thu ngân sách cho nhà nước.
Tùy từng nhu cầu mà một hay vài mục đích nói trên được đề cao. Khi bị xác định là có mục đích bảo hộ mậu dịch, thuế nhập khẩu có thể trở thành đối tượng bị nước ngoài đòi cắt giảm.
Khi đánh thuế nhập khẩu, người sản xuất hàng trong nước được lợi nhưng người tiêu dùng bị thiệt hại vì nó làm tăng giá của hàng nhập khẩu từ mức giá thế giới lên bằng với giá thế giới cộng với thuế nhập khẩu. Đồ thị này chỉ ra tác động của thuế nhập khẩu:
Tóm lại, thuế nhập khẩu dẫn đến cả thu nhập chuyển giao từ người tiêu dùng sang chính phủ và nhà sản xuất trong nước đồng thời gây tổn thất lợi ích ròng của toàn xã hội. Do những tác động ấy, nó khuyến khích sản xuất phi hiệu quả trong nước, làm cho người tiêu dùng giảm sút độ thoả dụng do phải tiêu dùng ít đi nhưng nó tạo ra nguồn thu cho chính phủ.