Văn học kị sĩ (tiếng Trung: 騎士文學, Pháp: Roman de chevalerie, Đức: Höfische roman), hay lãng mạn hào hiệp, là thuật ngữ trỏ các tài liệu thế tục mô tả lối sống và hành động của giới kị sĩ, sau bành trướng thành tinh thần và phẩm hạnh kị nhân, trực tiếp liên đới Bộ quy tắc hiệp sĩ[1]. Dòng nghệ thuật này manh nha tại Pháp thế kỷ XI và chóng vánh phát triển dưới sự bảo trợ của Tòa Thánh trong nhiều thế kỷ tiếp theo. Đa số trứ tác thường tập trung phản ánh đức trung thành phụng sự tín điều, những chặng đường phiêu lưu hành hiệp và ái tình của kị nhân, hoặc có thể là quá trình rèn rũa từ kị nhân nên kị sĩ rồi cuối cùng là hiệp sĩ. Cùng dòng văn học thành thị, văn học kị sĩ đã phá vỡ thế độc quyền của văn học nhà thờ, nhưng chính nó lại bồi đắp cho văn học và triết học sĩ lâm dồi dào sống động thêm. Nhân vật chính trong các truyện kể kị sĩ thường là người có hành động trượng nghĩa và vô cùng mộ đạo, do thế, được coi là sự tiếp nối dạng nhân vật anh hùng cổ đại[2].
Theo nghĩa hẹp, văn học kị sĩ gồm những trứ tác xuất hiện tại Âu châu trung đại và xoay quanh lối sống cùng đức tin của giới kị nhân. Nhưng một cách phổ quát hơn, là những văn phẩm thể hiện được lối sống, tính cách và lý tưởng của giới võ bị, do đó mà không cố định thời đại và quốc gia nào. Cả hai ý nghĩa này đều được chấp nhận trong học giới, nhưng vế sau có nhiều phần trội hơn[3].
Ngay từ trung đại, các văn phẩm kị sĩ đã được sáng tác bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau nên ngày nay ít nhất chúng giữ được vai trò chủ đạo trong phạm trù ngôn ngữ học, thậm chí bảo tồn nhiều tử ngữ, ngoài ra còn tự gầy dựng được phong cách mĩ thuật độc đáo thông qua việc minh diễn nội dung câu từ. Đây cũng là một trong những dòng văn học hi hữu hấp dẫn được lượng tác gia, độc giả và phong cách sáng tạo khổng lồ. Đối với các quốc gia hình thành muộn tại Âu châu, nó còn có tác dụng kiến tạo bản sắc[4].
Dòng văn học này là cảm hứng vô tận cho nhiều ngành nghệ thuật và khoa học khác nhau.