Viễn cảnh đầu tư 2024: giá hàng hóa leo thang và “chiếc giẻ lau” mới của Mỹ

Xin lưu ý: bài viết chỉ nêu quan điểm cá nhân, không bao gồm bất kỳ khuyến nghị đầu tư nào.
Năm 2023 đã trôi qua mà không có dấu ấn gì đặc sắc khiến giới đầu tư kỳ vọng về 1 viễn cảnh tốt đẹp. Lạm phát vẫn ở mức cao khiến FED có cái cớ để tiếp tục duy trì thắt chặt, giá cả của các loại hàng hóa và tài sản vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng khiến mối lo ngại về sự bất ổn trong đời sống hàng ngày vẫn đang âm ỉ trong tâm thức của mỗi chúng ta. Vậy thì nguyên nhân và hệ quả của các hiện tượng này là gì? Có lẽ chúng ta sẽ không có 1 câu trả lời chính xác cho câu hỏi này.
Tuy nhiên, việc đưa ra nhận định và dự báo để lên kế hoạch chuẩn bị cho những tình huống có thể xảy ra là yếu tố bắt buộc trong hành trình đầu tư và tìm kiếm sự thịnh vượng. Dưới đây là một số tìm hiểu, góc nhìn và dự báo của mình cho viễn cảnh đầu tư của năm con Rồng 2024.

TẠI SAO LẠM PHÁT GIA TĂNG NHANH CHÓNG TRONG GIAI ĐOẠN NGẮN?

Là một người theo thuyết âm mưu, mình cho rằng việc lạm phát tăng nhanh trong 1 khoảng thời gian ngắn gồm có 2 nguyên nhân có mối liên hệ chặt chẽ. Nguyên nhân thứ nhất là việc Mỹ cần 1 lượng tiền lớn để giúp nền kinh tế hồi phục sau đại dịch covid 19. Từ trước đến nay, Mỹ vẫn luôn thoải mái in tiền khi họ có thể đẩy lạm phát về phía Trung Quốc, do quốc gia tỷ dân luôn sẵn lòng “bao tiêu” trái phiếu chính phủ Mỹ với số lượng lớn. Công việc của FED chỉ đơn giản là in tiền ra để trả nợ và mọi thứ đều được vận hành ổn định.
Với vị thế vẫn đang nắm giữ đồng tiền bá chủ của nhân loại, chừng nào còn những quốc gia sẵn lòng trải thảm đỏ để đón lạm phát Mỹ vào nhà, sẵn lòng làm “chiếc giẻ lau” thấm hút lạm phát cho Mỹ, thì chừng đó Mỹ vẫn còn khả năng tiếp tục in tiền để vận hành thể chế toàn cầu của họ. Các con số như nợ công, các chỉ số chứng khoán, về bản chất cũng chỉ là những con số và có thể tăng đến vô hạn chừng nào vấn đề lạm phát do in tiền của Mỹ còn có thể giải quyết.
Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi kể từ khi Trung Quốc không còn muốn làm “chiếc giẻ lau” thấm hút lạm phát cho Mỹ. Tính đến tháng 8 năm 2023, Trung Quốc đã giảm 40% lượng trái phiếu chính phủ Mỹ đang nắm giữ, với giá trị nắm giữ là 805,4 tỷ USD tính đến thời điểm trên. Động thái này của Trung Quốc khiến cho lạm phát chảy ngược về nước Mỹ, buộc họ phải gấp rút tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Có lẽ, FED đã khá bị động trước động thái này và đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời của họ trước khi tìm ra cho mình “chiếc giẻ lau” mới để thay thế Trung Quốc.

GÍA HÀNG HÓA SẼ TIẾP TỤC LEO THANG

Chiếc giẻ lau đầu tiên mà Mỹ có thể nhắm tới đó là tiền mã hoá. Đây là loại tài sản mà mình cảm nhận sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phân tán lạm phát của Mỹ. Năm 2023 và những ngày đầu 2024 là khoảng thời gian chứng kiến những sự thay đổi mang tính bước ngoặt đối với tiền mã hóa, đặc biệt là Bitcoin. Sự ra đời của các quỹ ETF đầu tiên dành cho Bitcoin có ý nghĩa đối với mình như 1 phép thử của Mỹ đối với việc sử dụng công cụ này để thấm hút lạm phát trong tương lai. Mình nghĩ đây là bộ công cụ tuyệt vời vì thị trường tiền mã hóa ngày càng thu hút được nhiều dòng vốn của các nhà đầu tư. Chỉ trong 3 ngày đầu tiên kể từ khi ra mắt, các quỹ Bitcoin ETF đã thu hút 1,9 tỷ đô la từ giới đầu tư theo số liệu từ các nhà phát hành, đây là mức đầu tư rất có giá trị với các quốc gia nhỏ.
Điều thứ hai theo mình là đáng bàn về tiền mã hóa đó là khả năng thấm hút lạm phát của nó. Về lý thuyết, việc neo giữ lãi suất ở mức cao của FED sẽ khiến giới đầu tư ngại bỏ tiền vào các tài sản mang tính rủi ro cao như tiền mã hóa, do chưa có được sự thừa nhận về mặt pháp lý cũng như sự ổn định về mặt định giá. Tuy nhiên, cũng chính vì là tài sản mang tính đầu cơ cao nên tiền mã hóa luôn nhận được sự quan tâm của những dòng tiền lớn, hiện đang nhàn rỗi do ngày càng ít các kênh đầu tư hấp dẫn. Với viễn cảnh FED sẽ hạ lãi suất trong năm 2024, mình có niềm tin giá của Bitcoin và các loại hàng hóa khác sẽ tiếp tục bùng nổ, vì vai trò thấm hút các dòng tiền của các loại tài sản này đang ngày càng tỏ rõ tầm quan trọng của mình trong công cuộc tiêu diệt lạm phát.
Trong khi các loại tài sản vật lý khác như dầu mỏ, vàng và các loại kim loại khác đang tỏ ra đuối sức trong công cuộc kiềm chế lạm phát do Mỹ tạo ra, thì tiền mã hóa là kênh hút tiền dường như vô hạn khi ngày càng có nhiều đồng tiền ra đời, không phải tốn kém chi phí vận chuyển, và dòng tiền đổ vào thị trường này cũng ngày một nhiều hơn. Theo ước tính của CNBC, có khoảng 8,800 loại tiền mã hoá khác nhau đang có mặt trên thị trường, việc công nhận tính pháp lý của tiền mã hoá có lẽ đang là xu thế không thể đi ngược lại.

Có hơn 8000 loại tiền mã hoá khác nhau, 1 nguồn giẻ lau lạm phát vô tận

Điều mà theo mình nghĩ đang làm giới chức Mỹ đau đầu đó là nên đối xử với tiền mã hóa như 1 loại tài sản hay đơn thuần là 1 loại tiền tệ . Nếu như Mỹ công nhận tiền mã hóa là 1 loại hàng hóa, thì việc hợp pháp hoá giao dịch tiền số có thể để lại những hệ lụy không mong muốn như làm gia tăng các hoạt động phi pháp như buôn lậu, rửa tiền, trốn thuế... Còn nếu như chỉ công nhận tiền mã hoá như 1 loại tiền tệ, thì tương lai của thị trường này sẽ tương đồng với thị trường ngoại hối, sẽ khó có thêm đòn bẩy để thu hút dòng tiền lạm phát khổng lồ đang đói kênh đầu tư do không có sự gia tăng đột biến về giá như các loại tài sản.

ĐÂU SẼ LÀ "CHIẾC GIẺ LAU" MỚI CỦA MỸ?

Đối với Mỹ, 1 “chiếc giẻ lau” có khả năng thấm hút lạm phát cho siêu cường này theo mình cần 2 tiêu chí. Tiêu chí thứ nhất là 1 thị trường lớn và đông dân. Mỹ có xu hướng tăng đầu tư vào những quốc gia có dân số trẻ, có sức lao động và sức tiêu thụ hàng hóa cao. Chúng ta có thể thấy ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách dịch chuyển của Mỹ ra khỏi Trung Quốc, khiến cho việc làm phần nào đó đã chảy về nước Mỹ. Đây vốn là điều mà FED cho rằng đang làm trầm trọng hơn tình trạng lạm phát mà quốc gia này đang đối mặt.
Vào hồi tháng 6 năm 2023, chuyến thăm Mỹ của Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi được hãng tin Reuters cho là sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào nước này trong thời gian tới, trong đó có những cái tên đình đám như Tesla đã được Thủ Tướng Ấn Độ mời gọi và công ty xe điện này cho biết sẽ sớm công bố kế hoạch đầu tư của mình, cùng hàng loạt những cái tên đình đám khác như Apple, Amazon, Boeing. Với lực lượng dân số đông đảo không hề kém cạnh Trung Quốc, việc các doanh nghiệp Mỹ gia tăng đầu tư vào Ấn Độ sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình kéo việc làm ra khỏi nước Mỹ theo tiến độ mà FED mong muốn.

Chuyến thăm Mỹ của Thủ Tướng Ấn Độ mang về cho quốc gia này những cơ hội thu hút dòng vốn nước ngoài

Yếu tố thứ 2 đó là phụ thuộc vào những nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Theo mình, đây là cách mà chính phủ Mỹ thúc đẩy việc xuất khẩu lạm phát ra khỏi biên giới Mỹ, là món vũ khí mà Mỹ thường sử dụng trong các chiến dịch xuất khẩu lạm phát của mình. Theo một công bố cũng của hãng tin Reuters, vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Ấn Độ đã đạt mức cao nhất trong vòng 6 năm khi các nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 1 lượng trái phiếu với giá trị là 1,53 tỷ đô la, kéo theo một số cổ phiếu của các doanh nghiệp Ấn Độ được thêm vào chỉ số thị trường mới nổi của JPMorgan. Động thái này cũng có thể khiến các hãng tài chính khác như FTSE Russell hay Bloomberg cân nhắc lại việc đưa trái phiếu Ấn Độ vào danh mục cận biên của các hãng này.

TẠI SAO WARREN BUFFETT ĐỔ TIỀN MUA CỔ PHIẾU NHẬT?

Mình có niềm tin mãnh liệt rằng, cụ Warren Buffett đã nhìn thấy cơ hội từ Nhật Bản khi Mỹ bắt đầu tìm kiếm “chiếc giẻ lau” mới để thấm hút lạm phát. Bởi nếu không phải vì vậy, thì thật khó để hình dung những tiềm năng mà thị trường cổ phiếu Nhật Bản mang lại. Những năm gần đây, hình ảnh của Nhật Bản không còn mấy tích cực trong mắt của giới đầu tư. Lãi suất của nước này tiếp tục duy trì ở mức âm, các doanh nghiệp Nhật Bản như Toshiba, Sony, Panasonic đã đi đến đoạn cuối trong vòng đời kinh doanh của mình và chưa cho thấy dấu hiệu sẽ tái sinh. Trong khi đó, các doanh nghiệp trẻ của Nhật khó lòng đạt được tầm vóc của các doanh nghiệp tiền bối do môi trường kinh tế, xã hội khó khăn hơn những năm 80 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn lại vào danh mục cổ phiếu Nhật là cụ Warren đang nắm giữ, có rất nhiều điều gợi mở về ý đồ của cụ cho tương lai. Trong số 5 công ty Nhật mà cụ Warren đã mua vào năm 2023, ta có thể thấy 1 điểm khá đặc biệt đó là cả 5 công ty và tập đoàn này đều là những tập đoàn công nghiệp đa ngành bao gồm Itochu, Marubeni, Mitsubishi, Mitsui, and Sumitomo. Liệu cụ đang kỳ vọng gì ở 1 nền công nghiệp của đất nước có dân số già bậc nhất thế giới, với nhiều hiểm hoạ thiên tai và môi trường đầu tư không còn hấp dẫn như trước? Hay đây là 1 bước đi tắt để nhúng tay nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nhật Bản?
Trong 1 bài viết được đăng trên Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD), Giáo sư Patrick Reinmoeller đã đưa ra nhận định mà mình cho rằng đã phần nào trả lời được 2 câu hỏi trên. Ông cho rằng việc cổ phiếu Nhật trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư là do sự giảm giá của đồng Yên. Trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2021, đồng Yên của Nhật đã mất hơn 50% giá trị dưới tác động của mức lãi suất cực thấp mà Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản ban hành, khiến cổ phiếu các công ty Nhật được cho là đang có giá rẻ hơn giá trị thật, qua đó thu hút nhà đầu tư đang nắm giữ những đồng tiền mạnh như đồng Franc Thuỵ Sĩ.
Đối với Nhật, sự già hoá dân số là hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng rất sâu đậm lên nền kinh tế. Số lượng người cao tuổi ngày càng gia tăng đang làm nhu cầu đi vay và tiêu thụ hàng hoá tuột dốc không phanh, khiến cho nền kinh tế lâm vào đường cùng mà không tìm thấy lối thoát. Giải pháp cấp bách cho vấn đề này đó là khuyến khích nguồn lao động nhập cư đến với Nhật.
Theo 1 khảo sát gần đây, có đến 40% trong tổng số 127 công ty Nhật cho biết họ đang tuyển dụng ít nhất 1 giám đốc là người nước ngoài, tăng gần 8% so với năm 2020. Điều này cho thấy sự dịch chuyển tương đối mạnh mẽ trong cơ cấu tổ chức của các công ty Nhật, cho thấy sự cởi mở của các doanh nghiệp nước này để thích nghi với thời đại mới. Đây cũng có thể là lý do để các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có cụ Warren Buffett, đặt niềm tin vào cổ phiếu công ty Nhật.
 
Cụ Warren Buffett mua cổ phiếu Nhật gợi mở sự thay thế vai trò thấm hút lạm phát Mỹ của Trung Quốc?

Ở phần trên, mình có đề cập 2 tiêu chí để 1 quốc gia có “cơ hội” để trở thành “chiếc giẻ lau” thấm hút lạm phát cho Mỹ, đó là 1 thị trường lớn đông dân và phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Việc các Tập đoàn lớn của Nhật suy thoái đã tạo điều kiện cho những dòng tiền cá mập từ nước ngoài đổ vào Nhật ngày càng nhiều hơn, thông qua hình thức thâu tóm dần những doanh nghiệp đa ngành của Nhật bằng tiền và nhân sự nước ngoài. Tiền đi đến đâu thì người theo đến đó, năm 2024 có thể chứng kiến làn sóng nhập cư từ nước ngoài đến Nhật, giúp cho mức tiêu dùng và sức lao động quay trở lại quốc gia này.
Cùng với Ấn Độ, Nhật Bản đang trở thành con mồi tiếp theo để các thế lực tài chính toàn cầu vươn chiếc vòi của mình đến những pháo đài cuối cùng của tự do tài chính. Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ tình hình kinh tế, giá trị đồng tiền và chính sách lãi suất của Nhật Bản là điều mà họ cần phải quan tâm trong năm 2024 và cả các năm về sau, không chỉ vì ảnh hưởng của các yếu tố này đến các thị trường, mà còn tính dự báo của các yếu tố này đối với quyết định của các nhà đầu tư.

2024 SẼ NHƯ THẾ NÀO?

Để kết thúc bài viết này, mình nghĩ không gì thú vị hơn việc đưa ra những lời tiên tri, dự đoán cho tình hình đầu tư của năm 2024. Ngay lúc này, mình có thể hình dung trong đầu viễn cảnh Ấn Độ thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng mới của thế giới. Hãy tưởng tượng, 1 Trung Quốc với nhiều rào cản địa chính trị đã có thể góp phần giúp Dow Jones tăng gần 5000 phần trăm kể từ ngày Đặng Tiểu Bình sang thăm Mỹ năm 1979, thì chuyến thăm Mỹ gần đây của Thủ Tướng Ấn Độ, quốc gia cởi mở hơn Trung Quốc, có chất lượng dân số tốt, sẽ có tác động tích cực không kém đến tương lai của thị trường tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, có thể “công xưởng” Ấn Độ sẽ rất khác với Trung Quốc, khi vai trò của AI ngày càng trở nên quan trọng hơn trong đời sống của con người, và trình độ sử dụng công nghệ thông tin của lao động Ấn Độ đã nổi danh nhiều năm qua.
Giá của các loại hàng hóa sẽ tiếp tục tăng phi mã, đặt biệt là các loại tiền mã hóa như Bitcoin, khiến cho Trung Quốc vừa phải đối mặt với các vấn đề nội bộ, vừa phải chật vật ứng phó với các hiểm hoạ bên ngoài để giữ vững sự ổn định kinh tế và thể chế của mình. Trong khi đó, Nhật cùng Ấn Độ dần thay thế Trung Quốc trở thành 1 trong những “chiếc giẻ lau” mới của Mỹ, trở thành lỗ đen thu hút nguồn vốn được sinh ra từ lạm phát của các thế lực tài chính toàn cầu nhờ đồng tiền rẻ và chính sách lãi suất siêu thấp được duy trì. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật sẽ phá đỉnh và bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Năm 2024 sẽ là năm có sự tương quan đồng đều giữa thách thức và cơ hội, mở ra nhiều thời cơ cho nhà đầu tư nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức khiến nhà đầu tư phải hoàn thiện mình, khi sự biến động của thị trường ngày càng trở nên thô bạo, quyết liệt, và khó dự đoán.

Nguồn tham khảo:


Làm bạn với tiền
340 | 1/26/2024 10:20:51 AM
Comment
Bài viết liên quan
Nhật Bản - Sự Trỗi Dậy Của Con Hổ Phương Đông?
Nhật Bản - Sự Trỗi Dậy Của Con Hổ Phương Đông?
BoJ đã chính thức trở thành ngân hàng cuối cùng trên thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo khi quốc gia này đang phải đối mặt với hàng thập kỷ giảm phát.
Nền kinh tế tư nhân của Triều Tiên
Nền kinh tế tư nhân của Triều Tiên
Triều Tiên, một trong những nước có nền kinh tế “đóng” nhất trên thế giới, đang có những bước phát triển mạnh mẽ.
Hiểu đúng về lạm phát – áp lực chi tiêu khi đồng tiền mất giá
Hiểu đúng về lạm phát – áp lực chi tiêu khi đồng tiền mất giá
Lạm phát là một từ phổ biến trong lĩnh vực kinh tế và thường xuyên xuất hiện trong đời sống hằng ngày quanh ta
Sự sụp đổ của chế độ bản vị vàng
Sự sụp đổ của chế độ bản vị vàng
Bản vị vàng hay Gold Standard là một hệ thống tiền tệ trong đó giá trị của đơn vị tiền tệ tại các quốc gia khác nhau được đảm bảo bằng vàng (hay nói cách khác là được gắn trực tiếp với vàng.