Người sáng lập | Burkhard I, Bá tước của Zollern |
---|---|
Người cuối cùng | Đức và Phổ: Kaiser Wilhelm II (1888–1918) Romania: Michael I của România (1927–1930, 1940–1947) |
Người đứng đầu | Đức và Phổ: HI&RH Thân vương Georg Friedrich (1994–) Hohenzollern-Sigmaringen: |
Nhà Hohenzollern là một dòng họ quý tộc, vua chúa gồm những tuyển hầu tước, vua và hoàng đế của Brandenburg, Phổ, Đức, và România. Nó bắt nguồn từ lãnh thổ chung quanh tỉnh Hechingen ở Schwaben trong thế kỷ XI. Tên này lấy từ chỗ cư trú của gia đình, lâu đài Hohenzollern gần Hechingen.
Sau đó dòng họ này chia ra làm hai nhánh, nhánh Công giáo Schwaben và nhánh Tin lành Franken.[1] Nhánh Schwaben tiếp tục cai trị khu vực Hechingen cho tới cuộc cách mạng năm 1848. Nhánh Franken thì thành công hơn: Những thành viên trở thành bá tước của Brandenburg vào năm 1415 và công tước cúa Phổ năm 1525. Theo sau sự thống nhất của Brandenburg và Phổ vào năm 1618, vương quốc Phổ được thành lập năm 1701, dần dần dẫn tới sự thống nhất của nước Đức và sự hình thành Đế quốc Đức vào năm 1871, dòng họ Hohenzollern trở thành những hoàng đế Đức và các vị vua của nước Phổ.
Việc thua trận của Đức trong Đệ Nhất thế chiến đưa tới cuộc Cách mạng Đức. Triều đình Hohenzollern bị lật đổ và Cộng hòa Weimar được thành lập, chấm dứt chế độ quân chủ. Với Hiến pháp mới ban hành năm 1919 nước Đức chính thức không còn công nhận các tước hiệu quý tộc.
Hiện tại Georg Friedrich Hohenzollern đứng đầu nhà Hohenzollern. Ngày 27 tháng 8 năm 2011, Georg Friedrich cưới bà Sophie Johanna Maria của Isenburg. Ngày 20 tháng 1 năm 2013, bà Sophie sinh đôi hai bé trai, Carl Friedrich Franz Alexander và Louis Ferdinand Christian Albrecht, tại Bremen. Carl Friedrich, ra trước, là người thừa kế.[2]
Nhà Zollern thuộc về dòng họ quý tộc lâu đời nhất và quan trọng nhất ở Schwaben cũng như ở Đức. Vùng đất sở hữu lớn đầu tiên nằm ở phần phía bắc huyện Zollernalb.[3] Từ giữa thế kỷ XIV, dần dần cái tên Hohenzolr hay Hohenzolre được dùng.[4] Đến thế kỷ XVI thì chỉ cái tên mới được dùng. Nhánh Brandenburg-Preußen Linie ban đầu gọi họ là "von Brandenburg" và sau này là "von Preußen". Chỉ tới thời ông Kurfürst Friedrich Wilhelm von Brandenburg trong thế kỷ thứ XVII, họ mới dùng danh hiệu Graf von Zollern.[5]
Lâu đài Hohenzollern mà hiện thời vẫn còn tồn tại, được Friedrich Wilhelm IV cho xây vào giữa thế kỷ XIX theo kiểu kiến trúc Tân Gothic. Nó là tài sản chung của nhánh Brandenburg-Preußen và nhánh Schwaben. Lâu đài cũ mà được nhắc tới lần đầu tiên vào năm 1267, vào năm 1423 thì bị liên thành tự do Schwaben chiếm đóng và phá hủy hoàn toàn.
Các con cháu của Konrad I xứ Nürnberg (* khoảng 1186; † khoảng 1260/1261), con của Friedrich III xứ Zollern, cho tới năm 1427 là Bá tước lâu đài Nürnberg. Ban đầu, các bá tước lâu đài Nürnberg có ít tài sản. Gia đình chỉ có quyền sử dụng tài sản của cơ quan cai quản lâu đài. Tuy nhiên từ thế kỷ XIII, do mua lại đất đai lãnh thổ này đã mở rộng và đến thế kỷ XV trong thời công tước Friedrich VI xứ Nürnberg thì có lãnh thổ lớn nhất. Nhờ làm sui gia với nhà Abenberg năm 1236 mà họ được thêm lâu đài Abenberg và Cadolzburg.[6] Ngoài ra, dòng họ Hohenzollern đóng vai trò bảo trợ tu viện Heilsbronn, nơi mà từ 1297 tới năm 1625 chứa những quan tài của gia đình.[7] Năm 1260, họ được thừa hưởng thành phố Bayreuth; năm 1331, họ được Ansbach; năm 1340 thì được Kulmbach và Plassenburg. Hoàng đế Karl IV từ nhà Luxemburg nâng chức vị bá tước lâu đài vào năm 1363 thành công tước đế quốc. Vào năm 1427, Friedrich II, Tuyển hầu xứ Brandenburg, đã bán lâu đài Nürnberg và tước bá tước lâu đài cho thành phố Nürnberg.
Từ những lãnh thổ mà không bán đi, sau đó phát triển thành công quốc Bayreuth và công quốc Ansbach, mà cũng được cai trị bởi dòng họ Hohenzollern. Tới năm 1806, Ansbach trở thành một phần của vương quốc Bayern, còn Bayreuth thì từ năm 1810.