Vi Trang

Vi Trang
Tên chữĐoan Kỷ
Thụy hiệuVăn Tĩnh
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
tháng 9, 836
Quê quán
huyện Đỗ Lăng
Mất
Thụy hiệu
Văn Tĩnh
Ngày mất
910
Nơi mất
Thành Đô
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Vi Uẩn
Anh chị em
Wei Ai
Gia tộchọ Vi Kinh Triệu
Nghề nghiệpnhà thơ, thư pháp gia, nhà văn, chính khách
Quốc tịchnhà Đường

Vi Trang (chữ Hán: 韋莊, 836-910)[1], tự Đoan Kỷ (端已), là nhà thơ, nhà từ nổi danh trong khoảng Đường mạt-Ngũ ĐạiTrung Quốc.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Vi Trang là người Đỗ Lăng, quận Kinh Triệu (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc)[2]; dòng dõi Tể tướng Vi Kiến Tổ đời Đường.

Năm 880 đời Đường Hy Tông, Hoàng Sào dẫn quân vào Trường An, đúng lúc ông đang đi thi. Trông thấy cảnh loạn lạc, ông đau lòng, sau này làm ra bài thơ dài Tần phụ ngâm rất nổi tiếng.

Năm 883, ông đến Lạc Dương (nay thuộc Hà Nam, Trung Quốc), rồi phiêu bạt xuống Giang Nam.

Năm 894 đời Đường Chiêu Tông, Vi Trang thi đỗ Tiến sĩ, được bổ làm chức Hiệu thư lang.

Sau đó, ông đến Tứ Xuyên, làm Phán quan cho Vương Kiến, là một đại quân phiệt đang hùng cứ một phương.

Năm 907, khi hay tin vua Đường Ai Đế bị quyền thần Chu Toàn Trung phế truất, Vương Kiến bèn lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà Tiền Thục (thời Ngũ Đại Thập Quốc), cử Vi Trang lên làm Tể tướng.

Tại Thành Đô (nay là tỉnh lỵ tỉnh Tứ Xuyên), ông làm nhà trên nền cũ thảo đường của Đỗ Phủ ở Hoàn Hoa khê [2]

Năm 910, Vi Trang mất ở đất Thục.

Tác phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]

Tác phẩm của Vi Trang có Cán hoa tậpCán hoa từ.

Về thơ, ông thường nói về nỗi buồn riêng của khách vương tôn gặp phải "cảnh lưu ly phiêu bạt" và "những cái mắt thấy tai nghe"... Thơ ông phần nhiều là thơ luật, tình tha thiết, ý mới mẻ [3].

Về từ của ông, không kém từ của Ôn Đình Quân [4], từng được Chu Tế khen là "thanh diễm tuyệt vời".

Song, đáng coi là "kiệt tác"[5], đó là bài thơ tự sự có tên là Tần Phụ Ngâm, dài hơn 1.700 chữ [6]. Trong bài, tác giả mượn lời một phụ nữ đã sống ba năm trong quân đội của Hoàng Sào, phản ánh tình hình sau khi đội quân này vào Trường An, và mấy lần giao chiến với quan quân nhà Đường. Qua đó, ông kể lại tình trạng hủ bại, bất lực, lúng túng, sợ hãi của giai cấp thống trị khi phải đối phó với vụ biến động; đồng thời ông cũng mô tả những gì gọi là "tàn bạo", "dã man" của đội quân nổi dậy... Về mặt nghệ thuật, bài thơ có bố cục và kết cấu khá chặt chẽ, tự thuật khéo, miêu tả sinh động, hình tượng cũng rất sắc nét...[7]

Giới thiệu tác phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]

Dưới đây là ba trong số bài thơtừ tiêu biểu của Vi Trang.

1. Nguyên tác:
金陵圖
江雨霏霏江草齊,
六朝如夢鳥空啼。
無情最是臺城柳,
依舊煙籠十里堤。
Phiên âm Hán-Việt:
Kim Lăng đồ
Giang vũ phi phi giang thảo tề
Lục triều như mộng điểu không đề
Vô tình tối thị Đài thành liễu
Y cựu yên lung thập lý đê.
Tạm dịch:
Bức hoạ thành Kim Lăng
Lất phất mưa sông, cỏ mọc đều,
Sáu triều đâu thấy, thấy kim kêu.
Vô tình rặng liễu Đài thành nọ,
Mười dặm mông lung vẫn mỹ miều [8].
2. Nguyên tác:
東陽酒家贈別
天涯方歎異鄉身,
又向天涯別故人。
明日五更孤店月,
醉醒何處淚沾巾。
Phiên âm Hán-Việt:
Đông Dương tửu gia tặng biệt
Thiên nhai phương thán dị hương thân,
Hựu hướng thiên nhai biệt cố nhân.
Minh nhật ngũ canh cô điếm nguyệt,
Tuý tỉnh hà xứ lệ triêm cân.
Trần Trọng Kim dịch thơ:
Tiễn nhau ở quán rượu Đông Dương
Than thân xa lạ quê người,
Lại cùng người cũ bên trời chia tay.
Trăng tàn quán khách sớm mai,
Tỉnh say ai cũng lệ rơi ướt đầm.
3. Nguyên tác:
女冠子其二
昨夜夜半
枕上分明夢見
語多時
依舊桃花面
頻低柳葉眉
半羞還半喜
欲去又依依
覺來知是夢
不勝悲
Phiên âm Hán-Việt:
Nữ quan tử từ
Tạc dạ dạ bán
Chẩm thượng phân minh mộng kiến
Ngữ đa thì
Y cựu đào hoa diện
Tần đê liễu diệp my
Bán tu hoàn bán hỉ
Dục khứ hựu y y
Giác lai tri thị mộng
Bất thắng bi!
Tạm dịch:
Bài từ "Nữ quan tử"
Nửa đêm đêm trước
Trên gối rõ ràng mộng thấy
Chuyện hồi lâu
Cũng vẫn mặt hoa ấy,
Ủ rũ liễu gầm đầu
Nửa vui mà nửa thẹn,
Tần ngần nỡ dứt đâu!
Tỉnh rồi biết là mộng
Bao nỗi sầu! [9]

Sách tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn (1993), Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập II), Bản dịch do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, 1993.
  • Dịch Quân Tả, Văn học sử Trung Quốc (Quyển I, GS. Huỳnh Minh Đức dịch). Nhà xuất bản Trẻ, 1992.
  • Nguyễn Hiến Lê (1997), Đại cương văn học Trung Quốc (trọn bộ). Nhà xuất bản Trẻ.
  • Trần Trọng San, Thơ Đường. Tủ sách Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1990.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Năm sinh, năm mất Vi Trang chép theo Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2, tr. 292).
  2. ^ a b Theo Trần Trọng San, Thơ Đường, tr. 181.
  3. ^ Theo Lịch sử văn học Trung Quốc, tr. 293.
  4. ^ Nguyễn Hiến Lê, tr. 494.
  5. ^ Theo Nguyễn Hiến Lê, tr. 494.
  6. ^ Con số chép theo Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2, tr. 292).
  7. ^ Lược theo Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2, tr. 292-293).
  8. ^ Chép theo Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập II), tr. 893-894.
  9. ^ Chép theo Nguyễn Hiến Lê, tr. 494-495.
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan