Trúc Hồ | |
---|---|
Tên khai sinh | Trương Anh Hùng |
Tên gọi khác | Trúc Hồ |
Sinh | 2 tháng 4, 1964 Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa |
Thể loại | Nhạc hải ngoại • Nhạc trẻ • Nhạc thính phòng |
Nghề nghiệp | Nhạc sĩ • Nhà sản xuất âm nhạc |
Nhạc cụ | Piano • Guitar |
Năm hoạt động | 1980–nay |
Hãng đĩa | Trung tâm Asia |
Hợp tác với | Trầm Tử Thiêng |
Bài hát tiêu biểu | Cơn mưa hạ (với Trầm Tử Thiêng) Trái tim mùa đông Mưa tình cuối đông Một lần nữa thôi Yêu em âm thầm Sài Gòn vẫn mãi trong tôi (với Anh Bằng) Dòng sông kỷ niệm Em đã quên một dòng sông Lời dối gian chân thành Cát biển chiều nay Mãi yêu người thôi Giữa hai mùa mưa nắng Con đường Việt Nam (với Anh Bằng) Days and nights of missing you (với Shayla) |
Ca sĩ trình bày thành công | Lâm Nhật Tiến Lâm Thúy Vân |
Trúc Hồ (sinh ngày 2 tháng 4 năm 1964) là một nhạc sĩ, nghệ sĩ hòa âm người Mỹ gốc Việt. Anh là một trong những nhạc sĩ ủng hộ nhân quyền tại Việt Nam và có những sáng tác đều đặn thuộc dòng nhạc hải ngoại.
Trúc Hồ tên thật là Trương Anh Hùng, sinh ngày 2 tháng 4 năm 1964 tại Sài Gòn, con trai nhạc sĩ Trúc Giang và là anh ruột của nhạc sĩ Trúc Sinh. Trúc Hồ vượt biên và định cư tại miền Nam California, Hoa Kỳ, vào năm 1981. Ở Mỹ, Trúc Hồ học piano cổ điển và sáng tác tại trường Đại học Goldenwest và Long Beach. Tác phẩm đầu tay của anh là bài hát "Dòng Sông Kỷ Niệm" sáng tác năm 1981.[cần dẫn nguồn]
Cho đến nay, anh đã sáng tác gần 100 ca khúc, đều đặn cho các chương trình ca nhạc của Trung tâm Asia, trong đó nhiều bài nổi tiếng một thời như "Trái tim mùa đông", "Như vạt nắng", "Em đã quên một dòng sông"... Anh đặc biệt được chú ý bởi những ca khúc viết chung với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và đã được dàn hợp ca của trung tâm Asia dàn dựng quy mô như: "Một ngày Việt Nam", "Việt Nam về trong nỗi nhớ", "Bước chân Việt Nam"...[cần dẫn nguồn]
Trúc Hồ lập gia đình năm 1990 với Nguyễn Khoa Diệu Quyên (trước kia cùng hoạt động trong cùng ca đoàn Huntington Beach, California) và có 2 con là Trương Ngọc La La và Trương Anh Lý Bạch. Diệu Quyên rất hoạt bát và thường xuất hiện trong những sinh hoạt cộng đồng. Ngày 16 tháng 3 năm 2009, Diệu Quyên được Hạ viện tiểu bang California vinh danh và trao giải thưởng "Phụ Nữ Xuất Sắc" vì là một nhà giáo dục gương mẫu và là một người nhiệt tình phục vụ cho cộng đồng.[1] Hiện nay, nhạc của anh không được phép lưu hành tại Việt Nam, tuy nhiên vài ca khúc của anh vẫn được đón nhận và trình diễn trong nước như "Em đã quên một dòng sông" (ghi tên tác giả Hải Triều),[2] "Cơn mưa hạ" ghi là nhạc Hoa.
Ngoài sáng tác, anh còn là giám đốc âm nhạc của Trung tâm Asia từ năm 1990 cho đến tháng 11 năm 2016 và tổng giám đốc điều hành của Đài truyền hình SBTN - đài truyền hình phát sóng 24/24 đầu tiên của người Việt hải ngoại.
Ngày 14 tháng 10 năm 2012, Trúc Hồ qua đài SBTN và thư trên mạng kêu gọi đồng bào tham dự phong trào vận động cho nhân quyền. Mục đích là để phản đối việc chính quyền đã bỏ tù những ai "tranh đấu cho sự toàn vẹn lãnh thổ", và đấu tranh cho nhân quyền, đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải tôn trọng những quyền căn bản của người dân, đã được công nhận trong bản tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.[3]
Ngày 10 tháng 12 năm 2012, phái đoàn của nhạc sĩ Trúc Hồ đã có mặt tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Genève, đúng vào ngày Quốc tế Nhân quyền để trao Thỉnh Nguyện Thư "Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói" với 125.000 chữ ký đến bà Laura Dupuy Lasserre, chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Đây cũng là chặng cuối của cuộc vận động Nhân quyền lần này, kết thúc chiến dịch kéo dài gần hai tháng.[4]
Đến nay Trúc Hồ đã sáng tác hơn 100 ca khúc, đều đặn cho mỗi chương trình của Asia, trong số đó có: