Từ định danh chrysozonus được ghép bởi hai âm tiết trong tiếng Latinh, chrysos ("vàng") và zonus (bắt nguồn từ zona, "thắt lưng"), hàm ý đề cập đến ba dải màu nâu cam ở hai bên thân loài cá này.[3]
C. chrysozonus sống trên các rạn viền bờ, có khi gần các mỏm đá hoặc trên nền đá vụn, nơi san hô phát triển thưa thớt, được tìm thấy ở độ sâu khoảng 3–60 m.[1]
Chiều dài lớn nhất được ghi nhận ở C. chrysozonus là 15 cm.[4]C. chrysozonus có màu trắng với cặp sọc chữ V màu nâu cam kéo dài xuống vị trí vây bụng, dải sọc thứ ba cùng màu nằm ở thân sau. Sọc thứ tư nâu sẫm, băng qua mắt. Mõm ngắn và nhọn. Vây bụng có màu đen. Phía sau vây lưng có một đốm đen viền trắng xanh ở cá trưởng thành. Vây đuôi trong mờ; cuống đuôi có một đốm đen lớn.[13]
Cũng có bốn dải sọc như C. chrysozonus, nhưng sọc của Coradion altivelis sẫm màu nâu hơn, còn dải sọc thứ tư ở Coradion melanopus có thêm viền cam với hai đốm đen ở thân sau.
Số gai ở vây lưng: 9; Số tia vây ở vây lưng: 28–30; Số gai ở vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 19–21; Số tia vây ở vây ngực: 15–16; Số gai ở vây bụng: 1; Số tia vây ở vây bụng: 5; Số vảy đường bên: 48–52.[13]
C. chrysozonus là loài ăn tạp, nhưng thức ăn chủ yếu của chúng là hải miên (bọt biển) và một số loài thủy sinh không xương sống nhỏ bám trên đó.[1]C. chrysozonus sống đơn độc và ghép cặp vào mùa sinh sản.[4]
^Trần Văn Hướng; Nguyễn Khắc Bát (2020). “Đa dạng thành phần loài cá rạn trong hệ sinh thái rạn san hô quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang”. Hội thảo Môi trường và Phát triển bền vững: 419–430.