Phạm Hạp

Phạm Hạp
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
933
Nơi sinh
Hải Dương
Mất979
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Phạm Mạn
Thân mẫu
Trần Thị Hồng
Quốc tịchNhà Đinh

Phạm Hạp (范盍, 933-979) là một võ tướng thời Đinh đồng thời cũng là một trong những vị quan trung thần của vua Đinh Tiên Hoàng. Ông là người làng Trà Hương, Nam Sách, Hải Dương. Theo sách Tông phả kỷ yếu tân biên của Phạm Côn Sơn dẫn gia phả họ Phạm, ông là tổ 8 đời của tướng Phạm Ngũ Lão thời nhà Trần[1]. Ông được "Việt sử tân biên" liệt vào danh sách "Giao Châu thất hùng", tức 7 anh hùng Giao Châu thời bấy giờ gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng.[2]

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Phạm Hạp sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ nghệ. Ông nội là Phạm Lệnh Công, giữ chức Đông giáp tướng quân đời Ngô Quyền. Cha là Phạm Mạn, làm tham chính đô đốc đời Ngô Nam Tấn vương Ngô Xương Văn, mẹ là Trần Thị Hồng. Ông bà có tám người con, 5 trai, 3 gái đều hiển đạt.

Ngay từ nhỏ Phạm Hạp đã tỏ rõ tư chất thông minh, có chí lớn, văn võ đều thấu hiểu. Ông thường cùng em trai là Phạm Cự Lạng đem tiền của chiêu dụ mọi người, mua ngựa luyện quân.

Sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Giúp nhà Đinh

[sửa | sửa mã nguồn]

Khi Đinh Bộ Lĩnh dấy binh dẹp loạn 12 sứ quân, Phạm Hạp cùng em trai đem hơn 2000 người, ngựa từ quê đến Hoa Lư phò Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh đã thu nhận và đều phong hai anh em ông làm tướng tiên phong đi dẹp loạn. Phạm Hạp được phong Tả tướng tham mưu. Chiến công lớn nhất của Phạm Hạp chính là người đánh bại và chém chết sứ quân Nguyễn Khoan ở Tam Đái.

Năm Mậu Thìn (968), dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tức là Đinh Tiên Hoàng Đế, đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Phạm Hạp được phong chức quan Vệ Úy, là quan thân cận của vua.

Tận trung với nhà Đinh

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 979, vua Đinh và Nam Việt vương Liễn bị sát hại (xem bài về Đinh Tiên Hoàng), Vệ vương Đinh Toàn mới 6 tuổi được lập lên ngôi. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp thấy uy quyền của Phó vương Lê Hoàn quá lớn bèn khởi binh chống Lê Hoàn nhưng cả ba tướng nhanh chóng bị Lê Hoàn dẹp tan.

Trong danh sách các tướng nhà Đinh có tới 25 vị tướng là các đại thần tận trung với nhà Đinh, phản đổi việc Lê Hoàn đoạt ngôi nhà Đinh là: Đinh Điền, Đinh Sài Bơi, Đỗ Quang, Đỗ Huy, Lý Phả, Lý Hoằng, Lý Quảng, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, Trình Minh, Trịnh Tú, Lưu Lang, Lý Đài, Lý Trâu, Lý Quốc, Lương Tuấn, Võ Trung và 8 vị quan trung thần ở phủ Khống Tràng An.

Phạm Hạp bị Lê Hoàn xử tử. Tuy vậy, em trai ông là Phạm Cự Lạng vẫn được Lê Hoàn tin dùng làm tướng dưới quyền.

Đền thờ

[sửa | sửa mã nguồn]

Danh tướng Phạm Hạp được lập đền thờ ở thôn Đông Thái, xã Lê Hồ, thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Theo thần tích làng Cao Mật, nơi có đền thờ Phạm Hạp, Ông sinh ngày 20 tháng 7, hoá ngày 30 tháng chạp. Quê ở xã Cát Lợi, tỉnh Bắc Ninh, có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp yên loạn thập nhị sứ quân (12 sứ quân). Khi đất nước thanh bình, ông được giao về lập ấp ở xã Cao Mật, được hưởng lộc từ số thuế thu được ở huyện Kim Bảng. Sau khi qua đời, nhân dân thương tiếc lập đền thờ. Khi Trần Nhân Tông đi đánh giặc Nguyên, qua đền thờ Phạm Hạp, vào làm lễ cầu đảo, được âm phù thắng trận. Thắng trận trở về, nhà vua phong cho thần 6 chữ Linh ứng bảo quốc cư sĩ. Vua Lê Thái Tổ phong 6 chữ Tô đàm Đại liêu Hồng ân. Năm 1880, vua Tự Đức chuẩn cho dân làng thờ cúng như cũ. Ngài được ban sắc phong của các triều vua Tự Đức năm 1853, Đồng Khánh năm 1887, Duy Tân năm 1909, Khải Định năm 1924. Dân làng có lệ kiêng huý chữ Hạp, hàng năm dân làng tổ chức tế lễ vào các ngày sinh và ngày hoá của ngài.

Tên tuổi của Phạm Hạp còn được đặt cho tuyến đường Phạm Hạp nằm ở trung tâm phườngNinh Mỹ, thành phố Hoa Lư tỉnh Ninh Bình.

Trong văn hoá đại chúng

[sửa | sửa mã nguồn]
Năm Tác Phẩm Diễn Viên
2011 Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long Phạm Cẩm Thượng

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Phạm Ngũ Lão (1254–1320)[liên kết hỏng]
  2. ^ Xem "Việt sử toàn thư", Phần 3 - Việt Nam Trên Đường Độc Lập - Chương 1 - Nguyễn Văn Sơn