Maatkare B

Đừng nhầm lẫn với Maatkare Mutemhat, một công nương sống vào thời kỳ Vương triều thứ 21.
Maatkare
Vương hậu Ai Cập cổ đại
Thông tin chung
Hôn phốiOsorkon I
Hậu duệShoshenq C
Tên đầy đủ
Maatkare
N5C10D28
Vương triềucuối Vương triều thứ 21 - đầu Vương triều thứ 22
Thân phụPsusennes II

Maatkare B là một công chúa, đồng thời là một vương hậu sống vào thời kỳ Vương triều thứ 22 trong lịch sử Ai Cập cổ đại.

Xuất thân vương tộc

[sửa | sửa mã nguồn]

Maatkare B là được biết đến là con gái của pharaon Psusennes II (còn được viết là Pasebkhanut II)[1]. Điều này đồng nghĩa với việc, Maatkare B là hậu duệ của dòng họ Đại tư tế đầy quyền lực thời kỳ Vương triều thứ 21. Ngay khi còn ở ngôi, Psusennes II đã gả con gái cho Osorkon I, tương lai là pharaon thứ hai của Vương triều thứ 22[1][2].

Maatkare B là mẹ đẻ của vương tử Shoshenq C, người được phong Đại tư tế của Amun dưới thời trị vì của cha mình[1]. Tên của vương hậu Maatkare và vua Osorkon được nhắc đến trên bức tượng của Đại tư tế Shoshenq C (hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Ai Cập với số hiệu CG42194), là minh chứng cho mối quan hệ mẹ con giữa Maatkare B và Shoshenq C.

Tuy Shoshenq C không được làm vua, nhưng con trai của ông là Harsiese A đã sáng lập nên Vương triều thứ 23 và cai trị toàn bộ Thượng Ai Cập, tức Harsiese A là cháu nội của Maatkare B.

Tuy là vợ vua, tên của Maatkare B trên các công trình do Shoshenq C xây dựng lại không đi kèm với bất kỳ danh hiệu nào của một vương hậu[3]. Danh hiệu cao nhất mà bà được ban phong là "Con gái của Vua, Người cai quản Hai vùng đất Hor-Pasebakhaenniut". Có vẻ như, Maatkare B mất trước khi chồng mình lên ngôi[3].

Ngoài danh hiệu kể trên, Maatkare B còn được gọi với nhiếu danh hiệu như Nữ tư tế của Hathor; Công nương của Dendera; Mẹ của Horus (dựa trên bức tượng CG42194 của Shoshenq C)[4].

Chứng thực

[sửa | sửa mã nguồn]

Maatkare B là nhân vật chính được đề cập trong một sắc lệnh tuyên bố quyền lực, được khắc trên tường tháp môn thứ VII tại khu đền Karnak[1][5]. Theo bản khắc đó, Maatkare được chứng thực rõ ràng là con của vua Psusennes II.

Một bức tượng chỉ có phần đế với đôi chân có khắc tên của Maatkare B (hiện được lưu giữ tại Marseille, Pháp[6]), được nghĩ là tái sử dụng từ một bức tượng nào đó thuộc thời kỳ Tân Vương quốc[7]. Một bức tượng thần sông Nin Hapi thuộc sở hữu của Đại tư tế Shoshenq C mà chính ông đã cho khắc tên của cha mẹ mình lên đó (hiện ở tại Bảo tàng Anh).

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d Aidan Dodson (2012), Afterglow of Empire: Egypt from the Fall of the New Kingdom to the Saite Renaissance, Nhà xuất bản Đại học Oxford, tr.80 ISBN 978-9774165313
  2. ^ K. A. Kitchen (2006), On the Reliability of the Old Testament, Nhà xuất bản Wm. B. Eerdmans Publishing, tr.111 ISBN 978-0802803962
  3. ^ a b Dodson (2012), sđd, tr.95-96 (link)
  4. ^ Kenneth Kitchen (1986), The Third Intermediate Period in Egypt (1100–650 BC), Nhà xuất bản Aris & Phillips ISBN 978-0856682988
  5. ^ Robert Kriech Ritner (2009), The Libyan Anarchy: Inscriptions from Egypt's Third Intermediate Period, Nhà xuất bản Society of Biblical, tr.163-165 Lit ISBN 978-1589831742
  6. ^ Graefe, Erhard. Untersuchungen zur Verwaltung und Geschichte der Institution der Gottesgemahlin des Amun vom Beginn des Neuen Reiches bis zur Spätzeit, ÄA 37, Wiesbaden 1981, pp. 235–236 (P33), pl. 27b, c/ 28a, b, 13*/14*
  7. ^ Helmut Brandl, Kunst und Gesellschaft in der Libyerzeit. Beobachtungen an Königsstatuen der Dritten Zwischenzeit, trong: K. A. Kóthay (2012), Art and Society: Ancient and Modern Contexts of Egyptian Art. Proceedings of the International Conference held at the Museum of Fine Arts, Budapest, 13–ngày 15 tháng 5 năm 2010, Budapest, tr.89 (U-1.2).