Đoàn Hữu Trưng

Đoàn Hữu Trưng
段有徵
Tên húyĐoàn Trưng
Tên chữTử Hòa
Tên hiệuTrước Lâm
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên húy
Đoàn Trưng
Ngày sinh
1844
Nơi sinh
Thừa Thiên Huế
Mất
Ngày mất
1866
Nơi mất
Huế
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Đoàn Hổ
Thân mẫu
Hồ Thị Bốn
Phối ngẫu
Tống Thể Cúc
Nghề nghiệpnhà thơ
Quốc tịchĐại Nam
Thời kỳnhà Nguyễn

Đoàn Hữu Trưng (段有徵; 1844 - 1866) hay Đoàn Trưng (段徵[1]), tên trong gia phả là Đoàn Thái, tự Tử Hòa, hiệu Trước Lâm; là thủ lĩnh cuộc nổi dậy ngày 16 tháng 9 năm 1866 tại kinh thành Huế, nhằm lật đổ vua Tự Đức. Sự kiện mà sử nhà Nguyễn và người dân quen gọi là Loạn chày vôi hoặc Giặc chày vôi[2]

Xuất thân

[sửa | sửa mã nguồn]

Đoàn Trưng sinh năm Giáp Thìn (1844) tại làng An Truyền (dân gian gọi là làng Chuồn), huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên (nay là xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Theo Gia phả họ Đoàn ở làng an Truyền thì tổ tiên của Đoàn Trưng là người Thanh Hóa vào lập nghiệp ở An Truyền từ thời , đến Đoàn Trưng đã được tám đời.

Đoàn Trưng là con của ông Đoàn Hổ và bà Hồ Thị Bốn. Ông là con đầu của gia đình nghèo gồm 8 anh em: Đoàn Ái (Đoàn Hữu Ái), Đoàn Súy (Đoàn Tư Trực), Đoàn Thi, Đoàn Hào, Đoàn Khóa, Đoàn Thị Châu, Đoàn Thị Yến. Trong số này có ba người đã tham gia cuộc nổi dậy vào năm 1866, đó là: Đoàn Trưng, Đoàn Trực, Đoàn Ái[3].

Cuộc đời và sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Tuổi trẻ

[sửa | sửa mã nguồn]

Cha mất sớm, mẹ bị mù, đông em, nên từ thuở nhỏ ông đã phải làm lụng vất vả để nuôi em, nuôi mẹ. Dù vậy, vốn thông minh và ham học, ngay từ buổi ấy ông đã là người nổi tiếng hay chữ khắp vùng.

Vào một dịp Tết, nhờ một câu đối mà Đoàn Trưng và Đoàn Trực được Tuy Lý Vương Miên Trinh (18201897) cho vào học trong vương phủ [4] Từ đó, tài học của Đoàn Trưng có dịp vang lên chốn kinh thành. Năm Giáp Tý (1864), ông được Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (anh ruột Tuy Lý Vương), cũng vì quý tài, gả con gái đầu là Thể Cúc cho Đoàn Trưng, dù lúc ấy ông chưa đỗ đạt gì.

Lăng Tự Đức, tức Vạn Niên cơ.

Vua Tự Đức kế ngôi giữa lúc chế độ phong kiến đang bước vào giai đoạn suy yếu. Thực dân Pháp đang lấn chiếm nước Việt và nội bộ hoàng tộc cũng đang phân hóa [5]. Đoàn Trưng nhận thấy cần phải thay thế Tự Đức, và người được Đoàn Trưng cùng phe của ông chọn là Đinh Đạo[6] (con Hồng Bảo). Cho nên ở trong Ký Thưởng viên của cha vợ một thời gian, Đoàn Trưng xin ra ngoài ở riêng, để dễ dàng mưu sự...

Trước tiên, Đoàn Trưng cùng với Đoàn Trực, Đoàn Ái[7] Trương Trọng Hòa, Phạm Lương (ghi theo Đỗ Bang, Phạm Văn Sơn ghi Phạm Lương Thành) lập ra một thi xã gọi là Đông Sơn thi tửu hội, lấy rượu thơ bề ngoài mà bàn quốc sự bên trong, để che mắt quan quân triều đình. Sau hội chiêu nạp thêm một số quan lại, binh lính và sư sãi, như: Tôn Thất Cúc (hữu quân), Tôn Thất Giác (vệ úy), Bùi Văn Liệu (suất đội), Lê Văn Tề (lính vũ lâm), Nguyễn Văn Quí (nhà sư trụ trì chùa Long Quang, có chùa riêng là Pháp Vân, tức chùa Khoai, gần công trường Vạn Niên), Nguyễn Văn Viên (nhà sư),...

Và lực lượng chính của cuộc nổi dậy là khoảng ba ngàn binh trà trộn vào lực lượng xây lăng Tự Đức, một bộ phận nhỏ phu thợ và làm lụng để xây lăng cho vua.

Nổi dậy

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 9 năm Bính Dần (1866), Đoàn Hữu Trưng bàn với mẹ và vợ Đinh Đạo xin lập đàn chay cho Hồng Bảo để có cớ tập hợp lực lượng. Buổi lễ cúng kéo dài đến ngày thứ ba, khoảng 3 giờ sáng, ngày 16 tháng 9 năm 1866[8]

Kiều Oánh Mậu kể:

Đoàn Hữu Trưng dẫn đầu đoàn quân khởi nghĩa kéo sang công sở Vạn Niên. Đoàn Hữu Trưng tự xưng là tham tri bộ Công, ngồi trên chiếc võng điều có lọng che và lính hầu quạt theo lệnh vua để khám xét công trường. Bắt hai tên đốc công cay nghiệt là Nguyễn Văn Chất và Nguyễn Văn Xa, điều về kinh trị tội. Còn các binh phu hễ ai đang cầm chày giã vôi trong tay thì được đổi phiên về nghỉ. Binh phu nghe nói cả mừng đổ xô vào bắt thống chế Xa trói lại rồi vác chày vôi theo Trưng tiến về phía kinh thành...[9]

Riêng biện lý Chất ngẫu nhiên đêm hôm ấy lén về thành nên thoát nạn...

Tờ mờ sáng, nhờ Tôn Thất Cúc mở cửa nên đoàn quân nổi dậy nhanh chóng tiến vào Đại cung. Sau khi chém bị thương vệ úy Nguyễn Thịnh và chỉ huy sứ Phạm Viết Trang, quân nổi dậy tiến vào điện Cần Chánh. Đoàn Trưng còn đang tìm cửa Tấu Môn thì chưởng vệ long võ quân Hồ Oai xuất hiện. Thấy quân nổi dậy đông quá, Hồ Oai hoảng sợ chạy lui về cửa Càn Thành, nơi vua đang ngủ. Đoàn Trưng nhanh chóng đuổi theo rồi lia gươm qua khe cửa, chém mất tai phải của Hồ Oai, nhưng Hồ Oai vẫn ghì chặt cửa nên Đoàn Trưng không vào được.

Bắt không được vua, Đoàn Hữu Trưng cho tập trung quân tại sân Điện Thái Hòa (Hoàng thành Huế), sai Đoàn Tư Trực đến khám đường rước Đinh Đạo về tấn phong [10] Vì thế Hồ Oai đã kịp thời dẫn quân đến phản công. Hai bên đánh nhau một hồi rút cuộc anh em Trưng đều bị bắt sống...[11]

Thất bại

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuộc nổi dậy thất bại, ba anh em Đoàn Trưng, Đoàn Trực, Đoàn Ái bị xử lăng trì. Đoàn Thi bị án tử hình. Đoàn Khóa mất tích, Đoàn Hào chết, Đoàn Thị Châu bị kết án tù đày 20 năm sau mới về... Cả họ Đoàn bị đổi sang họ Đoạn, con cháu phải lưu tán, không được thi cử...

Vua Tự Đức cho tịch thu gia sản của Đoàn Trưng, chỉ để lại một phần nhỏ cho bà mẹ vì bà đã lớn tuổi lại bị mù. Thể Cúc, vợ Đoàn Trưng, nhờ trước ngày khởi sự, bà đã bị "đuổi" về nhà bố mẹ ruột vì tội "bất kính với mẹ chồng"[12] nên được miễn nghị, nhưng buộc cải sang họ mẹ (họ Tống) và phải đi tu...

Đoàn Hữu Trưng và Thể Cúc có một con trai tên là Ngáo. Vì quá nhỏ nên chưa xử, đưa cho người bà con đang ở rể trong phủ Tuy Lý vương nuôi. Khoảng 13 tuổi, Ngáo bỗng dưng mất tích.[13]

Cả gia đình Hồng Bảo gồm 8 người là Đinh Đạo (Ưng Đạo), Đinh Tự, Đinh Chuyên, Đinh Tương (đều là con Hồng Bảo), Thị Thụy (vợ Hồng Bảo, mẹ Đinh Đạo) và hai đứa con Đinh Đạo (một trai, một gái) đều bị xử giảo (treo cổ).

Tính ra khi Đoàn Hữu Trưng bị giết (Bính Dần [1866]), ông mới 22 tuổi.

Tác phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]

Sách Hợp tuyển thơ văn yêu nước cách mạng nửa sau thế kỷ XIX cho biết: Tác phẩm của Đoàn Hữu Trưng còn lại ngày nay là bài Trung nghĩa ca, sáng tác trong thời gian bị giam, theo thể lục bát, dài 498 câu, kể lại tường tận cuộc nổi dậy. Tuy còn nhiều hạn chế, bài ca đã phản ảnh sâu sắc cuộc đấu tranh mạnh mẽ của những người lao động đã vùng lên từ cuộc sống cực khổ ở công trường xây dựng Khiêm Lăng. Đồng thời bài ca cũng đã nghiêm khắc lên án triều đình tự Đức về cả hai mặt đối nội và đối ngoại.[14]

Trích:

Nỗi khổ cực:

Nhiều nơi phú trọng hình oan,
Binh kêu đói rách, dân van khó nghèo.
Tới thăm công sở Vạn niên
Lùa quân treo ngược vào miền núi non.
Đôi vai gánh nặng xương mòn
Mông trôn roi đánh nỏ còn mảnh da.
Lụn ngày cát đá xông pha
Cả đêm vôi quết chẳng tha canh nào.
Kẻ thời sức mỏi hơi hao,
Người thời mua lấy bệnh đau khôn lành.
Người thời quần áo nửa manh
Miệng thêm khát nước, dạ đành đói cơm
Phá tan một cõi trời Nam,
Xương xây thành kín máu làm hào sâu...

Trước nạn ngoại xâm:

Có đâu sóng dậy đất bằng,
Chẳng ai bắt được một thằng giặc Tây.
Bời vì lương tướng không hay
Khéo đem binh lính bỏ thây chiến trường.
...Chẳng ai vì nước đem lòng âu lo
Ngoài biên rối tựa tơ vò,
Xem trong triều sĩ như trò trẻ ranh.

Mục đích khởi sự:

...Trước toan thờ chúa, sau hòng an dân.
Trước tôn vua Thái thượng hoàng
Sau tôn ngũ đại đồng đường lên ngôi.
Trong trừ tà đạo cho thanh
Ngoài cùng Tây tặc tranh giành một phen...

Khí thế của quân khởi nghĩa:

Ba quân nghe nói đồng lòng
Khói lan sắc oán, sấm ầm tiếng dân...
Lệnh truyền sấm dậy gió theo
Khí lăn bổ núi, tiếng reo chật đường...[15]

Nhận xét

[sửa | sửa mã nguồn]

Đoàn Hữu Trưng, con một gia đình thường dân, mới 20 tuổi mà đã nổi tiếng hay chữ khắp vùng, nên dù chưa đỗ đạt gì; Tùng Thiện Vương là chú ruột của Tự Đức và là một ông hoàng hay chữ, vẫn đồng ý gả con gái và cho rể ở trong nhà...Đoàn Hữu Trưng thấy rất rõ con đường làm quan đã mở rộng thênh thang trước mặt mình, nhưng vốn có khí phách anh hùng, giàu lòng trắc ẩn, càng gần Tự Đức, ông càng thấy rõ bản chất của ông vua này...và càng quyết tâm lật đổ...[16].

Hiện nay ở thuộc phường An Phú, (Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) và phường Phước Vĩnh (Huế), Đà Nẵng, Đồng Hới đều có con đường mang tên Đoàn Hữu Trưng.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ s:Trang:Viet Nam Su Luoc.djvu/284
  2. ^ Lăng mộ xưa hay dùng ô dước (hay còn gọi là hợp chất) để xây dựng. Ô dước gồm ba thành phần chính: cát, vôi, chất kết dính. Trong đó, cát là loại cát sông mịn; vôi là vôi sống, vôi tôi, vỏ nghêu sò, san hô nghiền vụn; chất kết dính là nhựa cây ô dước, mật mía, mật ong, nhựa dây tơ hồng hoặc bời lời. Ngoài ra, còn có chất phụ gia như: than hoạt tính, đá ong nghiền vụn, giấy dó...Mỗi chất trên lại phải chế biến theo yêu cầu riêng. Như vôi phải là loại chưa nung, tức vớt lấy vỏ sò, hoặc san hô ở biển về để "tươi" như thế, bỏ vào cối bằng đá, dùng chày đẽo bằng gỗ lim là loại gỗ cứng như sắt (thiết mộc) để giã thật nát, thành bột gọi là "vôi sống" ("vôi chết" đã nung sẽ không dùng được vì thiếu độ quyện chặt với các chất khác). Việc sản xuất "vôi sống" quả là rất cực nhọc. Do lăng Tự Đức đồ sộ nên cần nguyên liệu này rất nhiều. Nhà khảo cổ lão thành Đỗ Đình Truật kết luận: Thợ giã vôi làm lăng do chịu đựng mưa nắng nhiều ngày và vì việc làm quá nặng nề nên đã dùng chày vôi (dụng cụ lao động) làm vũ khí, nổi dậy chống triều đình, bị tầng lớp quan lại gọi nôm na "giặc chày vôi" là vậy.
  3. ^ Theo Đỗ Bang còn có thêm Đoàn Thi, vì trong gia phả bản 4, tên bốn người này đều có ghi hai chữ can án bằng mực đỏ (Đoàn Hữu Trưng trong Danh nhân Bình Trị Thiên (tập 1). Nhà xuất bản Thuận Hóa, tr. 129).
  4. ^ Tuy Lý Vương cho treo ở trước phủ một quan tiền, một bầu rượu cùng một câu xướng với lời cáo rằng ai đối được sẽ được trọng thưởng. Qua nhiều ngày, nhiều kẻ sĩ đến đối lại, nhưng chẳng có câu nào được người xướng vừa lòng. Đến ngày 16 tháng Giêng, hai anh em là Đoàn Trưng và Đoàn Trực (lúc đó chừng 16-17 tuổi) từ làng lên kinh, đi ngang phủ Tuy Lý. Trông thấy câu đối, hai anh em không nói một lời nào, một người uống hết chai rượu, một người phân nửa tiền rồi đi. Nghe người gác cổng vào bẩm báo, Tuy Lý Vương cho mời hai anh em vào. Đoàn Trưng đọc ngay câu xướng và câu đối:
    Tửu trung bất ngữ chơn quân tử,
    Tài thượng phân minh thị trượng phu.
    Dịch nghĩa:
    Không nói khi đang uống rượu mới đúng là người quân tử,
    Tiền bạc sòng phẳng chính là kẻ trượng phu.
    Tâm đắc, Tuy Lý Vương thưởng vàng và còn cho cả hai đến học chung với các con ông (theo Đỗ Bang, tr. 131-132).
  5. ^ Trước cuộc nổi dậy của Đoàn Trưng, triều Tự Đức đã xảy ra hai sự kiện gây rạn vỡ lớn, đấy là vụ Hồng Bảo (1854) và vụ Hồng Tập (1864).
  6. ^ Lúc Đoàn Trương trương cao lá cờ đề Hoàng tôn nghĩa cử thì Đinh Đạo và ba em đang bị cầm tù. Sử gia Phạm Văn Sơn viết: Đinh Đạo sẵn tính thông minh, học rất tiến bộ, các môn nhâm độn, kỳ thư, môn nào cũng thông hiểu. Vẻ người lại đỉnh đạc, khiến ai cũng ưa nhìn. Đến năm Tự Đức thứ 17 (1864) nhân vì phát giác ra vụ án của tên nghịch Võ Tập nên lại phải giam vào ngục tối ở phủ Thừa Thiên. Đinh Đạo giam riêng một nơi...(sách ghi bên dưới, tr.24).
  7. ^ Đoàn Ái hay Đoàn Hữu Ái (? - 1866), một trong những nhân vật chính tham gia cuộc nổi dậy. Ông tự cạo đầu, đóng giả sư đến chùa Pháp Vân chỉ huy việc chế tạo khí giới, may cờ. Ngày 16 tháng 9 năm 1866, ông cùng Phạm Lương dẫn đầu một đạo quân đột nhập Điện Thái Hòa.
  8. ^ Đúng vào đêm hữu quân Tôn Thất Cúc trực đại nội và suất đội Bùi Văn Liệu đã có mặt ở công trường Vạn Niên để phối hợp. Ngày tháng ghi theo web Bách khoa toàn thư Việt Nam. Phạm Văn sơn, Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế đều ghi ngày âm lịch: đêm mồng 8 rạng mồng 9.
  9. ^ Đỗ Bang dẫn lại, tr. 147.
  10. ^ Đoàn Hữu Trưng truyền lệnh thu quân mà không cho quân truy đuổi và chiếm lĩnh những nơi trọng yếu, lại lo đem kiệu đi rước Đinh Đạo để làm lễ đăng quang là bỏ lỡ thời cơ, sơ hở về mặt chiến đấu, là tạo điều kiện cho Hồ Oai và các tướng lĩnh khác kịp thời tập họp binh lính, thị vệ để phản công. (theo Phạm Khắc Hòe, Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn. Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1986, tr. 67)
  11. ^ Lược kể theo Đỗ Bang. Phạm Văn Sơn và Bổn triều bạn nghịch liệt truyện của trường Viễn Đông Bác cổ, có khác một số chi tiết. Xem thêm Khởi nghĩa Đoàn Hữu Trưng.
  12. ^ Rất có thể đây chỉ là cái cớ, phòng khi cuộc nổi dậy thất bại, vợ và gia đình bên vợ ít liên lụy. (theo Đỗ Bang, sách dẫn bên dưới, tr. 137).
  13. ^ Theo Gia phả, bản I. Đỗ Bang dẫn lại, sách ghi bên dưới, tr. 152.
  14. ^ Theo Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, Tự điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, tr.174-175.
  15. ^ Theo Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ 19 (1858-1900), Nhà xuất bản Văn học, 1976.
  16. ^ Theo Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1986, tr. 64) do Phạm Khắc Hòe (1902-1995), nguyên Đổng lý Ngự tiền văn phòng triều Bảo Đại, biên soạn.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Đỗ Bang, Đoàn Hữu Trưng trong Danh nhân bình Trị Thiên, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1986 tr.127 - 154.
  • Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, quyển 5, tập thượng, Sài Gòn, 1962, tr 17 - 28.
  • Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật Việt Nam, Nhà xuất bản KHXH, 1992, tr.174 – 175.
  • Lê Văn Hảo, Huế giữa chúng ta, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1894, tr. 84 - 85.
  • Và các liên kết ngoài...

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Tuyển người giỏi không khó, tuyển người phù hợp mới khó
Tuyển người giỏi không khó, tuyển người phù hợp mới khó
Thông thường HM sẽ liệt kê các công việc (Trách nhiệm) của vị trí, dựa trên kinh nghiệm của cá nhân mình
Đấng tối cao Bellriver - Overlord
Đấng tối cao Bellriver - Overlord
Bellriver một trong những quân sư chiến lược gia trong hàng ngũ 41 Đấng Tối Cao của Đại Lăng Nazarick
Chongyun: Giải mã cuộc đời
Chongyun: Giải mã cuộc đời
Chắc ai cũng biết về Chongyun ngây thơ và đáng yêu này rồi
[Lôi Thần] Không về phe Thiên Lý và mục đích của
[Lôi Thần] Không về phe Thiên Lý và mục đích của "Lệnh truy nã Vision"
Chỉ cần dám ngăn cản tầm nhìn của vĩnh hằng, hay chỉ cần làm tổn thương người của Inazuma, thì sẽ trở thành kẻ thù của nàng